Thánh lễ thứ hai của Đức Thánh Cha tại Cuba

lễ 21

HOLGUÍN. Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người hãy hoán cải theo gương thánh Mát-thêu và hãy có lòng thương xót với những ai lầm lỡ. Đây là nội dung bài giảng trong thánh lễ thứ hai ĐTC cử hành tại Cuba.

Sáng thứ hai 21.09.2015, ĐTC đã rời thủ đô La Habana, bay đến thành phố Holguín, cách đó 700 cây số và đến nơi vào lúc 9h30. Holguín là thành phố đông dân thứ 3 ở Cuba, với 1 triệu rưỡi dân cư, được nhà thám hiểm García Holguín người Tây Ban Nha khai phá hồi năm 1454.

Tại Quảng trường cách mạng mang tên Calixto García Iniguez, vào lúc 10h30 , ĐTC đã cử hành thánh lễ, lễ kính thánh Mathêu Tông Đồ trước sự tham dự của hàng trăm ngàn tín hữu. Cho đến nay Quảng trường này chỉ được dùng vào các mục tiêu chính trị và xã hội, nhưng đây là lần đầu tiên một lễ nghi tôn giáo được cử hành tại đây.

Giảng trong thánh lễ, ĐTC nói:

“Chúng ta cử hành lễ thánh Mát-thêu tông đồ cũng là thánh sử. Chúng ta cử hành lịch sử của một cuộc hoán cải. Chính bản thân thánh nhân và Tin Mừng của Ngài, thuật lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ đã diễn ra như thế nào và nó đã ghi dấu trên cuộc đời Ngài ra sao. Chúng ta biết Mát-thêu là người thu thuế, có nghĩa là ông thu thuế của người Do Thái để nộp cho người Roma. Những người thu thuế đã bị coi thướng và còn bị xem là tội lỗi, vì điều này họ sống tách biệt và bị người khác khinh miệt. Đối với dân, họ là  những kẻ phản bội vì lấy của dân chúng mà cống nộp cho dân ngoại.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã dừng lại, và nhìn Mát-thêu chậm rãi chẳng chút vội vã. Ngài nhìn ông với con mắt thương xót; Ngài nhìn ông như chưa ai đã từng nhìn ông như thế. Và cái nhìn này đã mở toang con tim của ông, giải thoát ông, trao ban cho ông một hy vọng, một cuộc sống mới, như Gia-kêu, Bác-ti-mê, Maria Maddalena và Phê rô cũng như mỗi người trong chúng ta. Thậm chí kể cả khi chúng ta không dám ngước mắt lên Chúa, thì Ngài đã ghé mắt nhìn chúng ta trước.

Và đây cũng là lịch sử của cá nhân; như những người khác, mỗi người chúng ta có thể nói rằng: cả tôi cũng là tội nhân mà Đức Giêsu đã ghé mắt nhìn đến. Tình yêu của Ngài đi trước chúng ta, cái nhìn của Ngài dự đoán trước những nhu cầu của chúng ta. Ngài biết nhìn vượt xa những gì bên ngoài, ngay tại nơi tội lỗi, trong những thất bại và bất xứng. Ngài luôn nhìn xa hơn những phạm trù xã hội mà chúng ta bị chi phối. Ngài còn đi xa hơn khi nhìn thấy phẩm giá của người con, đôi khi bị vấy bẩn bởi tội lỗi nhưng luôn có đó nơi sâu thẳm tâm hồn của chúng ta. Ngài đã đến để tìm kiếm tất cả những ai cảm thấy bất xứng với Thiên Chúa, bất xứng với tha nhân. Chúng ta hãy để Đức Giêsu nhìn mình, hãy để cái nhìn của ngài dõi theo mọi nẻo đường của chúng ta, hãy để cái nhìn của Ngài mang lại cho chúng ta niềm vui và hy vọng.

Sau khi đã nhìn ông với lòng từ bi thương xót, Thiên Chúa đã nói với Mát-thêu: “hãy theo ta”. Sau cái nhìn là lời của Đức Giêsu. Sau tình yêu là sứ mạng. Và ông đã đứng dậy rồi đi theo Ngài. Cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu cùng với tình yêu thương xót của Ngài đã biến đổi ông; biến đổi nội tâm ông.

Cái nhìn của Đức Giêsu sản sinh một hoạt động sứ mạng, một sự phục vụ, một sự dâng hiến. Tình yêu của Ngài chữa lành tính thiển cận của chúng ta và thúc đẩy chúng ta mở rộng tầm nhìn, cũng như không dừng lại nơi vẻ bề ngoài và hình thức.

Đức Giêsu đi trước, hướng dẫn chúng ta, mở ra con đường và mời gọi chúng ta bước theo Ngài. Ngài mời chúng ta chậm rãi vượt qua những thành kiến và sự kháng cự với thay đổi của tha nhân và của chính bản thân mình. Chúa thách thức chúng ta ngày qua ngày: con có tin không? Con có tin là một người thu thuế có thể trở thành một người phục vụ hay không?.. Chúng ta hãy để cho Chúa nhìn chúng ta trong kinh nguyện, trong Thánh Lễ, trong việc xưng tội, trong các anh chị em của chúng ta, nhất là những người cảm thấy bị bỏ rơi và đơn độc nhất. Và chúng ta hãy học nhìn như Chúa nhìn chúng ta. Chúng ta hãy chia sẻ sự dịu dàng và từ bi của Chúa với các bệnh nhân, tù nhân, người già và những gia đình đang gặp khó khăn.

Cuối cùng, ĐTC khích lệ Giáo Hội Cuba: “Tôi biết cùng với nỗ lực và hy sinh Giáo Hội Cuba đang lao tác để mang lại cho tất cả, ngay cả trong những nơi chốn xa xôi nhất, lời và sự hiện diện của Đức Kitô. Tôi đặc biệt chú ý những sáng kiến của Giáo Hội Cuba có giá trị với “những ngôi nhà của sứ mệnh”, với sự thiếu thốn nhà thờ và linh mục, nhưng vẫn sẵn lòng cung cấp chỗ cho người dân cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, học Giáo lý và có được đời sống cộng đoàn. Đó là những dấu chỉ bé nhỏ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong các khu xóm của chúng ta và là một trợ lực thường ngày để lời thánh Phaolô tông đồ trở nên sống động: “Tôi khuyên bảo anh chị em hãy cư xử cho phù hợp với ơn gọi anh chị em đã nhận lãnh, với tất cả lòng khiêm tốn, dịu dàng, quảng đại, chịu đựng nhau trong tình yêu thương, quan tâm duy trì sự hiệp nhất nhờ mối dây hòa bình” (Ep 4,1-3).

Lược dịch từ bản Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai

Kiểm tra tương tự

“Chúng tôi là anh em trong Chúa”

  “You are mine” là bài hát dẫn chúng tôi vào bầu khí linh thao …

ĐTC Phanxicô: Căn tính và sứ mạng của Đại học Urbaniana là loan báo Tin Mừng

Sáng 30/8/2024, gặp gỡ các tham dự viên Đại hội ngoại thường của Bộ Loan …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *