VATICAN. “Kitô giáo là một tôn giáo chân thực, thi hành những công việc tốt lành chứ không phải là một tôn giáo chỉ biết nói suông, làm những việc giả hình và tìm kiếm hư danh.” Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ ba, ngày 23.02, tại nguyện đường thánh Marta.
Đời sống Kitô là một điều chân thực. Thiên Chúa cũng hết sức chân thực. Nhưng có nhiều Kitô hữu lại giả dối và ăn nói ba hoa chứ không hề dấn thân lãnh trách nhiệm; thích tìm kiếm hư danh chứ không khiêm nhường phục vụ những người nghèo hèn nhất.
Khởi đi từ bài đọc một trích sách Isaia và bài Tin Mừng theo thánh Mathêu, một lần nữa, Đức Thánh Cha giải thích về mối biện chứng Tin Mừng giữa lời nói và việc làm. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến những lời của Đức Giêsu khi Ngài vạch trần bộ mặt giả hình của các kinh sư và người Pha-ri-sêu, đồng thời mời gọi các môn đệ và đám đông dân chúng hãy làm tất cả những gì họ nói, còn những việc họ làm thì đừng có làm theo.
Đức Thánh Cha nói rằng: “Thiên Chúa dạy cho chúng ta cách thức để hành động. Nhiều lần ta đã thấy người này người kia, và ngày cả chúng ta, nói rằng: ‘Ồ, tôi là người Công giáo. Đạo gốc ấy!’ Nhưng thực tế họ đã làm gì? Họ đã đã sống như thế nào? Có nhiều bậc cha mẹ miệng thì nói mình là người Công giáo nhưng thực tế lại chẳng có thời gian để trò chuyện với con cái, để chơi đùa với chúng và để lắng nghe những tâm tình của chúng. Có nhiều người con đã gởi gắm cha mẹ mình vào viện dưỡng lão, và bận rộn đến nỗi chẳng còn thời gian để có thể thăm viếng cha mẹ nữa. Họ bỏ mặc cha mẹ trong cô đơn buồn tủi. Trên môi miệng, họ có thể nói mình là người Công giáo, và thuộc về Giáo hội. Nhưng thực chất, thứ giáo hội mà họ thuộc về là một tổ chức chỉ biết nói suông mà thôi: ‘Tôi nói tôi là người Công giáo như thế này như thế kia, nhưng thực tế tôi lại hành xử theo tinh thần thế gian.’
Nói mà không làm là dối trá. Những lời của tiên tri Isaia đã chỉ cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thích điều gì: ‘Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện. Sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.’ Những lời này cũng đồng thời diễn tả lòng thương xót vô cùng vô tận của Thiên Chúa, vì quả thực Ngài đã nói với con người rằng: ‘Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận. Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết.’
Lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ tuôn trào ra với những ai có can đảm để tranh luận với Chúa, nhưng tranh luận phải dựa trên sự thật, dựa trên những gì mà tôi đã làm hoặc không làm, để nhờ đó mà tôi được sửa đổi. Và đây cũng chính là lòng yêu thương hải hà của Thiên Chúa, trong mối tương quan biện chứng giữa lời nói và việc làm. Là một Kitô hữu có nghĩa là làm, là thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Trong ngày cuối cùng – tất cả chúng ta đều sẽ có ngày đó – ngày mà chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa, Ngài không hỏi chúng ta đã nói với người khác điều gì về Ngài hay giảng dạy điều gì nhưng là hỏi chúng ta đã làm gì.
Lúc ấy Thiên Chúa sẽ hỏi từng người về những gì họ đã làm hoặc không làm cho những người đói khát, bị cầm tù, đau yếu và bị bỏ rơi. Đời sống Kitô là biết làm những điều cụ thể nho nhỏ nhưng tốt lành. Trái lại, lời nói suông chỉ mang lại hư danh, phù phiếm và đó là một thứ Kitô hữu nửa vời, giả bộ; chứ không phải một Kitô hữu đích thật.
Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn khôn ngoan để có thể hiểu đâu là sự khác biệt giữa nói và làm, và cũng xin Chúa dạy cho chúng ta cũng biết làm, biết thi hành, vì lời nói suông sẽ biến chúng ta thành những kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình thích ngồi trên tòa cao, đeo những hộp kinh thật lớn và mang những tua áo thật dài. Họ nói thật nhiều, giảng thật hay nhưng lại không buồn động ngón tay vào lay thử. Thái độ đó không am hợp với Tin Mừng. Xin Chúa dạy mỗi người chúng ta hãy biết làm, biết thực thi thánh ý Chúa.”
Chuyển ngữ: Vũ Đức Anh Phương, SJ