Thiên Chúa và tôi trong cầu nguyện [số 1]

Cầu nguyện là một hoạt động liên quan đến hai ngôi vị, Thiên Chúa và tôi. Vậy thì trong đó, ai quan trọng hơn? Chẳng cần nại đến lòng khiêm tốn sâu xa, ít nhất là về mặt lý thuyết, người ta cũng có thể thừa nhận rằng Thiên Chúa quan trọng hơn. Nhưng trong thực tế, dường như cách thức tôi cầu nguyện lại tỏ cho thấy điều ngược lại. Dấu chỉ cho thấy rõ điều ấy chính là việc tôi vội vã khởi sự giờ cầu nguyện, vội vã vận hành hoạt động của tôi thay vì dành chút thời gian thư giãn và chuẩn bị mình đón nhận Hoạt Động của Thiên Chúa. Dường như tôi quá tập trung vào mình khi cầu nguyện chăng? Phải chăng tôi quá lưu tâm đến vai trò và hoạt động của tôi thay vì ý thức tầm quan trọng của Thiên Chúa và Hoạt Động của Người?

Bạn thử hình dung về hai từ “GOD” và “I” được viết trên bảng đen. Nếu kích cỡ của hai từ đó bằng nhau thì điều ấy cho thấy rằng vai trò của Chúa và tôi là ngang hàng? Có phải vậy không? Sau đó, bạn lại thử tưởng tượng từ ‘GOD” được viết khá nhỏ, đặt bên cạnh từ “I” được viết rất lớn, kéo từ cạnh trên xuống cạnh dưới bảng. Đây là bức tranh miêu tả việc cầu nguyện hay bất kỳ hoạt động nào mà nơi đó, vai trò của tôi được phóng đại lên. Một so sánh mang tính chân thực hơn có thể được nêu ra khi từ “GOD” được viết bằng những chữ cái rất lớn, đủ để lấp đầy chiếc bảng đen, và từ “I” rất nhỏ nằm bên trong một trong ba chữ cái. Ở đây, ta viết chữ “I” bên trong chữ “O” chẳng hạn.

Hình ảnh tưởng tượng trên đây là một giải thích rất đơn sơ cho một trong những điều kiện cơ bản nhất để được kết hiệp với Thiên Chúa, “Người phải được lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi” (Ga 3,30). Hoạt động của tôi trong giờ cầu nguyện thì cần thiết, nhưng so với vai trò Hoạt Động của Thiên Chúa, nó thực sự rất rất không quan trọng. Cả trong nhận thức lẫn lý thuyết, nếu tôi càng ý thức sâu xa việc Thiên Chúa thật sự quan trọng như thế nào và tôi thật sự không quan trọng như thế nào, thì tương quan giữa tôi với Ngài và cách thức cầu nguyện của tôi sẽ càng trở nên chân thực hơn. Bất cứ ai muốn làm môn đệ Chúa đều phải học biết “từ bỏ chính mình” (Mt 16,24). Và như thế, điều kiện để theo Chúa cũng như để lớn lên trong cầu nguyện là chính tinh thần khiêm tốn tận thẳm sâu.

Khi nói về cầu nguyện, chúng ta đang nói về một mầu nhiệm, bởi vì cầu nguyện liên quan tới Thiên Chúa, Đấng là Mầu Nhiệm Tinh Tuyền, và chúng ta, là những mầu nhiệm ngay cả đối với chính mình. Nếu cầu nguyện quả là một mầu nhiệm, thì tại sao người ta cứ phải băn khoăn nói mãi về mầu nhiệm ấy? Thực ra, khi nhận thức rõ đời sống Kitô hữu và đời sống tu trì trở nên vô nghĩa nếu thiếu vắng cầu nguyện và mất đi mối dây hiệp nhất với Thiên Chúa thế nào, thì bất cứ điều gì giúp ta hiểu hơn đôi chút hành vi nhiệm mầu ấy sẽ đều là phúc lành cho ta. Những phản tỉnh tiếp theo sau xem ra rất đỗi bình thường, trong khi lắm lúc chúng ta coi cái bình thường ấy là hiển nhiên. Thực ra có những khi những điều được xem là hiển nhiên lại cần được xem xét và kiểm chứng tỉ mỉ, kỹ càng hơn.

Ban Truyền thông Dòng Tên

 [Xin mời quí độc giả theo dõi những phần tiếp theo trong những số sau!]

Tác giả: Bill Schock, SJ

Lược dịch từ: Bill Schock, SJ, Prayer and Personal Growth, (Makati: St. Paul Publications, 1990), 21-22.

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *