Sau ngày Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem, bạn có biết Đức Giêsu ở đâu không? Ngài ở một nơi khá bí mật. Vì tình hình lúc đó rất nguy hiểm cho Ngài. Các thượng tế và người Pharisêu đang tìm bắt Ngài. Họ thông báo: “Ai biết được ông Giêsu ở đâu thì báo cho họ đến bắt.” (x.Ga 11,57) Lệnh “truy nã” ấy lan nhanh, nhưng lúc ấy Đức Giêsu ở một nơi khá an toàn: nhà của chị em Mát–ta tại làng Bê–ta–ni–a[1].
Gợi lại bối cảnh như thế để thấy trong đại dịch Covid–19, “hãy ở nhà” cũng là điều cần thiết trong lúc này. Virus không quan tâm người ta giàu nghèo, địa vị cao thấp. Nó sẽ lây lan khi có cơ hội, nhất là khi người ta tiếp xúc với nhau. Đó là tình cảnh nguy hiểm. Do đó, tổ chức y tế thế giới (WHO), mới đưa ra một trong những biện pháp hiệu quả là ở nhà để cách ly với cộng đồng. Ở nhà trong Tuần Thánh này là dịp để cảm nghiệm Thiên Chúa muốn ở nhà với chúng ta thế nào như Chúa Giêsu nói với ông Da–kêu: “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5)
Bê–ta–ni–a cách Giêrusalem chừng 4 km. Đó là một làng nằm ở phía đông nam núi Cây Dầu, thuộc vùng phụ cận Giêrusalem, trên đường đi Giê–ri–cô. Nơi đó có gia đình người quen của Ngài. Chị em Mát–ta, Maria và La–da–rô là những người thân quen của Đức Giêsu và các môn đệ. Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, mỗi lần lên Giêrusalem, các ngài đều ghé qua ngôi nhà thân thương này.
Nếu nhiều người có vẻ lúng túng không biết làm gì khi ở nhà, cứ nhìn vào bối cảnh gia đình Mat–ta! Bất cứ khi nào Đức Giêsu đến, các chị em nhà Mát–ta đều niềm nở đón tiếp. Người nấu ăn, người ngồi tiếp chuyện, người thu dọn. Đó là một gia đình không thiếu niềm vui. Có lần Mát–ta nấu nướng tất bật, chị đã phàn nàn với Chúa vì Maria bỏ chị một mình trong bếp. Maria thì thích nghe Chúa nói chuyện hơn. Chính Chúa cũng khen Maria đã chọn phần tốt nhất. Tuy vậy, hẳn là họ cũng đã cùng nhau nấu ăn, cùng nhau chuyện trò, rộn ràng trong bữa cơm, tế nhị trong hành xử. Nhất là họ luôn tìm được bình an, vì đơn giản, có Chúa ở trong nhà của họ.
Khi ở nhà để phòng chống dịch, sẽ là nguy hiểm nếu ta run sợ và hoang mang trước những thông tin về con virus này. Xã hội và Giáo Hội khuyên người dân tạo cho không gian nhà mình được nhiều niềm vui và bình an. Bằng cách nào? Tùy vào sáng kiến và nhiệt tâm của các gia đình. Nhất là cha mẹ ông bà, ước mong họ khéo léo tổ chức cho các thành viên được nhiều niềm vui. Một trong những điều cần thiết là hướng đến đời sống cầu nguyện, thiêng liêng.
Trở lại câu chuyện Đức Giêsu đang ở nhà với ba chị em Matta. Thánh Gioan là người có mặt lúc ấy ghi lại những hoạt động thật đầm ấm tình người. “Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Ðức Giêsu.” (Ga 12,2). Bạn thử mường tượng nhóm Đức Giêsu vừa đông, vừa ở dài ngày, đã có bao bữa ăn được thết đãi? Tuy vậy, họ cùng nhau tạo nên bầu không khí vừa nhẹ nhàng, đơn sơ và vui tươi trong khi chuẩn bị bữa ăn. Gia đình chúng ta trong những ngày này cũng thế!
Đã nhiều năm qua, các nhà xã hội học chỉ ra lý do các gia đình đổ vỡ: nguyên do là từ bữa ăn. Khi cuộc sống thời đại kim tiền lên ngôi, tương quan gia đình trở nên lỏng lẻo. Người ta không còn chăm lo cho bữa cơm gia đình nữa. Mặc ai ăn ở đâu cũng được, hoặc ít khi người ta ăn cơm cùng với nhau. Bữa cơm chung là điều xa xỉ với nhiều người, nhất là với người thành thị.
Chiêm ngắm gia đình Mát–ta lúc này, chúng ta ước mong bữa cơm gia đình trong mùa dịch bệnh này có nhiều niềm vui. Xin đừng để một người loay hoay trong bếp. Thật tốt khi có vài người như Mát–ta lo chuyện bếp núc, vài người như Maria lo chuyện lắng nghe Lời Chúa, vài người như anh Ladarô chơi đùa thỏa thích. Rồi thay phiên nhau trong những công việc ấy. Khi đó, gia đình sẽ sinh động hơn nhiều. Đừng “nhàn cư” kẻo “vi bất thiện”. Rảnh rỗi sinh nông nổi, cáu gắt và hục hặc với nhau trong gia đình là điều tai hại.
Một chi tiết dễ thương mà chúng ta thấy nơi hành động của Maria. Cô lấy một cân (khoảng 3 lạng) dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Ðức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. (Ga 12,3). Đó là cử chỉ diễn tả lòng khiêm nhường và lòng yêu mến của cô. Nhiều nhà thần học cũng gọi đây là “nghi thức mai táng Đức Giêsu trước hạn”. Trước sự phản đối của Giuđa Ít–ca–ri–ốt, Đức Giêsu đã bênh vực Maria.
Thiên Chúa ở nhà với chúng ta
Lời khuyên của nhà nước: Khi thực sự cần thiết mới ra khỏi nhà vào lúc này. Hướng dẫn của Giáo Hội: Dù không tham dự thánh lễ, nhưng các tín hữu vẫn có bổn phận cầu nguyện tại nhà, bằng cách suy gẫm và cầu nguyện với Lời Chúa theo ngày, hoặc lần hạt Mân Côi, rước lễ thiêng liêng[2]. Ở nhà, chúng ta cũng sốt sắng tham dự thánh lễ trực tuyến (Online). Đó là những phương cách giúp chúng ta thấy Thiên Chúa thực sự ở nhà với chúng ta.
Khi viết bài này, tôi nhận được một ca khúc của một bạn nữ tu: Chúa Đau Cùng Con. Trong đó ca từ sơ chia sẻ với mỗi người: “Chúa đau nỗi đau của con, Chúa buồn nỗi buồn của con. Ngài vẫn bên con mà, lo lắng làm con không nhận ra. Chúa đang bước đi cùng con, nếu lòng tin còn người ơi! Tình Chúa ôi tuyệt vời, Ngài ở bên san sẻ đời buồn vui.”
Thiên Chúa không bỏ con người. Dù chúng ta ở nhà, Thiên Chúa tìm đến tận nơi đó. Cũng như bối cảnh trong tuần mừng lễ Vượt Qua năm xưa, chính Đức Giêsu đến tá túc, cư ngụ tại nhà của chúng ta. Do đó, người Công Giáo ở nhà trong đại dịch Covid–19 sẽ khác so với những người khác. Khác ở chỗ chúng ta còn có Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần sẽ liên kết chúng ta và thế giới nên một.
Nguyện xin Đức Giêsu ẩn náu trong nhà của mỗi người chúng ta. Ước mong mỗi người có những sáng kiến cùng nhau tạo nên không gian mà chúng ta GỌI LÀ mái ấm gia đình. Biết đâu nhờ cơn đại dịch này ngôi nhà của chúng ta thực sự LÀ mái ấm gia đình yêu thương. Mong thay!!!
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Theo trình thuật thời gian của thánh sử Mát-thêu (Mt 26,6–13) và Mác-cô (Mc 14,3–9). Còn theo thánh Gio-an (Ga 12,1–11), Đức Giêsu từ nhà Mat-ta tiến vào thành Giê-ru-sa-lem. Có lẽ sau ngày hôm đó, Đức Giêsu cũng trở về lại nơi này.
[2] Tòa TGM Sài Gòn: Hướng dẫn mục vụ mùa dịch Covid-19 ngày 19–03–2020