27/05/2011
Thứ sáu, sau CN V Phục Sinh
Giuse Nguyễn Văn Lộc
“Anh em hãy thương yêu nhau,
như Thầy yêu thương anh em”
Ga 15, 12-17
– Nếu trong những đoạn trước (các bài TM của hai ngày trước), ĐGS dùng hình ảnh cây nho và cành nho để nói về tương quan của Ngài với các môn đệ, thì trong đoạn này, Ngài không nhắc đến cây nho nữa, đơn giản là vì, những gì Ngài bày tỏ ra đây, vượt qua vô hạn hình ảnh “người trồng nho, cây nho và cành nho”. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể trở lại hình ảnh này và dùng làm điểm tựa, để hiểu mầu nhiệm hiệp thông mà ĐGS muốn mặc khải.
– Thật vậy, Đức Giêsu tiếp tục vừa đẩy đi xa vừa mở rộng tương quan Cha-Thầy-người môn đệ, các môn đệ với nhau và giữa các môn đệ và những người khác. Vì năng động tình yêu thì không dừng lại được. Mở đầu và kết thúc của đoạn này là lời mời gọi yêu thương nhau (c. 12. 17). Điều này có nghĩa là “yêu thương nhau” chính là hoa trái mà Người trồng nho và “Cây Nho” mong đợi.
1. Năng động tình yêu
– ĐGS đã nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (c. 9); và bây giờ Ngài nói: “Anh em hãy yêu mến nhau, như Thầy yêu mến anh em” (c. 12). Như thế, với cùng một năng động tình yêu thần linh, Đức Giêsu mời gọi anh em của Ngài thương yêu nhau.
– Chúng ta có thể dừng lại để chiêm ngắm bằng ngũ quan: sự hài hòa được hình thành bởi tình yêu giữa Người trong nho và cây nho; giữa thân nho và cành nho; giữa các cành nho với nhau. Chỉ có một Người trồng nho thôi, và chỉ có một cây nho thôi; nhưng cành thì có nhiều: cành to cành bé, cành ngắn cành dài, cành ở trên cao, cành ở dưới thấp, cành già cành trẻ, cành đẹp cành xấu, cành trắng cành đen, cành mượt mà cành sần sùi, cành ít trái cành nhiều trái, cành sung mãn cành èo uột, cành xanh mướt cành đang khô héo…). Nhiều và khác nhau, nhưng tất cả trở nên một, nếu gắn liền với thân nho. Xin Chúa khơi lại và làm bùng lên lửa yêu mến đã từng đốt cháy lòng chúng ta, ước ao của chúng ta, quyết định của chúng ta.
2. Tình yêu hi sinh mạng sống
– Khuôn mẫu của tình yêu chúng ta dành cho nhau là tình yêu của Đức Giêsu dành cho loài người và cho từng người: đó là tình yêu hi sinh mạng sống. Tình yêu mà chúng ta tưởng niệm và tái hiện lại mỗi ngày trong Thánh Lễ và trong ngày sống.
– Ngoài ra, Đức Giêsu còn mở ra một chiều kích nữa của tương quan giữa Ngài và các môn đệ: tương quan bạn hữu. Bằng tình yêu, Đức Giêsu chia sẻ cho bạn hữu của Ngài tất cả: niềm vui, hiểu biết và chính mạng sống. Ngài trao bạn tất cả những gì mình có và tất cả những gì mình là cho bạn hữu; Ngài chia sẻ trọn vẹn hữu thể của Ngài.
3. Được sai đi để sinh hoa trái
– Lúc đầu Đức Giêsu mời gọi các môn đệ gắn liền với Ngài, như cành nho gắn liền với thân nho (c. 4); sau đó Ngài mời gọi các môn đệ lưu lại trong tình thường của Ngài bằng cách giữ các giới răn Ngài dặn dò; bây giờ Ngài nói rằng chính Ngài chọn các môn đệ và cắt cử các môn đệ ra đi, nhằm sinh được hoa trái.
– Vấn đề hoa trái được nhắc lại, nhưng trong một tương quan mới: tương quan được Thầy sai đi; được sai đi nhưng vẫn gắn liền với Thầy và ở lại trong tình thương của Thầy. Bởi vì, không có thầy, các môn đệ không làm gì được (c. 5), nhất là chúng ta không thể yêu thương nhau.
“Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”