Thấy mọi sự đều mới trong Đức Kitô

Iñigo Lopez de Loyola (thánh Inhaxio Loyola, tổ phụ dòng Tên) không phải là một vị thánh từ thuở mới sinh. Vốn tính tình ương bướng và đầy tham vọng, ngay từ nhỏ, Iñigo đã không từ khước bất cứ một thủ đoạn nào để mong có được một chỗ đứng vững chắc trong xã hội cũng như trong triều đình. Thế nhưng, ngài luôn phải nhận lấy những thất bại dù rất tài năng và có nhiều nỗ lực. Dù vậy, lòng ngạo mạn và thèm khát quyền cao chức trọng là những điều luôn sôi sục trong tâm trí chàng thanh niên này. Để rồi, trong một cuộc chiến không cân sức với quân đội Pháp vốn được trang bị vũ khí mạnh mẽ và tối tân, chàng đã bị một viên đại bác bắn vào chân. Chàng ngã xuống cùng với tất cả sự kiêu hãnh và tham vọng của mình. Ngày 20.5.1521 được xem là một ngày vô cùng ý nghĩa, không chỉ đối với Iñigo nói riêng mà còn đối với nhiều người khác, bởi lẽ, dưới cái nhìn đức tin, ngày đó khởi đầu cho một cái gì đó mới đang từ từ chớm nở. Không có ngày này, cũng sẽ chẳng có những phút giây trầm mặc suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống trên giường bệnh của Iñigo, không có ước ao tìm một hướng đi khác của chàng, không có những đêm tối thiêng liêng, không có khao khát phụng sự Chúa… và hiển nhiên, cũng sẽ không có Linh Thao, không có một tổ chức được gọi là Dòng Tên.

Chẳng ai thích nói về thất bại, nhưng nếu là một sự thất bại để dẫn đến sự khởi đầu có tầm ảnh hưởng rộng lớn, thì nó đáng được trân trọng, nếu không muốn nói là phải có nó, mới có ngày hôm nay. Đã 500 năm trôi qua, biến cố “té ngã” này của Inhã vẫn còn như nguyên vẹn trong tâm thức của những ai yêu mến và đi theo linh đạo của ngài, đặc biệt là những tu sĩ dòng Tên (các Giêsu hữu). Cho đến nay, dù muốn dù không, những người có hiểu biết đều phải thừa nhận rằng linh đạo Inhã có một sức ảnh hưởng rộng rãi, làm thay đổi cho đời sống của Giáo Hội, cũng như cho con người mọi thời đại. Bởi vậy, người ta biết ơn biến cố Pamplona, vì nhờ nó mà một con đường mới trong đời sống thiêng liêng được khai sinh. Tuy vậy, Pamplona không được vinh danh trong chính nó, mà chỉ là điểm khởi cho những cuộc hoán cải tiệm tiến về sau của thánh Inhã. Trong đó, không thể không nói đến một vài biến cố nổi bật như khoảnh khắc ngài được những cuốn sách thiêng liêng của người chị dâu[1] đánh động, những kinh nghiệm đầu tiên về phân định thần loại, các thị kiến nhận được, biến cố La Storta và nhiều điều khác nữa…

Khi tưởng nhớ lại biến cố “té ngã Pamplona” này, các Giêsu hữu – trong tâm tình tạ ơn Chúa – vẫn không ngừng tự hỏi bản thân về yếu tố đã đóng vai trò then chốt trong cuộc hoán cải của riêng thánh Inhã và không chỉ thế, khơi mào cho cảm thức tông đồ của ngài, để rồi với sự dẫn dắt tài tình của Chúa, hình thành nên một dòng tu lấy sứ mạng làm nền tảng. Hay nói cách khác, đâu chính là điều đã làm nên một cuộc hoán cải thật sự của thánh nhân, đánh dấu một cộc mốc quan trọng, biến ngài thành một con người hoàn toàn mới? Từ bao giờ mà Inhã không còn là Iñigo của danh vọng và thế tục, suy nghĩ nông cạn, bồng bột, chỉ biết suy nghĩ cho bản thân, loay hoay trong những dằn vặt về quá khứ và lo lắng về tương lai… nhưng đã trở thành một con người mới, có một cái nhìn, thái độ mới, sống tự do thanh thoát, một con người liên lỉ bỏ mình và chỉ khao khát tìm kiếm Chúa vì chính Ngài chứ không phải vì bất cứ điều gì khác?

Có lẽ nhiều người sẽ đồng ý với ý kiến cho rằng đó là lúc mà trí hiểu của cha được soi sáng theo một cách thức đến nỗi “dường như cha trở nên như một con người khác và có được một trí khôn khác với trí khôn mà cha đã có trước đây”, theo như lời bình của cha L.G. da Câmara về cái được gọi là ơn soi sáng Cardoner[2] của thánh Inhã. Nói về kinh nghiệm này, chính thánh Inhã đã mô tả rằng: “… đang khi ngồi ở đó, con mắt trí hiểu của ông ta [thánh Inhã] bắt đầu mở ra. Không phải là ông thấy một thị kiến, nhưng ông ta thấu hiểu và nhận biết vô số điều, cả những điều thiêng liêng lẫn những điều liên quan đến đức tin và phong hoá, và điều đó xảy ra với một sự soi sáng lớn lao đến nỗi tất cả những điều này có vẻ mới mẻ đối với ông”. Cũng theo lời thánh nhân, những soi sáng này phi thường đến nỗi “trong tất cả cuộc đời, cho đến sáu mươi hai năm đã qua, nếu ông tập hợp lại tất cả những sự trợ giúp mà ông đã nhận được từ Thiên Chúa và tất cả những sự việc mà ông đã biết được, dù cộng chung lại với nhau, dường như đối với ông cũng không bằng điều ông lãnh nhận được từ một lần duy nhất này.” (Tự Thuật (TT) 30).

Inhã đã được Chúa ban ơn để “nhìn thấy mọi sự đều mới trong Đức Kitô”, và ngài đã lan toả nó cho nhóm bạn đầu tiên cũng như cho những ai muốn chung chia lý tưởng phục vụ Chúa Giêsu vác thập giá của ngài. Thị kiến La Storta[3] – thành quả của chiều sâu thiêng liêng và hơn nữa, là sự xác chuẩn của Thiên Chúa cho dự tính tông đồ của cả nhóm bạn – có lẽ cũng sẽ không có, nếu không có khởi điểm này ở Cardoner. Quả vậy, sẽ là vô nghĩa tất cả những gì Inhã và con cái của ngài cố gắng thực thi, nếu chỉ dừng lại ở những điều bên ngoài, những thành quả xã hội mà bất cứ tổ chức dân sự nào cũng có thể làm được, thậm chí còn có thể làm tốt hơn. “Cái nhìn mới về thế giới” vừa là khởi điểm giúp các Giêsu hữu bắt đầu sứ mạng, vừa là ánh sáng giúp họ thấy phải đi theo hướng nào, đồng thời cũng là năng lượng giúp hâm nóng lại động cơ tông đồ của họ trong những lúc gặp gian nan thử thách.

Con người cũ trong một định hướng mới

Từ lúc 15 tuổi, cậu Iñigo đã đến nhà Thống đốc Ngân khố Hoàng gia Juan Velásquez de Cuélla ở Avévalo làm tiểu đồng.[4] Tại đây, ngài được huấn luyện theo kiểu làm quan chức, tìm hiểu và sống cuộc sống danh giá của triều đình. Điều này chắc chắn đã ảnh hưởng không ít đến suy nghĩ của cậu: mơ làm hiệp sĩ với những chiến công để chinh phục những người phụ nữ đẹp, chăm sóc móng tay cẩn thận, chải chuốc cho bộ tóc của mình và cư xử kiểu anh hùng với lòng dũng cảm, hào phóng như trong các cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp.[5] Chính Inhã cũng đã khẳng định như thế, rằng “kẻ ấy chỉ mải mê với những chuyện phù phiếm thế gian, đặc biệt là ham mê võ nghệ, với ước ao mãnh liệt và phù phiếm là được nổi tiếng” (TT, 1).

Tính anh hùng của Inhã có thể thấy rõ ở trận chiến Pamplona, dù đang trong thế đường cùng, toàn bộ đoàn quân đã rút quân chỉ còn một toán hiệp sĩ nhỏ. Họ “nhất chí đầu hàng hòng thoát chết”, nhưng Inhaxio nhất quyết không chịu đầu hàng và đã cố thuyết phục mọi người và vị chỉ huy để cố thủ, thậm chí là tử thủ. Ở đây chúng ta có thể nhìn thấy suytính của ngài: nếu thắng thì sẽ được đạt đến danh vọng lớn như ngài hằng mong ước vì công lao đóng góp của ngài, nếu chết thì cũng được khen ngợi là anh hùng, là hiệp sĩ trung thành với triều đình, để lại danh thơm tiếng tốt. Nhưng như chúng ta đã biết, dự tính đó của ngài đã không thành, khi ngài bị một viên đại bác làm gãy chân. Dưỡng thương ở Loyola, tính khí mạnh mẽ của ngài được bộc lộ rõ nét qua những lần khăng khăng muốn được “làm thịt” để có thể đi đứng như người bình thường, tránh các dị tật do vết thương gây ra. May mắn là tất cả đều diễn ra tốt đẹp.

