Thiên Chúa sắp đặt nơi con người

Tiếng khóc chào đời của một đứa trẻ là dấu hiệu bắt đầu một đời sống mới! Đời sống ấy không chỉ đơn thuần là làm mọi thứ để con người được tồn tại, nhưng đời sống là sự diễn tả toàn bộ ý định của Thiên Chúa nơi con người. Thiên Chúa không áp đặt toàn bộ ý định của Ngài nơi con người và yêu cầu con người phục tùng hoàn toàn. Trái lại, Ngài mời gọi con người cùng cộng tác một cách tự do để ý định ấy được thành sự. Nhìn lại hành trình sống ở trần gian của một con người, chúng ta khám phá rất nhiều điều kỳ diệu, mà với cái nhìn bình thường, chúng ta chẳng thể giải thích được. Đó là sự sắp đặt thật tuyệt vời mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi mỗi người vì tình yêu thương.

Nếu bạn có thể nhớ lại những gì đã xảy ra thời ấu thơ của mình, vui có, buồn có, bạn sẽ không hiểu được tại sao có những biến cố mà trong hoàn cảnh ấy, bạn không thể tự đứng vững trên đôi chân của mình để giải quyết mọi sự theo ý mình. Nếu khi dựng nên con người, Thiên Chúa để cho con người có khả năng tự mình tồn tại, chắc chắn cuộc đời của con người chẳng bao giờ có những mối tương quan. Và như thế, con người là một cá nhân độc lập, tự mình quyết định việc sinh tồn của mình. Thiên Chúa đã không làm như thế! Chính cái ngây ngô, nhỏ bé của con người lúc ấy là biểu hiện của một sự lệ thuộc hoàn toàn, một tình trạng cậy dựa hoàn toàn. Hơn thế nữa, điều ấy còn là yếu tố cần thiết cho sự phát triển một tình yêu cho đi của những bậc sinh thành. Lớn hơn cả, tình yêu ấy là chính Thiên Chúa khi Ngài mong muốn con người được nâng niu, chăm sóc và nuôi dưỡng; được lớn lên trong mối tương quan với những người khác nơi gia đình, họ hàng, làng xóm… Sự lệ thuộc của con người là cách để Thiên Chúa dạy cho con người cách sống yêu thương. Thế nên, ngay từ tấm bé, chúng ta đã được học bài học yêu thương tràn đầy ý nghĩa.

Chúng ta liên tưởng đến hình ảnh của một đứa bé khi bắt đầu học đánh vần, học viết. Bé không hiểu tại sao cha mẹ hoặc thầy cô lại bắt bé phải học những thứ này, có khi bé phải bị những trận đòn để chăm chỉ học hơn. Làm sao để giải thích cho bé hiểu rằng đọc và viết quan trọng như thế nào trong khi bé chỉ thấy rằng chúng vừa rắc rối, vừa chẳng có lợi ích gì. Ấy vậy mà khi đã biết đọc và biết viết rồi, bé khám phá ra thế giới tuổi thơ của mình qua những câu chuyện cổ tích thần tiên, những khám phá khoa học… Chúng còn làm phong phú đời sống tinh thần của bé qua những bài hát, những vần thơ. Bé tha hồ phóng tác những ý nghĩ của mình qua những mẫu truyện, những bức tranh… Thế tại sao lúc được sinh ra, Thiên Chúa không ban cho con người có khả năng đọc và viết luôn nhỉ? Nếu có được khả năng ấy, con người cần gì phải học, thầy cô chẳng mất công dạy dỗ. Bạn thử tưởng tượng một xã hội mà không có người học, không có người dạy thì sẽ ra sao? Không có người học, thế giới này sẽ không có những bác sĩ, kỹ sư, chuyên gia… Không có người dạy, thế giới thiếu vắng sự cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Và con người trong xã hội luôn đứng ở một điểm dừng, điểm dừng của sự trao ban tình yêu. Thiên Chúa chẳng muốn con người phải có một cuộc sống nhàm chán như thế! Sự cố gắng của mỗi con người sẽ góp phần làm cho xã hội được mang nhiều màu sắc khác nhau. Sự góp phần của mỗi người cũng là yếu tố quyết định mỗi người chúng ta sẽ là ai. Thiên Chúa cho chúng ta tất cả mọi điều kiện để chúng ta được phát triển chính bản thân mình. Những điều kiện ấy sẽ giúp chúng ta làm tốt những gì mà Thiên Chúa mong muốn. Làm như thế nào, kết quả ra sao hoàn toàn là thánh ý nhiệm mầu của Ngài trên cuộc đời chúng ta. Vì thế, hãy làm với tất cả tình yêu dành cho Ngài vì Ngài đã yêu chúng ta.

Câu hỏi mà con người thường đặt ra khi đối diện với cái giàu và cái nghèo là: Sao có sự bất công đến thế? Có phải vì tôi không ra sức làm việc? Có phải vì tôi không giỏi giang? Có phải vì tôi không nắm bắt cơ hội? Nói đến cái giàu hay nghèo vật chất, tất cả chúng ta, ai cũng như ai, đều được Chúa ban cho cái cần câu. Việc chúng ta câu được bao nhiêu cá sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố: Nơi chúng ta câu có nhiều cá hay không và chúng ta có biết vận dụng mọi khả năng để câu không? Như thế, chúng ta nghèo hay chúng ta không câu được không phải vì chúng ta là những người lười biếng hay không biết làm gì. Trái lại, người giàu cũng không phải là người luôn biết ra công làm việc hay biết vận dụng mọi khả năng. Yếu tố quan trọng còn lại là ở sự thi ân của Thiên Chúa nữa hay nói cách khác nơi chúng ta câu có nhiều cá hay không. Như vậy, chúng ta được nhiều hay ít là do chúng ta tìm ra được những ơn ích cho cuộc đời mình. Những ơn ích ấy lại làm cho chúng ta được trở nên giàu có cả về mặt thiêng liêng nữa. Chúng ta có thể nhìn thấy xung quanh mình có rất nhiều người giàu có về vật chất, nhưng đời sống thiêng liêng của họ thật tệ hại. Bên cạnh đó, cũng có những người rất giàu có nhưng họ sẵn sàng hy sinh, san sẻ, chấp nhận mất mát, thua thiệt để làm giàu đời sống thiêng liêng của mình. Sự giàu có của họ lại được gia tăng gấp bội. Họ được sung túc về mọi mặt: Tinh thần, sức khỏe, khả năng, nghị lực, ý chí… Tất cả chỉ vì họ đã câu đúng chỗ, đã tìm đúng nơi, đã gắng hết sức, đã học chữ nhẫn. Tất cả chỉ vì họ nhận ra rằng Thiên Chúa sẽ thi ân cho họ khi họ thực thi theo thánh ý Ngài. Một khi đã theo ý Chúa thì họ tin chắc “ngay bây giờ sẽ được gấp trăm, gấp ngàn lần”. Vì vậy, nếu có bận tâm, lo lắng cho ngày mai thì chúng ta hãy biết trăn trở cho việc làm giàu theo ý Thiên Chúa. Ngài đã sắp xếp sẵn sàng cho mỗi con người một con đường làm giàu. Sự cộng tác của chúng ta sẽ góp phần quyết định sự giàu có ấy.

Khi bước vào tuổi xế chiều, con người lại phải đối diện với bệnh tật và sự chết. Cái chết là cái bế tắc của những người không tin, nhưng lại thông mở một sự sống mới cho những người tin. Mỗi người đón nhận cái chết cách khác nhau. Có người phải trải dài năm tháng trên giường bệnh và cũng có người đột ngột ra đi khi mình đang còn tràn đầy sức sống. Thiên Chúa có bất công không khi Ngài cho chiếc lưới tử thần bất ngờ ập đến? Chúng ta sẽ nhìn Thiên Chúa như thế nào khi xảy ra chuyện ấy nơi gia đình mình hay nơi những người thân quen? Nhìn Thiên Chúa như một Đấng chỉ biết trừng phạt, cuộc sống của chúng ta luôn là sự dữ. Nhìn Thiên Chúa như một Đấng không biết tha thứ, cuộc sống của chúng ta luôn là hận thù. Nhìn Thiên Chúa như một Đấng không biết cảm thông, cuộc sống của chúng ta luôn là ganh ghét. Nhìn Thiên Chúa như một Đấng không biết xót thương, cuộc sống của chúng ta là vực thẳm của sự chết. Chúng ta nhìn Thiên Chúa như thế nào thì cuộc đời của chúng ta sẽ như thế ấy! Khi chúng ta nhìn Thiên Chúa một cách sai lầm, chúng ta sẽ đến với nhau bằng những gian dối, xảo trá, quyền lực, tranh giành… Cái nhìn sai lầm ấy làm cho con người không còn thấy được hạnh phúc đích thật nơi những khổ đau của bệnh tật, của chết chóc như là một cơ hội để con người thông phần với Thiên Chúa. Trái lại, chúng ta hãy nhìn Thiên Chúa là Đấng mà từ muôn thuở Ngài đã là. Ngài là tình yêu không bao giờ đổi thay cho dù con người quay lưng với Ngài. Ngài là sự sống trường tồn viên mãn luôn thông ban cho những ai tin Ngài. Ngài là hạnh phúc đích thật cho những ai theo Ngài. Lòng thương xót của Ngài từ đời nọ đến đời kia vẫn là như thế! Lòng thương xót của Ngài lấp đầy mọi xấu xa của con người. Lòng thương xót của Ngài bẻ gãy mọi hận thù, chiến tranh. Lòng thương xót của Ngài khơi mào sự sống mới cho cả nhân loại.

Nhìn lại cuộc đời của chúng ta, chẳng có gì là vô lý hay chẳng thể giải thích được. Ngài đã sắp đặt mọi sự cách tốt nhất để chúng ta được hưởng hạnh phúc với Ngài. Chúng ta hãy biết làm theo ý Ngài dù lắm khi thấy thật đen tối. Chúng ta đừng quên nhìn lên mẫu gương là Đức Maria! Cả cuộc đời của Mẹ đầy những đau khổ, nước mắt và tủi nhục. Vậy mà Mẹ vẫn nhìn Thiên Chúa là Đấng trung tín trong mọi lời hứa và việc làm. Mẹ đã thật sự được tràn đầy ơn phúc nhờ lòng tin, cậy, mến ấy. Trong Năm Thánh đặc biệt này, chúng ta hãy nhìn Thiên Chúa là Đấng hằng thương xót để cuộc đời mỗi người chúng ta ngập tràn những ân huệ do lòng thương xót của Ngài.

Therese Trần Thị Kim Thoa

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Gia đình trong Năm Thánh 2025 | Suy tư Tin Mừng Lễ Thánh Gia Thất

    Thánh sử Luca hôm nay (Lc 2,41-52) kể lại một sự kiện đặc …

Một bình luận

  1. Phero tran quang huy

    Lạy chúa!Thiên Chúa của tôi, con là kẻ tội lỗi con đã chìn sâu trong tội lỗi và bây h con bk tội của con, con cảm nhận dc con hối hận và sợ tội ntn, cuộc sống của cin hiện giờ bế tắc: không công việc, không tình yêu, con suy sụp và con chi bk khoc than và chạy đến Chúa mỗi ngày, con biết tội của con rồi, con sợ lắm.
    Xin Ngài đừng phạt con nữa vì đứa con đi hoang giờ đây đã về và đang cố gắng lam đẹp ý Cha.Xin Chúa hãy bên ccon đừng xa con và hãy cho con vượt qua thử thách nay: cho con co 1 công việc phù hop với con, và sẽ co một tinh yêu đẹp cùng con bên con vượt qua những lúc sóng gió.
    Lạy Chúa tôi! Con xin lỗi Ngài, không co Ngài con như kẻ mù, con sợ lăm, lạy Ngài đừng bỏ rơi con, xin Ngai hãy nhận lời cầu nguyện của con,con xin Ngài, vì Ngài là đấng toàn năng và lòng lành vô cùng, amen!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *