Thánh Thể-nguồn đảm bảo sự sống đời đời (Lễ các đẳng linh hồn: Ga 6, 51-59)

gsttĐối với người Công Giáo, sự sống đời sau đang chờ đợi chúng ta ngay khi bước qua ngưỡng cửa của cái chết. Vì thế, chúng ta không xem chết là hết, là tận kết nhưng người đã khuất được xem là người qua đời, nghĩa là bước qua cuộc đời này để bước vào một cuộc sống khác. Để bước vào sự sống đời sau, tin mừng Gioan mà chúng ta lắng nghe trong thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, đòi hỏi chúng ta phải đón nhận bánh hằng sống là chính Chúa Giêsu.

Ngài tuyên bố rằng: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết”(Ga 6, 54). Theo ngôn ngữ của người Sêmít khi nói “thịt” là chỉ cả thân xác và chỉ cả toàn diện con người cụ thể, sống động đang có những mối tương quan với những người xung quanh. Do đó, khi mời gọi chúng ta đến “ăn thịt Ta và uống máu Ta”, nghĩa là Đức Giêsu mời gọi chúng ta “lãnh nhận bằng lòng tin toàn thể con người của Đức Kitô vào trong ta, một Đức Kitô bị hiến tế đã phục sinh vào vinh quang Cha, và đang ở bên Cha, đầy ắp Thần Khi, sức sống của Thiên Chúa, chứ không phải chỉ một phần, hay theo nghĩa y học thời nay, một thể xác (phân biệt với tinh thần hoặc linh hồn)” (x. Lm. Phêrô Hoàng Minh Tuấn, Đọc Tin mừng theo thánh Gioan, tập 3, NXB. Tôn giáo 2001, tr. 211). Và Ngài đã thực hiện lời hứa của mình trong cuộc khổ nạn khi hiến mạng để cứu chuộc nhân loại. Tin mừng Nhất Lãm cho biết nơi nhà Tiệc ly, chiều hôm trước ngày khổ nạn, Ngài cầm lấy bánh, bẻ ra cho các môn đệ ăn vì đó Mình Ngài sẽ bị nộp vì con người. Rồi Ngài cũng trao chén rượu cho họ uống và căn dặn đây là Máu Ngài sẽ đổ ra để cứu chuộc nhân loại. Có hồi tưởng những lời nói và việc làm này của Chúa Giêsu chúng ta mới hiểu hết ý nghĩa của Bánh Hằng Sống mà Ngài nói đến trong tin mừng Gioan mà chúng ta đang suy niệm. Mặt khác, với tác động của Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu không chỉ ban Thịt và Máu Ngài một lần trên thập giá năm xưa, Ngài còn tiếp tục việc ban Thịt và Máu Ngài vượt qua không gian và thời gian và tái diến mãi cho đến khi Ngài lại đến qua các Thánh lễ mỗi ngày.

Sở dĩ, bánh hằng sống mang lại sự sống đời đời vì Đức Giêsu đã hiến mạng mình để tiêu diệt tội lỗi và sự chết. Chính nhờ sự khổ nạn và phục sinh, Đức Giêsu đã chiến thắng tử thần và cái chết không còn đe dọa được Ngài nữa. Tuy nhiên, Đức Giêsu chỉ có thể trở thành Bánh Trường Sinh sau khi trải qua cuộc khổ nạn và phục sinh. Nói khác đi, “tấm bánh Giêsu” đã chịu “bẻ ra” để nên của ăn nuôi dưỡng biết bao con người. Như thế, để được sự sống đời đời, mỗi người tín hữu chúng ta cũng phải đi qua con đường thập giá như Đức Giêsu. Chỉ cần từ bỏ mình, chết đi cho con người cũ, vốn nô lệ cho thế gian, xác thịt, tội lỗi thì chúng ta đã thông phần khổ nạn với Đức Giêsu rồi. Xác tín điều đó, thánh Phaolô tông đồ đã nhắn nhủ các tín hữu Roma và cả chúng ta: “Con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị hủy diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lội nữa” (Rm 6, 6). Như thế, một khi chúng ta đóng đinh tính xác thịt và đam mê vào thánh giá của Chúa thì dù chúng ta không chết về phần thể lý, nhưng phần xấu xa, tội lỗi trong con người chúng ta sẽ bị tiêu diệt. Và khi đó một sức sống mới, vốn được nuôi dưỡng bằng dũng lực thần thiêng của Bàn tiệc Lời và Bàn tiệc Thánh Thể sẽ dâng tràn trong chúng ta. Như vậy, một khi chúng ta thực sự “ăn thịt và uống máu” Chúa Giêsu, ta sẽ được thông phần sự sống đời đời ngay trên dương thế này mà chẳng cần phải đợi đến đời sau.

Hôm nay, chúng ta dâng lễ để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Trong tháng cầu nguyện đặc biệt cho các linh hồn này, Giáo Hội mời gọi chúng ta làm nhiều việc đạo đức như viếng nhà thờ, thăm viếng nghĩa trang để được ơn đại xá mà chuyển cầu cho các linh hồn. Khi thực thi những việc đạo đức ấy chúng ta dễ lầm tưởng rằng tháng 11 này chỉ dành cho những người đã qua đời và chẳng can hệ gì đến chúng ta, những tín hữu còn đang sống. Tuy nhiên, để thực sự hưởng trọn vẹn ơn đại xá, thì có một việc hết sức quan trọng mà chúng ta cần phải làm: đó là việc xưng tội và rước lễ, nghĩa là chúng ta cần đóng đinh con người cũ và “ăn thịt” Chúa Giêsu.

Chúng ta cần lãnh nhận Thánh Thể để có được sự sống đời đời nơi chúng ta trước đã, để rồi sau đó, với mầu nhiệm các thánh thông công, chúng ta mới có thể chuyển cầu cho các linh hồn được như lời Chúa Giêsu đã hứa: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết.”

Do đó, hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho các đẳng linh hồn sẽ đặt cho chúng ta hàng loạt câu hỏi. Chẳng hạn như, chúng ta có ý thức nguồn cung cấp sự sống đời đời cho mình là Chúa Giêsu Thánh Thể không? Chúng ta có bắt chước Chúa Giêsu Thánh Thể để “bẻ bánh đời mình” cho tha nhân không? Chúng ta có để sức mạnh của Thánh Thể thanh lọc phần xấu xa và tội lỗi trong con người ngõ hầu sức sống của Thiên Chúa căng tràn trong chúng ta không? Chỉ khi trả lời “có” cho tất cả các câu hỏi trên, chúng ta mới thật “là những người được Thiên Chúa chúc phúc và xứng đáng bước lên lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho chúng ta từ khi tạo dựng vũ trụ” (x. Mt 25, 34).

Jos. Nguyễn Huy Mai

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 20-11-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 20/11/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Tất cả là hồng …

Mến Yêu Hằng Ngày, 20-11-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 4, 20-11-2024 (Lc 19,11-28) Khi dân chúng đang nghe những …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *