Những suy niệm cho Thứ Năm Tuần Thánh với các chủ đề lần lượt là: Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ; Thiên Chúa hiến mình cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể; Lời tạ ơn vì Bí tích Thánh Thể và thiên chức Linh mục.
“Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13.1).
Bản văn trong Phúc âm Thánh Gioan cho chúng ta hiểu rằng, chúng ta đang được dẫn đến bối cảnh của một sự kiện trọng đại sắp diễn ra. Những lời mở đầu đầy xúc động… Thánh Josemaria khuyên chúng ta “hãy bắt đầu bằng việc cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ân sủng để hiểu mọi lời nói và cử chỉ của Chúa Kitô từ khoảnh khắc này trở đi.”[1] Hôm nay, lòng khao khát chú ý đến mọi điều Chúa chúng ta làm khiến chúng ta chiêm ngắm cử chỉ đầy tính thông điệp của Người khi rửa chân cho các tông đồ.
Trong Bữa Tiệc Ly, khi Cuộc Khổ Nạn đã gần kề, bầu không khí tràn ngập tình yêu, sự thân mật và hồi tưởng. “Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa,nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 12.3-5). Các tông đồ hẳn đã rất sửng sốt khi thấy Chúa Giêsu làm một việc mà thông thường chỉ có người hầu mới làm. Nhưng theo thời gian, họ sẽ hiểu được điều Chúa Giêsu muốn nói với họ. Ngay cả ngày nay, chúng ta vẫn thấy khó có thể tưởng tượng được Chúa đặt mình vào vị trí như vậy, lau bụi bặm và vết bẩn trên chân bạn hữu bằng chính đôi tay của Người.
Để Chúa Kitô rửa cho chúng ta có nghĩa là thừa nhận rằng chúng ta không thể thanh tẩy, làm sạch hay thánh hóa bản thân mình được.
“Sự thật này thật khó hiểu thấu: nếu tôi không để Chúa phục vụ tôi, rửa sạch tôi, thêm sức cho tôi, tha thứ cho tôi, tôi sẽ không vào được Thiên đàng… Chúa đã cứu chúng ta bằng cách phục vụ chúng ta. Chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta là những người phục vụ Chúa. Không, chính Người đã tự do lựa chọn phục vụ chúng ta, vì Người đã yêu chúng ta trước. Yêu mà không để người ta yêu lại mình thì thật là khó. Và thậm chí còn khó hơn nữa nếu chúng ta phục vụ mà không để Chúa phục vụ mình.”[2]
Đây là nghịch lý của Kitô giáo: chính Chúa là người hành động trước; chính Người đi bước trước. Đây là lý do tại sao, trước khi đảm nhận bất kỳ công việc tông đồ nào, điều quan trọng là phải học cách đón nhận những gì Chúa muốn ban cho chúng ta, để Người thanh tẩy chúng ta hết lần này đến lần khác.
CẢNH TƯỢNG Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ không bao giờ ngừng làm chúng ta ngạc nhiên. Nhưng tình yêu và sự khiêm nhường của Người còn đi xa hơn nữa trong bữa tiệc ly:
“Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy’. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: ‘Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.’”(Cr 11.23-25)
Chúa chúng ta “đã thiết lập bí tích này như việc tưởng niệm muôn đời về Cuộc Khổ Nạn của Người, như việc hoàn tất những hình ảnh thuở xưa, như phép lạ vĩ đại nhất mà Người đã thực hiện và là niềm an ủi lớn nhất cho những ai Người sẽ đau buồn vì sự vắng mặt của Người.”[3] Chúa Giêsu trao ban chính Người cho chúng ta. Bánh và rượu trở thành Mình và Máu Người cho chúng ta: đó vừa là dấu chỉ của tình yêu vô bờ bến, vừa là biểu hiện lớn nhất có thể của sự khiêm nhường. Bí tích Thánh Thể giúp chúng ta đồng nhất mình với Đấng Yêu Dấu, trở nên một với Người, được kết hợp mật thiết nhất có thể với Thiên Chúa. Thánh Josemaría đã nói rằng:
“Chúa Giêsu Kitô của chúng ta đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để Người luôn ở gần chúng ta như thể mọi bằng chứng khác về lòng thương xót của Người là không đủ. Chúng ta chỉ có thể hiểu đến một mức độ nào đó rằng Người làm như vậy vì Tình yêu thúc đẩy Người, Đấng không cần gì cả, lại không muốn xa cách chúng ta. Ba Ngôi Chí Thánh đã yêu thương con người đến tận cùng.”[4]
Chúng ta không thể khỏi kinh ngạc được. Cho dù chúng ta có suy ngẫm bao nhiêu về tất cả những gì Thiên Chúa Cha đã ban cho mình, chúng ta cũng không bao giờ có thể hiểu được: “Đó là phương thuốc của sự bất tử, là thuốc giải cho cái chết, là phương thuốc giúp chúng ta sống trong Chúa Kitô mãi mãi.”[5] Chúng ta không xứng đáng được quan tâm, yêu thương và chú ý nhiều như vậy. Chúng ta muốn cố gắng đáp lại cách tốt nhất có thể, nhưng để làm được như vậy, chúng ta cần sự giúp đỡ của Thiên Chúa. “Điều đầu tiên không phải là nỗ lực của chúng ta, hay khả năng đạo đức của chúng ta. Kitô giáo trước hết và trên hết là một món quà: Thiên Chúa ban chính Ngài cho chúng ta. Ngài không ban tặng một điều gì đó, mà là chính Ngài… Đây là lý do tại sao hành động trung tâm của đời sống Kitô hữu là Bí tích Thánh Thể: lòng biết ơn vì đã nhận được những món quà của Ngài, niềm vui vì cuộc sống mới mà Ngài ban cho chúng ta.”[6]
“Thiên Chúa ban chính Ngài cho chúng ta. Ngài không ban tặng một điều gì đó, mà là chính Ngài.”
Trong NHỮNG LỜI CỦA LINH MỤC trước khi truyền phép, chúng ta thấy thái độ biết ơn của Chúa Giêsu đối với Thiên Chúa Cha: “Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói…”. Chúng ta muốn có cùng thái độ đó ngày hôm nay, vào đêm trước Cuộc Khổ Nạn. Lòng quảng đại phát xuất tự nhiên từ lòng biết ơn đối với cuộc sống mới mà chúng ta đã nhận được, và chúng ta muốn chia sẻ nó với người khác. Chúng ta muốn cố gắng yêu thương những người Chúa Giêsu yêu thương, như Người yêu thương họ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34). Nhờ Chúa Kitô, với Người và trong Người, chúng ta có khả năng yêu thương đến cùng. Giống như Chúa Giêsu, chúng ta quỳ xuống trước mọi người để rửa chân cho họ. Chúng ta hiểu những đau khổ của họ và mang chúng trên vai mình.
Sự phán xét, đố kỵ và so sánh biến mất. chúng được biến đổi thành lời cầu xin, niềm vui và lòng biết ơn đối với Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu Người thực hiện nơi người khác.
“Bí tích Thánh Thể Cực Thánh chứa đựng toàn bộ sự thiện hảo thiêng liêng của Giáo hội, tức là chính Chúa Kitô, là Lễ Vượt Qua và Bánh Hằng Sống của chúng ta, qua hành động của Chúa Thánh Thần và nhờ chính xác thịt của Người, ban sự sống cho con người.”[7]
Từ đó, chúng ta rút ra sức mạnh cần thiết để mang sự sống của Chúa Kitô đến với trái tim của những người xung quanh chúng ta và đến mọi ngóc ngách của thế giới.
Thứ Năm Tuần Thánh, ngày Thiên Chúa ban cho Giáo hội Bí tích Thánh Thể, cũng là ngày cầu nguyện cho sự thánh thiện của tất cả các linh mục, để các ngài luôn phục vụ Giáo hội với cùng một tình yêu mà Chúa chúng ta đã sống. Với lời cầu nguyện của mình, chúng ta có thể giúp họ hiện thực hoá ước muốn sâu xa nhất thúc đẩy họ trở thành linh mục: “Khía cạnh thực tế này của việc phục vụ rất quan trọng: chúng ta không phải là người chọn việc mình làm, nhưng chúng ta là những người phục vụ Chúa Kitô trong Giáo hội. Chúng ta làm việc như Giáo hội nói với chúng ta, nơi Giáo hội kêu gọi chúng ta, và chúng ta cố gắng nên chính xác như thế: những người phục vụ không làm theo ý riêng của mình, mà là ý muốn của Chúa. Chúng ta hãy thực sự là những sứ giả của Chúa Kitô và những người phục vụ Tin Mừng trong Giáo hội.”[8]
Trong số rất nhiều món quà trong những ngày này, Chúa Giêsu cũng sẽ ban cho chúng ta món quà là chính Thân Mẫu của Người. Chúng ta hãy hướng về Đức Mẹ, chứng nhân quan trọng trong Hy lễ của Chúa Kitô, cầu xin sự giúp đỡ từ Người để sống một cuộc sống khiêm nhường biết ơn về tất cả những gì chúng ta đã nhận được.
Nguồn: https://opusdei.org/
Chuyển ngữ: Quốc Thành – CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên
[1] Thánh Josemaría, Chúa Kitô đi ngang qua, số 1. 83.
[2] Đức Phanxicô, Bài giảng, ngày 5 tháng 4 năm 2020.
[3] Thánh Thomas Aquinas, Opusculum 57, Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, lect. 1-4.
[4] Thánh Josemaría, Chúa Kitô đi ngang qua, số 1. 84.
[5] Thánh Ignatius Antioch, Thư gửi tín hữu Êphêsô, 90.
[6] Đức Bênêđíctô XVI, Bài giảng, 20 tháng 3, 2008.
[7] Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Presbyterorum ordernis, số 1. 5.
[8] Đức Bênêđíctô XVI, Lectio divina, 10 tháng 3, 2011.