Thoáng nhìn về 210 năm Dòng Tên hiện diện và phục vụ tại Việt Nam (1615-1773)

Lm. FX. Nguyễn Thanh Hoài, S.J.

Dang Trong nam 1621

Xứ Đàng Trong năm 1621

GIAI ĐOẠN 1615-1773

MỞ ĐƯỜNG TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG VÀ XÂY DỰNG GIÁO HỘI VIỆT NAM

Chính việc giới thiệu Tin Mừng cho người Việt trong giai đoạn này là đóng góp lớn nhất của Dòng Tên cho Giáo Hội Việt Nam. Bởi các Giêsu hữu đã đặt nền tảng vững chắc cho việc khai sinh Giáo Hội Đàng Trong từ 1615 và Giáo Hội Đàng Ngoài từ 1627.

Để hiểu rõ hơn về hoạt động và sứ vụ truyền giảng Tin Mừng của Dòng Tên trong giai đoạn này, độc giả có thể đọc tác phẩm Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, 1615-1773, (Bản thảo để xin phép xuất bản), Tp. HCM, 1998, với một thư mục rất “đồ sộ” của cha Đỗ Quang Chính, S.J.[4] Đây là một tài liệu sử rất quí, gồm 655 trang A5, một công trình nghiên cứu rất công phu, tỉ mỉ và chuyên sâu. Trong phần này, người viết dựa phần lớn vào tài liệu này. Dưới đây, xin được sơ lược về công cuộc truyền giảng Tin Mừng của các Giêsu hữu tại Đàng Trong và Đàng Ngoài trong giai đoạn này.

THOÁNG NHÌN VỀ CÔNG CUỘC TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG CHO XÃ HỘI ĐÀNG TRONG

Dấu vết” Kitô giáo đã có ở Việt Nam vào thế kỷ XVI[5]. Nhưng cho đến ngày 18.01.1615, tại Đàng Trong, Vương quốc Chúa Nguyễn[6], ba Giêsu hữu đầu tiên đặt chân đến Cửa Hàn (Đà Nẵng) là cha Francesco Buzomi người Ý, cha Diologo Carvalho và tu huynh Antónius Dias, cả hai đều là người Bồ Đào Nha, có lẽ bấy giờ Tin Mừng mới “chính thức” được truyền giảng tại Việt Nam, dẫn tới việc thành lập những giáo đòan tồn tại và phát triển cho đến nay. Ngay dịp lễ Phục Sinh năm 1615, tại Cửa Hàn đã có một nhà nguyện và 10 người đã được nhận phép rửa. Trước năm 1615, đã có người công giáo Nhật kiều trốn chạy các cuộc bắt đạo ở Nhật đến sinh sống tại Hội An. Nên có lẽ lúc đầu mục đích chính của các Giêsu hữu là giúp họ về mặt đạo. Nhưng khi nhận thấy Đàng Trong là một cánh đồng truyền giáo rất phong phú, và khi tiếp xúc, các thừa sai thấy người Việt hiếu khách, cởi mở, rộng lượng, dễ đón nhận Tin Mừng, nên từ cuối năm 1615, các ngài đã chú ý hơn đến việc giới thiệu Tin Mừng cho người Việt.

Từ năm 1618, các Giêsu hữu đã truyền giáo đến tận Qui Nhơn, giáp ranh giới phía Nam của Đàng Trong thời đó.[7] Từ 1615 đến 1623, các Giêsu hữu đã thành lập được ba cư sở (residentia): Hội An (1615), Nước Mặn (1618)[8]Thanh Chiêm (Quảng Nam Dinh) (1623)[9]. Số người tin vào Tin Mừng ngày càng gia tăng. Vào năm 1618, tại khu Cửa Hàn – Thanh Chiêm – Hội An, số bổn đạo đã lên tới 300 người. Năm 1620, tại Hội An, có 82 người Việt và 27 người Nhật được rửa tội. Đặc biệt, tại Hội An, năm 1620, một sách giáo lý bằng tiếng Đàng Trong đã được soạn thảo. Năm 1625, tại Thanh Chiêm, có 306 người trở lại. Tờ biểu đệ trình lên Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII ngày 17.07.1640 cho biết số giáo hữu Đàng Trong là 15.000 người[10]. Tới năm 1663, số bổn đạo của Đàng Trong đã lên tới khoảng 50.000 người.

Chuquocngu1

Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes, người Avignon) – người đã có nhiều đóng góp lớn cho công cuộc truyền giáo và cho xã hội Việt Nam, nhất là trong việc hình thành chữ Quốc Ngữ – đã đến và ở lại Đàng Trong một năm rưỡi (từ tháng 12.1624 đến tháng 07.1626) để học tiếng Việt và phong tục tập quán của người Việt là chính, nhằm chuẩn bị cho sứ vụ Đàng Ngoài. Sau đó, ngài trở về Áo Môn. Ngài là người có khiếu học tiếng Việt, nên chỉ sau sáu tháng học tiếng với cha Francisco de Pina[11] và thực hành tiếng với một em bé người Việt 13 tuổi, ngài đã có thể giải tội và giảng thuyết bằng tiếng bản xứ[12]. Tháng 3.1627, ngài cùng với cha Pedro Marques, người Bồ Đào Nha, được gởi đến giới thiệu Tin Mừng cho Đàng Ngoài, Vương quốc Chúa Trịnh. Trong hơn ba năm hoạt động truyền giáo ở Đàng Ngoài, hai cha đã rửa tội được cho 5.602 người. Tháng 5.1630, hai Giêsu hữu này vĩnh viễn bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài. Sau khi về lại Áo Môn, ngài làm giáo sư thần học trong vòng 10 năm (1630-1640).

Năm 1639, tất cả các Giêsu hữu đều bị Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan trục xuất khỏi Đàng Trong. Các bổn đạo phải tự lo cho nhau suốt từ Huế qua Thanh Chiêm, Hội An, Hà Lam tới Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Phú Yên. Trước tình cảnh bi đát này, cha Đắc Lộ được sai đến Đàng Trong  từ 1640-1645. Tình hình bấy giờ quá khó khăn, việc sống đạo và truyền đạo bị cấm cách, nên bốn lần ngài phải đi đi về về rất nguy hiểm giữa Đàng Trong và Áo Môn. Tuy gặp nhiều sóng gió, gian truân và thử thách, có lúc phải trốn chui trốn nhủi đây đó vì bị lùng bắt, có lúc phải bị tù đày và suýt rơi đầu, ngài vẫn kiên trì bám trụ, vẫn một lòng hăng say dấn thân truyền giáo. Chính kinh nghiệm ở Đàng Ngoài cho thấy tầm quan trọng của giáo dân trong việc truyền giảng Tin Mừng, nên ngài đã thành lập Hội Thầy Giảng để cùng cộng tác với ngài trong việc loan truyền đạo thánh. Các thầy giảng đóng một vai trỏ rất lớn trong việc củng cố giáo đoàn và hăng say hoạt động truyền giáo, nhất là trong những lúc vắng bóng các thừa sai[13]. Thầy giảng đầu tiên anh dũng đổ máu làm chứng cho Tin Mừng là Anrê Phú Yên[14], chịu tử đạo tại Thanh Chiêm ngày 26.07.1644, lúc mới 19 tuổi, trước sự chứng kiến của các bổn đạo và cha Đắc Lộ, người trước đó đã rửa tội cho Anrê. Đúng một năm sau, ngày 26.07.1645, hai thầy giảng khác là Inhaxiô và Vincentê cũng bị chém đầu.

Sau nhiều lần bị cấm đoán và bị đe doạ chém đầu, cuối cùng, ngày 03.07.1645, cha Đắc Lộ vĩnh viễn bị trục xuất khỏi Việt Nam, nơi ngài đã để lại những dấu ấn truyền giáo đậm nét tại Đàng Trong cũng như tại Đàng Ngoài. Quá lưu luyến và xúc động trước cảnh chia ly, sau này, trong cuốn Hành Trình Truyền Giáo, ngài đã viết: “Tôi bỏ Đàng Trong bằng thân xác, nhưng chắc chắn không rời bỏ bằng tâm hồn, đối với Đàng Ngoài cũng thế. Thật ra tâm hồn tôi hoàn toàn ở cả hai xứ”.

Thật vậy, sau này, khi về đến Rôma, cha Đắc Lộ cho xuất bản 5 cuốn sách về Việt Nam (1650-1651), đồng thời tích cực vận động Toà Thánh gởi các Giám Mục đến Việt Nam. Cha viết:  “Vừa tới nơi [Rôma], tôi liền bắt đầu làm cho khắp thành phố lớn này biết tại sao tôi đã từ tận cùng thế giới trở về đây. Tôi đã thường tâu trình điều này lên Đức Thánh Cha và Người tỏ ra rất muốn giúp đỡ chúng tôi; ngày nào tôi cũng đi gặp các Đức Hồng Y để trình bày những giáo đoàn Kitô mới này đang ngửa tay xin các Ngài chỉ cho lối đi tới Thiên đàng”[15].

Trong thời gian ở Rôma (1649-1662), cha Đắc Lộ đã đôn đáo đi tìm các Giám Mục cho giáo đoàn Việt Nam tại Ý, Piémont và Thuỵ Sĩ. Nhưng bất thành, vì nhiều lý do khác nhau. Cuối cùng, Giáo Hội Pháp đã thuận giúp. Ngày 09.09.1659, Toà Thánh đã bổ nhiệm Giám Mục Pallu làm Đại diện Tông Toà tại Đàng Ngoài và Giám Mục Lambert làm Đại diện Tông Toà tại Đàng Trong.

Tiếp sau khi cha Đắc Lộ bị trục xuất, tuy tình hình ngày càng nghiêm trọng, nhưng Dòng Tên ở Áo Môn vẫn tiếp tục gởi các Giêsu hữu đến Đàng Trong. Cho đến năm 1658, đã có tất cả 38 Giêsu hữu thuộc 10 quốc tịch khác nhau được gởi đến mảnh đất truyền giáo phì nhiêu này. Cho tới năm 1663, có khoảng 50.000 Kitô hữu ở Đàng Trong. Các thừa sai Dòng Tên đã hoạt động từ sông Gianh đến Lâm Tuyền (Chợ Mới) ở Nha Trang, tới tận Phan Rí bấy giờ thuộc quyền vua Chăm. Từ 1615 đến 1773, năm Dòng Tên bị giải thể, có tất cả 77 Giêsu hữu nước ngoài và 7 Giêsu hữu Việt Nam hoạt động tại cánh đồng truyền giáo Đàng Trong.

Cha Đỗ Quang Chính nhận xét: “Từ năm 1615-1664, chỉ có anh em Giêsu hữu “chính thức” dấn thân vào xã hội cũng như Giáo hội Đàng Trong; nhưng sau đó, nhiều nhóm thừa sai khác nhau cùng đến Đàng Trong truyền giáo. Mục đích của tất cả các nhóm thừa sai ở Đàng Trong, đều nhắm đến việc truyền bá Tin Mừng Đức Kitô cho mọi người, …. Tuy nhiên, phương cách hành động có khi khác nhau, thậm chí mâu thuẫn. Do đó, từ giữa thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 18, Giáo hội Đàng Trong phải chứng kiến cảnh chia rẽ, có lúc xung đột giữa các nhóm thừa sai, chưa kể biết bao khó khăn xảy đến từ bên ngoài Giáo hội non trẻ này.

Các Giêsu hữu là những người khai sinh Giáo hội Đàng Trong kể từ 1615, vẫn muốn tiếp tục cùng các nhóm thừa sai khác nhau, phát triển Giáo hội ở đây. Vì thế, dù khó khăn chồng chất khó khăn, anh em Giêsu hữu cũng không hề nản chí; nhất quyết chung tay xây đắp Giáo hội này, cho đến khi ‘nhắm mắt xuôi tay’, tức là năm 1773, khi Toà thánh giải thể Dòng Tên”[16].

THOÁNG NHÌN VỀ CÔNG CUỘC TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG CHO XÃ HỘI ĐÀNG NGOÀI

Để dọn đường cho việc giới thiệu Tin Mừng cho xã hội Đàng Ngoài, hai Giêsu hữu, cha  Giuliani Baldinotti (người Ý) và tu huynh Giulio Piani (người Nhật), cả hai đều không biết tiếng Việt, từ Áo Môn, theo tàu buôn Bồ Đào Nha, được phái đi tìm hiểu về tình hình ở đó. Ngày 15.03.1626, họ đặt chân đến Kẻ Chợ, tức kinh đô Thăng Long, và ở lại đó cho đến ngày 11.08.1626.

Ngày 19.03.1627, lễ kính thánh Giuse, cha Đắc Lộ và cha Pedro Marques đặt chân đến Cửa Bạng (Thanh Hoá). Cả hai đều biết tiếng Việt, nhưng Đắc Lộ thông thạo hơn. Tin Mừng bắt đầu được chính thức giới thiệu cho người Đàng Ngoài dưới sự bảo trợ của thánh Giuse. Vì Đắc Lộ thành thạo tiếng Việt hơn, nên đóng vai trò chính trong việc giới thiệu Tin Mừng cho người Đàng Ngoài.

Vừa tới Cửa Bạng, dân chúng tò mò tụ tập đến xem tàu lạ và người lạ, rồi thắc mắc hỏi: Đoàn người này là thứ người nào vậy? từ đâu đến? Mang theo những thứ nào vậy? …. Cha Đắc Lộ thuật lại việc gặp gỡ đầu tiên với người Đàng Ngoài bằng một “bài giảng” bằng tiếng Việt rất tuyệt :

Nhà truyền giáo vừa trả lời cho họ, vừa là thông dịch viên cho đoàn thương gia. Cha nói rõ, đây là tàu Bồ Đào Nha mà khá nhiều nước phương Đông biết đến; bây giờ họ chở tới một viên ngọc quí, ai mua được nó sẽ trở nên giàu sang, hạnh phúc; giá lại rất hạ, kẻ nghèo hèn nhất cũng mua được, chỉ cần có thiện tâm. Dân chúng nô nức muốn nhìn cho được viên ngọc này. Nhưng cha phải nói ngay là, không thể nhìn được viên ngọc này bằng mắt thân xác, nhưng chỉ nhìn được bằng con mắt tinh thần, tức là khi biết phân biệt chân lý và lầm lạc. Thế rồi cha bắt đầu thao thao về bất tận về Đạo Đức Chúa Blời đất, nhưng nhấn mạnh tới khiá cạnh con người và vũ trụ được Đức Chúa Blời đất tạo thành; vì thế con người phải thờ Đức Chúa Blời đất. Cha nói nhiều về việc thờ Chúa Blời, bởi vì dân chúng vẫn có lòng tin vào Trời[17].

Kết quả là sau đó vài ngày, có hai người xin rửa tội. Trong hai tuần đợi lệnh Chúa Trịnh (Trịnh Tráng) cho phép tàu lên Kẻ Chợ, hai cha rửa tội được cho 32 người, trong số đó có một thầy đồ và một pháp sư. Sau khi được gặp Chúa Trịnh, bấy giờ đang tiến quân đi đánh Đàng Trong bằng đường thuỷ với một đội quân và thuyền chiến rất hùng hậu, những thương gia Bồ Đào Nha và hai thừa sai Dòng Tên được đến ở tại An Vực để chờ Chúa Trịnh đánh trận trở về. Tại đó, hai cha cho dựng một nhà thờ và cất một ngôi nhà dành cho những người bị bệnh phong[18]. Ngày 03.05.1627, nhà thờ được khánh thành. Đây là nhà thờ đầu tiên ở Đàng Ngoài. Không thể ngồi yên chờ gặp Chúa Trịnh đang thân chinh đi đánh Đàng Trong trở về, trong hơn hai tháng, từ An Vực, hai cha mở rộng hoạt động truyền giáo đến Vân No và các làng xã chung quanh, rửa tội được cho 200 người. Điều này làm cho các nhà sư bực bội và chống đối.

Tuy thất trận trở về, nhưng Chúa Trịnh vẫn ân cần đón tiếp các ngài và cho về Thăng Long, cấp đất và vật liệu để dựng một căn nhà khang trang. Một phần gian nhà này được dùng làm nhà thờ. Có rất nhiều người đến xin học đạo, nên có những lúc cha Đắc Lộ phải dạy sáu lần một ngày và dành hai ngày trong một tuần để rửa tội cho các dự tòng. Đây cũng là nơi có những người đến để phản đối và tranh luận với các ngài. Cha Đắc Lộ ra điều kiện là những ai muốn đặt câu hỏi hay muốn tranh luận, thì buộc phải nghe giảng trong tám ngày liền mới được.

Cha Đắc Lộ hiểu rõ về văn hoá của người Việt, nên “Khi thuyết giảng, Rhodes [Đắc Lộ] cố gắng tránh lối trình bày tiêu cực, không chê bai Tam giáo, giảng giải thế nào để ngay từ đầu, nhờ lý luận tự nhiên, hợp với văn hoá VN, người nghe hiểu được dễ dàng. Vì thế, bước đầu giảng về việc đấng Tạo hoá tác thành muôn vật, đặc biệt con người, nên con người phải có lòng hiếu thảo tôn thờ đấng Tạo hoá …. Từ đó, dần dần mới đi vào các mầu nhiệm trong đạo”[19].

Trong số những người được rửa tội, có một số khuôn mặt thế giá và trí thức, như người trong phủ Chúa là mẹ của Chúa Trịnh, Catarina (con gái của bà), 12 nhà sư ở “Cầu giền”, 3 nhà sư (Đức, Tri, Nhuận) sau này trở thành ba thành viên rất nhiệt thành và tích cực trong Hội Thầy Giảng, một ông nghè 70 tuổi cùng bà vợ, ông Tiến sĩ Gioakim trên 70 tuổi, hai ông Hương cống (Cử nhân) Giuong và Phêrô. Những người này sau đó đã góp phần tích cực vào công cuộc truyền giáo.

Công cuộc truyền giảng Tin Mừng đang trên đà phát triển thành công, thì tai hoạ đột ngột xảy đến. Nhiều người chống đối quyết liệt, nhất là các bà vợ lẽ bị những ông chồng mới theo đạo bỏ rơi, các cung phi, thái giám lo sợ bị thải hồi nếu vua chúa theo đạo mới, các thầy pháp vu cáo các cha phù phép, dùng dầu và hơi thở để làm bùa mê, v.v. Tất cả kêu lên với Chúa Trịnh. Chúa Trịnh thay đổi thái độ, ra lệnh cấm các cha không được rao truyền đạo mới. Nếu bất tuân sẽ bị chém đầu.

Thêm vào đó, hai cha còn bị vu cáo thêm về tội làm chính trị. Các ngài bị vu cáo là đã cấu kết với nhà Mạc ở Cao Bằng và nhà Nguyễn ở Đàng Trong để khởi binh tiến đánh nhà Trịnh, lúc đó các cha sẽ cùng với bổn đạo phóng hoả đốt Vương phủ. Cuối cùng, ngày 25.05.1628, Chúa Trịnh ra lệnh quản thúc các ngài tại gia, không cho các bổn đạo đến gặp.

Dù bị hiểu lầm, nghi kỵ, vu khống, chống đối, đe doạ và bị quản thúc, hai cha vẫn vẫn khéo léo và kín đáo gởi thư thăm hỏi, an ủi, động viên tinh thần các bổn đạo và gởi bài giảng cho các bổn đạo tụ tập tại tư gia để cầu nguyện. Trong bốn tháng bị quản thúc, đêm đến, khi lính gác đã ngủ say, một mình cha Đắc Lộ lẻn ra ngoài đi thăm bổn đạo.

Sau đó, Chúa Trịnh quyết định đưa hai nhà truyền giáo đến Bố Chính để viên quan ở đó tống hai ngài vào Đàng Trong. Cuối tháng 3 năm 1629, một chiến thuyền nhỏ do một viên quan chỉ huy cùng với 36 lính chèo được lệnh chở hai cha đi Bố Chính. Trong cuộc hành trình, cha Đắc Lộ đã tài tình giảng đạo cho họ. Cuối cùng, viên chỉ huy cùng với 24 người lính xin được rửa tội trước khi họ về lại kinh đô.

Hai cha chỉ ở Bố Chính ít ngày, sau đó trốn đến Hà Tĩnh (Vinh) để khỏi bị quan cai Bố Chính đẩy vào Đàng Trong. Các ngài được yên ổn một thời gian ở Nghệ An, nhưng sau đó lại bị đe doạ, nên phải ẩn trú trên một chiếc ghe nay đây mai đó. Lý do là vì thầy giảng Inhaxiô Nhuận, theo hai cha từ kinh đô đến, đã làm ca vè chê bai những mê tín dị đoan của dân địa phương. May mắn thay, ngày 27.10.1629, đang lúc ở Cửa Rum, các ngài gặp được tàu buôn Bồ Đào Nha tới, trên tàu có hai Giêsu hữu là Gaspar d’Amaral và Paulo Saïto. Thế là cả bốn Giêsu hữu theo tàu trở về lại kinh đô. Nghe tin tàu buôn Bồ Đào Nha đến, Chúa Trịnh rất hài lòng; các bổn đạo cũng vô cùng phấn khởi vì hay tin các cha chưa bị trục xuất. Tới kinh đô, hai nhà truyền giáo mới được tự do đi lại, còn hai vị cũ thì phải âm thầm làm việc mục vụ, dạy giáo lý, rửa tội, giải tội và dâng lễ.

Cuối cùng, khoảng năm sáu ngày trước khi tàu buôn Bồ Đào Nha nhổ neo trở về Áo Môn, Chúa Trịnh ra lệnh cho bốn Giêsu hữu phải lên tàu về theo. Hay tin này, các bổn đạo, lúc này đã lên tới con số 5.602 người, vô cùng buồn bã, họ kéo tới nhà các cha khóc lóc từ biệt và xưng tội, bởi họ nghĩ đây là cơ hội cuối cùng. Các cha phải thức hầu như suốt đêm để giải tội cho họ.

Mục tử buộc phải rời bỏ đoàn chiên. Ai sẽ đứng ra chăm sóc đời sống đức tin cho họ? Ai sẽ là người tiếp tục công cuộc truyền giảng Tin Mừng cho lương dân đây? Một vấn đề cấp thời cần phải giải quyết. Cuối cùng phải đưa ra một giải pháp tạm thời: kết hợp các thầy giảng lại thành một hội có ‘lời khấn tu trì’. Mục đích là để để các thầy chăm lo phục vụ giáo đoàn còn non trẻ này cho đến khi các Giêsu hữu sẽ trở lại, rồi sau đó sẽ tính. Trong thực tế, lúc đó hội mới chỉ có ba thầy sư mới trở lại năm 1627 là Phanxicô Đức, Anrê Tri và Inhaxiô Nhuận.

Ngày 27.04.1630, trong thánh lễ cuối cùng cho bổn đạo ở nhà thờ, sau khi rước lễ, lần lượt ba thầy đặt tay trên sách Phúc Âm đọc lời tuyên hứa:

–          Không lập gia đình cho tới khi có các cha Dòng Tên đến, để có thể rảnh rang giúp đỡ các bổn đạo;

–          Tiền của, đồ vật thuộc tập thể các thầy;

–          Vâng phục một thầy do các cha chỉ định làm bề trên, cho đến khi có các Giêsu hữu đến lại. (Thầy Phanxicô Đức bấy giờ được các cha đặt làm bề trên).

Đầu tháng 5.1630, tàu nhổ neo chở hai Giêsu hữu rời Đàng Ngoài trong tiếng khóc thương tiếc của các các bổn đạo.

Mối bận tâm về giáo đoàn, đông đảo nhưng còn non trẻ bị bỏ rơi, thúc đẩy các Giêsu hữu ở Áo Môn khẩn cấp tìm mọi cách gởi các thừa sai trở lại Đàng Ngoài. Mười tháng sau, tháng 3.1631, bốn Giêsu hữu đã đến Đàng Ngoài để tiếp tục công cuộc truyền giảng Tin Mừng đang bị dang dở. Đó là cha Palmeiro, Gaspar d’Amaral, cha António de Fontes và cha António-Francisco Cardim.

Khi tới nơi, các Giêsu hữu rất ngạc nhiên vì thấy, trong thời gian các thừa sai vắng bóng, giáo đoàn vẫn vững mạnh và phát triển ngoài sức tưởng tượng. Trong vòng 10 tháng, các thầy giảng nhiệt thành dấn thân truyền giáo không mỏi mệt, họ đã đi khắp nơi dạy giáo lý và rửa tội cho 3.300 người, cho dựng thêm 20 nhà thờ[20]. Các bổn đạo nhiệt tâm sống đạo, can trường làm chứng cho Tin Mừng, đoàn kết yêu thương nhau như anh chị em, hiền lành và hoà nhã với mọi người đến nỗi, theo cha Gaspar d’Amaral kể lại, người lương gọi họ là những kẻ theo “đạu yêu nhau”[21].

Cha Gaspar d’Amaral, bề trên giáo đoàn từ 1631-1638, tiếp nối đường hướng và sáng kiến truyền giáo của cha Đắc Lộ, đồng thời ngài đã hoàn chỉnh Hội Thầy Giảng mà cha Đắc Lộ đã khởi đầu. Ngài cũng là người rất giỏi tiếng Việt. Năm 1638, cha phải rời Đàng Ngoài sau 7 năm phục vụ. Thật đáng tiếc là năm 1646, khi trở lai Đàng Ngoài lần thứ ba, ngài đã chết do bị đắm tàu.

Tiếp sau đó, nhiều Giêsu hữu đã được gởi đến truyền giảng Tin Mừng ở Đàng Ngoài. Năm 1632, hai Giêsu hữu người Ý là Girolamo Majorica và Bernadino Reggio đến Thăng Long. Năm sau, Majorica đến Kẻ Rum (Vinh). Tại đây, nhờ thông thạo tiếng Việt và chữ Nôm, sau năm tháng, ngài đã rửa tội được cho 2.575. Đến năm 1634, Kẻ Rum đã có 4.183 bổn đạo. Năm 1638, một ngôi nhà thờ đẹp đã được xây dựng tại đó. Trong những năm kế tiếp, gặp phải biết bao chống đối và khó khăn, các Giêsu hữu khác vẫn tiếp tục được gởi đến và hoạt động truyền giáo hầu như khắp Đàng Ngoài. Tới năm 1663, giáo đoàn Đàng Ngoài đã có hơn 300.000 bổn đạo và hơn 300 nhà thờ[22]. Tính tổng cộng, từ năm 1627-1773, có tất cả 95 Giêsu hữu ngoại quốc đến hoạt động truyền giáo ở Đàng Ngoài, cộng thêm với 26 Giêsu hữu Việt Nam.

NHỮNG ĐÓNG GÓP KHÁC

Như đã nói, đóng góp lớn nhất của Dòng Tên cho Giáo Hội Việt Nam trong giai đoạn 1615-1773 chính là việc truyền giáo. Ngoài ra, các Các Giêsu hữu còn nỗ lực để đưa Tin Mừng ăn sâu vào đời sống và văn hoá Việt. Đó chính là cố gắng đưa đạo thích nghi, hoà mình vào xã hội Việt Nam. Đây chưa phải hội nhập văn hoá theo cách hiểu và quan niệm ngày nay.

Ngay từ khi Tin Mừng được chính thức giới thiệu ở Đàng Trong năm 1615 và Đàng Ngoài năm 1627, có nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau đã tin và chịu phép rửa. Nhưng cũng có nhiều người khác không tin và chống đối, bởi đạo Công Giáo làm thay đổi và đảo lộn đời sống của dân chúng về nhiều mặt. Hậu quả là các bổn đạo thường xuyên phải chịu khổ cực, vì bị vua quan và dân chúng đe doạ, bách hại, bỏ tủ, một số phải chịu tử hình; các thừa sai bị săn đuổi, ngăm đe, tù tội và bị trục xuất. Lý do chính yếu là dân Việt, từ vua quan đến tầng lớp cùng đinh đều chịu ảnh hưởng nặng nề và sâu xa của Tam Giáo. Tam Giáo đã ăn sâu vào đời sống và tâm thức người Việt, chẳng những là về mặt tín ngưỡng, mà còn cả về mặt chính trị, văn học, nghệ thuật, phong tục, tập quán, v.v.

Phải làm gì để đạo Chúa mau chóng hoà nhập vào xã hội Việt Nam? Phải trình bày giáo lý công giáo như thế nào? Phải vận dụng ngôn từ như thế nào cho thích hợp với ngôn ngữ, văn hoá, phong tục của người Việt mà vẫn không làm sai lệch hay biến chất giáo lý của “đạo mới”? Ngoài ra, cần phải thích nghi cách cử hành các bí tích, thích nghi nếp sống đạo với các phong tục của người Việt như thế nào?

Vậy các thừa sai Dòng Tên ở Việt Nam thời ấy đã theo cách thức và phương pháp nào để giới thiệu Tin Mừng với xã hội Việt Nam ?

Chữ Quốc ngữ – Chữ Nôm

covergpTheo cha Đỗ Quang Chinh, S.J., “Có thể nói được, trong các thích nghi của Giêsu hữu ở VN, có một loại mà chúng tôi xin gọi là ‘thích nghi sáng tạo’; chúng tôi muốn nói: Thích nghi đểlàm ra một cái gì mới lạ đầy tính Việt Nam dù có pha trộn phần nào hình thức Tây phương, đó là chữ Quốc ngữ”[23].

Khi các Giêsu hữu đến Đàng Trong giới thiệu Tin Mừng, vì không biết tiếng Việt, nên phải dùng đến các thông ngôn, thường là người Nhật. Lắm khi họ đã dịch sai, nên đã gây ra nhiều hiểu lầm đáng tiếc. Dó đó, các Giêsu hữu bó buộc phải học tiếng Việt để có thể giảng dạy hiệu quả hơn cho người Việt và dễ dàng chung sống với họ hơn.

Các thừa sai đầu tiên đến Việt Nam đều học trực tiếp tiếng Việt với người Việt. Rồi ký âm lại theo mẫu tự La tinh để dễ nhớ và dùng riêng cho mình. Những ký âm này được dùng trong các thư từ hay báo cáo thường niên cho Dòng ở Áo Môn, Rôma, v.v., nhất là khi phải ký âm những từ về địa dư, về tên riêng. Chẳng hạn Sinoa (Xứ Hoá), Ungue (Ông Nghè), Quamguya (Quảng Nghĩa), v.v.

Trong thực tế, từ giữa thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19, chữ Quốc ngữ dạng abc vẫn chỉ được dùng rất hạn hẹp trong giới Công giáo. Lúc đầu, các thừa sai nuốn sáng tạo một thứ chữ mới dùng làm phương tiện để truyền giảng Tin Mừng mà thôi, chứ chưa có mơ ước phổ cập hoá chữ Quốc ngữ cho dân Việt. Mãi đến cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, chữ Quốc ngữ mới dần được phổ biến, nhất là từ năm 1930 trở đi.

Góp công sáng tạo chữ Quốc ngữ đầu tiên là các thừa sai Dòng Tên ngoại quốc rất giỏi tiếng Việt và các thầy giảng Việt Nam: Francisco de Pina (1585-1625), Cristosforo Borri (1583-1632), Gaspar d’Amaral (1592-1646), Antonio Barbosa (1594-1647), Alexandre de Rhodes (1593-1660), Filipo Marini (1608-1682), Bento Thiện (1614-1686), Igesicô Văn Tín (cùng thời với Bentô Thiện), v.v.

Tính đến thế kỷ 19, góp công làm cho hoàn hảo và phổ biến chữ Quốc ngữ là hầu hết các thừa sai Paris và người Việt Nam: François Deydier (1634-1693), Pierre Langlois (1640-1700), Loren Huỳnh Lâu (1656-1799) Marin Labbé (1648-1723), Pigneau de Béhaine (1741-1799), Felippe do Rosario Bỉnh (1759-1833), Jean-Louis Tabert (1794-1840), Philiphê Phan Văn Minh (1815-1853), Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898)[24], v.v.

Theo cha Đỗ Quang Chính, từ năm 1651 trở về trước, chưa thấy cỏ một bản văn nào viết hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ. Cha Đắc Lộ là người đầu tiên soạn thảo và cho xuất bản hai cuốn sách bằng chữ quốc ngữ tại Rôma năm 1651. Đó là cuốn từ điển Việt-Bồ-La và cuốn Phép Giảng Tám Ngày. Mục đích của hai cuốn sách này là để giúp các thừa sai học tiếng Việt và còn là để người Việt có thể học tiếng La tinh. Đây là công trình lớn của Đắc Lộ trong giai đoạn hình thành chữ Quốc ngữ, tuy ngài không phải là người đầu tiên sáng tạo ra chữ quốc ngữ.

Trong thực tế, từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, giới công giáo vẫn dùng chữ Hán-Nôm bên cạnh chữ Quốc ngữ, thậm chí còn nhiều hơn chữ Quốc ngữ. Cho nên việc sử dụng song song ba thứ văn tự trong mấy thế kỷ qua là thích hợp với hoàn cảnh cụ thể, vì nhiều người trong thời đó đã biết tiếng Hán-Nôm rồi. Vì thế, khi đề cập đến cuốn giáo lý viết tay bằng tiếng Đàng Trong năm 1620, thì phải hiểu đó là chữ Nôm; cụ Gioakim ở An Vực (Thanh Hoá) năm 1627 đã dịch một số sách đạo từ chữ Hán, do cha Đắc Lộ trao cho, sang tiếng Việt, thì cũng phải hiểu là chữ Nôm; khoảng 1627-1630, bà Catarina, thuộc vương tộc nhà Trịnh, đã soạn ba sách đạo theo thể vè vãn, cũng phải hiều là bằng chữ Nôm. Đặc biệt, cha Majorica, trong 26 năm ở Đàng Ngoài, đã viết 50 sách hoàn toàn bằng chữ Nôm về Công giáo[25].

Việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ và sử dụng chữ Nôm của các Giêsu hữu trong việc truyền giảng Tin Mừng và dạy giáo lý là một đóng góp không nhỏ cho cả nền văn học công giáo Việt Nam, lẫn nền văn học Việt Nam.

Sử dụng một số các thuật ngữ công giáo

Việc sử dụng các thuật ngữ công giáo cho tới nay vẫn chưa hoàn toàn thống nhất trong giới công giáo Việt Nam. Ngay từ đầu, các Giêsu hữu đã cố gắng thích nghi các thuật ngữ công giáo tây phương vào Việt Nam. Ngay từ thế kỷ 17 tới giữa thế kỷ 19, người ngoài công giáo còn dùng những từ ngữ sai lầm để gọi Đạo Thiên Chúa. Các cụm từ phổ biến nhất là Đạo Hoa langĐạo PortughêĐạo Pha lang. Cho nên cần nỗ lực làm cho người ta hiểu về đạo mới hơn. Sau đây là một vài thuật ngữ:

– Về cách gọi tên đạo mới và về tên của Thiên Chúa: Đạo Đức Chúa Trời đất. Đó là cụm từ chỉ tôn giáo mới được đưa vào xã hội Việt Nam. Từ đó trở đi, giới công giáo sử dụng cụm từ này, hoặc gọi tắt là Đạo ChúaĐạo Đức Chúa Trời. Sách Phép Giảng Tám Ngày sử dụng khoảng 100 lần cụm từ Đức Chúa Blời đất. Majorica cũng dùng nhiều lần hai cụm từ Đức Chúa Trời và Thiên Chúa trong các tác phẩm của ông. Giáo Hội Việt Nam lúc đầu cũng dùng nhiều nhất là cụm từ Đức Chúa TrờiThiên Chúa, để chỉ Đấng Tối Cao, hoặc cụm từ Đạo Đức Chúa Trời, Đạo Thiên Chúa.

– Công thức rửa tội: Tau rữa mầï, nhân danh Cha, và Con, và Su phi ri tô Sang tô. Danh xưng về Chúa Thánh Thần là Su phi ri tô Sang tô.

– Về những thuật ngữ tín lý, luân lý, bí tích, phụng vụ, danh chức, trong Phép Giảng Tám Ngày cũng như trong nhiều tác phẩm của Majorica, có nhiều thuật ngữ hoàn toàn bằng tiếng Việt hoặc Hán-Việt như: Đức Chúa Blời Ba Ngôi, Thiên Chúa Nhất Thể Tam Vị, Thày Cả, tội trọng, tội mọn, phép nhất phu nhất phụ, tràng hạtlần hạt, v.v., hoặc bằng tiếng La tinh hay Bồ Đào Nha như: Apostolo, Spirito-Sancto, v.v.

Sách giáo lý : Phép Giảng Tám Ngày

phep giang tam ngay

Đây là cuốn sách giáo lý đầu tiên bằng song ngữ La tinh-Việt do cha Đắc Lộ biên soạn, ấn hành tại Rôma năm 1651, do Thánh Bộ Truyền Giáo chịu trách nhiệm xuất bản. Biên soạn cuốn này, có lẽ Đắc Lộ đã dựa vào kinh nghiệm dạy giáo lý trước đây, khi ngài còn hoạt động ở Đàng Trong và Đàng Ngoài. Nội dung dựa theo Kinh Tin Kính. Cách trình bày có thể là theo tiến trình Linh Thao. Cách thực hành có thể được rút gọn trong 8 ngày. Có lẽ vì thế mà những ai muốn tranh luận với ngài, khi truyền giáo ở Đàng Ngoài, ngài đòi hỏi họ phải tham dự đủ tám ngày đã rồi mới tiến hành tranh luận.

Cuốn Phép Giảng Tám Ngày, được biên soạn vào thế kỷ 17, nói chung là có nhiều ưu điểm về mặt ngôn ngữ, sư phạm, thích nghi, nhưng cũng có một số những nhược điểm, nhất là khi khi phê bình tiêu cực các tôn giáo khác, nhất là Phật giáo.

Cách cử hành các bí tích và sống đạo

Việc cử hành các bí tích có thể gây hiểu lầm, nhất là khi làm những dấu hiệu, cử chỉ bên ngoài. Trong thực tế, các vua quan và dân chúng cáo buộc các thừa sai đã dùng bùa mê, dùng phù phép để mê hoặc họ. Do đó, các Giêsu hữu đã cố gắng thích nghi.

Chẳng hạn, khi rửa tội cho người lớn, nhất là phụ nữ, không xức dầu trên ngực, không cho ăn muối, không xức nước bọt, cũng không hà hơi. Hoặc khi giải tội, nhất là cho phụ nữ, để tránh sự hiểu lầm của dân chúng cho là xúc phạm đến thuần phong mỹ tục, cha Đắc Lộ có lúc đã phải ngồi sát vách một nhà, người xưng tội ở bên kia vách nhà và đục thủng một lỗ nhỏ để xưng tội.

Một việc thích nghi ‘đi trước thời đại’ về việc ‘giải tội tập thể’, đó là trường hợp cha Đắc Lộ đã làm, được kể lại trong sácn Hành Trình Truyền Giáo. Số là vào khoảng thời gian mấy tháng trước khi bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài năm 1630, cha Đắc Lộ trên đường bị đày lên Bố Chính (Vinh) để đẩy vào Đàng Trong, các bổn đạo khóc lóc thảm thiết vì thương tiếc, và muốn xưng tội với ngài lần cuối, nhưng không được. Thấy lòng khao khát tốt lành của họ là hợp lý, ngài liền sai các thầy giảng đi trước chuẩn bị cho họ xét mình và thực lòng sám hối. Rồi khi thuyền đi ngang qua, ngài sẽ ban phép lành tha tội cho họ. Một sáng kiến quá tuyệt!

Trước đó, năm 1628, khi bị Chúa Trịnh quản thúc tại Thăng Long, cha Đắc Lộ đã viết bài giảng Chúa Nhật, rồi tìm cách luồn ra cho các thầy giảng để họ in bài ra phát cho các bổn đạo đang họp tại các tư gia để đọc và ‘chia sẻ Lời Chúa’. Một sáng kiến quá hay!

Tôn kính tổ tiên

Đây là một vấn đề tế nhị và phức tạp, gây ra nhiều tranh luận gay go và kéo dài, nhất là giữa các nhóm thừa sai khác nhau, tại Trung Hoa cũng như tại Việt Nam. Như đã nói, tại Việt Nam, trước khi Tin Mừng được giới thiệu, mọi tầng lớp, từ vua quan đến bần dân đều chịu ảnh hưởng nặng nề và sâu xa của Tam Giáo. Tam Giáo đã ăn sâu vào đời sống và tâm thức dân Việt và trở thành truyền thống từ lâu đời, chẳng những về mặt tín ngưỡng, mà còn cả về mặt chính trị, văn học, nghệ thuật, phong tục, tập quán, v.v. Nằm trong số các nước chịu ảnh hưởng lớn bởi Tam Giáo, Việt Nam có chung truyền thống thờ kính trời đất, tôn kính tổ tiên, tôn kính các bậc thánh hiền, … được diễn tả qua nhiều nghi lễ và phong tục.

Các Giêsu hữu đến truyền giảng Tin Mừng tại Trung Hoa và Việt Nam đều tôn trọng truyền thống này và để cho tín hữu tiếp tục thực hành những nghi lễ cổ kính đó. Tại Việt Nam, các thừa sai Dòng Tên vẫn cho bổn đạo bày tỏ lòng tôn kính tổ tiên theo tập tục đã có như cúng giỗ, ngay cả việc bày đồ cúng, đốt hương nhang trên phần mộ, tôn kính Đức Khổng Tử, lập bàn thờ Thiên, giữ Trang trong nhà và các phong tục khác. Các ngài chỉ sửa đổi và lọai bỏ những gì thật sự là mê tín dị đoan và buộc các bổn đạo luôn chỉ tôn thờ một Đức Chúa Trời mà thôi, còn những vị khác, chỉ là tôn kính, tưởng nhớ với lòng hiếu thảo theo tinh thần gia đình, xã hội và dân tộc. Nhưng nhiều nhóm truyền giáo khác, nhất là nhóm thừa sai Paris, lại cho tất cả những nghi lễ trên là mê tín dị đoan, nên tuyệt đối cấm chỉ các bổn đạo thực hành.

Sự khác biệt quan điểm dẫn tới việc tranh luận và kiện cáo qua Tòa Thánh. Vụ này được biết dưới cái tên De Ritis Sinensibus  Lễ Phép Nước Ngô. Cuộc tranh tụng căng thẳng kéo dài đến hơn 100 năm, kết thúc với việc Tòa Thánh công bố Hiến Chế Ex Quo Singulari năm 1742, cấm chỉ tuyệt đối thực hành các nghi lễ trên. Ai phải ai sai vẫn còn là đề tài tranh luận. Một điều có thể nói được rõ ràng là hậu quả thật tai hại cho việc truyền giáo ở Việt Nam và Trung Hoa, vì nó làm cho người Việt Nam coi việc theo đạo là bất hiếu với tổ tiên, mặc dù điều răn thứ tư của đạo Thiên Chúa (liền sau việc thờ phượng Thiên Chúa) là “thảo kính cha mẹ”.

187 năm sau, vào ngày 08.12.1939, Huấn Thị Plane Compertum Est, do Bộ Truyền Giáo ban hành, mới cho phép Giáo Hội Trung Hoa và tại các nước lân cận được cúng giỗ … theo phong tục dân sự địa phương.

Riêng tại Việt Nam, ngày 14.06.1965, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mới công bố, tại Đà Lạt, một thông báo cho phép cúng giỗ ….

Sự cộng tác của người Việt

Khi mới chân ướt chân ráo đến Việt Nam vào đầu thế kỷ 17, một đất nước hoàn toàn xa lạ và khác hẳn về mọi mặt với xã hội tây phương, để khởi đầu công cuộc truyền giảng Tin Mừng, các Giêsu hữu ngoại quốc luôn cần đến sự cộng tác của người bản xứ, rồi dần dần thay thế mình. Đó chính là cách thức Dòng Tên vẫn thường làm.

Những cộng tác viên nhiệt thành và tích cực, đó chính là các thầy giảng, những giáo hữu đạo đức.

Anre-Phu-Yen

1. Hội Thầy Giảng[26]

Đây là một hội gồm những người rất đạo đức và nhiệt thành. Họ cộng tác rất đắc lực với các Giêsu hữu cũng như với các nhóm thừa sai khác, làm cho Giáo Hội Việt Nam phát triển rất nhanh và đạt những kết quả rất lớn. Đặc biệt, như đã nói, trong những năm vắng bóng các thừa sai, các thầy giảng đóng một vai trò rất lớn trong việc củng cố giáo đoàn, giảng dạy giáo lý và truyền giáo.

Hội Thầy Giảng được cha Đắc Lộ và Marques thành lập ở Đàng Ngoài ngày 27.04.1630. Sau đó được cha Gaspar d’Amaral củng cố và đưa ra các luật lệ. Hội được lập tại Đàng Trong ngày 31.07.1643, tại Hội An. Các thành viên thuộc Hội này, phải hội đủ 4 điều kiện : ý chí và nhiệt thành phục vụtrí khôn trung bình và biết chữ Hánđộc thântrưởng thành.

Các thầy giảng là những người lúc đầu, khi còn ít người, được huấn luyện trên đường, luôn đi theo và sống chung nhà với các thừa sai. Trước khi bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài năm 1630, hai cha Đắc Lộ và Marques đã lập một ‘chủng viện’ (hiểu theo nghĩa rộng)[27]. Chủng viện này được tổ chức qui củ hơn khi cha Gaspar d’Amaral đến hoạt động ở Đàng Ngoài từ 1631-1638. “Năm 1652, cha Rhodes trình bày với ĐTC Innocens X số chủng sinh ở Đàng Ngoài đã tới gần 100, và trong số này có mấy người rất xứng hợp với chức vụ linh mục cả hai mặt đạo đức và tài trí[28]. Sau thời gian huấn luyện, dài ngắn tuỳ mỗi người (ba thầy khấn ngày 27.04.1630 tại Đàng Ngoài sau thời gian thụ huấn khoảng 03 năm; còn 10 thầy khấn ngày 31.07.1643, thời gian thụ huấn khoảng 01 năm), họ tuyên khấn giữ các Lời khuyên Phúc Âm và được xếp bậc một cách nào đó cũng khá giống như cách thức của Dòng Tên[29]. Về sau, nhất là từ năm 1637, tại Đàng Ngoài, việc huấn luyện được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, và lâu dài hơn. Các thầy chẳng những là trợ giúp các Giêsu hữu ngoại quốc giới thiệu Tin Mừng, mà còn giúp cho các vị này nói tiếng Việt chuẩn xác hơn, góp ý về những sách viết bằng tiếng Việt và về những quyết định quan trọng. Chẳng hạn, thời gian cha Đắc Lộ đi đi về về giữa Áo Môn và Đàng Trong từ 1640-1645, một phần cũng là nhờ sự phân tích tình hình và góp ý của các thầy giảng. Có hai thầy giảng ở Đàng Ngoài là Bentô Thiện và Igesicô Văn Tín vào năm 1659 đã viết chữ Quốc ngữ thành câu cú. Đặc biệt Bentô Thiện viết rất giỏi. Thầy có viết một tập Lịch sử nước An Nam dài 12 trang giấy, khổ 20x29cm.[30] Thời gian các Giêsu hữu vắng bóng tại Việt Nam, các thầy giảng hoạt động rất hăng say và đã rửa tội được cho nhiều người. Ngoài ra, họ còn in ‘lịch phụng vụ’ và phát cho dân chúng để biết về các ngày lễ mà giữ nữa.

Tại Đàng Ngoài, năm 1627 có 3 thầy giảng, năm 1637 có 7 thầy giảng. Tại Đàng Trong, năm 1643 có 10 thầy giảng. Cho ngày 26.07.1645, chỉ còn lại 7 thầy (Anrê Phú Yên, Inhaxiô và Vincentê đã bị trảm quyết). Các thầy giảng là những cộng tác viên đắc lực và là những người luôn đồng hành với các thừa sai Dòng Tên trong sứ vụ truyền giảng Tin Mừng cho dân tộc mình.

“Cũng cần nói thêm rằng, từ khi các thừa sai Paris cũng như các cha Đa Minh có mặt ở Việt Nam đều đặn, thì Tu hội không còn giữ được sự thống nhất trong tổ chức và điều hành, đặc biệt từ lúc phân chia ra hai Giáo phận Đông, Tây, thì mỗi Giám Mục có toàn quyền trên Tu hội thầy giảng thuộc Giáo phận mình. Do đó không thể có một bề trên tối cao cho các thầy giảng nữa, mà mỗi Gm là bề trên tối cao của các thầy giảng trong Giáo phận. Thế là từ đây có nhiều Tu hội thầy giảng ở VN, dù hình thức, tinh thần và hoạt động của họ không giống nhau”[31].

Hội Thầy Giảng là chiếc nôi, là vườn ươm vun trồng các linh mục Việt Nam tiên khởi. Thế nhưng, “Việc tiến cử những thầy giảng đầu tiên lên chức vụ linh mục, lại không phải do các cha DT, nhưng do các cha thừa sai Paris”[32]. Qua những thay đổi, Hội Thầy Giảng dần dà trở thành Nhà Đức Chúa Trời.

2. Nhà Đức Chúa Trời

“Các thầy giảng, kẻ giảng đi làm việc, ở chung với các linh mục tại các xứ đạo, dưới quyền điều khiển trực tiếp cùa cha xứ. Nhà xứ (nhà cha sở) trở thành một cộng đoàn ít là về hình thức cũng như cộng đoàn Dòng tu. Mỗi nhà xứ như vậy trở thành nhà Đức Chúa Trời, trong đó có ít hoặc nhiều người, tuỳ theo hoàn cảnh, thời kỳ. Cho đến đầu thế kỷ 20, có những nhà Đức Chúa Trời (nhà cha xứ) trong mấy Giáo phận miền Bắc đôi khi lên tới 25 người, gồm cha xứ, cha phó, thầy xứ (thầy cai), thầy quản, các thầy giáo, thầy quyền, các chú, đông nhất là các cậu, rồi đến các ông bõ giúp việc vật chất trong nhà xứ”[33].

Nhà Đức Chúa Trởi bắt nguồn từ Tu hội thầy Giảng và thành phần chủ yếu của nhà Đức Chúa Trời chính là các thầy giảng, kẻ giảng, các chú, các cậu. “Cho đến năm 1945, tổ chứcnhà Đức Chúa Trời vẫn phát triển trong một số Giáo phận miền Bắc. Sau đó, nhà Đức Chúa Trời tan rã, nhất là từ năm 1954, do nhiều nguyên nhân gây nên những biến đổi lớn lao trong xã hội và Giáo hội Việt Nam”[34].

3. Các bổn đạo nhiệt thành

Trong số những người trở lại đạo trong những năm đầu, tại Đàng Trong cũng như tại Đàng Ngoài, không thiếu những tân tòng nổi tiếng, có học thức, có thế giá, nhiệt thành với lòng đạo, dấn thân giới thiệu Tin Mừng cho người khác, dạy giáo lý, viết sách đạo, nhạc đạo, thi ca đạo. Chẳng hạn như ông David, ông Nghè Bảo Lộc Rin, bà Lớn Gioanna, bà Minh Đức Vương Thái Phi, Ngọc Liên Công Chúa ở Đàng Trong[35]; Mẹ của Chúa Trịnh, bà Catarina, các ông Gioakim, Giuong, Phêrô, …, ở Đàng Ngoài[36]. Ngoài ra, họ còn tìm cách che dấu các thừa sai và các bổn đạo trong những lúc bị bắt bớ và còn lập nhà thương để chăm sóc những người đau yếu nữa. Các bổn đạo luôn sẵn sàng chết vì đức tin để làm chứng cho Tin Mừng.

Ngoài ra, cũng nên lưu ý là trong số những thanh niên nam nữ đạo đức đã nẩy sinh những  ơn gọi linh mục và tu sĩ về sau. Cha Đắc Lộ, trong chương cuối cùng của cuốn Histoire du Royaume de Tunquin (Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài), đã viết: “Sau hết, một số đông Kitô hữu nhiệt thành này (ước ao được sống trọn lành theo các lời khuyên Phúc Âm) muốn tự buộc mình khấn hứa vâng phục với chúng tôi, nhưng chúng tôi phải từ chối trong sự nuối tiếc của họ […], và một số lớn thanh niên nam nữ khấn hứa sống khiết tịnh vĩnh viễn; và ngay cả những người đã lập gia đình, sau khi họ đồng ý với nhau cũng khấn tiết dục vĩnh viễn[37].

Nhóm các thiếu nữ đạo đức này là vườn ươm làm nẩy sinh các chị Dòng Mến Thánh Giá tiên khởi. Kết quả là, vào ngày Lễ Tro 19.02.1670, Đức Cha Lambert chính thức thành lập Dòng Mến Thánh Giá. Lúc bấy giờ, mới chỉ có hai thiếu nữ đầu tiên được chọn làm thành viên của Dòng. Đó là chị Phaola và Anê[38].

Ngay từ khởi đầu công cuộc truyền giảng Tin Mừng tại Việt Nam, người giáo dân quả đã đóng một vai trò rất lớn. Công Đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh đến vai trò của người giáo dân. Sau Công Đồng, đã có nhiều văn kiện và tài liệu của Toà Thánh và của các Đức Giáo Hoàng, nhất là Tông huấn Christifideles Laici (Người Kitô hữu giáo dân) của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã  nhấn mạnh đến ơn gọi và sứ mạng của người giáo dân, đặc biệt là sứ mạng truyền giáo. Thế mà, thật đáng tiếc, không ít giáo dân Việt Nam hôm nay vẫn xem việc truyền giảng Tin Mừng là cùa giới linh mục và tu sĩ!

Giới thiệu Việt Nam cho phương Tây

Ngoài sứ mạng chính là truyền giảng Tin Mừng, một số các Giêsu hữu còn viết sách để giới thiệu Việt Nam cho phương Tây. Một số thừa sai Dòng Tên  đã viết nhiều sách chẳng những là nói về công cuộc truyền giáo, mà còn nói về lịch sử, xã hội, địa dư, tôn giáo, phong tục tập quán, thực vật, y học, cây cỏ, … của người Việt nữa.

Cuốn sách quan trọng đầu tiên nói về xã hội Đàng Trong là  cuốn của Christoforo Borri,Relatione della nvova Missione delli PP. Della compania di Giesv, al Regno della Cocincina, Roma, 1631. Từ 1631-1633. Sách này được xuất bản 9 lần bằng các ngôn ngữ Ý, Pháp, La tinh, Hà Lan, Đức, Anh.

Tiếp đến là cuốn của Alexandre de Rhodes, Relazione De’feleci successi della Santa Fede predicate da’Padri della Compagnia di Giesv nel Regno di Tvmkino, Milano, 1650. Tác phẩm này còn được xuất bản bằng tiếng Pháp và tiếng La tinh.

Tóm lại, trong giai đoạn từ 1615-1773, đã có trên 155 Giêsu hữu, thuộc 20 quốc tịch khác nhau, nhiều nhất là Bồ Đào Nha, đã đến truyền giảng Tin Mừng tại Việt Nam. Trong số đó, có một số vị đã đến hai lần. Ngoài ra, còn có 33 Giêsu hữu người Việt tích cực góp phần vào công cuộc giới thiệu Tin Mừng cho đất nước này. Tất cả đã mở đường và đặt nền vững chắc cho việc khai sinh Giáo Hội tại Việt Nam. Cha Đỗ Quang Chính đã đưa ra nhận xét:

“Các Giêsu hữu tuy hoạt động truyền giáo ở hai xứ thuộc quyền Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn, sau mấy thừa sai Phanxicô, Đa Minh, nhưng đã xây nền móng vững chắc cho Giáo Hội địa phương trong tiền bán thế kỷ 17. Từ đó trở đi, các nhà truyền giáo thuộc nhiều tập thể khác nhau lần lượt đến xứ này, như các thừa sai Paris (M.E.P.), Đa Minh, Phanxicô, Augutinh, Barnabê, Capucinô, Sylvestrê. Từ năm 1668 xuất hiện những linh mục Việt Nam thuộc hai Giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong, càng giúp cho việc giới thiệu Tin Mừng lan rộng mau chóng hơn. Thêm vào đó, lòng nhiệt thành và năng nổ của các thầy giảng, các dì Phước Mến Thánh Giá và của nhiều giáo hữu Việt Nam, đã đóng góp rất nhiều cho Tin Mừng ăn rễ vào xã hội. Các Giêsu hữu vào xã hội Con Rồng Cháu Tiên, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đã đóng góp được phần nào trong công cuộc giới thiệu Tin Mừng với con người Việt Nam, sáng lập ra chữ Quốc ngữ mới, lập nhà thương, nghiên cứu và xuất bản các tác phẩm liên quan đến Tôn giáo, Thiên văn, Toán học, Sử học, Địa dư, Vật lý, Y học, Thực vật học, Xã hội học, v.v…. Tuy vắng bóng trong xã hội Con Rồng Cháu Tiên gầm 200 năm, nhưng một số thành quả của các Giêsu hữu vẫn tồn tại trong xã hội”[39].

Kiểm tra tương tự

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Cùng Loan Báo Tin Mừng với Cộng Đoàn Hội Thánh Căn Bản

  Dẫn Nhập Nhiều người Kitô hữu chắc hẳn đã từng nghe nói về các …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *