Giuse Nguyễn Văn Lộc
Thầy là cây nho, anh em là cành
Ga 15, 1-8
– Trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan của Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su dùng hình ảnh cây nho để nói về tương quan giữa Ngài và các môn đệ, các môn đệ đã trực tiếp nghe những lời này và các môn đệ thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay.
– Hình ảnh vườn nho, thân nho, cành nho và trái nho đã trở thành quen thuộc với chúng ta. Vì thế, khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta nên đọc từng câu và dừng lại ở những lời đánh động, soi sáng, chất vấn chúng ta nhiều nhất, trong hoàn cảnh hiện tại.
1. Ở lại
– ĐGS ở lại trong chúng ta, và chúng ta được mời gọi ở lại trong Ngài. Điều này được ĐGS nhắc đi nhắc lại từ đầu đến cuối, qua hình ảnh thân nho, cành nho và trái nho, và theo những cách thức khác nhau.
- Khi thì xác định: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”.
- Khi thì phủ định: “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo”.
– Như thế, hình ảnh cây nho và cành nho thật là đẹp, quen thuộc và giàu ý nghĩa, nhưng cũng chất vấn chúng ta:
- Tất cả chúng là “cành” chứ không phải là “thân”, dù chúng ta là ai.
- Và đã là cành, thì phải gắn liền với thân để sinh hoa kết quả. Và để được như thế, chúng ta phải được chăm sóc, được cắt tỉa để mạnh hơn, đẹp hơn và sinh hoa trái nhiều hơn.
– Xin Chúa khơi dậy nơi chúng ta lòng ước ao ở lại trong Chúa, và xin Lời Ngài thanh tẩy, tái tạo và làm phát sinh hoa trái dồi dào nơi chúng ta.
2. Lời của Đức Giê-su
– Lời của ĐGS được nhắc tới hai lần: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em” (c. 3) ; « Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý » (c. 7). Trong lần thứ hai, ĐGS nói rõ hơn, Ngài ở lại trong chúng ta qua Lời của Ngài, bởi vì nơi ĐGS, Lời và Ngôi Vị là một, Ngài là Ngôi-Lời. Vì thể, ở lại trong ĐGS, có nghĩa là để cho Lời của Ngài ở lại và thấm vào trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta.
– Chính vì thế, các việc thiêng liêng của chúng ta đều khởi đi từ Lời Chúa: cầu nguyện, Thánh Lễ, chia sẻ, các Giờ Kinh Phụng Vụ, tĩnh tâm… Và Lời của ĐGS vừa có chức năng cắt tỉa, làm chúng được nên thanh sạch, vừa như là nhựa sống, kết nối chúng ta với ĐGS và làm cho chúng ta sinh hoa trái.
3. Chúa Cha
– ĐGS nói đến Chúa Cha ở đầu và ở cuối của bài Tin Mừng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho” (c. 1) ; « Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: « Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy » (c. 8). Điều Chúa Cha ước ao, và qua đó Ngài được tôn vinh, là chúng ta sinh nhiều hoa trái. Chúng ta có thể tự hỏi, đâu là hoa trái mà Chúa Cha ước ao ?
– Và Chúa Cha không chỉ ước ao, nhưng còn “chăm sóc” chúng ta, vì Ngài là người trồng nho. Chúng ta có quan tâm đến ước ao của Chúa Cha không? Đến vinh quang của Ngài không, khi mà chúng ta vẫn tung hô: “Vinh Danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa…”?
* * *
– Để sinh nhiều hoa trái, chúng ta phải trở nên môn đệ của ĐGS; để trở nên môn đệ, chúng ta phải ở lại trong Ngài; và để ở lại trong Ngài, chúng ta phải đón nhận Lời của Ngài như là nhựa sống, như là lương thực nuôi sống chúng ta.