Theo Thầy lên Giêrusalem – cuộc đào luyện thứ hai

Các bạn trẻ thân mến,

Lớn lên từ tuổi thơ, không ít lần chúng ta bị người lớn gọi là “đồ con nít”. Vậy mà Chúa Giê-su đã lấy con nít làm mẫu để dạy cho các môn đệ trong cuộc đào luyện thứ hai trên hành trình tiến lên Giê-ru-sa-lem, nơi mà Chúa Giê-su sẽ chịu chết, còn các môn đệ thì đối diện với sự thật về ơn gọi làm môn đệ của mình.

Download

Cuộc đào luyện thứ nhất xảy ra khi Chúa Giê-ru loan báo cuộc khổ nạn và phục sinh lần thứ nhất. Ở cuộc đào luyện này, vừa nghe đến chuyện đau khổ và chết chóc, Phê-rô liền cản Thầy. Vì chuyện ấy mà Chúa Giê-su đã mắn Phê-rô khá nặng lời. Có lẽ vì thế mà ở lần loan báo thứ hai này, các ông đã không dám hỏi lại. Tin mừng kể rằng: (30) Ðức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Ðức Giêsu không muốn có ai biết, (31) vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại.” (32) Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. (Mc 9, 30-32).

Các ông đã không dám hỏi lại Người, nhưng thay vào đó các ông lại cãi nhau xem ai là người lớn nhất. Tuy nhiên, khi Đức Giê-su hỏi các ông: “dọc đường, anh em đã bàn tán chuyện gì thế?” thì các ông không dám trả lời. Làm lớn thì có gì là tội chăng? Nếu không có người làm lớn, nếu xã hội và ngay cả giáo hội không có người đứng đầu thì việc tổ chức và trật tự sẽ đi về đâu? Hoá ra, không phải Chúa loại bỏ từ ngữ “lãnh đạo” hay “làm lớn” ra khỏi suy nghĩ của các môn đệ, nhưng đúng hơn, Chúa huấn luyện các môn đệ để các ông biết cách lãnh đạo.

Trong cuộc đời, ai mà chẳng có những vị thế riêng của mình, ai mà chẳng làm lớn hơn một ai đó, ít nhất về phương diện tuổi tác hay trong một lĩnh vực nào đó. Vì thế, điều cần thiết phải làm là chuẩn bị cho các môn đệ biết cách sống hay biết cách lãnh đạo trong tư cách là một lớn hơn người khác. Đức Giê-su dạy cho các môn đệ với mẫu là các trẻ thơ. Đang khi các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất và ai đóng vai trò lãnh đạo trong nhóm, thì Chúa Giê-su dạy các ông “ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy”.

Theo lẽ thường, người làm lớn đồng nghĩa với việc họ có quyền đòi hỏi và ra lệnh. Vậy mà, Chúa Giê-su đem em nhỏ ra để “các vị lãnh đạo của Ngài” đón tiếp. Ắt hẳn đón tiếp một đứa con nít thì phiền hà hơn là lợi ích. Nếu không phải vì lòng mến, thì việc đón tiếp như thế không có gì thú vị trong tư cách là một nhà làm lớn. Hơn nữa, việc đón tiếp này phải long trọng như thể đón tiếp Thầy và đón tiếp “Đấng đã sai Thầy”. Như thế, sự nghiệp lãnh đạo của các môn đệ đã dần dần được tỏ hiện. Tiêu chuẩn để lãnh đạo đoàn dân của Chúa không phải theo tiêu chuẩn thường có, nhưng là tiêu chuẩn của lòng mến và trong tinh thần phục vụ vô vị lợi.

Trở lại với việc Chúa Giê-su loan báo cuộc khổ nạn và phục sinh, chúng ta nhìn vào tâm trạng của Chúa Giê-su khi nói điều này. Ngài phải đối diện với một sự thật mà Ngài sẽ hoàn tất tại Giê-ru-sa-lem, đồng thời Ngài sẽ chuyển giao toàn bộ sự nghiệp của Ngài lại cho các môn đệ. Trong khi đó, những người sẽ kế nghiệp thì vẫn tỏ ra chưa nắm bắt được gì về sự nghiệp này. Cuộc đào luyện thứ hai này nhằm giúp các ông hiểu hơn về công việc và cuộc sống mà chính các ông sẽ đảm nhận. Việc lãnh đạo là điều tất nhiên các ông sẽ và phải đảm nhận, nhưng điều quan trọng không phải là công việc lãnh đạo, nhưng là tinh thần lãnh đạo. Tinh thần lãnh đạo sẽ chi phối công việc lãnh đạo. Nếu người ta không có một tinh thần tốt về lãnh đạo họ không thể thi hành việc lãnh đạo tốt một cách đúng nghĩa.

Các môn đệ đã cạnh tranh nhau, cuộc sống hôm nay cũng có nhiều cạnh tranh. Cạnh tranh lành mạnh giúp xã hội tiến bộ, nhưng cũng không thiếu những cạnh tranh khiến kẻ mạnh lên người quỵ xuống. Người trẻ hôm nay được mời gọi xây dựng một sự cạnh tranh trong tinh thần bác ái. Là môn đệ Đức Giê-su, chúng ta không chỉ được mời gọi xây dựng một xã hội giàu có, nhưng còn là một xã hội công bằng và tình thương. Cuộc đào luyện thứ hai của Chúa Giê-su không chỉ dành riêng cho các môn đệ thời xưa, nhưng Ngài cũng dành cho chúng ta hôm nay, cũng trong tư cách là môn đệ.

Xin Chúa tiếp tục dạy dỗ và nâng đỡ chúng con
trong cuộc sống mỗi ngày.
Để giữa những cạnh tranh và thách đố quyền lực,
chúng con vẫn giữ được chính trực nơi tâm hồn,
và nét đẹp trong tương quan.

Hà Thanh Bình

Kiểm tra tương tự

Đại kết và hòa giải dân tộc

    Trong sắc lệnh mới nhất về Năm Thánh 2025, Hy vọng không làm …

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *