Từ khi còn trẻ, chàng thanh niên Karol Wojtyła đã bị cuốn hút vào lĩnh vực sân khấu như là một diễn viên và nhà viết kịch. Để rồi từ đó, thế giới kịch nghệ này đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời và triều đại giáo hoàng của ngài.
Khi được bầu làm Giáo hoàng vào tháng 10 năm 1978, ngài đã ngay lập tức chiếm được cảm tình của toàn Giáo hội nhờ vào phong thái thẳng thắn và thân thiện của mình. Một số người nhớ lại khoảnh khắc Đức Thánh Cha xuất hiện trên ban công của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, dang rộng vòng tay đầy tự tin, dùng tiếng Ý lưu loát để chào các tín hữu, sau đó ban phép lành bằng tiếng Latin rõ ràng. Đức Gioan Phaolô II đã học cách kết nối với đám đông này ở đâu? Ngài đã học ở đâu để phát biểu như thể ngài đang nói riêng với từng tín hữu, thường là bằng tiếng mẹ đẻ của họ? Và rồi sức tập trung phi thường của ngài khi ở trước hàng bao nhiêu ống kính dõi theo từng cử chỉ, hành động và cũng như trong các buổi phụng vụ với hàng triệu người tham dự thì sao?
Ở cấp độ siêu nhiên, sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần chắc chắn là quan trọng nhất. Ở cấp độ thuần túy của con người, khả năng làm chủ các sự kiện diễn ra trước công chúng của cha Wojtyła có mối liên hệ nhất định với những trải nghiệm sân khấu thời trẻ của ngài. Đức Giáo hoàng từng là một diễn viên. Ngài đã viết sáu vở kịch: David (1939), Job (1940), Jeremiah (1940), Our God’s Brother (1950), The Jeweller’s Shop (1960), và Radiation of Fatherhood (1964). Trong suốt cuộc đời của mình, ngài còn xuất bản thơ. Nhờ sự kết hiệp sâu sắc với sức mạnh và sắc thái của lời nói, nghệ thuật sân khấu và thơ ca không chỉ dạy cho vị giáo hoàng tương lai kỹ năng nói trước đám đông mà dường như còn dẫn đường cho ngài đến trước ngưỡng cửa thần học mặc dù điều này có thể bị chất vấn.
Giám đốc nhà hát Kazimierz Braun (có râu, bên trái) và con gái ông, tác giả Justyna Braun (được ĐGH đặt tay lên đầu) trong buổi tiếp kiến với Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Xem THƯ VIỆN ẢNH ở cuối bài viết này để tìm hiểu thêm về sự tham gia của Thánh Gioan Phaolô II vào nghệ thuật sân khấu và kinh nghiệm đó đã hình thành nên con người ngài như thế nào.
Lớn lên trong nghệ thuật
Kinh nghiệm sân khấu của cha Karol Wojtyła bắt đầu từ tuổi thiếu niên. Ngài biểu diễn trong các vở kịch học đường ở quê hương Wadowice, hầu như luôn đóng vai nam chính. Cũng tại Wadowice, ngài đã gặp người hướng dẫn của mình là Mieczysław Kotlarczyk, một giáo viên trung học và nhà phê bình sân khấu. Ông đã khuyến khích niềm đam mê văn học, triết học và kịch của chàng trai trẻ. Với năng khiếu về khoa học nhân văn, cha Wojtyła theo đuổi ngành văn học tại trường đại học ở Kraków.
Một năm sau đó, Thế chiến thứ hai nổ ra. Sau khi Đức phát động cuộc xâm lược Ba Lan từ phía Tây vào ngày 1 tháng 9 năm 1939, Liên Xô đã tiến vào Ba Lan từ biên giới phía Đông khoảng hai tuần sau đó. Hai cường quốc lần lượt sáp nhập những vùng đất rộng lớn ở phía Tây và phía Đông Ba Lan. Các khu vực gần Đức nhất được sáp nhập vào Đế chế thứ ba (Third Reich), trong khi các vùng lãnh thổ ở miền trung Ba Lan được đổi tên thành Chính quyền chung (General Goverment) và đặt dưới sự kiểm soát của Đức Quốc xã (Nazi). Các biện pháp đàn áp đã vượt ra ngoài phạm vi xâm lược quân sự, kiểm soát mọi lĩnh vực của đời sống. Chính quyền Đức đóng cửa các trường phổ thông và trường đại học, cấm giáo dục chính quy sau lớp bốn. Tất cả các trung tâm văn hóa, bao gồm cả rạp hát đều bị đóng cửa, sau đó được mở lại một cách có chọn lọc dưới sự kiểm duyệt nghiêm ngặt và chỉ được phép cung cấp các loại hình giải trí rẻ tiền, thường phục vụ cho việc tuyên truyền của Đức Quốc xã.
Người dân Ba Lan phản ứng lại bằng cách bí mật tổ chức vận hành các hệ thống chính phủ, quân đội, giáo dục, chương trình thúc đẩy văn hóa và còn nhiều các tổ chức nhà nước ngầm khác. Để được học tập, sinh viên và giảng viên các cấp bí mật gặp nhau, thường xuyên thay đổi địa điểm để tránh cảnh sát Đức. Cha tôi thậm chí còn nhớ có một buổi bảo vệ luận án tiến sĩ được tiến hành tại nhà mình khi ông còn là một cậu bé. Ứng viên và hội đồng chấm luận án tập trung tại căn nhà và thực hiện các thủ tục cần thiết để cấp bằng học thuật. Tương tự như giáo dục, giới kịch nghệ chính thống ở Ba Lan cũng phải hoạt động ngầm. Các diễn viên, đạo diễn và nhà viết kịch hoạt động trong bí mật, thậm chí ngay cả trong các trại tập trung. Tại đó, những nghệ sĩ sân khấu bị cầm tù vẫn tổ chức các buổi biểu diễn, mang đến cho bạn tù điều họ giỏi nhất: tài năng thơ ca.
Nhà hát Rhapsodic ra đời
Là cư dân của Kraków, chàng sinh viên Karol Wojtyła sống dưới sự chiếm đóng của quân Đức. Ngài tiếp tục học đại học một cách bí mật, làm việc tại một mỏ đá và nhà máy hóa chất để tránh bị trục xuất. Vào năm 1941, người hướng dẫn của ngài là ông Mieczysław Kotlarczyk chuyển đến Kraków để thành lập Nhà hát Rhapsodic. Nhờ đó, tình bạn của họ đã được nhen nhóm lại. Wojtyla trở thành thành viên sáng lập và đồng thời là diễn viên của công ty. Nhà hát Rhapsodic là một trong những nỗ lực kháng chiến toàn quốc giống như vô số nỗ lực khác ở Ba Lan lúc bấy giờ. Thông qua các chương trình thơ ca và kịch nghệ, nơi đây dốc sức nuôi dưỡng đời sống trí tuệ và tinh thần của những người đã bị chiến tranh làm suy kiệt và tước đoạt nhân tính một cách có hệ thống. Những ai tham gia đều phải đối mặt với án tử hình nếu bị phát hiện.
Vì không thể tổ chức những buổi biểu diễn công khai quy mô lớn nên các thành viên nhà hát Rhapsodic gặp nhau tại nhà riêng. Không có sân khấu hay bối cảnh dàn dựng, không gian biểu diễn chỉ gồm một cây đàn piano ở góc phòng khách, tô điểm thêm bằng một tấm rèm treo trên tường, một chiếc đèn hoặc những cây nến (vốn là thứ xa xỉ thời chiến). Các diễn viên mặc trang phục đen đơn giản, không trang điểm hay dùng đạo cụ. Rời xa những trói buộc bên ngoài, các buổi biểu diễn chú trọng vào việc ngâm thơ và các vở kịch được chọn lọc từ kho tàng văn học Ba Lan phong phú. Từ năm 1941 đến năm 1945, nhà hát đã tổ chức tổng cộng bảy buổi biểu diễn và chỉ dành riêng cho những khán giả được mời để đảm bảo an toàn.
Chàng Wojtyła tham gia biểu diễn trong đoàn kịch ngay từ lúc thành lập, và vẫn tiếp tục kể cả khi đã vào chủng viện bí mật của giáo phận ở Kraków năm 1942. Với tư cách là linh mục và giám mục, ngài tiếp tục làm thơ và viết kịch. Ngài vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết với người hướng dẫn cũ của mình và các đồng nghiệp từ nhà hát Rhapsodic, luôn sẵn sàng đưa ra lời khuyên cho các nghệ sĩ sân khấu khác. Một lần nữa, cha tôi – khi đó là một đạo diễn đầy hoài bão – nhớ lại những cuộc trò chuyện riêng tư với giám mục Wojtyła, người luôn sẵn lòng dành thời gian để thảo luận về những thách thức nghệ thuật và đạo đức trong đời sống sân khấu.
Khả năng làm chủ sân khấu phi thường
Khi trở thành Giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II chắc chắn đã vận dụng những kinh nghiệm quý báu từ trải nghiệm sân khấu vào sứ mạng của mình. Tôi tin rằng khả năng hiện diện trước công chúng ấn tượng và sự ứng biến linh hoạt trong giao tiếp của ngài phần lớn được rèn giũa từ khoảng thời gian ngài làm việc tại nhà hát. Đức Thánh cha luôn mang một phong thái tự tin khi phát biểu trước công chúng, lúc thực hiện các bài phát biểu không được chuẩn bị trước, hay khi châm biếm về thời tiết ở Công viên Trung tâm và sáng tác những ca từ dí dỏm cho các giai điệu dân gian khi đến thăm các cựu sinh viên ở Vatican. Từ những ký ức với sân khấu cách đây nhiều thập kỷ, ngài vẫn nhớ được tên và khuôn mặt của những người quen. Trong một buổi lễ mà bố tôi và tôi tham dự, khi nhận ra họ của tôi, ngài đã hỏi thăm về bố tôi. Đức Giáo hoàng luôn thoải mái với mọi người xung quanh, khiến họ cũng cảm thấy dễ chịu, mặc dù sự giao tiếp không ngừng nghỉ làm ngài kiệt sức, đặc biệt là trong những năm cuối đời.
Nhà hát Rhapsodic còn tác động đến cuộc đời của Đức Thánh Cha theo một cách khác.
Vì sự khan hiếm tài nguyên nên lời nói trở thành phương tiện biểu đạt chính trong nhà hát. Lời thoại, chứ không phải hành động, đã dẫn dắt các buổi biểu diễn. Ngôn từ, chứ không phải chuyển động, đã truyền đạt ý nghĩa. Các diễn viên sẽ đọc hoặc ngâm thơ. Loại hình kịch này vốn đã có truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, trong bối cảnh thời chiến, lời nói làm sống dậy những nỗi niềm sâu sắc. Sân khấu không còn là nơi tiêu khiển để thư giãn và giải trí nữa, mà đã trở thành một hình thức phản kháng, gánh vác một sứ mệnh: giúp khán giả vượt qua nỗi sợ hãi và cuộc vật lộn căn bản để sinh tồn trong một đất nước bị khủng bố, để được chiêm nghiệm, thưởng thức những ý tưởng hình thành nên một con người thực thụ. Các diễn viên của nhà hát Rhapsodic, khi trình diễn những vần thơ và vở kịch trác tuyệt, dần mang dáng dấp của các thi sĩ thơ ca rong Hy Lạp cổ đại, những người xây dựng kho tàng thơ ca để cuối cùng cất lên tiếng hát như thể được các vị thần gợi hứng.
Tại nhà hát Rhapsodic, từng lời thoại được lựa chọn và truyền tải với ý đồ rõ ràng và ngữ điệu chính xác, bộc lộ nội dung tư tưởng đầy sức sống, có khả năng định hình con người. Để giúp nâng cao khả năng sáng tạo và biến đổi, loại hình sân khấu này tận dụng ngôn từ một cách sắc nét và hiệu quả. Vì thế, sân khấu của ngôn từ này đã tiến gần đến ngưỡng cửa của thần học – theo nghĩa mặt chữ là việc nghiên cứu lời Chúa. Đối với Karol Wojtyła, suy cho cùng, việc rời sân khấu để vào chủng viện có lẽ không phải là một sự rời bỏ một cách tận căn.
Thời trẻ, chàng Karol Wojtyła (Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tương lai) đã say mê sân khấu. Ngài là một diễn viên tài năng và thường đảm nhận những vai diễn lãng mạn. © Robson90 | Shutterstock | Bảo tàng Nhà gia đình của Gioan Phaolô II
Karol Wojtyła sống tại Kraków trong thời kỳ Đức chiếm đóng. Ngài trở thành một trong những thành viên sáng lập của nhà hát Rhapsodic, nhờ vào người bạn và cựu giáo viên của mình, Mieczysław Kotlarczyk. © Hình ảnh ghép bởi Aleteia từ các nguồn công cộng.
Lớn lên, chàng thanh niên Karol dần yêu thích việc viết kịch. Sau này, khi trở thành Linh mục, ngài vẫn tiếp tục sáng tác các vở kịch. © Bảo tàng Nhà Gia đình của Đức Gioan Phaolô II | John Touhey | Aleteia
Khi trở thành giáo hoàng, thánh Gioan Phaolô II thường xuyên gặp gỡ các diễn viên, nghệ sĩ và nhà văn. Trong buổi gặp gỡ năm 1990 này, ngài được chào đón bởi Tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel. Giống như Đức Gioan Phaolô II, Tổng thống Havel cũng là một nhà soạn kịch tài ba © LUBOMIR KOTEK; DERRICK CEYRAC | AFP
Trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, Đức Gioan Phaolô II luôn thể hiện khả năng tương tác với tha nhân một cách tuyệt vời. © VOTAVA / IMAGNO / APA-PICUREDESK VIA AFP | ERIC CAVANIS / AFP
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có một lần xuất hiện công khai cuối cùng vô cùng ấn tượng vào ngày 20 tháng 3 năm 2005. Lúc đó, ngài không còn có thể nói được nữa nhưng vẫn cố gắng cách giao tiếp với đám đông đã tập trung tại quảng trường thánh Phêrô. © VICENZO PINTO / AFP
Các vở kịch của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vẫn tiếp tục được trình diễn. Dưới đây là buổi tập của Đoàn ca kịch Acacia cho vở “Cửa Hàng Trang Sức” © Courtesy of Acacia Theater Company
Câu chuyện đã trở lại điểm khởi đầu. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã trở thành nhân vật trong các vở kịch — như trong sản phẩm của vở kịch Pháp “N’ayez pas Peur,” hay còn gọi là “Đừng Sợ.” Diễn viên Marc Cassot đã đóng vai Đức Gioan Phaolô II trong vở kịch này. PIERRE VERDY / AFP
Nguồn: Aleteia
Tác giả: Justyna Braun
Chuyển ngữ: Gia Hân | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên