Theo bước Chúa trên đường khổ nạn theo tin mừng Mác-cô (phần cuối)

 

 

5 & 6. Chúa Giêsu với  Philatô Chúa Giêsu với Ba-ra-ba dưới sự so sánh của đám đông: 15, 1-15.

 

1 Vừa tảng sáng, các thượng tế đã họp bàn với các kỳ mục và kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội Đồng. Sau đó, họ trói Đức Giê-su lại và giải đi nộp cho ông Phi-la-tô.

2 Ông Phi-la-tô hỏi Người: “Ông là vua dân Do-thái sao? ” Người trả lời: “Đúng như ngài nói đó.”3 Các thượng tế tố cáo Người nhiều tội,4 nên ông Phi-la-tô lại hỏi Người: “Ông không trả lời gì sao? Nghe kìa, họ tố cáo ông biết bao nhiêu tội! “5 Nhưng Đức Giê-su không trả lời gì nữa, khiến ông Phi-la-tô phải ngạc nhiên.

6 Vào mỗi dịp lễ lớn, ông thường phóng thích cho dân một người tù, tuỳ ý họ xin.7 Khi ấy có một người tên là Ba-ra-ba, đang bị giam với những tên phiến loạn đã giết người trong một vụ nổi dậy.8Đám đông kéo nhau lên yêu cầu tổng trấn ban ân xá như thường lệ.9 Đáp lời họ yêu cầu, ông Phi-la-tô hỏi: “Các ông có muốn ta phóng thích cho các ông vua dân Do-thái không? “10 Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tỵ mà các thượng tế nộp Người.11 Nhưng các thượng tế sách động đám đông đòi ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba thì hơn.12 Ông Phi-la-tô lại hỏi: “Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Do-thái? “13 Họ la lên: “Đóng đinh nó vào thập giá! “14 Ông Phi-la-tô lại hỏi: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác?” Họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá! “15 Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba, truyền đánh đòn Đức Giê-su, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá.

Qua chương 15, Mác-cô đưa chúng ta vào trong bối cảnh mới với không gian và thời gian mới Vừa tảng sáng, các thượng tế đã họp bàn với các kỳ mục và kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội Đồng. Sau đó, họ trói Đức Giê-su lại và giải đi nộp cho ông Phi-la-tô”. Thời gian là tảng sáng. Như thế, buổi tối mà các thượng tế và kỳ mục cùng dân chúng kết án Chúa đã qua đi. Giờ đây, họ (thượng hội đồng) bàn bạc với nhau và thống nhất là phải giết Chúa. Bước đầu tiên họ đã đạt được là bắt Chúa, và bước thứ hai là họ muốn xử tử Chúa. Họ muốn nhanh chóng đưa Chúa ra pháp luật hiện hành của đế quốc Rô-ma, vì thời đó Giê-ru-sa-lem thuộc quyền kiểm soát của đế quốc Rô-ma, nhất là trong phương diện pháp luật. Vì thế, thượng hội đồng dù tự ý kết án tử Chúa Giê-su, nhưng sự kết án của họ không được công nhận trên pháp luật hiện hành của Rô-ma và đương nhiên họ không có quyền thi hành án này, vì thế để “danh chính ngôn thuận”, họ quyết định đưa Chúa Giê-su đến người có trách nhiệm, đại diện cho đế quốc Rô-ma, là tổng trấn Phi-la-tô và xin ông ta chấp thuận ý đồ của họ là muốn sát hại Chúa Giê-su.

 

Về bối cảnh chính trị của Giê-ru-sa-lem, Vũ Văn An giải thích: “từ thời Vua Đavít, Giêrusalem vốn cũng là một trung tâm chính trị; là thủ phủ của nền quân chủ thống nhất dưới quyền Vua Đavít và Vua Salômôn. Rồi sau đó là thủ phủ của Vương Quốc Giuđêa phương Nam trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, vào thời Chúa Giê-su, Giê-ru-sa-lem và các tỉnh Giuđêa và Samaria dưới quyền cai trị trực tiếp của Rôma. Đây là những vùng duy nhất của Israel chịu một số phận như thế”.[1]

 

Phi-la-tô làm tổng trấn một thời gian dài, từ năm 26 đến năm 37 scn. Mác-cô không nói rõ nơi tổng trấn Phi-la-tô xử án, nhưng theo truyền thống có thể tại nơi ông sống ở Giê-ru-sa-lem.

 

Việc Chúa Giê-su bị nộp cho Phi-la-tô, một người ngoại, ứng nghiệm điều Chúa đã tiên báo lần thứ ba về cuộc thương khó và Phục Sinh: Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại (Mc 10,33). Như thế, các kinh sư và các kỳ mục trở thành người tố cáo Chúa. Người thẩm phán xét xử giờ đây là một người ngoại, tổng trấn Phi-la-tô. Chúa Giê-su là hạt giống rơi vào một mảnh đất “ngoại” là Phi-la-tô. Mảnh đất này đón tiếp hạt giống là Chúa Giê-su như thế nào, chúng ta cùng chiêm ngắm cuộc tra hỏi và cuộc đối thoại giữa Phi-la-tô và Chúa Giê-su.

 

Tuy nhiên, trước hết chúng ta nên tìm hiểu về nhân vật Phi-la-tô, người được nhắc đến trong kinh Tin Kính: “Vì chúng tôi Người chịu đóng đinh vào thập giá dưới thời Phong-xi-ô Phi-la-tô, Người chịu khổ hình và mai táng”. Về lời này trong kin Tin Kính, cha Gómez, linh mục dòng Tên giải thích: “Ông Philatô là ai và tại sao lại có mặt ở đây? Pontius Pilatus là giám quản (Praefectus) xứ Giuđêa từ năm 26 đến năm 36, dưới triều hoàng đế Rôma là Tiberius (năm 14-37). Trong phẩm trật Rôma, Philatô nằm ở bậc thứ 5, có bề trên trực tiếp là thống đốc xứ Xyria; ông có nhiệm vụ bảo đảm an ninh trong xứ sôi nổi này, gồm miền Giuđêa, Samaria và Iđumêa. Nhiệm kỳ của giám quản là 3 năm, nhưng Philatô tại chức được 10 năm; như thế có nghĩa là ông đã làm cho chính phủ trung ương hài lòng. Hành dinh của ông ở Xêdarêa, và chỉ có mặt ở Giêrusalem dịp các lễ lớn để nếu cần thì xử lý những vụ rối loạn có thể xảy ra với số người đông đảo về dự lễ. Quân đội của ông đếm được khoảng 4.500 lính, không phải là legio Rôma (chính quy), song là những đơn vị quân đội địa phương. Lịch sử thường nói xấu về Philatô, tố cáo cho ông là người ác độc và áp bức. Có lẽ ông là nhà chính trị khéo, biết cách kết cấu với phái Sađuxêô, nhất là với Caipha. Để xung đột xảy ra với dân Do thái vì lý do cả xã hội lẫn tôn giáo, ông bị thống đốc Vitelius tước chức và tống về Rôma đầu năm 37; ông đến thủ đô ba ngày sau khi Tiberius băng hà, rồi Caligula lên kế vị; từ đó, lịch sử không còn biết gì về Philatô nữa. Có nhiều ngụy thư viết về ông, nhưng chẳng có giá trị gì về mặt khoa học. Lạ thay, Giáo hội Êthiốp coi Philatô là vị tử đạo và mừng lễ ngày 25 tháng 7; còn Chính thống giáo thì đã phong thánh cho vợ ông là Procula.

 

Vậy, ông Philatô đóng vai trò gì trong Kinh Tin Kính? Một vai trò thật quan trọng: làm chứng cho sự thật lịch sử về Đức Giêsu. Sự việc cứu chuộc là biến cố đã xảy ra vào một ngày, một tháng và tại một nơi chốn cụ thể mà bất cứ ai cũng có thể kiểm tra. Bóng ma Philatô đánh đuổi mọi giả thuyết có tính ảo thân, ngộ giáo, hay phi lịch sử. Vì thế, thánh Inhã Antiôkia († 107) đã viết như sau cho các tín hữu Tralles: Phải tin là “Đức Giêsu-Kitô, thuộc dòng dõi Đavít và con của bà Maria, đã thực sự sinh ra, ăn uống; thật sự bị bách hại thời quan Phongxiô Philatô; thật sự bị đóng đinh và chết trước mắt thiên hạ cả ở trên trời, dưới đất và trong địa ngục; quả vậy, Ngài bị đóng đinh vào thập tự dưới thời quan Philatô và tiểu vương Hêrôđê, và thành quả của cuộc thương khó diễm phúc ấy là chúng ta.” Và thánh Âugutinô giải thích: nêu tên quan thẩm phán là Kinh Tin Kính muốn cho mọi người biết được chắc chắn về ngày tháng… Philatô còn giữ một vai trò khác nữa: làm nổi bật mẫu gương Đức Giêsu, mẫu gương “chứng nhân trung thực” (Kh 1:5). Nhà chú giải tin lành O. Cullmann thấy rằng: ở đây, “Phongxiô Philatô” là như “lời hô hào” khuyến khích các kitô hữu bị đàn áp, bách hại hãy đứng vững như Thầy mình. Thánh Phaolô đã từng viết cho Timôthê về “chứng tá trung thực” ấy: “Trước mặt Thiên Chúa là Đấng ban sức sống cho mọi loài, và trước mặt Đức Kitô Giêsu là Đấng đã làm chứng trước tòa tổng trấn Phongxiô Philatô bằng một lời tuyên xưng cao đẹp, tôi truyền cho anh: hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền…” (1Tm 6:13). Philatô là đại diện của các nhà cầm quyền chính trị thường hiếp đáp và giết chết sự thật (tôn giáo cũng như nhân quyền) nhân danh lý do an ninh quốc gia…”[2].

 

Trên là dung mạo của Phi-la-tô. Trở về với bài Tin Mừng, chúng ta thấy Phi-la-tô là người bắt đầu cuộc đối thoại, ông ta hỏi Chúa “Ông là vua dân Do-thái sao?” Câu hỏi này làm chúng ta nhớ lại câu hỏi của các nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem để tìm Chúa Hài Đồng: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2,2). Như thế, hai lần Chúa Giê-su được nhắc đến như là Vua dân Do-thái. Hơn nữa, hai lần này đều do dân ngoại nhắc đến. Đó là các nhà chiêm tinh và tổng trấn Phi-la-tô.

 

Chúa Giê-su sẽ trả lời thế nào trước câu hỏi của Phi-la-tô? “Đức Giê-su trả lời: “Đúng như ngài nói đó”. Câu trả lời thật thú vị!

 

Câu trả lời của Chúa làm cho mọi người phải suy nghĩ. Với Phi-la-tô, thì ông ta chỉ suy nghĩ theo lề lối chính trị. Vì thế, trong ý nghĩa chính trị, với Phi-la-tô Chúa Giê-su không phải là Vua dân Do-thái. “Đúng như ngài nói đó”. Câu nói của Chúa không hoàn toàn phủ nhận danh hiệu Vua dân Do-thái. Chúa Giê-su là Đức Ki-tô, Đấng Mê-si-a, là Vua nhưng hoàn toàn ở trong ý nghĩa khác, không nằm ở trong ý nghĩa chính trị. Chúa đã vào thành Giê-ru-sa-lem với tư cách của vị Vua Mê-sia, cưỡi trên một con lừa. Vị Vua nhân từ và hiền lành này vào thành Giê-ru-sa-lem, nhưng không chiếm lấy thành, mà Chúa “chiếm lấy” đền thờ. Chúa thể hiện quyền năng của Chúa, nhưng không với bạo lực và vũ khí, mà bằng chính Lời giảng dạy. Lời của thánh sử Gio-an giúp chúng ta hiểu được điều mà thánh sử Mác-cô nói về tư cách làm Vua của Chúa Giê-su: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” Ông Phi-la-tô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao? ” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” Ông Phi-la-tô nói với Người: “Sự thật là gì?” (Ga 18,36-38).

 

Trở về với câu chuyện, sau khi Chúa Giê-su trả lời với Phi-la-tô. Mác-cô kể tiếp rằng: “các thượng tế tố cáo Người nhiều tội, nên ông Phi-la-tô lại hỏi Người: “Ông không trả lời gì sao? Nghe kìa, họ tố cáo ông biết bao nhiêu tội! ” Nhưng Đức Giê-su không trả lời gì nữa, khiến ông Phi-la-tô phải ngạc nhiên”. Như đã nhắc ở trên, sự thinh lặng của Chúa là một trong những nét đặc trưng mà Mác-cô diễn tả trong hành trình thương khó của Chúa Giê-su. Thánh Phê-rô sau này đã nêu bật sự thinh lặng đặc biệt này của Ngài: “Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình” (1Pr 2,21-23).

 

Ngoài ra, chúng ta chú ý đến sự ngạc nhiên của Phi-la-tô về sự thinh lặng của Chúa Giê-su. Vâng, không ngạc nhiên sao được, khi người vô tội lại không bào chữa, biện minh cho mình để tránh được cái lưới bất nhân đang giăng ra hầu hãm hại mình. Ngoài ra, việc Chúa thinh lặng ở đây cũng không có nghĩa là Chúa nhận tội mà các thượng tế và kỳ mục tố Người.

 

Đến đây, nếu chúng ta đọc câu truyện xử án của Phi-la-tô đối với Đức Giê-su được trình thuật trong các Tin Mừng khác, chúng ta nhận ra sự lưỡng lự và mẫu thuẫn của Phi-la-tô. Như trong Tin Mừng Gioan nói đến việc Phi-la-tô không tin những lời tố cáo của các thượng tế và kỳ mục: “Phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy” (Ga 19,6). Thánh Mát-thêu viết về việc vợ của Phi-la-tô đã lên tiếng nói với chồng trong cuộc xử án như sau: “Lúc tổng trấn đang ngồi xử án, thì bà vợ sai người đến nói với ông: “Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy” (Mt 27,19). Như thế, có thể nói Phi-la-tô lúc đầu rất muốn tha cho Chúa Giê-su và ông cũng tìm cách để làm điều đó. Mác-cô viết: “Vào mỗi dịp lễ lớn, ông thường phóng thích cho dân một người tù, tuỳ ý họ xin”. Đó là tập tục thả một tù nhân được đám đông chọn vào dịp Lễ Vượt Qua. “Khi ấy có một người tên là Ba-ra-ba, đang bị giam với những tên phiến loạn đã giết người trong một vụ nổi dậy.8Đám đông kéo nhau lên yêu cầu tổng trấn ban ân xá như thường lệ.9 Đáp lời họ yêu cầu, ông Phi-la-tô hỏi: “Các ông có muốn ta phóng thích cho các ông vua dân Do-thái không? “10 Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tỵ mà các thượng tế nộp Người”. Như thế, Phi-la-tô đã đưa ra một sự chọn lựa rõ ràng, hoặc Ba-ra-ba hoặc Chúa Giê-su, chứ không có bất cứ tù nhân nào khác được các thượng tế hoặc dân chúng đề nghị. Cả bốn thánh sử đều thuật lại sự kiện liên quan đến nhân vật Ba-ra-ba. Giờ đây dân chúng phải chọn lựa, giữa Ba-ra-ba, tên gian phi hay Chúa Giê-su, Đấng đang bị nhóm thượng tế, kinh sư và các kỳ mục âm mưu ám hại cũng như quyết tâm đưa người tới cái chết.

 

Về nhân vật Ba-ra-ba, Barclay giải thích như sau: “Về Ba-ra-ba chúng ta không được biết gì nhiều hơn điều đã đọc thấy trong câu chuyện này của sách Phúc Âm. Không phải là một tên trộm, nhưng là một tướng cướp, anh ta không phải là một tên móc túi hay ăn cắp vặt nhưng là một kẻ cướp. Chắc anh ta đã từng có những hành động rất táo bạo khiến đám đông ưa thích. Chúng ta có thể đoán anh ta là gì. Xứ Palestine lúc nào cũng có những cuộc nổi dậy. Đó là một phần đất luôn luôn dễ bùng cháy. Đặc biệt nhất là có một nhóm người Do Thái được gọi là sicarii, nghĩa là những kẻ mang dao găm, là những con người ái quốc hung hăng, cuồng nhiệt. Họ đã thề sấn sàng giết người và ám sát. Họ đeo một con dao găm bên dưới chiếc áo choàng, để sử dụng khi cần đến. Có thể Ba-ra-ba là một người như thế. Tuy là một tên côn đồ, anh ta là một người dũng cảm, một người yêu nước theo ý của anh ta, cho nên chúng ta có thể hiểu tại sao anh ta lại được lòng đám đông như vậy.

 

Trở về với bài Tin Mừng, chúng ta nghe lời nói của Phi-la-tô: “Các ông có muốn ta phóng thích cho các ông vua dân Do-thái không?”. Với câu hỏi này Phi-la-tô như muốn mở cho dân chúng một hướng chọn lựa tha thứ cho Chúa Giê-su. Nhưng điều đó có thành hiện thực không? Mác-cô diễn tả tiếp sau câu hỏi của Phi-la-tô: “Nhưng các thượng tế sách động đám đông đòi ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba thì hơn”. Như vậy, dân chúng chưa lên tiếng gì cả, thì những người có thế giá là các thượng tế, những kẻ quyết tâm đẩy Chúa Giê-su tới cái chết, đã sách động dân chúng chọn lựa tha thứ và thả Ba-ra-ba. Một sự chọn lựa rất bất nhân và tràn đầy hiểm độc”[3].  

 

Trước sự cương quyết của đám đông bị các thượng tế sách động và điều khiển, Phi-la-tô vẫn cố gặng hỏi lại với câu hỏi khác: “Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Do-thái? Họ la lên: “Đóng đinh nó vào thập giá!”. Lúc này là đám đông lên tiếng. Vậy là các thượng tế đã phần nào thành công khi lôi được đám đông về phía họ, để họ có thể điều khiển làm theo ý riêng rất hiểm độc của họ. Đến đây Phi-la-tô vẫn cố gắng với câu hỏi thứ ba: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác?”. Sự kiên nhẫn của Phi-la-tô tương hợp với lời của vợ ông đã nhắc nhớ ông về giấc mơ của bà đã có. Chúng ta đọc lại lời đó: “Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy” (Mt 27,19). Ngoài ra, cha Hồ Bặc Xái còn chú ý đến một yếu tố: “Các hoàng đế Rôma (như Maximilen và Dioclétien) đã có chỉ dẫn cho các quan toà rằng: ‘quan toà không được nghe theo những đòi hỏi vô cớ của dân chúng, bởi vì họ thường muốn tha kẻ có tội và kết án người vô tội’[4].

 

Trở về với bài Tin Mừng, chúng ta coi xem dân chúng phản ứng thế nào trước câu hỏi thứ ba của Phi-la-tô về việc Chúa Giê-su có làm gì gian ác không.

 

“Họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá!”. Như thế, đám đông không màng tới câu hỏi của Phi-la-tô hay nói đúng hơn họ biết rõ câu hỏi đó, nhưng vì họ bị sách động và bị điều khiển bởi các thượng tế, nên họ chỉ còn chú ý đến mục đích cần đạt được là giết chết Đức Giê-su, là đóng đinh Ngài vào thập giá! Không còn bàn cãi gì cả. Không còn phải tranh luận phải trái gì nữa.

 

Trước những cái miệng đã “hét to” đòi đóng đinh Chúa, Phi-la-tô đã chào thua, nhưng sự chào thua của ông ta lại mang hương vị hèn nhát: “Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba, truyền đánh đòn Đức Giê-su, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá”.

 

Ở đây, chúng ta đặt câu hỏi tại sao cuối cùng Phi-la-tô lại chào thua và chiều lòng đám đông là truyền đánh đón Chúa và sau đó trao Chúa Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá? “Sử gia Philon cho rằng, Phi-la-tô đang có nhiều điều sai trái mà ông không muốn cho hoàng đế biết: Do cai trị kém cỏi, ông đã để xảy ra nhiều cuộc nổi loạn, kho báu của đền thờ bị mất cắp, trong thời gian cầm quyền ông đã tham nhũng, ức hiếp người vô tội, điều hành kém, ra nhiều sắc lệnh sai trái… cho nên ông sợ người Do-thái sẽ cử một phái đoàn đi Rô-ma tố cáo ông. Vậy để tránh tai hoạ này, ông đành làm theo đòi hỏi của họ”[5].

 

Về việc đánh đón mà lính Rô-ma làm tàn nhẫn như thế nào, chúng ta đọc lời giải thích của Barclay: “Hình phạt đánh đòn của người Roma là một điều khủng khiếp. Phạm nhân bị trói theo một tư thế phải khom người xuông, đưa tấm lưng trần ra. Roi là một sợi dây da dài có đính những miếng chì hoặc xương bén nhọn, nó xé rách nát cả lưng nạn nhân. Nhiều người đã chết vì những trận đòn như thế. Nhiều người khác sau này bị điên loạn. Rất ít người đã chịu đòn như vậy mà còn tỉnh trí. Đó là việc chúng ta đã làm cho Chúa Giêsu”[6].

 

Ngoài ra, trong Tin Mừng Mát-thêu còn nhắc đến một hành động nhỏ của Phi-la-tô: “Tổng trấn Phi-la-tô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!” (Mt 27,24). Trước hành động rửa tay cách công khai trước đám đông của Phi-la-tô, người Do-thái không nghĩ đến nghi thức thanh tẩy một người có tội trong thế giới ngoại giáo, mà họ nghĩ đến nghi thức mà sách Đệ Nhị Luật đề cập nhằm miễn cho đương sự khỏi chịu trách nhiệm về việc đổ máu người nào (x.Đnl 21,1-9).

 

Chiêm ngắm sự kiện này, chúng ta tự hỏi Phi-la-tô là mảnh đất nào đây? Có lẽ mảnh đất đời ông là sỏi đá. Chúa Giê-su là hạt giống rơi vào mảnh đất này, mảnh đất của một người ngoại có quyền lực. Lúc đầu Phi-la-tô biểu lộ một chút quan tâm và cũng cố gắng tìm đường thoát thân cho Chúa. Nhưng trước áp lực của dân chúng, ông đã hèn nhát nhượng bộ và làm theo ý dân chúng, để hầu chiều lòng họ. Hèn nhát, ích kỷ, tham lam và bám vào quyền lực đã làm cho mảnh đất đời ông toàn sỏi đá. Chúa Giê-su là hạt giống chỉ vừa nhú đầu mọc lên, là đã bị “nhổ đi”.

 

Còn tên gian phi thì sao? Anh ta là mảnh đất nào? Trong bài tường thuật chỉ nhắc đến Ba-ra-ba là nhân vật mà dân chúng cần chọn lựa. Anh ta chẳng màng gì tới Chúa và cũng chằng biết gì về Chúa. Anh ta được tha là phúc anh ta được hưởng, dù anh ta chẳng xứng đáng gì. Anh là gian phi lại được tha thứ và phóng thích, còn Chúa Giê-su tốt lành thì bị kết án tử, bị đánh đập, vác thập giá và bị đóng đinh trên đó. Có thể nói, mảnh đất Ba-ra-ba kia là vệ đường. Hạt giống Giê-su rơi xuống trên nơi đó thật lạ lẫm và rồi vừa rơi xuống đã bị chim chóc đến ăn mất.

 

 

  1. Chúa Giêsu với  lính tráng: 15, 16-20

 

16 Lính điệu Đức Giê-su vào bên trong công trường, tức là dinh tổng trấn, và tập trung cả cơ đội lại.17 Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người.18 Rồi chúng bái chào Người: “Vạn tuế đức vua dân Do-thái! “19 Chúng lấy cây sậy đập lên đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy.20 Chế giễu chán, chúng lột áo điôu ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá.

Sau khi dân chúng đồng lòng đòi tha Ba-ra-ba và chọn Chúa Giê-su phải chịu đóng đinh, Phi-la-tô trao Chúa cho dân Do-thái để họ đóng đinh Ngài vào thập giá.

 

Chúa Giê-su bắt đầu bị điệu đi hành hình. Nơi đầu tiên Chúa đến là bên trong công trường, tức là dinh tổng trấn, như Mác-cô nói. Ngoài Tin Mừng Mác-cô, còn có Mát-thêu (27,27-31) và Gioan (19,1-3) nhắc đến sự kiện này. Tuy nhiên, Gioan nhắc một cách ngắn gọn. Còn Mát-thêu và Mác-cô diễn tả gần giống nhau theo mặt nội dung và tình tiết. Thánh sử Luca thì chỉ nhắc một chút qua câu: “Vua Hê-rô-đê cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra mặt nên khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Phi-la-tô” (Lc 23,11).

 

Mác-cô và Mát-thêu diễn tả rằng, cả cơ đội tập trung lại để chế nhạo, sỉ nhục và đánh đòn Chúa Giê-su. Khi nói đến “cơ đội” (speira), thì chúng ta hiểu một speira là một phần mười một binh đoàn (legion), tức khoảng 500-600 người. Ngoài ra, nhóm lính này không phải người Do-thái, họ thuộc đế quốc Rô-ma, và khả năng lớn là họ đóng quân ở tại Giê-ru-sa-lem.

 

Nhóm lính đứng xunh quanh Chúa Giê-su và chúng bắt đầu ra tay với Chúa. Chúng ta nhận ra một chuỗi hành động của nhóm lính:

 

  • khoác cho Người một tấm áo điều (áo choàng đỏ), rồi
  • kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người và
  • bái chào Người: “Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái! “
  • lấy cây sậy mà đập vào đầu Người,
  • rồi chúng khạc nhổ vào Người và
  • Quỳ gối bái lạy.
  • Chế diễu chán, chúng lột áo điều ra và
  • cho Người mặc áo lại như trước,
  • rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.

 

Trong chuỗi hành động này, hành động chính được nêu bật là việc nhóm linh chế nhạo tôn vinh Chúa: “Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái!” Lời chế nhạo này của lính tráng tương hợp với câu hỏi của Phi-la-tô trước đó: “Ông là vua dân Do-thái sao?” Lời nhạo báng của lính tráng chắc chắn là lời diễu cợt, nhưng làm nhớ lại lời họ thường chào Hoàng Đế của họ: “Ave Caesar”. Lời nhạo báng này tương hợp với lời tiên báo về cuộc thương khó và phục sinh lần thứ ba của Chúa Giê-su trước đó: “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại (Mc 10,33-34).

 

Sau khi chế nhạo Chúa là vua dân Do-thái, lính tráng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. Chúng ta đừng quên rằng, lúc này Chúa Giê-su đang đội vòng gai trên đầu. Như thế, từng roi đòn giáng xuống trên đầu Chúa, là từng ngọn gai đâm sâu vào đầu Chúa. Điều này rất thật, chứ không phải là một tưởng tượng. Như thế, mão gai trên đầu Chúa không chỉ là vật để dùng chế nhạo, mà còn trở thành phương tiện để tra tấn và gây đau thương. Thật thô bạo biết bao nhiêu! Chúa đã bị khinh thường, bị nhục mạ và bị chê cười, bị đánh đập. Người Do-thái coi Ngài là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ, như thánh Phao-lô diễn tả: “Chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,23). Sau khi chễ giễu chán, nhóm lính lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá.

 

Barclay giúp chúng ta mường tượng khung cảnh này cách sâu xa hơn: “Trường án là dinh thự của quan tổng đốc và là tổng hành dinh của ông ta, còn đám lính liên hệ trong câu chuyện này chắc là đám binh sĩ trong tổng hành dinh của đạo quân trú đóng. Chúng ta phải nhớ là Chúa Giêsu đã bị đánh đòn trước khi các trò nhạo cười, chế giễu của bọn lính bắt đầu. Trong mọi điều đã xảy đến cho Chúa Giêsu có thể việc này ít gây tổn thương cho Ngài nhất. Hành động của dân Do Thái thật hiểm độc và do thù hận. Sự a tòng của Philatô vốn là một sự hèn nhát, trôn tránh trách nhiệm. Trong hành động của bọn lính có sự bạo tàn, nhưng không có sự quỉ quyệt. Với chúng, Chúa Giêsu chỉ là một người nữa thêm vào số người chịu cực hình đóng đinh vào thập giá, và khi chúng giả vờ làm những cử chỉ như tôn kính bậc đế vương, thì chỉ như đóng một màn hài kịch vụng về chứ không hề có ác ý.

 

Đây là giờ phút bắt đầu cho mọi thứ chế giễu, nhạo báng sẽ dồn dập kéo tới. Kitô hữu lúc nào cũng bị xem như một trò cười. Trên các vách tường tại Pompeii, người ta thấy có kẻ vẽ nguệch ngoạc một bức tranh – như ngày nay chúng ta vẫn thấy loại biếm họa khôi hài thô lỗ vẽ đầy trên các vách tường- bức tranh vẽ một Kitô hữu đang quì gốì trước một con lừa cái, phía dưới là mấy chữ viết nguệch ngoạc “Anaximenes đang thờ lạy Chúa của hắn”. Chúng ta sẽ được nâng đỡ khi nhớ rằng những gì con người đốì xử với Chúa Giêsu còn tồi tệ hơn nhiều so với những gì chúng ta phải chịu”[7].

 

Chiêm ngắm Chúa Giê-su mặc lấy thân nô lệ và trở nên giống phàm nhân, chúng ta là những con người được Chúa yêu thương cảm thấy thế nào?

“Muôn người đang tuôn đến với Chúa Giê-su,

Cả nam giới lẫn phụ nữ.

Họ cũng đang bị trói chặt và

Chúa Giê-su cũng bị trói như họ.

Đó là điều mà chúng ta tuyên xưng?

 

Chúng ta thường tìm kiếm Chúa Giê-su nơi người giàu, người vị vọng,

trong các nhà thờ lộng lẫy và sang trọng,

nơi những bè phái có thế giá.

 

Nhưng Chúa Giê-su lại chọn nhóm người nghèo,

Điều đó đối với chúng ta thật xẩu hổ

không nên lộ diện ra ngoài.

Trong Sách Thánh chúng ta đọc được,

Chúa Giê-su luôn chú tâm đến người nghèo,

người phong hủi.

“Người mạc lấy thân nô lệ”.

Chúa không sợ hãi và chần chừ,

Ngài đến gần bên con người,

ngay trong mùi hôi của nghèo nàn.

 

Chúa Giê-su luôn ao ước một điều là đến với muôn người:

người bị bỏ rơi,

người giàu có.

 

Muôn người đang tuôn đến với Chúa Giê-su,

Cả nam giới lẫn phụ nữ.

Họ cũng đang bị trói chặt và

Chúa Giê-su cũng bị trói như họ”[1].

 

Hạt giống là Chúa Giê-su rơi vào mảnh đất là các lính tráng tàn bạo này có thể vươn lên và sinh hoa kết trái không? Mảnh đất lính tráng là vệ đường, nơi hạt giống vừa rơi xuống là bị chim chóc đến ăn mất ngay. Mảnh đất lính tráng cũng có thể là sỏi đá, hạt giống là Chúa Giê-su rơi xuống được đón nhận trong chốc lát, nhưng sự đón nhận này mang chiều kích rất tiêu cực. Đón nhận Chúa Giê-su, để rồi sỉ nhục, chế nhạo, đánh đập và kết liễu đời Người.

 

Một cuộc gặp gỡ quá tàn ác!

Cuộc gặp gỡ giữa Đấng Công Chính là Con Chiên hiền lành không hề mở miệng kêu ca, than trách hay biện minh và nhóm lính bạo tàn độc ác và bất nhân. Rơi xuống mảnh đất các lính tráng đầy bạo lực và bất nhân này, có lẽ không có bất cứ hạt giống nào có thể mọc lên và phát triển được.

 

 

  1. Chúa Giêsu với  ông Si-môn: 15, 21-22

 

21 Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê. Ông là thân phụ hai ông A-lê-xan-đê và Ru-phô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giê-su.22 Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ.

Sau khi nhục mạ và đánh đòn Chúa xong, lính tráng đưa Chúa Giê-su đi đóng đinh. Như thế, khung cảnh câu chuyện thay đổi. Cụ thể là ở trên đường và Chúa Giê-su vác thập giá để ra Đồi Sọ, với sự hộ tống của nhóm lính. Câu chuyện này với nhân vật Si-môn, một người Ky-rê-nê, được các Tin Mừng nhất lãm nhắc tới (x. Mt 27,32-33 và Lc 23,26). Thánh sử Gioan không nhắc đến nhân vật này.

Trên đường quân lính dẫn Chúa đi đóng đinh, vì theo các nhà chú giải thì các cuộc hành hình thường được thực hiện ở bên ngoài thành. Ngoài ra, Mác-cô cũng không nhắc đến những chi tiết, như Chúa vác cả cây thập giá hay chỉ vác thanh ngang của thập giá.

 

Đến đây, chúng ta dừng bước để tìm hiểu về ý nghĩa nguyên thuỷ của thập giá trong thời Chúa Giê-su. Theo cha Phan Tấn Thành, vào thời của đức Giê-su, thập giá tiên vàn là một nhục hình. Trong đế quốc Rôma, thập giá là một hình phạt dành cho các trọng tội. Tội nhân thường bị đánh đòn, và sau đó phải vác thanh ngang tới pháp trường. Có hai hình thức thập giá. Một thứ giống như chữ T (thanh ngang được chồng lên chóp của cây gỗ đứng); một thứ giống hình chữ thập, với bản án ghi vào ở trên thanh ngang. Thêm vào đó, cũng có nhiều kiểu để treo tử tội: thường là y bị lột hết áo quần, và bị cột hoặc đóng đinh vào khổ giá, có khi đầu bị giốc ngược xuống đất. Nói chung, đây là một hình phạt chỉ dành cho lớp bần đinh hoặc nô lệ, các tên đại tặc hay là phiến loạn; các công dân Rô-ma không phải chịu hình phạt này trừ khi nào họ đã bị tước quyền công dân. Ngoài sự đau đớn do cuộc hành hình gây ra, hình phạt thập giá còn mang thêm tính cách ô nhục: tử tội không được an táng, nhưng phải phơi thây giữa trời làm mồi cho chim muông dã thú. Vì tính cách nhục nhã như vậy, nên không ai muốn làm anh hùng bằng cái chết trên thập giá. Cũng vì lý do đó mà việc tôn kính đức Kitô trên thập tự là cả một chuyện điên rồ hèn hạ: không những thánh Phaolô đã viết như vậy trong thư thứ nhất gửi tín hữu Corintô vào khoảng 20 năm sau biến cố xảy ra, mà rồi một thế kỷ sau đó (khoảng 150-153) trong quyển sách “Hộ giáo” (Apologia I,13,4), thánh Giustinô còn ghi nhận rằng: dân ngoại coi chúng tôi là bọn khùng bởi vì đã tôn một tên tử tội trên thập giá làm Đấng Tạo dựng đất trời.[2]

 

Trở về với bài Tin Mừng, trên đường Chúa vác thập giá, và đến một nơi nhất định nhóm lính tình cờ gặp một người Ky-rê-nê, tên là Si-môn, và chúng bắt ông vác thập giá của Chúa. Ông ta là người Do-thái ở Ky-rê-nê, nơi có thiểu số người Do-thái sống. Theo cha Hồ Bặc Xái, “đó là một người vừa xong việc đồng áng trở về. Hôm đó mới chỉ là thứ sáu, chưa buộc nghỉ việc theo luật Sa-bát. Tên ông là Si-môn, người gốc xứ Ky-rê-nê. Thánh truyền cho rằng Si-môn là một trong số 72 môn đệ của Đức Giê-su. Mác-cô cho biết thêm tên hai người con trai của ông là A-lê-xan-đê và Ru-phô. Mác-cô đã kể tên họ ra có lẽ vì họ là hai nhân vật tích cực trong Giáo Hội sơ khai. Thánh Phao-lô cũng có nhắc tới ông Ru-phô (x.Rm 16,3). Bản thân Si-môn cùng với các con của ông đều đã trở thành Ki-tô hữu tốt. Đó chính là hiệu quả của việc ông Si-môn thông phần vào thập giá Đức Giê-su vậy”[3].

 

Đón nhận thập giá, ông Si-môn vác theo sau Chúa Giê-su. Nhưng tại sao? Chắc là Chúa đã quá mệt và sức đã kiệt, nên các anh lính mới nhờ một người khác vác thập giá giúp Chúa. Đến đây, chúng ta nhớ lại lời của Chúa nói với các môn đệ trước đó: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34). Tuy nhiên có sự khác biệt trong chỗ này. Một bên là thập giá của Chúa vác, bên kia là thập giá của các môn đệ. Một bên là theo Chúa và vác thập giá với sự tự nguyện, còn bên kia là ông Si-môn thì bị ép vác giúp cho Chúa. Nhưng dù vậy, hình ảnh của ông Si-môn vác thập giá đỡ cho Chúa trở thành một hình ảnh đẹp, và được các tín hữu coi như là mẫu gương cho đời sống Đức Tin, đời sống theo Chúa của các môn đệ. Nói khác đi, ông Si-môn một nông dân chất phác có tấm lòng tốt và mảnh đất đời ông được cầy xới và được chăm bón kỹ lưỡng cho những hạt giống được rơi vào, nhanh chóng mọc lên và phát triển cách tốt đẹp. Chúa Giê-su là hạt giống đã rơi vào mảnh đất tốt tươi này. Si-môn đã đón nhận Chúa Giê-su với tấm lòng tốt của ông và đã chia sẻ với Chúa thập giá đang đè nặng trên vài Ngài.

 

Đọc tiếp bài Tin Mừng, Mác-cô kể tiếp rằng, chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ. Đồi sọ là nơi người ta sẽ đóng đinh Chúa trên Thánh Giá.  Đồi sọ trong tiếng Híp-ri gọi là Gôn-gô-tha. Thánh sử Gio-an ghi lại như vậy: Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha” (Ga 19,17). Trong tiếng La-tinh, đồi sọ gọi là Calvarius. Đó là một ngọn đồi hình dáng giống chiếc sọ người. Chúa Giê-su đã kết thúc sứ mạng của Ngài trên cái đồi này. “Người bị đời khinh khi ruồng rẫy…Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Is 53,3).

 

 

  1. Chúa Giêsu với các đao phủ: 15, 23-28

 

23 Chúng trao rượu pha mộc dược cho Người, nhưng Người không uống.24 Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì.25 Lúc chúng đóng đinh Người là giờ thứ ba.26 Bản án xử tội Người viết rằng: “Vua người Do-thái”.27 Bên cạnh Người, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa bên phải, một đứa bên trái. (28 Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Người bị liệt vào hạng những tên phạm pháp.).

Đọc tiếp bài Tin Mừng, Mác-cô diễn tả rằng, sau khi đưa Chúa Giê-su lên đồi sọ để đóng đinh, thì quân lính trao rượu pha mộc dược cho Người, nhưng Người không uống. Mục đích của loại rượu này là để cho người bị xử tử đỡ đau đớn. Sách Châm Ngôn có viết:

“Hãy đem chất men cho kẻ đang hấp hối,
và đem rượu cho người chịu đắng cay,
để họ uống mà quên đi cảnh nghèo,
khỏi nhớ đến nỗi khổ đau phiền muộn nữa”
(Cn 31,6-7).

 

Theo cha Hồ Bặc Xái, “theo sách Talmud, ở Giê-ru-sa-lem có một hội của các phụ nữ giàu có chuyên cung cấp thứ nước này cho các tử tội. Tin Mừng Mác-cô ghi là người ta đã trao cho Đức Giê-su “rượu pha mộc dược” (Mc 13,23), còn Tin Mừng Mát-thêu thì nói đó là “rượu pha mật đắng” (Mt 27,34). Có lẽ Mát-thêu đã lầm chữ Hy-lạp mora (mộc dược) với chữ memora (mật đắng). Vả lại Mát-thêu muốn viết như thế để cho thấy ứng nghiệm Thánh Vịnh 69,22: “Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng, con khát nước, lại cho uống giấm chua”. Dù sao thì cả Mác-cô và Mát-thêu đều ghi nhận rằng Đức Giê-su đã không uống: Ngài muốn chịu cho đến tận cùng những khổ hình thập giá”[4].

 

Sau khi Chúa Giê-su từ chối không uống thứ rượu pha mộc dược thì quân lính đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì. Mác-cô và ba thánh sử khác chỉ nhắc cách ngắn gọn về việc Chúa chịu đóng đinh và không diễn tả cảnh đau đớn thảm khốc của việc đóng đinh. Còn về việc quân lính lột áo Chúa và bắt thăm cả bốn thánh sử đều nhắc tới (Mt 27,35; Mc 15,24; Lc 23,34 và Ga 19,23).

 

Thánh sử Gioan miêu tả rõ ràng và chi tiết nhất về việc này: “Đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn” (Ga 19,23-24). Theo cách diễn tả của Gioan, có hai điều chúng ta nên chú ý: (1) Chiếc áo dài là biểu tượng cho vai trò thượng tế của Chúa Giê-su, vì chỉ có thượng tế mới khoác chiếc áo như vậy. (2) Chiếc áo dài không bị xé ra để chia chác, mà được nhóm lính bắt thăm có nghĩa là Hội Thánh, Cộng Đoàn tín hữu của Chúa không thể bị chia rẽ, bị sụp đổ.

 

Tiếp đến, Mác-cô rất chi tiết khi nêu lên thời gian chính xác Chúa bị đóng đinh: “Lúc chúng đóng đinh Người là giờ thứ ba”. Tính theo thời gian bây giờ là vào 9 giờ sáng. Sau đó Chúa hấp hối ba tiếng trên thập giá (từ giờ thứ 6 – tức 12 giờ, đến giờ thứ chín – tức 15 giờ).

 

Khi Chúa bị đóng đinh trên thập giá, thì có một bán án xử tội được treo trên đầu thập giá và trên bảng có viết hàng chữ: “Vua người Do-thái”. Trong phúc âm của Gioan, tấm bảng trên Thánh Giá Chúa được viết bằng ba thứ tiếng. Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp (X. Ga 19, 20). Tiếng La-tinh như sau: “IESVS NAZARENVS REX IVDÆORVM – Giê-su Na-gia-rét, Vua dân D-thái” (X. Ga 19,19). Chữ này được viết tắt bởi bốn từ đầu của bốn chữ trong tiếng La-tinh trên: I.N.R.I. Trong tiếng Hy-lạp là:  Ἰησοῦς ὁ Ναζωραῖος ὁ βασιλεὺς τῶν Ἰουδαίων – Iesous ho Nazoraios o basileus ton Ioudaios. Còn tiếng Híp-ri là: Jeschua HaNotzri Melech Hajehudim.

 

Những hàng chữ đó với các người bắt bớ Chúa là bản án giành cho Chúa mang đầy tính diễu cợt và sỉ nhục, nhưng với người trộm lành (Lc 23,43) có đôi mắt sáng, thì tấm bảng đó diễn tả một sự thật mà con người có nhận ra hay không, thì sự thật vẫn thế. Sự thật nêu bật quyền Vương Đế của Chúa Giê-su, vị Vua trên hết các Vua. “Rõ ràng người trộm lành tại cây Thánh Giá đã nhận ra rằng, người bất lực kia là Vua thật, vị Vua mà dân Ít-ra-en đang trông đợi, và ở kế bên anh Ngài không chỉ đứng trên Thánh Giá, mà Ngài còn đứng trong vinh quang nữa”.[5]

 

Thật vậy, con người có muốn diễu cợt hay con người muốn công nhận sự thật về Vương Đế của Chúa Giê-su, thì lời của con người không bao giờ vượt trên sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Cuộc chơi con người đưa ra luôn nằm ở trong vũ trụ và sự kiểm soát của Thiên Chúa. Chúa Giê-su là Vua người Do-thái, những hàng chữ này đã được chính con người, dù với dụng ý xấu xa, công bố cách công khai trên Thánh Giá, để tất cả mọi người đều thấy. Thật tuyệt vời! “Chúa Giê-su đã được nâng cao. Thánh Giá là ngôi Vua của Chúa, và từ ngôi Vua là Thánh Giá đó, Chúa kéo thế giới lại với Ngài. Từ nơi này, nơi mà Ngài tự hiến dâng chính mình, từ nơi này, nơi tình yêu thực sự của Thiên Chúa hiện diện, Chúa đang trị vì như vị Vua đích thật. Ngài trị vì theo cách thức của Ngài, cách thức đó Phi-la-tô và những nhân vật thế giá trong Thượng Hội Đồng không thể hiểu được”.

Sau đó, Mác-cô nhắc đến cách ngắn gọn về hai tên cướp cùng bị đóng đinh với Chúa, một tên bên phải và một tên bên trái. Điều này đúng theo lời được I-sai-a nhắc đến trong bài ca người tôi trung – bài ca thứ tư:

“Bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân;
nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn người
và can thiệp cho những kẻ tội lỗi”
(Is 53,12).

 

Về hai tên cướp này và tình tiết về cuộc đối thoại của Chúa Giê-su với họ được thánh sử Luca trình bày rõ ràng nhất (x.Lc 23,39-43).

 

Nếu nhìn đến đám linh đóng đinh Chúa, những đao phủ, chúng ta sẽ nhận ra họ là mảnh đất gì? Hành động của họ làm không chút thương xót, không chút cảm thông, mà ngược lại còn mang mùi vị bất nhân và dửng dưng cùng lạnh lùng. Một chút rượu pha mộc dược là hành vi họ làm theo luật, để phần nào làm giảm bớt nỗi đau của người bị đóng đinh Thật vậy, mảnh đất đời họ là vệ đường và Chúa Giê-su là hạt giống rơi vào thì không thể tìm thấy cơ hội gì để đâm rễ và mọc lên cả.

 

 

  1. Chúa Giêsu với  những kẻ nhạo báng: 15, 29-32

29 Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: “Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được,30 có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi! “31 Các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Người như vậy, họ nói với nhau: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình.32 Ông Ki-tô vua Ít-ra-en, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin.” Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người.

Như thế, Chúa Giê-su đang bị treo trên thập giá. Chúng ta chú ý và chiêm ngắm kỹ lưỡng khung cảnh này để có thể hiểu và thấm nhuần những điều mà Mác-cô cùng các thánh sử khác diễn tả. Khung cảnh Chúa Giê-su chịu treo trên thập giá được rất nhiều hoạ sĩ diễn tả.

Trong số họ, hoạ sĩ Rembrandt người Hà Lan đã diễn tả rất sống động. Ở dưới cây thập giá của Chúa Giê-su, ngoài các phụ nữ theo Chúa và đang đau xót ở dưới chân Thánh Giá, còn có nhóm quân lính, các thượng tế và kỳ mục cùng rất nhiều người đang chế nhạo và thách thức Chúa. Chúng ta cùng chiêm ngắm bức tranh ở trên.

Đi vào bài Tin Mừng, chúng ta thấy có ba nhóm người chế nhạo và thách thức Chúa: Kẻ qua người lại; các thượng tế, kinh sư và kỳ mục là nhóm người chủ mưu bắt bớ và kết án tử Chúa; hai tên cướp cùng chịu đóng đinh với Chúa.

  • Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: “Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi!”.
  • Các thượng tế, kinh sư cũng chế giễu Người như vậy, họ nói với nhau: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Ông Ki-tô vua Ít-ra-en, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin.”
  • Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người.

 

Những tên cướp cùng chịu đóng đinh với Chúa chế nhạo Chúa như thế nào, Mác-cô không nhắc tới. Trong Luca thì có nhắc tới sự thách thức của một tên cướp: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” (Lc 23,39). Còn các thượng tế và kinh sư thì vẫn thế. Ngay từ đầu mảnh đất của họ là bụi gai thì vẫn mang mùi vị của gai góc và độc ác. Họ chế diễu Chúa Giê-su và thách thức Ngài hãy xuống khỏi thập giá, thì họ sẽ tin. Hiệp với nhóm người này, kẻ qua người lại cũng là những mảnh đất đầy bụi gai đều chế nhạo Chúa và thách thức Chúa xuống khỏi thập giá.

 

Nếu chúng ta chiêm ngắm Chúa trên Thánh Giá trong lúc này, Chúa thật cô đơn. Không có ai trong dân Israel bênh vực và ủng hộ Chúa. Như thế, chúng ta tự hỏi Chúa Giê-su có chiến thắng cám dỗ này không? Những lời thách thức này có ảnh hưởng gì trên Chúa Giê-su không? Chúa có tự cứu mình, bằng cách rời khỏi thập giá? Chúa có lấy quyền là Con Thiên Chúa để chứng tỏ cho họ thấy Ngài có thể làm điều họ thách thức không?

 

Hơn nữa, những người sỉ nhục không hiểu được tại sao Chúa Giê-su, Đấng đã từng làm nhiều phép lạ để cứu biết bao kẻ bất hạnh, giờ đây lại không cứu nổi mình. Nếu Ngài thực là Con Thiên Chúa, tại sao Ngài lại sẵn sàng chịu sỉ nhục như thế? Và tại sao Thiên Chúa không cứu Ngài? Ngoài nhóm người sỉ nhục Chúa, cũng có đám đông dân chúng đứng đó thương tiếc Chúa, đau cho Chúa. Có lẽ họ cũng hỏi tại sao Chúa lại đón nhận cái chết nhục nhã như thế. Trước những lời chế nhạo và sỉ nhục của nhiều nhóm người khác nhau, trước hai từ “tại sao” của nhiều hạng người gián tiếp hay trực tiếp đã đặt ra, Chúa Giê-su phản ứng như thế nào? Chúa có xuống khỏi Thánh Giá theo lời chế nhạo và sỉ nhục của họ không? Chúa có trả lời họ điều gì không?

 

Theo Đức Cố Hồng Y Martini, thì Chúa Giê-su có thể sẽ trả lời hai chữ tại sao như sau: “Con hãy suy nghĩ xem coi người ta coi Thầy là ai? Khuôn mặt Thiên Chúa mà họ vẽ lên mang dáng vẻ nào? Một vì Thiên Chúa như là một anh hùng thời đại, với chiến thắng, với vinh quang, với quyền lực chính trị, và chẳng sợ chi tới bạo lực, miễn là giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ mà thôi? Còn với Thầy, thì khuôn mặt Thiên Chúa chỉ còn là một Thiên Chúa đón nhận sự yếu đuối của mình, đón nhận những đau đớn người ta chất lên vai mình. Một Thiên Chúa can đảm tự ‘đặt mình’ vào sự tự do của con người, để họ muốn làm gì Ngài thì làm. Như vậy, làm sao Thầy có thể xuống khỏi Thánh Giá được. Xuống khỏi Thánh Giá không phải là chiến thắng đâu! Thầy đã được Cha trao phó cho sứ mạng đem lại Tin Mừng và ơn cứu độ cho muôn người. Hôm nay, Thầy cần thi hành sứ mạng này cách trọn vẹn. Vì thế, dù con người có nghĩ gì, dù con người có thất vọng về Thầy, về Thiên Chúa, thì Thầy cũng không rời khỏi Thánh Giá. Hơn nữa, lòng nhân từ và tình yêu của Thiên Chúa vô biên. Vì vậy, Thầy cũng không thể tự nói với mình rằng: ‘Ta đã đến để cứu độ, đã thử biết bao nhiêu phương cách để hoán cải và chuộc lại con người. Nhưng chúng rất cứng đầu. Bây giờ đã đủ rồi. Cố gắng của Ta đã chấm dứt. Ta sẽ làm cho chúng coi quyền lực của Ta lớn hơn tội lỗi của chúng, và sự chết không thể rờ đến Ta’.”[6].

 

Chúa Giê-su vẫn nằm đó trên Thánh Giá! “Chúa không xuống khỏi Thánh Giá, vì Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài đã đến thế gian cho điều đó, là bị đóng đinh vào Thánh Giá cho chúng ta. Giáo phụ Ephrem the Syrian đã suy niệm: “Một tên trộm nói: Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! Dù thế nào Chúa vẫn không rời khỏi thập giá như tên trộm thách thức, để rồi Chúa đã đưa người trộm khác ở bên phải của Thánh Giá lên cao, người đã tin tưởng vào Đấng chịu đóng đinh là Đấng Cứu Độ. Thật là một điều quá dễ đối với Chúa để dùng phép lạ và thâu góm bất cứ ai trở thành môn đệ. Ngài còn tỏ bày một phép lạ lớn lớn, nếu Ngài đã dùng vũ lực để bắt những kẻ chế nhạo Ngài phải thờ lạy Ngài. Tuy nhiên, mà thánh tông đồ đã nói: ‘Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người’ (1Cr 1,25). Ngài đã chỉ cho mọi người thấy sự bất lực của Thánh Giá. Hãy dang đôi tay của bạn và hướng về Thánh Giá, như thế Đấng chịu đóng đinh có thể dang đôi tay của Ngài để hướng về bạn. Nếu ai đó không dang tay của mình hướng về Thánh Giá, thì họ cũng không thể đụng tới được bàn tiệc của Ngài. Ngài sẽ rút lại đôi bàn tay của Ngài đối với những vị khách đến với Ngài nhưng lại quá ‘no nê’, chứ không đến với sự ‘đói khát’. Đừng làm cho bạn ‘no nê trước khi đến với bàn tiệc của Người Con. Ngài sẽ để cho bạn tiếp tục ở lại bàn tiệc, khi Ngài còn ‘đói khát’.”[7]

 

Nữ thần học gia ( suy niệm như sau: “Chẳng lẽ Chúa Giêsu không xuống khỏi thập giá được sao? Chúng con chắc không dám đặt câu hỏi này vì Phúc Âm há chỉ đặt nó trên môi của những kẻ vô thần đó sao?

Nhưng mà, cái câu hỏi ấy vẫn tiếp tục ám ảnh chúng con, vì chúng con cũng vẫn là một phần của cái thế giới đầy chước cám dỗ mà Chúa Giêsu đã phải đối mặt trong suốt bốn mươi ngày trong hoang địa, như là sự khởi đầu và khai mạc sứ vụ của Người. “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!…Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ gìn giữ bạn”. Tuy nhiên, trong chiều kích mà chúng con, những người đã chịu phép rửa và tin vào sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, những người đang dõi bước theo Ngài, những lời châm chọc của kẻ ác không hề tóm được chúng con; chúng bất lực, sự lừa dối của chúng là hiển nhiên.

Chỉ khi nào chúng con khám phá ra được sức mạnh cương quyết của những lời đó, “Điều đó không cần thiết sao. ..?” (Lc 24:26), mà Chúa Giêsu đã kiên nhẫn giảng giải với các môn đồ của mình trên đường Emmaus.

“Điều cần thiết” là Đức Kitô phải chấp nhận sự vâng lời và sự bất lực này, để đến với chúng con trong sự bất lực vì sự bất tuân của chúng con. Chỉ khi đó chúng con mới hiểu được rằng “chỉ có một Thiên Chúa Đấng chịu khổ đau mới có thể cứu được chúng ta”, như Dietrich Bonhoeffer đã viết vài tháng trước khi bị hành hình. Khi trải nghiệm sức mạnh của ma quỉ đến tột cùng, ông mới có thể tổng hợp, trong sự thật đơn giản và áp đảo này, về đức tin Kitô giáo”[8].

Hắn cứ xuống khỏi Thánh Giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! Ôi một lời yếu tin biết bao. Trước lời thách thức yếu lòng tin đó, Chúa không bị lay chuyển, Ngài chẳng nói năng chi, chẳng sợ hãi trước những lời chế diễu và sỉ vả. Ngài không xuống khỏi Thánh Giá như nhiều người thách thức, và Ngài cũng không đáp lời họ. Đó là một thái độ thật tuyệt vời của Chúa Giê-su. Không cần hao công tốn sức với những lời sỉ nhục mang tính bất nhân và hiểm ác, nghĩa là không để cho những lời đó có ảnh hưởng gì trên Ngài, ảnh hưởng trên sứ mạng mà Ngài nhận được từ Cha trên trời.

Chúa Giê-su đã vững vàng trên thập giá và Ngài không rời khỏi thập giá, dù đó là một nhục hình không ai muốn. Thánh Phao-lô có lẽ đã cảm nhận được chiều sâu của biến cố này này, nên đã thốt lên: “Chúng tôi rao giảng một Đức Ki-tô chịu đóng đinh” (1Cr 1,23).

Để giúp chúng ta cảm nghiệm sâu hơn tinh thần của Chúa Giê-su trên thập giá, chúng ta đọc bài chia sẻ của cha Rolheiser “Nhục hình của thập giá” được viết ngày 28.3.2010.

“Hình phạt đóng đinh trên thập giá do người La Mã chế ra có thêm một ý định khác. Nó ấn định một án tử hình, giết một tội phạm, nhưng ngoài ra nó còn mục đích làm một số điều khác nữa.

Hình phạt đóng đinh trên thập giá nhằm gây ra nỗi đau thể xác cùng cực. Vì vậy, người ta cố tình kéo dài quá trình này trong nhiều giờ đồng hồ và họ tính toán cẩn thận để cường độ đau đớn tăng dần nhưng không làm cho tội phạm bất tỉnh để dịu cơn đau khi bị đóng đinh. Thực tế, đôi khi họ còn cho tội nhân uống rượu vang có trộn moóc-phin, không phải để làm dịu cơn đau, mà để không ngất xỉu vì quá đau, và như vậy họ phải tiếp tục chịu đựng cơn đau đớn đó lâu hơn.

Nhưng hình phạt đóng đinh trên thập giá còn có một ý định khác nữa, thậm chí còn ác độc hơn. Đó là nhằm sỉ nhục tội nhân. Ngoài những chuyện khác, tội nhân còn bị lột truồng trước khi bị treo lên thập giá, để bộ phận sinh dục phơi ra trước dân chúng. Còn nữa, vào giây phút lìa đời, ruột gan của họ sẽ bung ra. Rõ ràng hình phạt đóng đinh trên thập giá nhằm hạ nhục.

Chúng ta xưa nay có xu hướng xem nhẹ khía cạnh này, cả trong giáo huấn lẫn trong nghệ thuật. Như Juergens Moltmann nói, chúng ta đã trang trí cây thập giá với toàn hoa hồng, toàn những tấm khăn choàng thẩm mỹ và sạch sẽ. Nhưng trường hợp của chúa Giê-su không phải như vậy. Người bị lột trần truồng trước công chúng, thân thể người bị hạ nhục trước dân chúng. Điều đó, bên cạnh những điều khác, là lý do hình phạt đóng đinh trên thập giá đã giáng một đòn chí mạng đối với các môn đệ và là lý do tại sao đa số các môn đệ bỏ Chúa Giêsu và phân tán khắp nơi sau sự kiện Chúa bị đóng đinh trên thập giá. Đơn giản các môn đệ này không thấy có mối liên hệ nào giữa kiểu hạ nhục này với vinh quang, thần thánh và chiến thắng.

Một điểm thú vị là có một tương đồng rõ rệt giữa hình phạt đóng đinh trên thập giá gây ra cho cơ thể và những gì mà bản chất tự nhiên làm đối với cơ thể qua tuổi tác, bệnh ung thư, bệnh mất trí nhớ, AIDS, những căn bệnh như Parkinson, Lou Gehrig, Huntington, và những chứng bệnh khác làm hạ thấp con người trước khi cơ thể chết. Chúng phơi bày ra trước mắt mọi người những gì dễ tổn thương nhất bên trong con người. Chúng hạ nhục thân thể.

Tại sao vậy? Đâu là mối liên hệ giữa loại đau đớn này và vinh quang ngày Chuá nhật Phục Sinh? Tại sao, như Phúc âm nói, “trước hết phải chịu đau đớn mới vào vinh quang?”

Bởi vì, điều trớ trêu là, phải chịu bị nhục sâu thẳm nào đó tâm hồn mới có một tầm mức sâu sắc. Bằng cách nào, và tại sao như vậy? Không dễ dàng gì để biện giải một cách duy lý, nhưng chúng ta có thể hiểu được điều này thông qua trải nghiệm:

Hãy dũng cảm và trung thực tự đặt cho mình câu hỏi này: Những trải nghiệm nào trong cuộc đời đã làm cho tôi thành chín chắn? Tôi dám nói rằng, trong hầu hết mọi trường hợp, những trải nghiệm làm bạn trở nên sâu sắc sẽ là những sự cố bạn cảm thấy bị nhục khi phải chấp nhận nó, một bất lực mà bạn không tự bảo vệ mình, một phỉ báng mà bạn không thể tự bào chữa, một lệch lạc của cơ thể hay trí óc đã khiến bạn bị tổn thương, một vụ việc tủi hổ từng xảy đến với bạn, hay một lỗi lầm nào đó bạn đã phạm và bị phơi bày ra trước mắt mọi người các mặt yếu của bạn. Tất cả chúng ta, giống như chúa Giê-su, cách này cách khác, đều đã từng bị treo lên thập giá và bị hạ nhục trước công chúng. Và bị hạ nhục ở mức độ nào thì chúng ta trở nên sâu sắc chính ở mức độ ấy.

Nhưng sự sâu sắc của tâm hồn lại theo nhiều cách khác nhau. Sự sỉ nhục làm chúng ta sâu sắc, nhưng chúng ta có thể sâu sắc hơn về tính cách, về hiểu biết, về lòng độ lượng, vị tha, hay chúng ta cũng có thể phẫn uất, cay đắng, tìm cách trả thù và sát hại sâu sắc hơn. Hình phạt đóng đinh trên thập giá của Chúa Giê-su đã làm trái tim của Chúa giãn nở hơn nhưng giãn nở trong niềm thương cảm, rộng lượng và vị tha. Không phải ai cũng vậy. Nhiều trong số những kẻ sát nhân hàng loạt cũng từng chịu sỉ nhục sâu sắc và điều đó cũng làm cho trái tim họ giãn nở ra nhưng trừ một điều là trong trường hợp của họ, sự sỉ nhục đã khiến họ sâu sắc hơn trong nỗi cay đắng, độc ác, và sát nhân.

Cách đây vài năm, tôi tham dự một khóa hội thảo hè ở Viện Đại học Notre Dame, nơi cộng đoàn Thánh Giá họp lại để làm lễ phong thánh cho vị sáng lập dòng. Suy tư về linh đạo của người sáng lập, một thành viên của cộng đoàn Thánh Giá đã đưa ra thách thức này cho cộng đoàn của anh: Nếu anh sống trong bất kỳ một gia đình nào, sau bất kỳ một khoảng thời gian nào, đến một lúc nào đó, gia đình đó sẽ làm anh tổn thương, và làm anh tổn thương sâu sắc. Nhưng, đây chính là điều quan trọng, cái cách mà anh xử sự với vết thương đó, một cách cay đắng hay với lòng vị tha, nó sẽ quyết định suốt cả phần đời sau đó của anh!

Khi bị phạt đóng đinh trên thập giá, Chúa Giê-su bị hạ nhục, bị phỉ báng, bị đối xử tàn nhẫn. Nỗi đau này đã làm giãn trái tim Người ra một chiều sâu lớn lao. Nhưng khoảng không gian mới giãn ra đó không chứa nỗi cay đắng và phẫn uất. Nó chứa đầy lòng thương cảm và vị tha sâu sắc mà chúng ta vẫn chưa thể nào hiểu được trọn vẹn”[9].

 

 

  1. Chúa Giêsu với  Cha mình: 15, 33-38

 

33 Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín.34 Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni! ” Nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”35 Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: “Kìa hắn kêu cứu ông Ê-li-a.”36 Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: “Để xem ông Ê-li-a có đến đem hắn xuống không.”37 Đức Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở.38 Bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới.

 

Phần Chúa Giê-su ở trên thập giá cầu nguyện với Cha trên trời được hai thánh sử Mác-cô và Mát-thêu (Mt 27,45-54) ghi lại.

 

Trong phần đầu tiên, chúng ta thấy cả hai thánh sử đều nhắc đến yếu tố thời gian. Đó là giờ thứ sáu tức mười hai giờ trưa (12.00) của chúng ta và giờ thứ chín tức mười lăm giờ (15.00) chiều của chúng ta. Để đi sâu vào ý nghĩa của thời gian mà Chúa Giê-su bị đóng đinh nói lên lời cuối cùng này, chúng ta lắng nghe suy tư của Đức Benedicto XVI: “Như chúng ta đã nghe, đây là điều mà Thánh Mác-cô viết: “Vào giờ thứ sáu (buổi trưa), tối tăm bao trùm khắp mặt đất đến giờ thứ chín (ba giờ chiều). Và vào giờ thứ chín, Chúa Giê-su kêu lên một tiếng lớn: ‘Ê-lôi, Ê-lôi, la-ma xa-bác-tha-ni!’ Nghĩa là: ‘Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (15,34). Trong cấu trúc của tường thuật, lời cầu nguyện, tiếng kêu của Chúa Giê-su ở tột đỉnh của ba giờ đen tối này, từ trưa cho đến ba giờ chiều, là những giờ mà tăm tối bao trùm khắp mặt đất. Ba giờ đen tối này là sự tiếp tục của một khoảng thời gian trước đó, cũng ba giờ, bắt đầu với việc đóng đinh Chúa Giê-su. Thực ra, thánh sử Mác-cô cho chúng ta biết rằng:“Khi đó là giờ thứ ba (chín giờ sáng), và chúng đóng đinh Người” (x.15,25). Chung quy thì những dấu chỉ về thời gian của tường thuật cho thấy rằng sáu giờ của Chúa Giê-su trên Thánh Giá được chia thành hai phần bằng nhau theo thứ tự thời gian.

 

Trong ba giờ đầu, từ chín giờ sáng đến trưa, chúng ta thấy sự chế nhạo của các nhóm người khác nhau, là những kẻ bày tỏ sự hoài nghi của họ và xác định rằng họ không tin. Thánh Mác-cô viết: “Những kẻ qua lại chế nhạo Người” (Mc 15,29), “Cũng vậy, các trưởng tế và luật sĩ đều chế giễu Người” (Mc 15,31), và“những tên cùng bị đóng đinh với Người cũng xỉ vả Người” (Mc 15,32). Trong ba giờ tiếp theo, từ trưa đến ba giờ chiều, thánh sử chỉ nói về bóng tối bao trùm khắp mặt đất: một mình bóng tối chiếm toàn cảnh mà không đề cập đến những chuyển động hay lời nói nào của các nhân vật. Khi Chúa Giê-su gần cái chết hơn bao giờ hết, chỉ có bóng tối đang bao trùm ‘khắp mặt đất’. Ngay cả vũ trụ cũng tham gia vào biến cố này: bóng tối bao phủ người và sự vật, nhưng ngay cả trong giờ đêm tối này Thiên Chúa vẫn hiện diện, Ngài không từ bỏ”[10] và Ngài đã lên tiếng.

 

Trước khi suy niệm lời kêu cầu của Chúa Giê-su, chúng ta tìm hiểu hiện tượng mà Mác-cô nhắc đến: “Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín”. Cha Hồ Bặc Xái giải thích: “Hiện tượng này có xảy ra thật không? Một số nhà nghiên cứu cho là có thể, đó là do nhật thực. Nhưng nhiều giáo phụ, như Origène, Jérome và Gioan Kim Khẩu cho rằng, thời gian đó không thể nào xảy ra nhật thực, vì khi đó đang vào thời trăng tròn, nên mặt trăng không thể nào xuất hiện giữa ban ngày để che khuất mặt trời được. Có một giải thích khá hợp lý như sau: đó là một hiện tượng đặc biệt gọi là Khamsin – hơi thở đen của sa mạc, tức là ở vùng sa mạc thỉnh thoảng có một luồng gió cuốn theo rất nhiều bụi che đen cả một vùng trời trong một khoảng thời gian. Hiện tượng này không phải hiếm ở vùng Trung Đông, nhất là vào khoảng tháng 4. Phải chăng đó cũng là hiện tượng đã xảy ra bên Ai-cập vào thời Mô-sê?

Điều quan trọng là ý nghĩa mà các Tin Mừng nhất lãm muốn nói qua cách diễn tả đó. Các ngài đã dựa vào lời tiên tri của Amos: “Sẽ xảy ra là trong Ngày ấy, Ta sẽ cho mặt trời lặn giữa trưa; và giữa ban ngày Ta làm cho đất tối sầm lại” (Am 8,9). Qua đó, tác giả muốn nói rằng: Đó là dấu chỉ của ‘ngày Chúa’ đã đến”[11].

 

Trở về với bài Tin Mừng, chúng ta thấy tiếng kêu của Chúa Giê-su, như đã nói ở trên, đã trích dẫn từ Thánh Vịnh 22. Thánh Vịnh này nói về người lành thánh gặp đau khổ và đã kêu cầu đến Chúa, và Chúa đã nhậm lời. Đức Benedicto XVI đã chia sẻ về Thánh Vịnh này như sau: “Thánh Vịnh này luôn xuất hiện trong những tường thuật về Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, với cả hai bình diện chịu sỉ nhục và vinh quang, sự chết và sự sống. Đó là Thánh Vịnh 22 theo truyền thống Do Thái hay Thánh Vịnh 21 theo truyền thống La-Hy, một lời cầu nguyện chân thành và cảm động, có sự phong phú về thần học và chiều sâu về nhân bản, khiến nó trở thành một trong những Thánh Vịnh được ưa thích và nghiên cứu nhiều nhất trong các Thánh Vịnh…Thánh Vịnh này trình bày hình ảnh của một người vô tội bị lùng bắt và bao vây bởi những kẻ thù muốn cho ông chết, và ông cầu cùng Thiên Chúa bằng một lời than thở đớn đau, trong niềm xác tín của đức tin, mở ra một cách bí nhiệm để chúc tụng. Trong lời cầu nguyện của ông, thực tại kinh hoàng của hiện tại và đầy an ủi trong quá khứ thay phiên nhau trong một ý thức đau đớn về tình trạng tuyệt vọng của mình, nhưng không muốn làm cho mình mất hy vọng. Lời kêu than lúc đầu của ông là một lời khẩn cầu cùng một Thiên Chúa dường như xa cách, không đáp lời ông và có vẻ đã bỏ rơi ông”[12]. Lời đầu tiên của Thánh Vịnh là:

Ôi Thiên Chúa của con! Ôi Thiên Chúa của con! Sao Ngài lại nỡ bỏ rơi con?
Dù con thảm thiết kêu gào, nhưng ơn cứu độ nơi nào xa vời! (Tv 22,2).

 

Chúa Giê-su trên Thánh Giá đã thốt lên lời cầu nguyện này. Thật vậy, cả hai thánh sử đều kể lại rằng, Chúa Giê-su đã kêu lớn tiếng. Theo Pesch, việc kêu lớn tiếng là tính cách của việc cầu nguyện kêu xin lớn tiếng[13]. Điều này tương hợp với lời Thánh Vịnh “Dù con thảm thiết kêu gào” (Tv 22,2b).

 

Lời cầu nguyện kêu xin lớn tiếng của Chúa “diễn tả tình trạng cô độc của Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa, Người đang đối diện với thảm trạng bị chết, một thực tại hoàn toàn trái ngược với Chúa sự sống. Bị hầu hết những người thân yêu của Mình bỏ rơi, bị các môn đệ phản bội và chối từ, bị vây quanh bởi những kẻ nhục mạ Người, Chúa Giê-su đang bị đè nghiến bởi sức nặng của một sứ mệnh phải trải qua sỉ nhục và hủy diệt. Vì lý do đó mà Người than khóc cùng Chúa Cha, và nỗi thống khổ của Người được diễn tả qua những lời đớn đau của bài Thánh Vịnh”[14].

 

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở cảm xúc đó, vì “Người cầu nguyện bằng bài Thánh Vịnh với ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa Cha, ngay cả trong giờ này khi Người cảm thấy thảm cảnh về cái chết của con người”.  Như thế, lời cầu nguyện của Chúa Giê-su ở đây diễn tả một tương quan sâu xa của Ngài với Cha Ngài. Đó là một điều thật cao quý. Tuy nhiên, khi đọc lời cầu nguyện này, chúng ta cũng đặt vấn nạn, tại sao Thiên Chúa quyền năng không thể can thiệp vào biến cố đau thương này của Con mình, tại sao Ngài lại im lặng?

 

Trước hết, chúng ta thấy Đức Benedicto XVI đã đặt ra vấn nạn sau, khi Ngài suy niệm về di ngôn này: “Nhưng một câu hỏi phát ra trong trí chúng ta: làm sao mà một Thiên Chúa quyền năng như thế lại không can thiệp để tránh cho Con mình sự thử thách khủng khiếp này? Điều quan trọng là phải hiểu rằng lời cầu nguyện của Chúa Giê-su không phải là tiếng kêu của một người gặp gỡ cái chết trong tuyệt vọng, cũng không phải là tiếng kêu của một người biết rằng mình đang bị bỏ rơi. Trong giây phút ấy, Chúa Giê-su đã áp dụng toàn bộ bài Thánh Vịnh 22 cho mình, Thánh Vịnh cao cả của dân Israel đau khổ, và như thế Người tự mình gánh lấy không những chỉ nỗi thống khổ của dân Người, mà còn của tất cả mọi người bị sự dữ áp đảo, và đồng thời, Người mang tất cả những điều này đến trước trái tim của chính Thiên Chúa, trong khi tin chắc rằng tiếng kêu của Người sẽ được Thiên Chúa nghe trong biến cố Phục Sinh, “tiếng kêu của đau khổ tột cùng đồng thời vẫn là niềm tin chắc chắn về một câu trả lời từ Thiên Chúa, niềm tin chắc chắn về ơn cứu độ – không chỉ cho chính Chúa Giê-su, nhưng còn cho ‘nhiều người’” (Chúa Giê-su Thành Nazareth II, 239-240)”[15].

 

Im lặng theo cái nhìn đầu tiên là không có tiếng nói, nhưng thực ra thì im lặng chính là một cách thức để nói. Vì thế, Thiên Chúa im lặng trong biến cố này, không có nghĩa là Ngài vắng mặt và không nói gì. Đức Benedicto XVI đã nói rằng: “Thiên Chúa nói qua sự im lặng: Sự im lặng của Thiên Chúa, cảm nghiệm về sự xa cách của Đấng Toàn Năng và Chúa Cha, là một quãng đường quyết định trong cuộc hành trình dương thế của Con Thiên Chúa, Ngôi Lời Nhập Thể. Khi bị treo trên cây gỗ Thánh Giá, Người đã than khóc về nỗi đau khổ mà sự im lặng như thế gây ra cho Người: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của Con, sao Cha nỡ bỏ rơi Con?” (Mc 15 34; Mt 27,46)…Nhưng sự im lặng của Thiên Chúa, như Chúa Giê-su cũng đã cảm thấy, không phải là dấu chỉ của sự vắng mặt của Ngài. Người Kitô hữu biết rằng Chúa hiện diện và lắng nghe, ngay cả trong đêm đen của đau khổ, bị khước từ và cô đơn. Chúa Giê-su bảo đảm với các môn đệ của Người, và với mỗi người trong chúng ta rằng, Thiên Chúa biết rõ các nhu cầu của chúng ta, trong mọi hoàn cảnh của đời sống chúng ta”[16].

 

Như thế, sự im lặng của Chúa Cha không có nghĩa là sự bỏ rơi, nhưng là một cuộc gặp gỡ thật sự, cuộc gặp gỡ trong thinh lặng của Cha với Con yêu dấu.

 

Elie Wiesel, một nạn nhân và cũng là nhân chứng về sự tàn ác của chế độ Phát-xít Đức. Ông đã từng phải sống trong trại tập trung Auschwitz và Buchenwald, nhưng may mắn cuối cùng ông được cứu thoát. Elie Wiesel người gốc Do-thái và là một học giả nổi tiếng, ông không ngừng đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và đã nhận giải Nobel hoà bình năm 1986. Elie Wiesel đã chia sẻ về một cuộc xử tử bằng cách treo các tù nhân thật dã man trong trại tập trung ở Auschwitz.

Có hai người trưởng thành và một cậu bé bị treo lên một cây cột, cậu bé này được mọi người thương yêu. Tất cả các tù nhân phải đứng thành hàng lối trật tự trước ba người bị treo trên cột, để nhìn họ chết như thế nào.

Ba người bị kết án được dẫn lên trên các cái ghế. Ba cái đầu được đưa vào trong cái ba cái dây thòng lọng đang chuẩn bị siết cổ.

“Tự do vẫn tồn tại!”, hai người trưởng thành kêu lớn.

Cậu bé kia thì im lặng.

“Chúa ở đâu, Ngài ở đâu rồi?”, một người đàng sau tôi lên tiếng hỏi.

Tên chỉ huy trại ra hiệu và ba chiếc ghế bị xô đổ.

Trong trại một sự im lặng tuyệt đối bao trùm. Mặt trời đã lặn rồi…

Hai người trưởng thành đã chết. Lưỡi của họ sưng lên và lè ra với một màu xanh. Còn cái thòng lọng thứ ba không được cột kỹ lưỡng. Cậu bé kia vẫn còn sống…

Hơn nửa tiếng đồng hồ cậu bé bị treo lơ lửng như vậy, trước mặt chúng tôi cậu đang chiến đấu giữa sự sống và sự chết. Còn chúng tôi phải nhìn thẳng vào mặt cậu bé. Khi tôi đi ngang qua chỗ cậu bị treo, tôi cảm nhận cậu vẫn còn sống. Lưỡi cậu vẫn còn đỏ, đôi mắt của cậu chưa đóng lại.

Đàng sau tôi lại một giọng nói:

“Chúa đâu rồi?”

Tôi nghe một giọng nói khác trả lời:

“Chúa ở đâu sao? Chúa ở đó, Ngài đang bị treo trên cây gỗ kia kìa…”[17].

 

Một câu chuyện khác về Primo Levi, một người Ý gốc Do-thái. Anh này cũng ở trong trại tập trung Auschwitz. Anh kể lại rằng, một ngày nọ tất cả đều bị bỏ đói và khát khủng khiếp. Anh nhìn thấy thùng nước bị đông đá, anh đưa tay để mong lấy chút đá để uống, nhưng các tên lính gác đã ngăn cản anh. Khi Levi hỏi: “tại sao?”. Một tên lính gác nói: Ở đây không có hai chữ “tại sao”.

Tất cả chúng ta đều có thể trải nghiệm những hoàn cảnh thật ngớ ngẩn và đồi bại không có chữ “tại sao”. Như vậy, chúng ta không thể tìm cho được câu trả lời nào. Tất cả điều mà chúng ta có thể làm được, là tin tưởng rằng, Thiên Chúa đang ở đó[18].

 

Chúa ở đó, dù chúng ta có rơi vào hoàn cảnh đau thương đến mấy, và ngay lúc chúng ta tưởng rằng Chúa bỏ rơi chúng ta, thì Chúa lại cho chúng ta biết Ngài ở thật gần bên chúng ta. Chính Chúa là mẫu gương cao vời dạy chúng ta biết điều đó, và Ngài cũng nói với chúng ta cần kiên tâm và tin tưởng trong mọi hoàn cảnh, ngay cả lúc phải đối diện với sự chết. Trong những lúc như vậy, chúng ta không bao giờ quên kêu cầu lên Thiên Chúa với một niềm tin sắt đá không lay chuyển.

 

Mặt khác, khi cầu nguyện với lời mở đầu Thánh Vịnh 22, Lạy Thiên Chúa của Con, lạy Thiên Chúa của Con, sao Ngài bỏ rơi Con?, Chúa Giê-su tiếp tục cầu nguyện thầm thì với Thánh Vịnh 22 trong suốt cuộc khổ hình, nghĩa là Chúa Giê-su không quên phần kết thúc của Thánh Vịnh, trở thành ca khúc về giải phóng và lời loan báo ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người.

 

Chúa Giê-su đã bước qua tình trạng hoài nghi hãi sợ và bối rối, để đi vào niềm tin mãnh liệt, niềm tin sắt đá không lay chuyển. Niềm tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa, ngay cả trong bóng tối của tử thần, Thiên Chúa vẫn ở bên. Qua niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa và qua tình yêu trung tín cho đến giây phút cuối cùng của Chúa Giê-su, mà cái chết của Chúa Giê-su đã trở thành một hành động đem lại ơn cứu rỗi cho nhân loại.

 

Qua đó, chúng ta mới thấy ý nghĩa cao cả của lời kêu cầu của Chúa, như thần học gia Ratzinger, diễn tả trong tác phẩm căn bản Einfuehrung in das Christentum – Dẫn vào Ki-tôn giáo: “Lời cầu nguyện này trào lên từ nỗi đau khổ tột cùng vì Thiên Chúa như vắng bóng, nhưng lại kết thúc bằng lời ca ngợi sự cao cả của Người. Tiếng kêu hấp hối của Đức Giê-su cũng mang ý nghĩa như thế”[19].

 

Nếu chính Chúa Giê-su cũng đã phải trải nghiệm sự bỏ rơi của Cha trên trời, ở trong hoàn cảnh thống khổ của Ngài, thì một cách nào đó Ngài cũng mời gọi chúng ta cùng với Ngài đón nhận những giây phút chúng ta bị bỏ rơi trong hành trình cuộc sống.

Nếu chúng ta sẵn sàng đón nhận, nghĩa là chúng ta cho phép việc “bị bỏ rơi” có mặt trong cuộc đời chúng ta, thì dù cho mỗi lần bị bỏ rơi, chúng ta vẫn phải đón nhận những đau đớn, cô đơn, buồn tủi và đôi khi thất vọng hoàn toàn.

 

Trở về lại bài Tin Mừng, sau khi Chúa Giê-su kêu lớn tiếng với lời Thánh Vịnh 22, Mác-cô kể tiếp rằng: Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: “Để xem ông Ê-li-a có đến đem hắn xuống không”.

 

Về hình ảnh “giấm chua”, Ratzinger[20] đã hướng đến bài ca vườn nho, mà tiên tri I-sai-a diễn tả trong chương 5. Trong bài ca này, Thiên Chúa quở trách dân Ít-ra-en. Chúa đã chọn một mảnh đất mầu mỡ cho vườn nho, và Ngài đã chăm sóc vườn nho với tất cả công sức, với tất cả tình yêu thương:“Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho” (Is 5,2a), và Thiên Chúa mong ước sẽ nhận được những trái nho ngon ngọt, nhưng thực tế thì khác:“Anh những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại” (Is 5,2b).

 

Thật là đáng tiếc, vườn nho Ít-ra-en đã không đưa lại những trái nho ngon ngọt của sự Công Chính, dù được trồng trên mảnh đất của tình yêu. Ngược lại, vườn nho này lại sinh những hoa quả chua, những trái nho dại của con người ích kỷ, con người chỉ loanh quanh luẩn quẩn với chính cái tôi ích kỷ của mình, con người chỉ lo lắng cho bản thân mình, mà chẳng màng tới người khác. Thật vậy, vườn nho đó chỉ đưa lại vị chua chứ không phải vị ngọt. Sự quở trách của Thiên Chúa mà chúng ta được tiên tri I-sai-a nhắc đến được cụ thể hoá trên cây thập giá của Chúa Giê-su. Ngài đã được trao cho giấm chua, thay vì rượu ngon hảo hạng: “Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm? Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại?” (Is 5, 4). Nhưng Chúa vẫn sẵn sàng đón nhận, bởi vì Ngài yêu thương nhân loại, bởi vì Ngài vâng lời Cha trên trời cách trọn vẹn.

 

Chúa Giê-su đã uống giấm chua mà người ta trao cho. Trong giấm chua Ngài đã uống cạn tất cả những chua chát và đắng cay của con người cho đến khi Ngài gục đầu trút hơi thở. Chính lúc đó và với lòng thương xót vô bờ bến dành cho con người, Ngài đã giải thoát con người khỏi mọi thứ nọc độc. Thật là tình yêu cao cả không thể diễn tả nổi của Chúa Giê-su. Các giáo phụ đã so sánh cảnh Chúa Giê-su uống giấm chua với câu chuyện mà Môse dùng cây gậy của mình để làm biến đổi dòng nước. Đối với các giáo phụ, qua Thánh Giá Chúa Giê-su đã biến đổi dòng nước cay đắng của chúng ta là những giận giữ, thất vọng, sợ hãi và bất nhân thành dòng nước ngọt ngào. Dòng nước ngọt ngào này có thể làm cho thoả mãn cơn khát của chúng ta.

 

Các Tin Mừng nhất lãm nói rằng người ta dùng cây sậy thấm đầy giấm và cho người uống: “một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống” (Mt 27,48). Còn Gioan thì diễn tả “Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người”. Ở đây, Gioan hướng chúng ta đến ngày lễ Vượt Qua mà cây hương thảo là một yếu tố trong ngày lễ. Trong Chúa Giê-su mọi sự trong ngày lễ Vượt Qua của người Do-thái được kiện toàn. Thánh Augustino nói rằng, pascha có nghĩa là Vượt Qua (transistus).

 

Trên Thánh Giá đã diễn ra một cuộc Vượt Qua đích thật để dẫn con người đến với Thiên Chúa. Trên Thánh Giá diễn ra một cuộc Vượt Qua từ cái khát mang tính cách trần thế đến cái khao khát Thiên Chúa. Trên Thánh Giá diễn ra một cuộc Vượt Qua từ miền đất lạ lùng để về với quê hương đích thật, cuộc Vượt Qua từ kiếp tù đầy để trở về với tự do, cuộc Vượt Qua từ những gì giả dối về với những gì chân thật. Và Trên Thánh Giá đã diễn ra một cuộc Vượt Qua đích thật để dẫn con người từ sự đắng cay của cuộc đời để về với tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa[21].

 

Giấm chua và nho dại vẫn còn hiện diện trong Giáo Hội và thế giới chúng ta hôm nay. Thật vậy, không ít lần chúng ta đã đáp lại tình yêu của Chúa không bằng rượu ngon hảo hạng được lấy từ những cây nho trồng trên mảnh đất yêu thương, mà chúng ta lại trao cho Chúa những tấm lòng chua chát với hương vị khổ đau của nho dại, của lòng vị kỷ và ác nhân.

 

Trở về với bài Tin Mừng, sau khi quân lính cho Chúa uống chút giấm chua, Chúa đã đón nhận. Sau đó, Mác-cô diễn tả: “Đức Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. Bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới”.

Về hiện tượng bức màn trướng trong đền thờ, cha Hồ Bặc Xái giải thích như sau: “cha Lagrange cho là cũng chính cơn gió mạnh Khamsin đã nói phía trên làm cho bức màn trong đền thờ bị xé rách. Nhưng chúng ta nên hiểu ý nghĩa mà những hiện tượng trên ám chỉ: Bức màn đó là màn ngăn cách gian thánh của Đền Thờ với các gian khác  phía ngoài. Nó bị xé rách nghĩa là cái chết của Chúa Giê-su đã xoá bỏ mọi ngăn cách giữa Thiên Chúa với loài người, giữa dân Do-thái và muôn dân”[22].

 

Barclay đã suy tư như sau: “Bức màn trướng trong đền thờ liền xé ra làm hai từ trên xuống dưới”. Đây là bức màn che khuất nơi cực thánh, không cho phép ai được vào. Điều đó có hai nghĩa bóng.

Con đường dẫn đến Thiên Chúa đã rộng mở. Trước kia chỉ có thầy thượng tế mới được phép vào nơi cực thánh mỗi năm một lần nhân ngày Đại Lễ Chuộc Tội. Nhưng bây giờ bức màn đã bị xé và mọi người đều có thể đến với Chúa.

Nơi Thiên Chúa ngự bây giờ với sự chết của Chúa Giêsu, bức màn che giấu Thiên Chúa bị xé ra, và loài người có thể nhìn thấy Thiên Chúa, Thiên Chúa không còn bị che giấu nữa. Loài người không còn mò mẫm, phỏng đoán nữa. Loài người nhìn vào Chúa Giêsu nói rằng “Thiên Chúa giông như vậy đó, Thiên Chúa yêu thương chúng ta như vậy đó”[23].

Ngoài ra, nếu đọc Tin Mừng Mát-thêu diễn tả bối cảnh cái chết của Chúa Giê-su, chúng ta còn thấy hai hiện tượng: “Đất rung đá vỡ. Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy” (Mt 27,51-52).

 

“Đất rung đá vỡ” là những hiện tượng cho chúng ta biết có Thiên Chúa can thiệp: cái chết của Chúa Giê-su nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa và “các thánh trỗi dậy” là hiệu quả của cái chết cứu chuộc của Chúa Giê-su[24].

 

Chúa trút linh hồn, Chúa chết. Một biến cố chỉ có Thiên Chúa toàn năng làm được. Ngài tự ý trở nên người như muôn người, và Người sẵn sàng đón nhận cái chết như muôn người phải chết. Đón nhận cái chết là đón nhận cái bất hạnh nhất của đời người. Cái bất hạnh nhất này không ai có thể chạy trốn hay chối từ được.

 

Trước khi suy niệm cảnh kế tiếp là cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và Viên Đại Đội Trưởng, chúng ta đọc lời suy niệm của Karl Rahner về lời của Chúa Giê-su kêu lên với Cha trên trời trong tập suy niệm Wort am Kreuz:

 

“Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Cái chết đang lại gần, không phải là cái chết thể lý vốn đem đến giải thoát và bình an, nhưng là cái chết tượng trưng vực thẳm, tận diệt, tuyệt vọng. Cái chết đang lại gần, cái chết nói lên sự bất lực khủng khiếp, cô đơn nặng nề, tước bỏ trọn vẹn, lúc mà tất cả sụp đổ, chạy trốn, chỉ còn sót lại một  sự ruồng bỏ chua xót, đau thương. Và trong đêm tối của tinh thần, của giác quan ấy, trong sự trống rỗng con tim ấy, linh hồn Chúa vẫn kiên trì cầu nguyện; nỗi cô độc gớm ghê của con tim ngập tràn đau khổ ấy đã trở nên nơi Chúa một tiếng kêu van lạ lùng. Ôi lời cầu nguyện của đau khổ, lời cầu nguyện của cảnh bị bỏ rơi, lời cầu nguyện của bất lực vô bờ bến, ngươi quả đáng ca tụng. Lạy Chúa Giê-su, nếu Chúa đã biết cầu xin trong một nỗi khốn cùng như vậy, thì còn hoàn cảnh bi đát nào mà con người không thể kêu lên với Chúa Cha? Còn nỗi thất vọng nào mà không thể trở nên lời cầu nguyện khi tìm đến ẩn thân trong cảnh bị bỏ rơi của Chúa? Còn sự câm nín lớn lao nào mà lại quyết tâm không muốn biết rằng một tiếng kêu im lặng như thế vẫn có thể đạt được niềm vui thiên quốc?

 

Để nói lên nỗi khốn cùng của Chúa, để biến cảnh cô đơn hoàn toàn của Chúa nên một lời kinh, Chúa đã xướng lên câu đầu tiên của một Thánh vịnh (Tv 22). Quả vậy, những lời Chúa nói: “Lạy Thiên Chúa con, lạy Thiên Chúa con, nhân sao Ngài bỏ con?” là câu đầu tiên của khúc ai ca cổ xưa ấy, khúc ai ca mà chính Thánh Thần Chúa đã đặt trên môi, trên lòng vị hiền nhân Cựu Ước, như một tiếng kêu cứu tuyệt vọng. Thành ra ngay cả Chúa, con dám nói thế, trên đỉnh cao sầu khổ, đã không muốn một lời cầu nguyện nào khác ngoài lời cầu nguyện muôn người trước Chúa đã thốt trên môi; và có thể nói là khi cử hành cuộc hy tế trang nghiêm mà mình là hy lễ, Chúa đã dùng những công thức sẵn mang tính cách phụng vụ, để qua đó nói lên trọn vẹn nỗi lòng.

 

Xin cho con biết cầu nguyện với lời của Giáo hội Chúa, để những lời đó trở nên cách diễn tả của lòng con”[25].

 

 

  1. Chúa Giêsu với  viên đại đội trưởng: 15, 39

 

39 Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.”

 

Chúa Giê-su trút linh hồn, Ngài chết trên Thánh Giá. Lúc đó có nhiều người đứng dưới chân Thánh Giá chứng kiến. Trong số họ có một viên đại đội trưởng. Ba thánh sử Tin Mừng Nhất Lãm nhắc đến nhân vật này. Chúng ta đọc lời của thánh Mát-thêu viết: Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa(Mt 27,54) và trong Luca: “Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Người này đích thực là người công chính!” (Lc 23,47).

 

Theo Kremer, viên đại đội trưởng “Centurio” là vị chỉ huy một nhóm lính Rô-ma với cả trăm người. Có lẽ ông ta đứng gần Thánh Giá Chúa, nên ông có có thể quan sát được điều gì xảy ra trên Thánh Giá, cũng như ông ta có thể nghe tiếng kêu cầu của Chúa Giê-su, và chiêm ngắm được dung mạo của Người lúc đó. Điều mà viên đại đội trưởng trải nghiệm nơi Chúa Giê-su trên Thánh Giá, có lẽ là điều rất đặc biệt, vì khả năng lớn là ông đã tham gia nhiều vụ đóng đinh các tử tội trên thập giá, nhưng chưa bao giờ trải nghiệm như vậy. Điều đặc biệt là hiện tượng trời đất tối tăm như đã nhắc đến trước đó và tiếng kêu cầu của Chúa Giê-su là những điều có sức lôi cuốn mạnh mẽ.

 

Viên đại đội trưởng đã bị tác động cách đặc biệt và ông đã thốt lên: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”. Đó là một lời tuyên xưng đức tin. Chúng ta để ý đến từ “quả thật”. Theo Kremer, từ ngữ “quả thật” nêu bật tính cách thật của điều viên đại đội trưởng tuyên xưng, như thế thì mọi “nghi ngờ” bị loại bỏ. Theo cái nhìn bình thường của người Do-thái, kẻ bị đóng đinh luôn là những người tội lỗi và xứng đáng với hình phạt hắn chịu, nhưng ở đây Mác-cô đã cho chúng ta thấy Chúa Giê-su không là trường hợp mà người Do-thái thường nghĩ tới. Vì thế, lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng chính là lời tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giê-su của Giáo Hội tiên khởi[26].

 

Lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng được Mác-cô nhắc đến, cũng diễn tả nét đặc biệt của thánh sử. Trong câu mở đầu tin mừng, Mác-cô đã viết: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1) và ở phần cuối của Tin Mừng, Mác-cô đã để cho viên đại đội trưởng, một người ngoại nhập cuộc và nói lên lời công nhận sau cùng: Đức Giêsu là Con của Thiên Chúa.

Một kẻ đã bị đại công nghị lên án và nay chỉ còn là một thi thể trên thập giá, thế mà viên sĩ quan Rôma ấy công nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Viên đại đội trưởng dạy cho chúng ta biết cần phải qua giai đoạn nào thì lời tuyên xưng đức tin của Kitô hữu mới có giá trị thật.

Xuyên qua thảm kịch này, Mác-cô tiếp tục tra vấn chúng ta: Chúa Giê-su là một kẻ lạ lùng như thế! Bạn có sẵn sàng chết cùng với ý tưởng bạn có về Ngài để có thể đón nhận Ngài đúng theo bản chất thực của Ngài không?

 

Tóm lại, viên đại đội trưởng, từ một người thi hành án phạt và người ngoại giáo ông đã trở thành một người tín hữu. Mảnh đất đời ông tưởng chỉ được gọi là “vệ đường” lạ lẫm, nhưng dưới chân Thánh Giá, mảnh đất đời ông đã được biến đổi thành “đất màu mỡ”. Nơi đó hạt giống là Chúa Giê-su rơi xuống và viên đại đội trưởng đã đón nhận với lời tuyên xưng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”

 

 

  1. Chúa Giêsu với  các phụ nữ dưới chân thập giá: 15, 40-41

 

40 Nhưng cũng có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê Thứ và Giô-xết, cùng bà Sa-lô-mê.41 Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giê-su khi Người còn ở Ga-li-lê. Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giê-ru-sa-lem, cũng có mặt tại đó.

Không chỉ có nhân vật viên đại đội trưởng và quân lính đứng dưới chân Thánh Giá, Mác-cô còn nhắc đến các phụ nữ. Họ đứng xa xa mà nhìn. Các phụ nữ cũng được Mác-cô nêu danh tính: (1) Bà Ma-ri-a Mác-đa-la. (2) Bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê Thứ và Giô-xết và (3) bà Sa-lô-mê.

 

Các bà thật can đảm, còn các môn đệ thì khiếp sợ và trốn mất. Chrysostom chia sẻ: “Các phụ nữ đứng dưới chân Thánh Giá, trong khi các môn đệ chạy trốn. Như thế, những người yếu đuối đã tỏ ra là người mạnh mẽ. Từ biến cố này, mọi sự đã hoàn toàn thay đổi”.[27]

 

Barclay cũng chia sẻ: “Một số phụ nữ đứng xa xa. Các bà đang bối rối, đau buồn, vô cùng sầu muộn, nhưng các bà đã có ở đó. Các bà đã quá mến Chúa Giêsu đến nỗi không thể lìa xa Ngài được. Tình thương yêu khiến người ta bám chặt vào Chúa Giêsu cả khi trí tuệ con người không hiểu nổi. Chỉ có tình yêu mới giúp mỗi người bám chặt lấy Chúa Giêsu, khiến cả đến những kinh nghiệm gây đau đớn nhất cũng không tách rời ra được”.

 

Đi vào trong bản văn của Mác-cô[28], chúng ta thấy thánh sử nói nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa, và không nói gì về tâm trạng của các bà. Hầu như các Tin Mừng khác cũng không diễn tả tâm trạng của các phụ nữ.

 

Theo Đức BenedictoXVI[29], ngay khi các thánh sử không kể lại gì cách trực tiếp về tâm trạng của các phụ nữ đang hiện diện dưới chân Thánh Giá, nhưng người ta có thể nhận ra được sự buồn rầu và đau đớn của họ về những việc đang xảy ra đối với Chúa Giê-su. Hơn nữa, thánh sử Gioan đã trích dẫn lời của tiên tri Da-ca-ri-a ở phần cuối bài thương khó: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37). Cũng chính thánh Gioan, ở trong sách Khải Huyền, đã nhắc lại cảnh Chúa Giê-su bị đâm thâu trên Thánh Giá, nhưng ở trong viễn cảnh Chúa Giê-su đến trong ngày quang lâm: “Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người” (Kh 1,7).

 

Những người đâm thâu Chúa, và cả những phụ nữ theo Chúa từ bấy lâu nay, cũng đều nhìn lên Đấng bị đâm thâu. Nhưng mỗi nhóm người có cái nhìn khác nhau. Cái nhìn của khinh khi và ác độc của những người kết án và hành hạ Chúa, cái nhìn cảm thông và đau xót của các phụ nữ trung thành theo chân Chúa.

 

Sertillanges diễn tả về các phụ nữ đứng dưới chân Thánh Giá Chúa như sau: “Những phụ nữ vẫn đứng đó, lúc tiến lại gần, khi lui ra xa tùy theo đám đông và binh lính cho phép. Họ theo Đức Giêsu suốt hành trình của Ngài từ Ga-li-lê. Lúc này Ngài cần ai đó để giúp đỡ vào giây phút cuối cùng. Sự có mặt của họ mang tính biểu tượng. Nó báo trước tương lai và vai trò nữ giới trong cuộc sống Giáo hội, như trong cuộc đời Đức Kitô… Các người đàn bà đạo đức này ngay từ đầu đã tận tụy với Đức Giêsu và kiên trì cho đến giây phút cuối cùng. Họ sẽ xức dầu thơm cho mộ Ngài, sẽ làm nhân chứng cho việc Ngài sống lại, sẽ có vai trò trong ngày Thánh Thần hiện xuống. Họ dâng hiến cuộc đời cho công việc cứu rỗi nhân loại, sau khi đã thờ lạy và làm vui lòng Ngôi vị Ngài. Trên ngọn đồi Calvario họ nhận lãnh chức vụ mà sau này sẽ truyền lại cho nữ giới suốt lịch sử Kitô giáo. Họ đang hiện diện dưới chân Thánh Giá. Như vậy họ đứng làm hình ảnh chính thức cho nửa phần nhân loại được thánh hiến…

 

Những trái tim dịu dàng này (chúng ta khoan nói đến Đức Maria) thấu hiểu tốt hơn đàn ông về tính dịu ngọt thần linh và sức mạnh siêu phàm của Đức Giêsu, Đấng Thiên sai và tử đạo. Sự vĩ đại của Ngài đã chiến thắng họ. Lòng thương xót và nhân lành của Ngài lôi kéo họ đến bên cạnh Chúa. Nó làm cho họ ngất ngây. Về căn bản phụ nữ là người thích an ủi vỗ về. Quan điểm của họ về sự sống khiến họ dễ trở nên người trợ giúp. Bởi vì là người ban sự sống, cho nên phụ nữ ý thức rõ hơn đàn ông về tính mỏng dòn và yếu đuối của loài người và quyết bảo vệ những gì họ sinh ra ở trên thế gian này. Những linh hồn đa cảm ấy vừa là bạn hiền vừa là học trò, và trong nghĩa nào đó là các con gái, các bà mẹ hiền dịu dưới chân khổ giá, khóc cay đắng cho số phận của Thầy mình. Họ nhìn lên Thầy với chút an ủi và khích lệ. Họ mời mọc Thầy chia sẻ với họ sự yếu đuối của thân phận làm người. Quỳ lạy tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ mình, kêu cầu Ngài ban ơn xuống cho mình và con cháu. Phần thưởng của họ là được ủy thác chôn cất xác Chúa. Nhưng chính giờ này xác Thầy đã là của họ. Một chị em đã xức thuốc thơm cho thân xác Thầy trước rồi và ít lâu nữa họ sẽ vội vã đi mua dầu thơm trước khi bình minh thứ bảy ló rạng (thứ 7 cấm đi xa), để có thể ướp xác bằng hương liệu ngọt ngào và đặt Chúa vào chiếc giường đá lạnh lẽo”.[30]

 

Thật vậy, các phụ nữ qua tâm tình của họ dành cho Chúa, họ đã thoa dịu phần nào cảnh thương khó của Chúa mà những người ác nhân đã gây ra. Ở đây, chúng ta có thể đọc lại lời của tiên tri Da-ca-ria: “Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng” (Dcr 12,10). Trong bầu khí của bạo tàn, của sỉ nhục và ác nhân, vẫn có sự trung thành của tình yêu, sự xót thương của các phụ nữ giành cho Đấng Cứu Độ. Trong tâm tình này, chúng ta có thể thấy được điều mà tiên tri Da-ca-ria nói: “Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế” (Dcr 13,1). Tâm tình hướng nhìn lên Đấng bị đâm thâu – Đấng Cứu Độ, lòng thương cảm và tâm tình hiệp thông chia sẻ với Ngài sẽ đưa lại một dòng suối thanh tẩy tội lỗi. Sức mạnh biến đổi của cuộc thương khó đã bắt đầu.

Như thế, các phụ nữ đã trung thành với Chúa Giê-su cho đến giây phút cuối cùng của Chúa trên đường khổ nạn, nghĩa là trên Thánh Giá. Sự trung thành của tình yêu vượt trên mọi chướng ngại. Qua tâm tình tuyệt vời của các phụ nữ, chúng ta nhận ra được mảnh đất thật tốt và màu mỡ của họ. Chúa Giê-su là hạt giống rơi vào mảnh đất này và được đón nhận với tất cả tình yêu và trung tín, để rồi biết bao hạt khác được nảy sinh.

 

  1. Chúa Giêsu với các bạn của Ngài: 15, 42-47

 

42 Chiều đến, vì hôm ấy là ngày áp lễ, tức là hôm trước ngày sa-bát,43 nên ông Giô-xếp tới. Ông là người thành A-ri-ma-thê, thành viên có thế giá của hội đồng, và cũng là người vẫn mong đợi Triều Đại của Thiên Chúa. Ông đã mạnh dạn đến gặp tổng trấn Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su.44 Nghe nói Người đã chết, ông Phi-la-tô lấy làm ngạc nhiên, và cho đòi viên đại đội trưởng đến, hỏi xem Người đã chết lâu chưa.45 Sau khi nghe viên sĩ quan cho biết sự việc, tổng trấn đã cho ông Giô-xếp lãnh lấy thi hài.46 Ông này mua một tấm vải gai, hạ xác Đức Giê-su xuống, lấy tấm vải ấy liệm Người lại, đem đặt vào ngôi mộ đã đục sẵn trong núi đá, rồi lăn tảng đá lấp cửa mộ.47 Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la và bà Ma-ri-a mẹ ông Giô-xết, thì để ý nhìn xem chỗ họ mai táng Người.

Khung thời gian được thay đổi. Đó là vào buổi chiều trước ngày Sa-bát. Mác-cô nhắc tới một nhân vật giàu sang có tên là Giô-xếp, người thành A-ri-ma-thê. Ông đóng vai trò chính trong việc mai táng Chúa Giê-su. Ông được cả bốn thánh sử nhắc đến trong biến cố này. Nhưng nhân vật Giô-xếp, người thành A-ri-ma-thê là ai? “Ông Giô-xếp, sinh tại A-ri-ma-thê, một người giàu có và là một môn đệ của Đức Giêsu. A-ri-ma-thê được cho rằng ở gần Lod (Diospolis) về phía tây Giuđê, dường như cũng được gọi là “Armathem”. Mc 15,43 ghi nhận ông là một “thành viên có thế giá của hội đồng”. Nhưng vào thời Mát-thêu, cái hố ngăn cách giữa các môn đệ Đức Giêsu và các nhà lãnh đạo Do Thái lớn đến nỗi ngài không còn có thể tưởng tượng ra được là một thành viện của Thượng Hội Đồng lại thân thiện với Đức Giêsu (trong Mát-thêu, không có lời khen nhà thông luật của Mc 12,34, mà là câu Mt 22,34). Vì thế, người Do Thái đạo đức thành viên của Thượng Hội Đồng vẫn mong đợi Triều Đại của Thiên Chúa (Mc 15,43) đã biến thành một môn đệ của Đức Giêsu. Thế thì ít ra có một môn đệ đã không bỏ Đức Giêsu. Ông là một người giàu: thế thì nếu được Thiên Chúa giúp đỡ, không phải là không thể tìm ra đường chui qua lỗ kim (x. Mt 19,24-26)”[31].

 

Ngoài ra, việc của ông Giô-xếp làm là một nghĩa cử thật đẹp tương hợp với việc người phụ nữ đổ bình dầu thơm lên đầu Chúa ở nhà ông Si-mon bị phong hủi (x.Mc 14,3-9). Với việc ông làm, Giô-xép A-ri-ma-thê cũng cho chúng ta thấy ông không đồng thuận với nhóm người Pha-ri-sêu và các kinh sư đã âm mưa hãm hại Chúa; ông cũng không vào hùa với những kẻ chế diễu Chúa ở dưới chân Thánh Giá. Như viên đại đội trưởng, ông Giô-xếp thành A-ri-ma-thê mang tâm tình thật đẹp đối với Chúa Giê-su là hạt giống rơi vào mảnh đất tốt lành của đời ông.

 

Ngoài ra, sách Đệ Nhị Luật cũng có nhắc đến việc không được để xác chết treo trên cây lúc ban đêm: “Khi một người có tội đáng phải án chết đã bị xử tử, và anh (em) đã treo nó lên cây, thì xác nó không được để qua đêm trên cây, nhưng anh (em) phải chôn ngay hôm ấy, vì người bị treo là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa. Anh (em) không được làm cho đất của anh (em) ra ô uế, đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em) làm gia nghiệp” (Đnl 21,22-23).

 

Mác-cô kể tiếp rằng, ông đến gặp Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Về điều này, chúng ta đọc lời giải thích của Barclay: “Chúa Giêsu chết lúc ba giờ chiều, Ngài chết nhằm chiều thứ sáu, hôm sau là ngày Sabát. Như chúng ta đã biết, ngày hôm sau bắt đầu kể từ lúc 6 giờ chiều. Do đó, lúc Chúa Giêsu chết đã là lúc chuẩn bị cho ngày Sabát nên không thể bỏ phí chút thì giờ nào cả, vì sau 6 giờ chiều, luật về ngày Sabát bắt đầu có hiệu lực và không có ai có thể làm bất cứ công việc gì nữa. Giuse A-ri-ma-thê đã hành động cấp bách. Thông thường người ta không hề đem chôn thi thể các phạm nhân mà chỉ hạ xuống, bỏ mặc cho kên kên và chó hoang giải quyết. Thật vậy, có người đã gợi ý rằng sở dĩ Gôn-gô-tha được gọi là đồi sọ, vì nơi ấy ngổn ngang những xương sọ của những kẻ từng bị xử đóng đinh vào thập giá trước đó. Giuse đến với Philatô. Ông này ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu đã chết chỉ sau sáu giờ bị đóng đinh, vì thường thì các tử tội bị treo nhiều ngày trên thập giá rồi mới chết. Nhưng sau khi kiểm tra lại các sự kiện với viên đội trưởng, ông ta giao xác Chúa Giê-su cho Giô-xếp người A-ri-ma-thê”[32].

 

Trước khi đồng ý giao xác Chúa Giê-su, Phi-la-tô cho đòi viên đại đội trưởng đến và hỏi về việc Chúa Giê-su đã chết lâu chưa. Sau khi biết mọi sự, thì Phi-la-tô mới đồng ý và ra lệnh trao trả thi hài Chúa Giê-su cho ông Giô-xếp A-ri-ma-thê. Việc làm này của Phi-la-tô cho chúng ta nhận ra được tính cách của ông đối với Chúa Giê-su. Một cách nào đó, Phi-la-tô cũng đã có sự trân trọng Chúa Giê-su, dù rằng ông là một người không có lập trường và yếu đuối.

 

Ngoài ra, trong Tin Mừng Gioan còn nhắc đến một nhân vật khác cùng với ông Giô-xếp A-ri-ma-thê táng xác Chúa. Đó là ông Ni-cô-đê-mô. Theo cha Hồ Bặc Xái, trước khi đó Ni-cô-đê-mô cũng mộ mến Chúa Giê-su, nhưng vì sợ nên không dám ra mặt. Hôm nay, ông đến “mang theo chừng 100 cân mộc dược trộn với trầm hương” (Ga 19,39). 100 cân Do-thái bằng 32 Kg bây giờ. Mộc dược là một sản phẩm đắt tiền. Đó là lễ vật mà các đạo sĩ đã dâng lên cho Đức Giê-su hài đồng”[33].

 

Ngoài ra, trong thời đó xác của những tử tội thường được người Rô-ma trao lại cho thân nhân hay bạn bè của người tử tội để mai táng, trong trường hợp việc này không gây ra những nguy hiểm về chính trị. Phi-la-tô đã đồng ý lời yêu cầu của ông Giô-xếp và trao xác Chúa Giê-su lại cho ông. Có thể, lính tráng Rô-ma những người đã đóng đinh Chúa đã trao lại xác của Chúa cho ông. Sau khi nhận thi hài của Chúa, Mác-cô kể rằng ông Giô-xếp lấy tấm vải gai mà liệm. Mát-thêu còn thêm tính chất của tấm vải gai này: Tấm vải gai sạch (x.Mt 27,59). Sau đó ông đặt xác Chúa Giê-su vào một ngôi mộ mới. Ngôi mộ này đã được đục sẵn trong núi đá. Tấm vải gai sạch và không có vết dơ. Như thế, tấm vải này còn mới chưa dùng bao giờ, và có thể ông Giô-xếp đã mua tấm vải này cho việc mai táng Chúa. Vào thời ấy, các thi hài thường được mặc cho một chiếc áo dài bằng vải gai. Tấm vải gai sạch và mới này tương hợp với ngôi mộ mới. Ngôi mộ này là ngôi mộ của chính ông và chưa được dùng bao giờ. Ông đã nhường ngôi mộ của mình cho Chúa. Sau khi đặt thi hài Chúa vào mộ, ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ rồi ông ra về. Đến đây, nhân vật Giô-xếp A-ri-ma-thê không còn xuất hiện trong câu truyện nữa.

 

Kế bên Giô-xếp A-ri-ma-thê, Mác-cô còn nhắc đến các phị nữ có mặt: “bà Ma-ri-a Mác-đa-la và bà Ma-ri-a mẹ ông Giô-xết, thì để ý nhìn xem chỗ họ mai táng Người”. Các phụ nữ cũng được nêu danh tính ở đây. Tuy nhiên ở đây chỉ có hai người: “bà Ma-ri-a Mác-đa-la và bà Ma-ri-a mẹ ông Giô-xết. Sự hiện diện của các bà tại mộ Chúa Giê-su một lần nữa diễn tả tình yêu và lòng trung thành của các bà. Cùng với Giô-xếp A-ri-ma-thê, các bà là những mảnh đất tốt tươi mà hạt giống là Chúa Giê-su rất mừng vui khi được rơi xuống.

 

Ngoài ra, trong 14 chặng Đàng Thánh Giá, việc táng xác Chúa được đặt vào chặng thứ mười ba. Chúng ta cùng đọc lời suy niệm rất tâm tình của nữ thần học gia Anne-Marie Pelletier soạn cho Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện tại Cô-lô-sê vào thứ sáu tuần thánh năm 2017:

 

“Có những dấu chỉ về sự yêu thương chăm sóc và danh dự dành cho thân xác bị bầm giập và tan nát của Chúa Giêsu. Một vài người đàn ông và đàn bà tụ tập dưới chân thập giá. Ông Giô-xếp A-ri-ma-thê, “một người tốt lành và công chính” (Lc 23:50), là người mà Thánh Luca nói với chúng ta, đã xin Philatô cho phép chôn cất Chúa. Và cả ông Nicôđêmô, là người đã đến với Chúa Giêsu vào ban đêm, như Thánh Gioan đề cập thêm. Và có cả một số những phụ nữ, là những người trung thành với Chúa đến cùng, cũng phụ giúp.

Sự chiêm ngắm của Giáo Hội về cảnh này cũng bao gồm Đức Trinh Nữ Maria, người chắc chắn đã có mặt trong giây phút này.

 

Đức Maria, Mẹ của lòng từ bi, đón nhận vào vòng tay Mẹ cơ thể đã được sinh ra từ xác thịt mình, mà Mẹ đã đồng hành, đầy yêu thương và lặng lẽ, qua nhiều năm, giống như mọi người mẹ chăm sóc con cái mình.

Bây giờ cơ thể mà Mẹ đang ôm trong tay đã mở rộng đến tột cùng nỗi buồn của Mẹ, và nảy sinh một thụ tạo mới từ cuộc thương khó của một tình yêu đã đâm thấu trái tim của cả Con và Mẹ.

 

Trong sự im lặng tuyệt vọng rơi xuống sau những tiếng la lớn của những người lính, những lời xúc phạm của những kẻ qua đường và sự náo loạn của cuộc đóng đinh hành hình, chỉ còn lại những dấu hiệu của tình yêu và sự chăm sóc, những yêu thương kính trọng. Ông Giuse hạ xác Chúa xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn vào núi đá trong khu vườn gần đó.

 

Chúa Giêsu được lấy khỏi tay những kẻ giết người. Bây giờ, trong cái chết, một lần nữa Người được ôm ấp với sự dịu dàng và từ bi. Bạo lực của những kẻ giết người đã lui ra xa. Sự dịu dàng đã trở lại nơi hành hình. Sự dịu dàng của Chúa và những ai thuộc về Người, của những trái tim hiền lành mà Chúa đã hứa Nước Trời dành cho họ. Sự hiền lành ban đầu của sáng tạo, của người nam và người nữ được tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Sự dịu dàng của thời cuối cùng, khi mọi giọt lệ được lau sạch và chó sói sẽ ở cùng với chiên con, vì mọi xác thịt sẽ nhận biết Thiên Chúa (xem Mc 11, 6.9).

 

Ôi Maria, đừng khóc nữa:

Con Mẹ, là Chúa chúng con, đã say ngủ trong yên bình.

Cha của Người,

trong vinh quang, mở ra trước mắt Người những cánh cửa của cuộc sống!

Ôi Maria, hân hoan lên:

Chúa Giêsu Phục Sinh đã chinh phục được cái chết!

Con sẽ nằm xuống trong bình an, Chúa ơi, và giấc ngủ sẽ đến ngay lập tức.

Con sẽ sống lại, vì Chúa là sức mạnh của con”[34].

 

Cuối cùng, sự hiện diện của các phụ nữ ở bên mộ Chúa nối kết với câu truyện Phục Sinh: “Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ” (Mc 16,1).

 

 

  • Thay lời kết

 

Như thế, với sự hướng dẫn của thánh sử Mác-cô, chúng ta đã cùng bước theo Chúa trên hành trình khổ nạn.

 

Giờ đây, dừng bước chúng ta tự hỏi xem:

 

  • Giờ này Chúa Giê-su Ngài là ai đối với tôi?
  • Điều gì ở nơi dung mạo của Chúa trên đường khổ nạn đã ghi sâu vào tâm hồn của tôi?
  • Sự thinh lặng của Chúa trên đường khổ nạn có ý nghĩa gì đối với tôi?
  • Mười bốn mảnh đất, mười bốn nhân vật, trên đường khổ nạn mà Chúa Giê-su như là hạt giống đã rơi xuống, đã gặp gỡ đưa lại cho tôi một bức tranh sống động như thế nào?
  • Trong 14 nhân vật đó, tôi thấy mình gần gũi và giống nhân vật nào nhất?
  • Trong 14 nhân vật đó, tôi thấy mình xa lạ với nhân vật nào nhất?

 

Để kết thúc, trong thinh lặng, chúng ta cùng hướng nhìn lên Chúa, Đấng đã chịu chết vì chúng ta. Đó cũng lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Con rắn đồng chính là hình ảnh tiên trưng về Chúa Kitô trên thập giá. Đây chính là chìa khóa của ơn cứu độ chúng ta. Chìa khóa của sự kiên nhẫn trong đời sống, chìa khóa để vượt qua những sa mạc, đó là nhìn lên thập giá. Nhìn lên Thập Giá Chúa Kitô. Lạy Cha, con phải làm gì bây giờ? Hãy nhìn lên Thập Giá Chúa Kitô! Nhìn lên những dấu đinh, đi vào chiều sâu mầu nhiệm của những vết thương ấy. Từ những vết thương của Chúa, chúng ta được chữa lành. Mỗi khi bạn cảm thấy bị trúng độc, mỗi khi bạn cảm thấy buồn bã, cảm thấy thất vọng về cuộc đời, cảm thấy đầy những khó khăn và bế tắc, hãy nhìn lên những vết thương của Chúa Giêsu”[35].

 

 

 

 

  • Tham khảo

 

– Anne-Marie Pelletier, Bài suy niệm Đàng Thánh Giá cho Đức Thánh Phanxicô năm 2017.

– ARTHUR A. JUST JR (edited), Luke Ancient christian commentary on scripture. Inter Varsity Press 2003.

– Balthasar H.U., Augustinus, Benziger Verlag, Einsiedeln 1942.

Markusevangelium, Herder Verlag, Freiburg 1983.

– Barclay W., Chú giải Tin Mừng Mác-cô.

– BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ thứ 26 về cầu nguyện, Ngài nói về Lời Cầu Nguyện của Chúa Giê-su trên Thánh Giá khi sinh thì.

– BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ 13 về Cầu Nguyện, Ngài nói về Thánh Vịnh 22, ban hành ngày thứ Tư 14 tháng 9, năm 2011, tại Vatican. Bản tiếng Việt của Phao-lô Phạm Xuân Khôi trong <http://www.giaoly.org>

– Getrud Wildmann (Hrgs.). Die Bilder der Bibel von Sieger Koeder. Schwaben Verlag 2012.

– Gnilka J., Das Evangelium nach Markus, 1.Teil Band, Benzinger Verlag, Zuerich 1978.

– Gómez F., SJ., Đức Tin Công Giáo trình bày Kinh Tin Kính, Antôn & Đuốc Sáng xuất bản 2006.

– GRUEN A., Sieben Schritte ins Leben, E-book

– GRUEN A., Vater, vergib ihnen, Vier-Tuerme Verlag 2014

– Hermine Koenig (Hrgs.), Sie zogen hinauf nach Jerusalem, Koesel Verlag, Muenchen 1984.

– Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Từng Bước theo Ngài, NXB. Phương Đông, Gò-vấp 2012.

– JOEL C. ELOWSKY, Ancient Christian commentary on schripture, John 11-21, Inter Varsity Press 2007.

– Kremer J., Das Aergenis des Kreuzes, KBW. Verlag, Stuttgart 1969.

– Latourelle R. SJ., Con người và các vấn đề của con người trong ánh sáng Đức Ki-tô,  9 Lm. André Trần Hữu Phương chuyển ngữ, NXB. Hồng Đức, Gò-vấp 2016.

– Martini C.M., Und sie gingen mit ihm, Der Weg des Christen nach dem.

– Martini C.M., Seht diese Menschen, die Leidengeschichte nach den vier Evangelien, Herder Verlag, Freiburg 1995.

– Nguyễn Công Đoan SJ., Thánh nữ Ma-ri-a Ma-đa-lê-na trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô. Giê-ru-sa-lem ngày lễ thánh Lu-i Gon-da-ga (Dòng Tên) 2016.

– Nguyễn Công Đoan SJ., Trình thuật cuộc thương khó theo thánh Mác-cô. Giê-ru-sa-lem, mùa Chay 2015.

– PESCH R., Das Markusevangelium, II.Teil, Herder Verlag, Freiburg 1977.

– Phan Tấn Thành, Thần Học về Thập Giá.

– Rahner K., Cái chết của Chúa Giê-su Ki-tô trên thập giá. Trong tập sách “Betrachtungen zum ignatianischen Exerzitienbuch, Kösel-Verlag, München, 1965.

– Rahner K., Wort am Kreuz, Herder Verlag, Freiburg 1980

– RATZINGER J., Einfuehrung in das Christentum, Koesel Verlag, Muenchen 1968.

– Ratzginger J., Đức Giê-su thành Nazareth, Phần II. Từ lúc vào Giê-ru-sa-lem cho đến Phục Sinh, bản dịch của Phạm Hồng Lam. NXB. Tôn Giáo 2011.

– Ron Rolheiser, Cuộc thương khó của Chúa Giê-su Bài viết vào ngày 30.3.2015.

Nguồn: ronrolheiser.com

– Rolheiser R., Nhục hình của thập giá được viết ngày 28.3.2010. Nguồn: ronrolheiser.com

– Ron Rolheiser, Vườn Cây Dầu. Bài viết vào ngày 7.4.2014. Nguồn: ronrolheiser.com

– SERTILLANGES A.D. OP., What Jesus saw from the cross – Từ trên thập tự, Fr. Thomas Tuý chuyển ngữ.

– Tê-rê-sa Avila, Đường Hoàn Thiện.

– Vũ Phan Long OFM., Các bài Tin Mừng Mác-cô dùng trong Phụng Vụ, NXB. Tôn Giáo, 2015.

– Vũ Phan Long OFM., Các bài Tin Mừng Mát-thêu dùng trong Phụng Vụ, NXB. Tôn Giáo,

 

 

[1] Sr. Waltraud Herbstrith OCD., trong Die Bilder der Bibel von Sieger Koeder, Getrud Wildmann (Hrgs.), Schwaben Verlag 2012, S.204.

[2] Phan Tấn Thành, Thần Học về Thập Giá.

[3] Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Từng Bước theo Ngài, t.71.

 

[4] Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Từng Bước theo Ngài, t.73.

 

 

[5] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.236.

[6] MARTINI, C.M., Seht, welch ein Mensch. S.152.

[7] ARTHUR A. JUST JR (edited)., Luke Ancient christian commentary on scripture, p.363.

[8] Anne-Marie Pelletier, Bài suy niệm Đàng Thánh Giá cho Đức Thánh Phanxicô năm 2017. Chặng thứ 10.

 

[9] Rolheiser R., “Nhục hình của thập giá” được viết ngày 28.3.2010. Nguồn: ronrolheiser.com

[10] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ thứ 26 về cầu nguyện, Ngài nói về Lời Cầu Nguyện của Chúa Giê-su trên Thánh Giá khi sinh thì.

[11] Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Từng Bước theo Ngài, t.80-81.

[12] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ 13 về Cầu Nguyện, Ngài nói về Thánh Vịnh 22, ban hành ngày thứ Tư 14 tháng 9, năm 2011, tại Vatican. Bản tiếng Việt của Phao-lô Phạm Xuân Khôi trong <http://www.giaoly.org>

[13] PESCH R., Das Markusevangelium, II.Teil, Herder Verlag, Freiburg 1977, t.494.

[14] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ 13 về Cầu Nguyện, Ngài nói về Thánh Vịnh 22.

[15] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ thứ 26 về cầu nguyện, Ngài nói về Lời Cầu Nguyện của Chúa Giê-su trên Thánh Giá khi sinh thì

[16] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ thứ 28 về cầu nguyện, Ngài nói về Sự im lặng của Chúa Giê-su và Chúa Cha, ban hành ngày thứ Tư 07 tháng 3, năm 2012, tại Vatican. Bản tiếng Việt của Phao-lô Phạm Xuân Khôi trong <http://www.giaoly.org>.

[17] Trích dẫn bởi RADCLIFFE T., Jenseits des Schweigens, s.55-56.

[18] RADCLIFFE T., Jenseits des Schweigens, s.56-57.

 

[19] RATZINGER J., Einfuehrung in das Christentum, Koesel Verlag, Muenchen 1968, 3.Aufl., t.245.

[20] X. RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.242.

 

[21] GRUEN A., Vater, vergib ihnen, die sieben letzten Worte Jesu am Kreuz, s.86.

[22] Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Từng Bước theo Ngài, t.83.

[23] Barclay W., Chú giải Tin Mừng Mác-cô. Chương 15.

[24] Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Từng Bước theo Ngài, t.83.

 

[25] Rahner K., Wort am Kreuz, Herder Verlag, Freiburg 1980, S.62-66.

[26] Kremer J., Das Aergenis des Kreuzes, S.76.

[27] JOEL C. ELOWSKY, Ancient Christian commentary on schripture, John 11-21, Inter Varsity Press 2007, s.317.

[28] Barclay W., Chú giải Tin Mừng Mác-cô. Chương 15.

[29] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.243-244.

 

[30] SERTILLANGES A.D. OP., What Jesus saw from the cross – Từ trên thập tự, Fr. Thomas Tuý chuyển ngữ, phần 7 – Người thân yêu.

 

[31] Vũ Phan Long OFM., Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su, Mt 26,14-27,66, Lễ Lá A.

 

[32] Barclay W., Chú giải Tin Mừng Mác-cô. Chương 15.

[33] Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Từng Bước theo Ngài, t.86.

[34] Anne-Marie Pelletier, Bài suy niệm Đàng Thánh Giá cho Đức Thánh Phanxicô năm 2017.

[35] ĐTC. Phanxico, Bài giảng trong thánh lễ ngày 19.3, ở nhà nguyện Mác-ta.

 

[1] Vũ Văn An, Thần Học về cuộc khổ nạn của Đức Giê-su.

[2] Gómez F., SJ., Đức Tin Công Giáo trình bày Kinh Tin Kính, Antôn & Đuốc Sáng xuất bản 2006, t.83-84.

[3] Barclay W., Chú giải Tin Mừng Mác-cô, chương 15.

[4] Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Từng Bước theo Ngài, t.64.

[5] Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Từng Bước theo Ngài, t.64.

[6] Barclay W., Chú giải Tin Mừng Mác-cô, chương 15.

 

[7] Barclay W., Chú giải Tin Mừng Mác-cô, chương 15.

Kiểm tra tương tự

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *