Hà Nội ngày 26/11/2014
Thầy Cao thân mến!
Lời đầu thư cho con gửi lời chào, lời chúc sức khỏe, bình an và may mắn tới thầy. Đã lâu lắm rồi con mới ngồi viết một bức thư để gửi tới một người mà con quý mến và trân trọng. Trước khi con ngồi viết bức thư này, thật sự tâm trạng con cũng không được tốt cho lắm, không được hài lòng với chính bản thân mình và kể cả với những người anh chị em của mình. Đây cũng không phải lần đầu tiên, kể từ ngày con gặp thầy – ngày mà con biết hối lỗi và trở về với Chúa, con mới có những cảm xúc như vậy – cảm thấy thất vọng, chán nản nhưng cứ mỗi lần như vậy con lại nghĩ tới thầy – người đầu tiên cho con cảm giác được yêu thương, cho con thấy được ý nghĩa của việc phục vụ, người đầu tiên con nhìn thấy sự hiện diện của Đức Ki-tô là không mâu thuẫn với lí trí của mình, con lại có thể tiếp tục đứng lên, vui vẻ và tiếp tục cống hiến.
Nếu trong gia đình, con có một người Mẹ – người là Đấng Ki-tô của cuộc đời con, người sinh ra con, người dạy cho con thế nào là sự hi sinh, lòng chịu đựng và sự chấp nhận vô bờ bến thì giờ đây giữa dòng đời, con có một đức Ki-tô nữa, đó là thầy. Gặp được thầy, con bắt đầu có những trải ngiệm cùng những bài học vô giá.
Khoảng thời gian mà trước đây con gặp thầy, con tự vùi dập cuộc sống của con trong sự đay nghiến và thù hận. Tồn tại trong con người con là một trái tim vô cảm và một lí trí vô thần. Một con người từng tám năm xa nhà thờ, tám năm không biết gì tới đi lễ, xưng tội và chịu lễ. Nhìn lại những những gì con trải qua trong quá khứ, con mới biết ảnh hưởng của thầy lớn với con tới nhường nào, và tình yêu Chúa rộng lớn ra sao khi đã ban cho một kẻ hèn mọn như con một người bạn rồi qua đó, con nhìn thấy sự hiện hữu của Người trên thế gian này.
Thầy đi nhiều nơi, giúp nhiều người và nhiều lần thì chắc bây giờ con có nhắc lại thầy cũng không nhớ. Còn con, con thì vẫn nhớ như in cái ngày đó, khi thầy tới giúp nhóm con làm cầu nguyện. Từng câu từng chữ trong lời bài hát: “Để con nên hình bóng Ngài” trong buổi cầu nguyện ngày hôm đó vẫn còn văng vẳng trong tâm trí con cho tới ngày hôm nay. Bắt đầu từ lúc đó, con ý thức được sứ mệnh của con trên thế gian này là làm chứng cho tình yêu của Đức Giê-su Ki-tô.
Buổi cầu nguyện ngày hôm đó, con gặp thầy và nói chuyện. Ngày 19/12/2013 con được giải tội, sau một thời gian dài bỏ Chúa.
Con bắt đầu và uốn nắn bản thân mình từ ngày ấy, những cuộc gặp gỡ và nói chuyện nhiều hơn với thầy khiến con thêm vững tin và sáng tỏ nhiều điều.
Con tự nhận con là một người tốt, người khác cũng nghĩ con là một người tốt và thực sự con là một người tốt. Thế nhưng con không có một trái tim biết yêu, một tấm lòng bao dung và tha thứ, bởi vậy con thấy khổ tâm nhiều lắm. Một người chị đã từng nói với con: “Em cứ tự làm khổ mình là nhiều đấy chứ”. Một lần kích vào thăm trang cá nhân của thầy, con vô tình nhìn thấy dòng chữ: “Từng học tại Trường đào tạo khả năng biết yêu”. Oh thì ra, yêu cũng phải học hả thầy! Và từ đó, con ý thức được rằng, để truyền giáo, để làm chứng cho tình yêu Chúa, con phải học cách tha thứ và học cách yêu thương. Có vậy thì một ngày gần nhất, con mới có thể trở thành “Khí cụ bình an” của Chúa được.
Chắc có những lúc con làm phiền thầy lắm nhỉ? Con hỏi thầy cũng nhiều, qua tin nhắn có, email có, gọi điện có rồi có khi đang đêm, trằn trọc không ngủ được con cũng nhắn tin cho thầy. Nhiều lúc con cũng thấy mình buồn cười và khiếm nhã thật nhưng thực sự, mỗi lần được thầy chia sẻ và giải thích, con lại thấy bình an và nhẹ nhõm rất nhiều. Bên cạnh những giải pháp có tính logic, thầy luôn nhắc nhở con hãy cầu nguyện. Sao mà cái giải pháp của thầy lại nhẹ nhàng và thực tế tới vậy! Vậy là từ ấy, mỗi lần bối rối, mỗi lần mệt mỏi và sợ hãi, con lại dừng lại và dâng lên cho Chúa tất cả. Rồi từng việc, từng biến cố cứ đi qua trong đời con và để lại cho con một nụ cười. Con thấy cuộc sống đẹp hơn, con nhìn thấy Chúa rõ hơn, không phải qua những giấc mơ, không phải qua sự hiện diện thực tế trước mắt mà trong từng việc con làm, từng người con gặp.
Tuy thế, có lẽ con còn nhiều thiếu sót và yếu đuối. Bởi vậy có nhiều lúc trong khi phục vụ những người anh chị em của mình, con đã chán nản và gục ngã. Lúc đó con lại nhớ tới thầy, con nhớ tới lần thầy và con gặp gỡ một Sour trên Vĩnh Phúc: “Con làm phụng vụ ở Ngọc Mạch, con cũng tiếp xúc với giới trẻ và sinh viên nhiều, nhưng nhiều lúc cũng thấy chán nản lắm, đôi lúc nghe chúng nó nói mà mình thấy thất vọng nhưng vẫn phải kiên trì từng li từng tí với chúng nó”. Thế đấy, đâu phải riêng con thầy nhỉ, đến thầy con có những lúc như vậy thì con cũng tránh sao được. Cốt yếu là mình không bỏ cuộc là được. Truyền giáo là thế, là phải nhẫn nại với chính mình, nhẫn nại với những người anh em của mình và kể cả là với kẻ thù của mình.
“Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”
Con vẫn nghĩ, niềm vui của mỗi người Công giáo là được mang Tin mừng, mang hình ảnh của đức Giê-su Ki-tô đi giao giảng và loan báo muôn nơi. Lời Chúa là tin vui, vậy làm sao chúng ta có thể mang niềm vui cho người khác qua lời của Chúa? Con hoạt động trong nhóm SVCG Hà Nam, con cũng đi nhiều nơi, cũng hay đi tới các hội đoàn, các nhóm SVCG để học tập, chú ý cách anh em của mình làm như thế nào để mang về xây dựng nhóm. Có những niềm vui, có khi con cảm thấy khâm phục nhưng cũng có những lúc con cảm thấy đau lòng thầy ạ. Bản chất của Giáo hội là Truyền giáo, bản chất của hội đoàn là Truyền giáo, bản chất của công việc cũng là Truyền giáo, vậy cớ sao đôi khi người ta cứ nhớ tới tất cả mà quên đi tính chất đích thực của nó. Thành công ư? Một chương trình, một công việc có phải là thành công hay không khi sứ mệnh truyền giáo, sứ mệnh yêu thương, sứ mệnh bình an bị quên mất?
Truyền giáo là không đòi hỏi.
Con không biết con nghĩ đúng hay không nhưng cứ nghĩ đến câu đó, trong đầu con lại có sự giục giã, thúc bách con làm việc. Con nhớ và thấy khâm phục những câu truyện kể về những vị linh mục, những thầy những Sour phải lặn lội và nơi thâm sơn cùng cốc, rừng thiêng nước độc, sống chung với nghèo đói, bệnh tật. Một căn nhà tạm bên bờ suối, một đống than tàn để sưởi ấm mỗi đêm… nhưng vẫn kiên trì cầu nguyện và truyền giáo.
Một anh có chia sẻ với con: “Các Cha các thầy, chính xác ra là phải có trách nhiệm đầu tiên với việc truyền giáo”. Và có lẽ là như vậy, thầy nói riêng và các linh mục, các cha các thầy đang phục vụ khác nói chung luôn chấp nhận và hi sinh hết mình vì danh Đức Giesu Kito.
Hôm nọ con đọc được trên facebook, được biết người chị duy nhất của thầy mới mất ở tuổi 42. Chắc thầy buồn lắm. Hồi trước thầy có bảo, trong cuộc đời phải nhớ đến những Người này; người thứ nhất là cha/mẹ mình, người thứ hai là anh/chị/em của mình, người thứ ba là người yêu của mình, người thứ tư là bạn của mình, người thứ năm chính là bản thân mình; thì thầy, thầy lỡ yêu Người thứ tư mất rồi. Con cũng thấy yêu và thương thầy là lạ!
Con không biết nói gì hơn để thầy phấn khởi hơn trong việc giao giảng và loan báo Tin mừng. Con sẽ cầu nguyện cho thầy để Chúa luôn che trở, đồng hành cùng thầy. Thầy cũng nhớ là cầu nguyện cho con nhé. Con sẽ cố gắng học thật nhiều và cầu nguyện thật nhiều, dùng chính những gì thầy dạy và người khác dạy để phục vụ Chúa, phục vụ anh chị em mình, phục vụ Giáo Hội. Con luôn có niềm tin rằng chỉ cần con mong chờ, Chúa và Mẹ sẽ che trở cho con thui.
Chúc thầy vui vẻ và bằng an!
Thân ái!
Học trò của thầy (cho con tự nhận vậy nhé)
Giuse Hà Trung Dũng, nhóm SVCG Hà Nam
Bài dự thi “Sinh Viên Truyền Giáo”