Thư ngỏ gửi các bạn sinh viên về việc thi Giáo Lý năm học 2014-2015

Hội Sinh Viên Tổng Giáo Phận Hà Nội

 THI GIÁO LÝ

  1. Mục đích ý nghĩa

Các bạn sinh viên mến,Các bạn là sinh viên Công Giáo. Làm sao để bạn có những hiểu biết về đức tin tương xứng với và giải đáp cho những thắc mắc do tri thức khoa học bạn lãnh hội trong 4 năm đại học? Làm cách nào để bạn dám chịu trách nhiệm về đức tin của bạn, vốn bao gồm những nội dung bạn tin, nhưng quan trọng hơn, đó là việc bạn nội tâm hóa những điều bạn tin, trong tư cách của một người trưởng thành? Làm thế nào để bạn hiểu và trả lời cho những người tôn giáo bạn về chính niềm tin và lịch sử giáo hội Công Giáo tại Việt Nam? Làm sao để bạn vừa là nhà trí thức giỏi vừa là những Ki-tô Hữu sống đức tin trưởng thành, ngay giữa những thách đố của cuộc sống ngày hôm nay?

Đây là những thao thức của các bạn, thao thức của những người đồng hành với các bạn, và thao thức của Giáo Hội – Mẹ chúng ta.

Khi được hỏi về chân dung của người Tín Hữu Ki-tô Giáo trong tương lai, linh mục Karl Rahner, s.j, một thần học gia lỗi lạc của thế kỷ XX và tư tưởng của ông đã được Công đồng Va-ti-ca-nô II áp dụng khá nhiều, đã nói: “Ki-tô hữu của thế kỷ XXI hoặc sẽ là một nhà thần bí, hoặc sẽ không là gì cả.” Bạn đừng vội lo ngại về từ ngữ “thần bí” này. Theo cha Rahner, “thần bí” đơn giản chỉ mô tả khát khao thâm sâu nơi từng người chúng ta, đó là khát khao muốn gặp gỡ Thiên Chúa.  “Thần bí” là khả năng thánh được trao cho chúng ta dưới hình thức của một món quà Chúa ban khi Người thương yêu đưa chúng ta vào đời. Đã là quà tặng cần phải có người tặng quà. Người Tặng Quà chính là Thiên Chúa. Sở dĩ chúng ta khát khao gặp gỡ Thiên Chúa là vì chính Thiên Chúa đã  khao khát gặp chúng ta trước, và niềm khát khao của Thiên Chúa muốn gặp gỡ chúng ta, một cách mầu nhiệm, đã trở thành niềm khao khát của chính chúng ta muốn gặp gỡ Thiên Chúa.  Như thế, “thần bí”  mô tả giây phút trùng phùng của hai niềm khát khao – khát khao của Chúa và khát khao của mỗi người chúng ta. Ở nơi giao điểm của giây phút trùng phùng này là niềm vui, hạnh phúc và bình an. Nếu bạn và tôi không tái khám phá ra và sống món quà này trong từng ngày sống của chúng ta, chúng ta sẽ thành kẻ lạc lõng ngay trong chính niềm tin Ki-tô Giáo của mình.

Có lẽ vì nhu cầu cấp bách này, Giáo Hội đã chọn năm 2014 là năm Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình. Phúc Âm của Đức Giê-su chỉ là một – hôm nay và mãi mãi. Điều này có nghĩa là “tất cả nội dung Thánh Kinh đã được  thẩm quyền Giáo Hội công nhận và công bố  qua các Công Đồng vẫn nguyên vẹn, nhưng nay cần được canh tân trong chiều kích  đào sâu thêm ý nghĩa để giúp  sống đức tin Kitô Giáo cách phong phú hơn, và có giá trị thuyết phục hơn trong đời sống cúa mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội.”[1] Một trong những nội dung ưu tiên của việc Tân Phúc Âm Hóa là tìm lại ngôn ngữ diễn tả và sống các giá trị Tin Mừng. Ngôn ngữ này là ngôn ngữ của tình thương. Thế mà tình thương trong ý nghĩa Ki-tô giáo trước hết là tình thương của Chúa dành cho từng người (x. 1Ga 4, 10). Như vậy, chính Thiên Chúa là Đấng khởi xướng dự án tình thương này. Và Người yêu thương chúng ta rất cụ thể qua Con của Người là Đức Ki-tô Giê-su. Mọi nỗ lực sống yêu thương của chúng ta phải và nên khởi đi từ cảm nghiệm của từng người về tình thương khởi xướng của Chúa.

Bạn thân mến,

Món quà “thần bí” theo cái nhìn của linh mục Rahner và ngôn ngữ tình thương mà chương trình Tân Phúc Âm hóa muốn tìm lại đều muốn đưa chúng ta – những Ki-tô Hữu của thế kỷ XXI – về lại với giá trị cội nguồn duy nhất của Thánh Kinh, đó là giá trị tình thương. Vậy mà, tình thương được bày tỏ trước hết là từ Thiên Chúa. Tình thương là điều mà chúng ta chỉ biết, hiểu, nội tâm hóa, và mang vào cuộc sống của chúng ta qua cầu nguyện và học hỏi giáo lý.

Hưởng ứng những nỗ lực trên của Giáo Hội Toàn Cầu, và để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi về niềm tin mà chúng ta đặt ra ở trên, hội Sinh Viên tổng Giáo Phận Hà Nội sẽ tổ chức một cuộc thi Giáo Lý dành cho tất cả các nhóm.

2. Nội dung thi

Ngân hàng câu hỏi sẽ được soạn từ

  • Sách Giáo Lý dành cho Người Trẻ (Youcat – Youth Catechism)
  • Những điều liên quan đến biến cố 400 năm dòng Tên loan báo Tin Mừng trên Đất Việt, bao gồm: Lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, loan báo Tin Mừng và Văn Hóa Việt, Chữ Quốc Ngữ
  • Thời gian thi
  • Cuộc thi của hội sẽ bắt đầu từ tháng 09/2014 tại các nhóm nhỏ. Thời gian thi cụ thể như thế nào, xin các nhóm họp bàn và quyết định.
  • Cuộc thi chung kết của hội sẽ được tổ chức vào ngày lễ truyền thống của hội. Lễ truyền thống của năm nay vào tháng 11. Ngày giờ và nơi chốn cụ thể sẽ được xác định sau.
  • Tổ chức như thế nào?

Cuộc thi Giáo Lý sẽ được tổ chức từ thấp lên cao theo cơ cấu nhóm và của hội, cụ thể như sau:

  • 22 nhóm của hội Sinh Viên tổng Giáo Phận Hà Nội sẽ tổ chức thi trong nhóm mình. Lý tưởng là hết mọi thành viên trong nhóm đều có cơ hội tham gia học hỏi và thi.
  • Như thế, sẽ có nhiều vòng thi ở trong nhóm. Sau các vòng thi như thế, đội giỏi nhất sẽ đi thi cuộc thi của cụm các nhóm sinh viên gần nhau, chẳng hạn như cụm Công Nghiệp, Phú Mỹ và Di Trạch. Đội giỏi nhất của cụm sẽ đi thi với các đội giỏi của cụm khác. Cứ như thể cho đến khi chúng ta chọn được đội giỏi nhất trong cả hội.
  • Riêng các nhóm có nhiều địa điểm nhỏ, sẽ tổ chức thi theo địa điểm trước, rồi sau đó, theo nhóm lớn của mình. Ví dụ: nhóm Hải Hà có 4 quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai. Các quận này sẽ tổ chức thi ngay trong quận mình. Sau đó, quán quân của từng quận sẽ thi với nhau để chọn ra đội giỏi nhất của cả nhóm để thi theo cụm như vừa kể ở trên.

3. Luật thi

  • Các cuộc thi sẽ áp dụng theo mô hình thi “Đường Lên Đỉnh Olympia.” Địa điểm Tu Hoàng của nhóm Magis Công Nghiệp đã tổ chức thi theo mô hình này hồi năm ngoái. Và họ đã thành công. Các bạn ấy rất sẵn lòng chia sẻ kỹ thuật cho chúng ta. Chúng tôi sẽ bàn với nhóm kỹ thuật bên nhóm Công Nghiệp để ra mắt phần kỹ thuật của cuộc thi lớn này sớm.
  • Tuy nhiên, nếu nhóm nào không thích thi theo mô hình này, nhóm ấy vẫn có thể thi theo phương pháp nhóm thấy thích hợp.

 

Các bạn sinh viên thân mến,

Chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ thế giới vào năm 2016 tại Ba Lan là “Mối Phúc Thật” (Mt 5,1-12). Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã chọn cho giới trẻ chủ đề này để nói hộ chúng ta ước mơ của từng người muốn tái khám phá hạnh phúc thật, được diễn tả trong niềm vui của Tin Mừng

Có lẽ bạn là một trong 32.088.297 người đã từng xem nữ tu Cristina Scuccia, người Ý đi dự thi chương trình “The Voice”. “Khi trình bày bài hát “No One” cũng như trong phần đối thoại với Ban Giám Khảo, nữ tu Cristina đã làm toát ra niềm vui của người môn đệ Chúa.”[2] Con số truy cập vào youtube ghi phần trình bày của chị ngày càng gia tăng cho thấy một nhân loại đang khát khao niềm vui của Chúa.

Chị Cristina Scuccia đã tìm thấy niềm vui và hạnh phúc của Chúa. Bạn và tôi cũng đang đi tìm niềm vui và hạnh phúc của Chúa. Hãy bắt đầu cuộc tái khám phá niềm vui của Tin Mừng với cuộc thi Giáo Lý của hội chúng ta.

Cầu chúc các bạn cảm nghiệm được niềm hạnh phúc thiêng liêng trong những ngày đầu năm học, là thời gian ươm mầm và chờ đợi cho đến lúc những nỗ lực học tập và sống đức tin của chúng ta biến thành niềm hạnh phúc vỡ òa trong ngày cuối cùng của năm học 2014-2015.

 

 

[1] Xem: http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=11479

[2] Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo, THƯ GỬI CÁC SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ VÀ ĐẠI LỄ PHỤC SINH 2014.

Ngọc Mạch, ngày 04/09/2014

Nguyễn Thái Sơn

Kiểm tra tương tự

Thế giới kịch nghệ đã ảnh hưởng thế nào đến thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

  Từ khi còn trẻ, chàng thanh niên Karol Wojtyła đã bị cuốn hút vào …

Làm gì cũng được, miễn là làm cùng nhau

Nhóm SVCG Lạc Hồng chính thức sinh hoạt và có những định hướng ban đầu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *