Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
Cầu nguyện là đề tài được Thánh Kinh cũng như các sách vở thiêng liêng thường xuyên nhắc tới. Các thánh nhân, các nhà thần học, ai ai cũng đều nêu bật vai trò quan trọng của cầu nguyện.
Nhưng thực tế cầu nguyện quan trọng như thế nào đối với người Ki-tô hữu?
Cầu nguyện đóng vai trò gì và có chỗ trong đời sống của người Ki-tô hữu không?
Cầu nguyện có phải là một thời gian lãng phí hay không?
Cầu nguyện là tâm sự với Thiên Chúa. Nghĩa là khi cầu nguyện, chúng ta bước ra khỏi cuộc độc thoại với chính mình (cái rốn của vũ trụ), để bước vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Đấng là nguồn của cuộc sống, Đấng là trung tâm điểm của cuộc sống chúng ta và của vũ trụ này. Như thế, khi cầu nguyện chúng ta đang sống đúng căn tính của người con cái Thiên Chúa. Vì thế, thật đáng lãng phí thời gian cho việc cầu nguyện!
Trong tâm tình đó, chúng ta cùng tâm tình với nhau về một vài nét của cầu nguyện.
Khi đón nhận bí tích rửa tội, chúng ta được rửa trong Ba Ngôi Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta được đưa vào sống trong mái nhà của Thiên Chúa Ba Ngôi. Một cuộc sống luôn có Chúa Ba Ngôi. Một cuộc sống hiệp thông với Ba Đấng. Nói khác đi, chúng ta luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi. Để ý chúng ta sẽ nhận ra sự sống động của tương quan cao cả nhưng rất dễ thương này: Mỗi lần vào nhà thờ chấm nước phép và làm dấu tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi lần bắt đầu bữa cơm và kết thúc bữa cơm. Mỗi lần đi máy bay và hơi sờ sợ….
Như thế, người Ki-tô hữu, người Công Giáo luôn là người sống gần gũi và thân tình với Thiên Chúa. Đời sống như vậy còn được gọi là đời sống cầu nguyện liên lỉ. Nếu chúng ta sống cầu nguyện liên lỉ như thế, thì cuộc sống của chúng ta sẽ khác đi, bình an và niềm vui bên Chúa luôn có trong chúng ta, dù chúng ta có phải bơi vào trong những “nhánh sông” nhiều hiểm nguy hay nhơ bẩn.
Vì thế, nên lãng phí thời gian cho cầu nguyện! Ôi thật đáng lãng phí thời gian để cầu nguyện với Chúa!
Nếu rơi vào trong những “khúc sông đen đủi” của cuộc đời, chúng ta lại tiếp tục bám chặt vào cái phao “cầu nguyện”. Câu truyện dễ thương của Áp-ra-ham đã nói cho chúng ta điều đó. Bám chặt vào Chúa, kêu gào với Người và “mặc cả” với Người nữa. Thiên Chúa giàu lòng xót thương không bao giờ bỏ rơi chúng ta, như lời Thánh Vịnh nói: “Lạy Chúa, ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại” (Tv 138,3). Thánh Phao-lô cũng nhắc nhớ chúng ta, những người đã được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người: “Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô : Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta” (Cl 2,13). Thiên Chúa giàu lòng xót thương luôn ở bên lắng nghe và đón nhận lời cầu xin của chúng ta. Người sẽ mở lời và mở đôi tay giàu lòng xót thương và quyền năng để cứu thoát chúng ta: “anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9).
Một lần có người phụ nữ đã chia sẻ về chính trải nghiệm cầu nguyện, dù lúc đó chị chưa phải là người Ki-tô hữu. Truyện kể rằng, trong tình yêu thương vợ chồng, chị được hồng phúc đón nhận một bào thai đầu tiên. Chị vui mừng khôn siết và chuẩn bị lo cho bào thai được lớn lên tốt đẹp. Nhưng không may, người chồng lại nghi ngờ vợ mình và đặt vấn nạn về chiếc bào thai này. Chị giải thích nhiều lần, nhưng sự nghi ngờ kia không hết mà mỗi ngày lại lớn hơn. Chị đau buồn và ngày càng thất vọng. Bào thai lớn dần làm cho bước chân chị nặng trĩu hơn cùng với tâm hồn nặng nề đeo đẳng. Tư tưởng “giữ lại bào thai này hay sẽ phá nó đi” loanh quanh luẩn quẩn trong đầu chị. Mỗi ngày từ hãng xưởng về nhà, nỗi buồn và tư tưởng kia lại chạy đến với chị. Trên con đường từ hãng xưởng về nhà, chị đi qua một nhà thờ. Tâm sự cùng ai và ai có thể hiểu được nỗi lòng của chị đây?
Một lần chị dừng bước trước hàng rào nhà thờ. Ngó vào và chị thấy tượng một người phụ nữ đang bế một Hài Nhi trên tay. Trước đây, chị nghe người Công Giáo thường nói đó là Đức Mẹ và chị chỉ biết vậy. Hôm nay với “cái biết” nhỏ bé đó, chị bỗng chợt thốt lên những lời tâm sự với Đức Mẹ mà chị chưa bao giờ quen biết. Lần tâm sự đầu tiên đó là một trải lòng thấm thía với những hàng nước mắt trào dâng. Hoa quả của lần tâm sự đó là sự an ủi sâu xa trong tâm hồn. Từ đó, mỗi ngày trên đường từ hãng về nhà, chị lại dành thời gian cho “cuộc hẹn dễ thương” này. Cuối cùng, chị đã được thúc đẩy gìn giữ thai nhi trong bụng, dù sau này cha em bé có công nhận em hay không. Sau khi sinh em ra, chị đã tri ân cảm tạ người phụ nữ kia. Nhưng tương quan đó đâu chỉ dừng lại tại chỗ đó. Vời thời gian trôi đi, chị đã tìm hiểu, học đạo và cùng với đứa con của mình, chị đã được đón nhận bí tích Rửa Tội. Hai mẹ con giờ đây trở thành những người con cái của Thiên Chúa.
Người Ki-tô hữu là ai? Người Ki-tô hữu là người không bao giờ buông bỏ lòng trông cậy vào Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương. Tin tưởng và luôn cầu nguyện với lòng thương xót của Thiên Chúa là bản chất chính yếu của người Ki-tô hữu.
Tác phẩm tâm linh “Chuyện người hành hương” mở đầu với đoạn: “Nhờ ơn sủng vô biên của Thiên Chúa, con được làm Kitô hữu, qua hành động của con, con là một kẻ vô cùng tội lỗi.
Hôm đó, ngày Chúa nhật thứ hai mươi bốn sau lễ Hiện Xuống, con tới nhà thờ, và trong thánh lễ, con dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của mình. Thư Thứ Nhất của Thánh Tông đồ Phaolô gởi tín hữu Thêxalônica được đọc lên và trong những lời ấy con nghe có câu: ‘Hãy cầu nguyện không ngừng’ (1Tx 5,17).
Một vị thánh hiền đã dạy con lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, xin thương xót con”. Người hành hương đã đưa lời cầu nguyện vào hành trình đời mình. “Mỗi nhịp đập bình thường của trái tim con như thể đang bắt đầu đập với từng tiếng từng lời của lời cầu nguyện ấy…Con không còn đọc lời đó trên môi nữa. Con chỉ còn biết chăm chú lắng nghe những lòng con đang nói”.
“Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, xin thương xót con”. Phúc thay những ai trung kiên bám chặt vào lòng thương xót của Thiên Chúa, dù dòng chảy của khúc sông cuộc đời có mạnh mẽ và có nhiều cơn xoáy đang manh nha cuốn mất chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ quên chúng ta và Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Thánh Biển Đức đã nhắc nhớ: “Anh em đừng bao giờ tuyệt vọng về lòng thương xót của Thiên Chúa” .
Trong tâm tình luôn tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, người Ki-tô hữu ý thức rằng: Thật đáng lãng phí thời gian cho cầu nguyện! Ôi thật đáng lãng phí thời gian để cầu nguyện với Chúa: “Lạy Cha, con phó thác toàn thân con cho Cha. Xin Cha cứ sử dụng con như Cha muốn. Bất cứ sự gì Cha làm, con xin cám ơn Cha. Con sẵn sàng đón nhận tất cả và chấp nhận tất cả” (Chân phước Charles de Foucauld).
Sống trong lòng thương xót và trong sự hiện diện gần gũi với Thiên Chúa, người Ki-tô hữu là người cầu nguyện, bước vào hành trình “gạn đục khơi trong” cho đời sống tâm linh, đời sống Đức Tin và đời sống thường nhật của mình.
“Nếu là một chậu nước đục, ta cứ để yên dưới sức nóng của mặt trời một thời gian thì những cặn bã sẽ lắng xuống đáy chậu và phần trên sẽ là nước trong. Đời sống kitô hữu của bạn cũng tương tự như thế: nó sẽ được gạn lọc trong lành dần dần trong sự cầu nguyện và dưới cái nhìn của Thiên Chúa. Nếu bạn trung thành sống dưới ánh sáng Phúc âm thì những khuynh hướng đã đâm rễ sâu trong con tim bạn sẽ được rọi chiếu và bạn nhận diện được chướng ngại vật cản trở tác động của Thiên Chúa ở trong bạn”. Lời của cha Jean Lafrance SJ. được trích từ tác phẩm “Cầu nguyện với Chúa trong thầm lặng” giúp cho chúng ta nhận ra được ý nghĩa tiếp theo của việc cầu nguyện. Đó là “gạn đục khơi trong”.
Thế nào là “gạn đục khơi trong” và là người Ki-tô hữu chúng ta có cần chú ý và cần trau dồi để có khả năng biết “gạn đục khơi trong” không?
Trong Truyện Kiều có câu: “Thân tàn, gạn đục khơi trong, Là nhờ quân tử khác lòng người ta”.
Như thế, gạn đục khơi trong là một hành động đầy ý thức và khôn ngoan, nghĩa là người biết gạn đục khơi trong là người biết chọn lọc để loại bỏ hết đi cái không hay, cái xấu, và chỉ giữ lại và phát huy cái hay, cái tốt, cái tinh hoa giúp thăng tiến cuộc sống làm người.
Trong ý nghĩa của linh đạo Ki-tô giáo, chúng ta có thể nói rằng: Gạn đục khơi trong là hành động của phân định thiêng liêng, mà thánh I-nhã thành Loyola là một trong những vị đã chú ý đến.
Là Ki-tô hữu cũng là người bươn chải trong cuộc đời, cũng phải vật lộn với biết bao cơn sóng, đôi khi phải bơi vào cả những nơi mà nguồn nước bị ô uế bởi biết bao nhiêu thứ rác rưởi. Làm sao vẫn giữ được căn tính Ki-tô hữu ngay trong “khúc sông” nhơ bẩn đây?
“Gạn đục khơi trong” chính là điều mà người Ki-tô hữu cần có. Nhưng làm sao để có thể có được khả năng này? Cầu nguyện và cầu nguyện. Thật vậy, trong cầu nguyện chúng ta cùng trình bày với Chúa về hoàn cảnh chúng ta đang gặp phải “ở giữa khúc sông nhơ bẩn”, chúng ta tâm sự với Người về những “thứ rác rưởi nào đang trôi và đang bám vào chúng ta”, và có nguy cơ chúng làm cho chúng ta phải “mang bệnh”, phải chịu ảnh hưởng bởi những mùi hôi thối của chúng.
Chúng ta cùng hỏi Chúa xem, chúng ta phải làm gì hay có thái độ nào đối với hoàn cảnh và với những điều tiêu cực đang vây quanh chúng ta, đôi khi chúng đang ở trong chính chiều sâu tâm hồn của chúng ta. Thiên Chúa chắc chắn sẽ vui mừng khi Người được chúng ta tâm sự, khi chúng ta mời Người vào hành trình “gạn đục khơi trong” này.
Đáp lời chúng ta, Thiên Chúa sẽ ban Thánh Thần của Người, để chính. Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao” (Lc 11,13).
Như thế, “gạn đục khơi trong” là hành trình cầu nguyện phân định thiêng liêng, để chúng ta, những người Ki-tô hữu có thể nhận ra được thánh ý và tiếng nói của Thiên Chúa giữa bao âm thanh và ý muốn khác đang bao bọc xung quanh, đang vang lên và lôi kéo, hầu đưa người Ki-tô hữu ra xa khỏi Thiên Chúa.
Trong tiến trình phân định thiêng liêng, khi nhận ra được tiếng nói và thánh ý của Thiên Chúa, người Ki-tô hữu khiêm tốn và ý thức xin Chúa ban cho ơn biết “xin vâng”, để bước theo hành trình Chúa Thánh Thần hướng dẫn, như Mẹ Maria ngày xưa.
Nhờ đó, với lương thực là “thánh ý Thiên Chúa”, người Ki-tô hữu bước vào hành trình trở nên con cái đích thật của Thiên Chúa, những người con sống dưới sự hướng dẫn của Thần Khí Thiên Chúa.
Trong tâm tình luôn tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, cũng như luôn ý thức mở lòng đón nhận món quà cao quý Thiên Chúa ban, là chính Chúa Thánh Thần, người Ki-tô hữu ý thức rằng: Ôi thật đáng để lãng phí thời gian cho việc cầu nguyện với Chúa Thánh Thần:
“Xin chiếu ánh sáng vào các giác quan của chúng con,
đổ tình yêu vào trái tim chúng con.
Xin ban cho thân xác yếu đuối của chúng con được mạnh sức,
để chúng con không bao giờ mệt mỏi làm điều tốt lành.
Xin đuổi kẻ thù xa chúng con, và ban cho chúng con bình an luôn mãi;
Xin cho chúng con luôn sẵn lòng theo những dấu chân Chúa,
để chúng con xa lìa con đường sự dữ.
Xin ban cho chúng con qua Ngài được lớn lên trong hiểu biết Chúa Cha và Chúa con,
và để chúng con tin mạnh mẽ vào Ngài hơn bao giờ hết”.
Thật đáng lãng phí thời gian cho cầu nguyện!
Ai ý thức muốn gìn giữ căn tính của mình là Ki-tô hữu, là người Công Giáo, thì luôn sẵn sàng lãng phí thời giờ cho việc cầu nguyện.
Ai ý thức và khôn ngoan bám chặt vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót, thì luôn sẵn sàng và vui mừng lãng phí thời giờ cho việc cầu nguyện.
Ai ý thức, khôn ngoan hơn nữa để xin Chúa hướng dẫn mình trong hành trình cuộc đời nhiều bóng đêm và ánh sáng lẫn lộn, thì luôn sẵn sàng và vui mừng cùng chú tâm lãng phí thời giờ mỗi ngày cho việc cầu nguyện.
Cầu nguyện là hơi thở cuả người Ki-tô hữu.
Cầu nguyện làm nên người Ki-tô hữu đích thật.
Cầu nguyện là khoảnh khắc hạnh phúc trên mọi hạnh phúc,
vì cầu nguyện đưa người Ki-tô hữu vào trong cuộc sống thân mật, gần gũi bên Chúa.
Người Ki-tô hữu cầu nguyện là người luôn ngồi, đứng, đi và di chuyển trong sự hiện diện của Thiên Chúa giàu lòng xót thương.
Anh chị em thân mến, đừng bao giờ quên nhé:
Thật đáng lãng phí thời gian cho cầu nguyện!