Sự thay đổi trong nhận thức của Inhã bắt đầu xảy đến khi ngài muốn đọc những cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp, nhưng vì trong nhà không có nên đành phải đọc cuốn Cuộc Đời Đức Kitô và Cuộc Đời các Thánh. Hai cuốn sách này đã thu hút Inhã, làm cho ngài nghĩ đến những điều thánh thiện như đi hành hương Giêrusalem, ăn rau cỏ hay khổ chế, thậm chí là bắt chước các thánh. Xen kẽ với những điều này là những ham mê, sở thích của đời sống cũ. Một tia sáng thiêng liêng bất chợt xuất hiện: ngài dần dần ngộ ra cái cảm giác trống rỗng khi nghĩ về lối sống trước kia và niềm vui kéo dài khi nghĩ đến việc sẽ noi theo đời sống của các thánh (TT, 8), thậm chí là ước ao muốn vào đan viện để không ai biết mình nhằm hãm mình đền tội, tự do thể hiện sự thù ghét đối với bản thân (TT, 9-12). Trong nội tâm Inhã đã có một sự chuyển biến nho nhỏ nào đó: thay vì tìm kiếm những sự thế gian (công danh, bổng lộc, tiểu thư…), ông bắt đầu nghĩ đến những điều thiêng liêng (ăn chay, hãm mình, đền tội…). Xem như cũng là một dấu hiệu tích cực, nhưng đó có thật sự là một cuộc hoán cải đúng nghĩa?

Khi xác định mình sẽ làm những gì các thánh làm, Inhã dường như muốn nuôi mộng tưởng rằng mình cũng phải là một vị thánh trong tương lai nhờ thực thi những gì các thánh đã làm. Inhã vốn là người rất tin vào bản lĩnh và khả năng của mình. Đã quyết điều gì là phải làm đến cùng. Khi hoàn toàn bình phục, Inhã đã thực thi những gì ngài dự tính không chút do dự, bất chấp những lời cản ngăn của người anh. Ngài đã dốc toàn lực để rèn luyện nhân đức, bắt chước những gì các thánh đã làm, thậm chí còn muốn làm hơn thế nữa, để làm vui lòng Chúa (TT, 14). Trong thời gian ở Manrêsa, ngài cố gắng giữ những kỷ luật rất khắt khe: ăn xin và ăn chay, đánh tội, sống ở nhờ trong bệnh viện và làm phục dịch ở đây để trả ơn, bắt chước các thánh ẩn tu: không chăm sóc móng tay hay tóc như trước nhưng để chúng mọc dài, xưng tội rước lễ mỗi Chúa Nhật (điều mà thời ấy coi là lạ thường, khi người dân chỉ xưng tội rước lễ một năm một lần), tham dự thánh lễ và đọc kinh mỗi ngày, cầu nguyện bảy giờ mỗi ngày, kèm theo nửa đêm (TT, 19-23). Cứ tưởng đó là những khao khát thánh thiện, nhưng Inhã đã lầm. Chính kinh nghiệm về bối rối, tối tăm trong lòng đã dạy cho Inhã một bài học đắc giá. Không gì và không một ai có thể giúp ông thoát ra khỏi tình cảnh bi đát này. Càng dùng lý trí để tập nhân đức, Inhã càng thấy mình rơi vào khủng hoảng đến độ muốn tìm đến cái chết. Inhã đã tìm mọi cách để giải thoát mình, kể cả nhịn đói cho tới khi nhận được ơn, không ăn uống đến khi gần chết thì sẽ xin bánh mà ăn vẫn không giúp ích gì (TT, 24-25).

Sự “cao ngạo thiêng liêng” đã đẩy Inhã đến đường cùng. Không còn lối thoát nào khác, Inhã phải ngước lên Chúa, thừa nhận sự yếu đuối của mình: “Lạy Chúa, xin cứu vớt con… Nếu con nghĩ rằng có thể làm được, thì không có một sự khổ cực nào lại quá sức đối với con …, dù cần phải theo một con chó nhỏ để nó cho con phương thuốc chữa trị, con cũng đi theo.” (TT, 23). Trong hành trình mới, Inhã đã rất cố gắng. Ngài không hề lười biếng, trễ nải trong những bổn phận thiêng liêng. Ngài rất kỷ luật bản thân, không hề nuông chìu thể xác. Ngài đã dứt khoát từ bỏ thân phận cao quý, sống khắc khổ, nhiệm nhặt. Ngài cũng rất siêng năng trong cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, mở lòng với cha giải tội… Nhưng tất cả những điều này không phải là điều cốt yếu của đời sống thiêng liêng, tự nó không có giá trị tốt đẹp nào để theo đuổi nếu không được đặt trên một sự khiêm nhường đích thực trong tương quan với Chúa, nghĩa là một sự bỏ mình bên trong, bỏ đi cái tôi, tính duy ý chí và để cho Chúa hướng dẫn mình bằng ân sủng của Ngài.

Đến đây, Inhã mới nhận ra được rằng cho đến khi nào mình chưa trở thành “học trò” đúng nghĩa của “người thầy” là Thiên Chúa, thì không thể được Người dạy cho con đường thiêng liêng. Đến với Chúa, người ta không thể chỉ dùng “lý trí” mà đạt được; trái lại, càng buông mình trong niềm tín thác, thì lại càng “thấu hiểu” nhiều điều hơn về Người. Quả vậy, nơi bờ sông Cardoner, chính Thiên Chúa đã dạy cho cậu học trò cứng cỏi Inhã một bài học, làm cho ngài thấy “mọi sự đều như mới mẻ”. “Chính kiến thức về Thiên Chúa đã làm nên sự thay đổi tận căn nơi cuộc đời Inhã, cho bản thân lẫn cho những người khác, ngài tìm kiếm loại tri thức về Thiên Chúa làm nảy sinh lòng yêu mến và đem lại lối sống theo sát Đức Giêsu hơn”[6].

Ơn mà Inhã lãnh nhận được tại bờ sông Cardoner rõ ràng đã để lại trong ngài một sự thay đổi lớn lao. Chúng ta không biết được “nội dung” của sự soi sáng ấy, chỉ biết được nó đã ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ và cung cách sống của Inhã từ này về sau. Có thể nói, từ đây, cuộc đời của Inhã như bước sang trang mới, bởi lẽ chính nó đã đánh dấu cho một sự biến đổi ngoạn mục bên trong của Inhã, khiến cho ngài thật sự lột xác.

(còn tiếp)

[1] Tiểu thư Magdalena de Araoz, vợ của người anh thứ hai của thánh Inhã (Martin Garcia). Đó là hai cuốn sách “Vida de Cristo” của Ludolphe de Saxe và “Flos Sanctorum” của Jacques de Vogarine.

[2] Con sông (suối) nhỏ tại Manrêsa – Tây Ban Nha.

[3] x. TT 96. La Storta là một thành phố nhỏ cách Roma khoảng 16 km.

[4] Từ chiến thắng Béotibar năm 1321, dòng họ Loyola có đặc ân là được gởi một người con trai đến thụ huấn tại lâu đài của một trong những quan chức cao cấp nhất của triều đình. Thân sinh Inigo quen biết với Don Juan, chủ nhân của Hoàng Cung Arevalo, và chàng đã được gửi đến đây để học vào năm 1506 (x. Hoàng Sóc Sơn, Thánh Inhã – Tự do để yêu mến và phục vụ, sđd, tr 3, 40).

[5] x. Andre Ravier, SJ, Thánh Inhã: Con người và sứ điệp, phần V, tr. 3-5

[6] X. David Lonsdale, Chiêm ngắm và lắng nghe –Đường vào linh đạo Inhã, (nguyên tác: Eye to see, Ears to hear-An Introduction to Ignatian Spirituality), tr.68.

Kiểm tra tương tự

Năm Thánh, lịch sử và nguồn gốc từ Thánh Kinh

  Trên tờ L’Osservatore Romano, Đức hồng y Ravasi, học giả Kinh Thánh, truy tầm …

App Hành hương Dòng Tên có phiên bản tiếng Việt

App Hành hương Dòng Tên (Jesuit Pilgrimage), được phát hành từ cuối năm 2022 để …

Một bình luận

  1. Cảm ơn tác giả, bài viết thật giá trị cho tôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *