Thứ năm, sau Chúa Nhật XII TN

Ngày 23 tháng 6 năm 2011
Thứ năm, sau Chúa Nhật XII TN

Mt 7, 21-29

1. Ơn cứu độ và Lề Luật

Lời của Đức Giê-su trong bài TM theo thánh Mat-thêu trình bày cho chúng ta hai khuynh hướng lệch lạc trong việc giữ Luật.

a. Lệch lạc thứ nhất. Việc giữ Luật của chúng ta đôi khi chỉ có ở bên ngoài mà thôi, chỉ có hình thức mà thôi, chỉ cho xong chuyện để lương tâm và người khác không chê trách mà thôi, chứ không phát xuất từ lòng biết ơn và tình yêu con thảo đối với TC, là Cha của chúng ta, Đấng đã ban cho chúng ta biết bao ơn lành, ngang qua từng ngày sống.

– Chính vì thế mà Đức Giê-su nói : « Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa! ” là được vào Nước Trời cả đâu! Và Ngài cũng nói, có những người danh Ngài mà nói tiên tri, nhân danh Ngài mà trừ quỉ, thậm chí nhân danh Ngài mà làm phép lạ ; nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài, còn trong lòng và trong cách sống với người khác, lại tăm tối và gian ác.

– Với những cách sống theo vẻ bề ngoài như thế, Chúa nhấn mạnh, chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào (Nước Trời) mà thôi ». Ở đây ĐGS không nói thi hành « Lề Luật », nhưng là thi hành « ý muốn của Cha Thầy », và cũng là Cha của chúng ta. Thế mà ý muốn của TC lại sâu và rộng hơn Lề Luật, vì  ý muốn của Chúa Cha còn liên quan đến con tim và lòng mến của chúng ta ; và ý muốn của Chúa Cha còn liên quan đến lựa chọn ơn gọi của chúng ta, đến mọi hành vi, lời nói và tâm tình của chúng ta, ở mọi nơi mọi lúc. Và gương mẫu tuyệt vời  nhất của chúng ta là chính Chúa Giê-su, bởi vì Ngài đã sống với Chúa Chúa bằng tình yêu con thảo cách trọn vẹn và cho đến cùng.

b. Lệch lạc thứ hai. Người ta có thể nghĩ rằng, cứ giữ luật là đương nhiên có ơn cứu độ. Không phải như thế, bởi vì TC không phải là « cái máy ban ơn cứu độ tự động », cứ nạp đủ điều kiện là tự động có ơn cứu độ ; và Chúa cũng không phải là « ông chủ » trả công cho chúng ta bằng ơn cứu độ như là lương bổng ; và Chúa càng không phải là « ông quan tòa » xét xử tội phúc để ban ơn cứu độ. Lí do đơn giản là vì, ơn cứu độ vượt xa vô hạn mọi nỗ lực của chúng ta.

– Hơn nữa, hiểu như thế, chúng ta sẽ tự làm hại mình, vì chúng ta luôn luôn bất xứng với ơn cứu độ xét theo lề luật. Vì thế, dù chúng ta là ai, đã làm được gì, lập công được gì, ơn cứu độ mãi mãi là một ơn rất lớn lao TC ban, như thánh Phao-lô nói :

« Vậy, mọi người đã phạm tội
và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa,
nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không,
nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su. »
(Rm 3, 23)

– Và trong thư Ga-lát, thánh Phao-lô còn nói : « nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích. » (Ga 2, 21)

2. Ý muốn của Chúa Cha

– Như thế, để được vào NT, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta thi hành « ý muốn của Chúa Cha ». Nhưng ai trong chúng ta cũng gặp khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm ý Chúa. Lề Luật, thì chúng ta có thể đọc được trong sách hay trong kinh, nhưng ý muốn của Chúa Cha thì không thấy ghi ở đâu hết, nhất là khi chúng ta muốn biết ý Chúa trong hoàn cảnh éo le riêng của mình, trong trường hợp riêng của mình, trong những vấn đề riêng tư và tế nhị của mình, trong những khó khăn phức tạp của mình.

– Đi tìm ý Chúa cho chính mình, cho ơn gọi của mình hay trong một hoàn cảnh đặc biệt, luôn luôn là một hành trình khó khăn. Và dường như Chúa thích để như thế, Chúa thích chúng ta đoán ra ý Chúa, thay vì để cho Chúa phải nói thẳng ra. Giống như đối với cha mẹ : khi chúng ta còn bé, cha mẹ ra lệnh cho chúng ta ; nhưng khi chúng ta lớn rồi, cha mẹ sẽ rất vui, nếu chúng ta tự mình làm vui lòng cha mẹ, tự mình khám phá ra ý thích của cha mẹ. Và trong tình bạn và tình yêu cũng vậy, đoán ra ý nhau, mới thực sự là tình bạn, tình yêu và mang lại cho nhau niềm vui, thay vì cái gì cũng phài nói thẳng ra. Chúa cũng vậy, Chúa cũng sẽ vui thích khi chúng ta tìm kiếm và đoán ra ý Chúa với lòng mến.

3. Lời của Đức Giê-su

– Vì thế, trong nỗ lực tìm kiếm ý Chúa, lòng mến Chúa và lòng ước ao làm đẹp lòng Chúa là quan trọng nhất. Và lòng mến Chúa lại cần được  diễn tả ra bên ngoài bằng đời sống cầu nguyện và việc siêng năng tham dự các bí tích. Và chính trong cầu nguyện và các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, mà chúng ta nhận được nền tảng vững chắc cho nỗ lực tìm kiếm ý Chúa Cha : đó là Lời của Đức Giê-su. Như chính Chúa nói trong bài TM :

« Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành,
thì ví được như người khôn xây nhà trên đá »

– Xây dựng cuộc sống của chúng ta, cá nhân cũng như nhóm, cộng đoàn và gia đình, trên Lời Chúa, sẽ bảo vệ, duy trì và phát triển sự sống, không chỉ sự sống mai sau, nhưng ngay sự sống này. Bởi vì, nếu không, sự sống của chúng ta sẽ trở nên chết chóc và sụp đổ tan tành, chết chóc và sụp đổ tan tành ngay ở đời này.

Dẫn vào Thánh Lễ

– Trong bài TM của Thánh Lễ CN hôm nay, ĐGS nói : « người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.

– Xin cho chúng ta nhận ra sự ngu dại của chúng ta, bởi vì chúng ta thường hay xây dựng cuộc sống của chúng ta, cá nhân cũng như nhóm, cộng đoàn và gia đình, trên cát. Trên cát, có nghĩa là không phải trên Lời Chúa là đá tảng, nhưng trên những gì là chóng qua, là phù vân.

 

 

Kiểm tra tương tự

Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 2: “Những nhân vật chính” của cuộc chiến

Nhìn bề ngoài, chủ nghĩa đắc thắng có vẻ giống như mọi cơn cám dỗ …

Chúa có là Sự Sống, là Con Đường và là Sự Thật của đời bạn không ?

Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,1-12) Chúa …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *