Ga 16, 16-20
1. Ít lâu nữa, rồi ít lâu nữa
“Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy,
rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.”
– Trong một đoạn văn tương đối ngắn, lời này của ĐGS được nhắc đi nhắc lại nhiều lần (c. 16, 17 và 19). Khi ĐGS nói lời này, các môn đệ không hiểu; và sự kiện các môn đệ không hiểu và chắc chắn kèm theo tâm trạng bối rối nữa, cũng được nhắc đi nhắc lại trong bài TM (c. 17; nhất là c. 18; và c. 19).
– Chúng ta hãy đón nhận tâm trạng “bối rối không hiểu” này của các môn đệ, và xin Chúa Thánh Thần đến soi sáng cho chúng ta và biến sự bối rối của chúng ta thành bình an; như ĐGS đã nói: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” Chắc chắn, lời này của ĐGS hướng đến mầu nhiệm VQ:
- Ngài đang tâm sự với các môn đệ trong bữa tiệc li; và ngay sau đó, Ngài sẽ để cho mình bị bắt, bị xét xử, bị lên án và bị giết. Như thế “ít lâu nữa”, các môn đệ sẽ không còn trông thấy Ngài.
- Nhưng TC sẽ cho Ngài vượt qua cái chết để đi vào sự sống mới, sự sống Phục Sinh. Như thế, “ít lâu nữa”, các môn đệ lại “thấy” Ngài.
2. Thấy Thầy và lại thấy Thầy
– Tuy nhiên, hai cái nhìn sẽ không giống nhau: nhìn thấy ĐGS trước mầu nhiệm VQ, là cái nhìn thể lí; còn kinh nghiệm “nhìn thấy” ĐKT phục sinh, là một kinh nghiệm thiêng liêng, nghĩa là kinh nghiệm nhận ra Ngài đang hiện diện sống động với các môn đệ, với GH, với mỗi người chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
– Đó chính là kinh nghiệm thiêng liêng mà Ngài đã ban cho các môn đệ, và vẫn tiếp tục ban cho chúng ta, nhờ sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.
3. Niêm hi vọng
– Ngoài ra, lời của ĐGS: “Ít lâu nữa…. Rồi ít lâu nữa” cũng đụng chạm đến kinh nghiệm sống hằng ngày của chúng ta, và đồng thời mang lại cho chúng ta niềm hi vọng và cả niềm vui nữa. Thật vậy, chúng ta cũng đâu thấy nhau mãi, nhất là đối với những người thân yêu; đã có lúc và sẽ có lúc chúng ta phải xa nhau; và sẽ đến lúc chúng ta phải xa nhau mãi mãi. Nhưng mầu nhiệm VQ đem lại cho chúng ta niềm hi vọng.
– Cũng giống như tương quan của chúng ta với Chúa, chúng ta được mời gọi vượt qua tương quan thể lí, để đi vào trong tương quan vắng mặt. Và đó là mới là tương quan đích thực, vì người chúng ta thương mến, không còn hiện diện ở bên ngoài, nhưng ở trong tim chúng ta, và như thế hiện diện ở mọi nơi mọi lúc.
– Nhưng thử thách lớn nhất và đau khổ lớn nhất, đó là kinh nghiệm xa nhau mãi mãi. Nhưng ĐGS đã so sánh cái chết như là hành trình sinh ra một lần nữa: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra”. Vì thế, đó cũng là niềm hi vọng lớn nhất, là niềm vui lớn nhất.
– ĐGS nói: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.” Chúng ta cũng có thể hiểu, Ngài nói về niềm hi vọng, sau khi chết, chúng ta sẽ được “thấy” Ngài trong sự sống rạng ngời; và trong sự sống rạng ngời của Ngài, chúng ta “sẽ lại thấy” tất cả những người thân yêu của chúng ta đã qua đời. Và khi đó, như Ngài nói:
Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em
sẽ trở thành niềm vui.
Giuse Nguyễn Văn Lộc