Thử Tìm Hiểu Một Số Bước Chuyển Cơ Bản Của Triết Học Từ Buổi Đầu Đến Plato và Aristotle

1. Dẫn Nhập: Sơ Lược Lịch Sử Triết học Từ Buổi Đầu Đến Aristotle

Ngày nay, khi nhắc đến từ “Triết học”, người ta thường nghĩ đến một bộ môn trong học đường; hoặc rộng hơn, có người liên hệ nó với những hệ thống lý thuyết của các nhà tư tưởng lớn với những phạm trù và khái niệm vừa uyên thâm, nhưng cũng đồng thời xa lạ với đời sống thường nhật. Với cái nhìn này, nhiều người không ngần ngại kết luận rằng Triết học là một “môn học” thiếu thực tế, và thậm chí vô bổ nhất. Trong hoàn cảnh này, nếu là người không buông mình theo thành kiến đám đông, có lẽ ta cần đặt câu hỏi rằng, tại sao một “môn học” vô ích như thế lại thu hút nhiều đầu óc vĩ đại của nhân loại dấn mình vào đó; và còn là nguyên nhân gây nên những tranh cãi gần như bất tận về cả đối tượng lẫn yếu tính của chính nó. Câu hỏi này dẫn ta đến một truy vấn khác: ở khởi đầu, Triết học thực sự là gì?

            Với tinh thần trở về và trung thành với cội nguồn, một số nhà Triết học ngày nay, như Pierre Courcelle và Pierre Hadot, đã tái khám phá tinh thần Triết học ở buổi đầu của nó, rằng Triết học là sự dấn thân trong một chọn lựa hiện sinh ban đầu để được tấn tới về mặt triết lý, hầu biến lý tưởng cuộc đời thành hiện thực. Do đó, ngôn từ hay lý thuyết chỉ là những thứ phát xuất từ cuộc chọn lựa này. Hay nói cách khác, “Triết học sẽ chỉ là những thao luyện dọn đường cho minh triết.”[1]

Nếu xét tới cùng hạn từ “Triết học” như trên, thì hẳn ta không thể nói rằng Triết học được bắt đầu với nhà tư tưởng này hay nhà tư tưởng nọ, mà chỉ có thể nói rằng Triết học có mặt khi có sự hiện diện của con người. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản ta phát biểu rằng, dường như Triết học bắt đầu được thực hành nhiều hơn, hay tỏ lộ rõ rệt hơn nơi một số vùng hay tại một thời kỳ nào đó qua những nỗ lực suy tư và sống Triết lý của những nhà tư tưởng cụ thể. Từ lập trường này, với những dấu ấn lịch sử còn ghi nhận được, ta có thể nói rằng lịch sử Triết học được khởi đi từ một số nhà tư tưởng buổi đầu trước Socrates.

Một cách tương đối, danh sách các nhà tư tưởng này có thể bắt đầu với những tác giả của các thần thoại, nổi bật với Homère và Hésiode; rồi đến các nhà Thiên nhiên học buổi đầu; thậm chí cả với những Bi kịch gia.[2] Các tác giả thần thoại đã nỗ lực tạo ra một thể loại diễn đạt mang chiều kích huyền thoại để trả lời những câu hỏi về thế giới, về nguyên lý khởi tạo, và về con người. Chính ngôn trình huyền thoại này là khởi điểm để tạo nên những hoạt động suy biện bằng lý trí của các nhà Thiên nhiên học sau này. Riêng các nhà Bi kịch lại đi theo một hướng nẻo khác: thao thức tìm kiếm ý nghĩa của đời sống con người qua những nghịch cảnh, đau khổ, những giới hạn của phận người, hầu nỗ lực sống cho tròn đầy, cho trọn vẹn và ý nghĩa đối với cuộc hiện sinh cao quý đó. Có lẽ chính cái danh sách này đã thể hiện sự phong phú, đa dạng mà Triết học được diễn tả ở thời Thượng cổ. Tiếp nối danh sách trên chính là ba gương mặt vĩ đại khác vốn vẫn được xem như những người đặt nền móng cho Triết học, đó là Socrates, Platon, và Aristotle.

 

Bài viết này là một nỗ lực bàn về một số bước chuyển, mà tôi thiết nghĩ là cơ bản, của Triết học từ các nhà tư tưởng buổi đầu đến Socrates, rồi từ Socrates đến Platon hoặc/và Aristotle. Với sự hạn hẹp về kiến thức cũng như phạm vi bài viết, người viết sẽ giới hạn bài làm này trong một số chuyển bước cơ bản từ việc so sánh giữa các “cột mốc” chính: những nhà Thiên nhiên học buổi đầu với Socrates, rồi Socrates với Plato và / hoặc Aristotle. Cụ thể, trước hết chúng ta sẽ xét đến sự chuyển bước về mặt từ ngữ để có hạn từ Triết học, và về ý nghĩa của nó; sau đó sẽ khảo sát sự chuyển bước về mặt câu hỏi hay chủ đề suy tư; và cuối cùng, chúng ta sẽ khảo sát sự chuyển bước về cách thức diễn tả và “rao giảng” Triết học. Ngoài ra, để mở rộng vấn đề, tôi sẽ trình bày một chút suy nghĩ trước thắc mắc: những chuyển bước này là tiến hay lùi; sau đó nêu lên vài ưu tư về khả năng trở về với tinh thần Triết học đích thực ngay trong đời sống thường nhật của bản thân xét như một học viên.

 

2.   Một Số Chuyển Bước Cơ Bản Của Triết Học[3]

 a)        Chuyển  Bước Về Mặt Từ Ngữ

Ngày nay, hầu hết mọi người đã biết về từ ngữ philosophia, nhưng có lẽ ít người biết đến lịch sử hình thành, cũng như hiểu cho thấu đáo ý nghĩa buổi đầu cúa nó. Vì thế, trong phần này chúng ta cũng tìm hiểu hai vấn đề này.

Từ Các Nhà Tư Tưởng Buổi Đầu đến Socrates

Các nhà tư tưởng trước Socrates chưa hề biết đến từ ngữ philosophia, đặc biệt là ở thể danh từ. Tuy nhiên, họ cũng đã sử dụng một vài từ ngữ để chỉ một số hoạt động đặc thù mang tính triết lý; đó là historiapaideia. Thực vậy, như đã đề cập ở trên, các nhà Thiên nhiên học buổi đầu là những người nỗ lực giải thích thế giới và con người bằng lý trí thay vì bằng huyền thoại. Họ kiếm tìm một nguyên lý cơ bản, khởi đầu, và diễn tiến hình thành nên mọi sự của thế giới. Họ gọi tiến trình “vật lý” này là “phusis”. Còn chính cuộc tra cứu bằng lý trí của họ lại được gọi là historia. Bên cạnh công việc suy tư được gọi là historia, những nhà tư tưởng trước Socrates còn có một hoạt động khác mang tính triết lý được gọi theo danh tính, đó là paideia. Quả vậy, người Hy Lạp xưa đã có mối ưu tư rất lớn về việc đào tạo. Tuỳ theo giai đoạn mà việc giáo dục được nhấn mạnh theo những phạm vi khác nhau, cả mặt than xác lẫn tinh thần: thể dục, âm nhạc, nhân bản, luân lý, các nhân đức, và cách làm chủ miệng lưỡi và ngôn ngữ. Phạm vi cuối cùng này, tức cách làm chủ miệng lưỡi và ngôn ngữ, được đặc biệt nhấn mạnh và phát triển bởi các nhà biện luận, trong đó họ dung từ arête (khí phách, hay phong cách trổi vượt) để chỉ mục tiêu đào tạo cho những người trẻ. Còn những lý thuyết và thực hành dùng trong việc giáo dục và đào tạo trên được gọi chung là paideia.

Xét về mặt từ ngữ, người ta không biết chính xác thời điểm xuất hiện những yếu tố liên quan đến chữ philosophia. Tuy nhiên, từ những dấu tích còn lại, người ta ghi nhận được sự xuất hiện lần đầu tiên của từ sophies (sự khôn ngoan) và philosophos (người yêu thích sự khôn ngoan) trong tác phẩm của sử gia Hérodote ở thế kỷ V TCN, để thuật lại lời ca ngợi của Crésus – vua xứ Lydia – đối với Solon, một trong bảy vị Hiền Triết.

Từ Socrates đến Platon và Aristotle.

 Với ghi nhận ở trên, ta thấy rằng có lẽ ngay ở thế kỷ thứ V, từ philosophia đã trở nên thông dụng rồi. Tuy nhiên, chúng ta chỉ dám chắc chắn về thời điểm xuất hiện ý nghĩa đầy đủ của từ philosophia qua định nghĩa về triết gia trong tác phẩm Bữa Tiệc của Platon.[4] Trong tác phẩm này, qua những lời lẽ ca ngợi tình yêu của nữ tiên tri Diotime (qua lời kể của Socrates) và qua những lời ca ngợi Socrates của Alcibiade, cả hai dung mạo Eros và Socrates hoà quyện nhau tạo nên khuôn mặt của triết gia. Eros được gán cho những đặc tính nghèo túng, thiếu thốn, chưa sở hữu vẻ đẹp; nhưng đồng thời lại đi kèm với những đặc tính khát vọng vẻ đẹp, giàu sáng tạo, dồi dào mưu lược và là một thợ săn thiện nghệ. Tương tự như thế, Socrates cũng si tình, cũng nghèo túng, nhưng đồng thời cũng là “thợ săn” chân trần thiện nghệ.[5]

Như thế, triết gia-philosophos không phải là con người toàn bích, chưa phải là nhà hiền triết, tức chưa sở hữu sự khôn ngoan trọn vẹn. Tuy nhiên, triết gia cũng không phải là người ngu muội như những người ngu muội bình thường, và điểm tạo nên sự khác biệt đó là triết gia nhận thức được sự thiếu khôn ngoan của mình và khát vọng mãnh liệt đề bù đắp sự thiếu hụt đó. Như thế, triết gia được xếp vào hạng “vô loài” vì không là hiền triết, cũng chẳng phải ngu muội.

Nếu xét về mặt chiết tự, thì quả là từ philo-sophos rất phù hợp với định nghĩa của Platon. Từ sophia thường được sử dụng trong rất nhiều trường hợp và được diễn nghĩa rất phong phú và đa dang. Nhưng tựu trung, nó thường được hiểu là khôn ngoan, hoặc được hiểu theo nghĩa là sự hiểu biết. cả hai ý nghĩa này không loại trừ lẫn nhau, vì “hiểu biết thật thì phải là thành thạo trong hành động, là biết làm, và biết làm thì chính là biết làm điều tốt, điều thiện.”[6] Còn tiếp đầu ngữ philo dung để chỉ tư thế của một người đang lăn xả vào một công việc nào đó với trọn con người của mình như thể việc đó là lẽ sống vậy. Như thế, khi kết hợp lại, như được diễn đạt trong Bữa Tiệc, triết gia-philosophos được hiểu là người ý thức tình trạng thiếu hụt khôn ngoan của minh, khao khát minh triết và tìm mọi cách để tấn tới trên đường minh triết. Hơn nữa, sự tìm kiếm này không phải là tìm kiếm những minh triết trên lý thuyết hay những thứ khôn ngoan “xa vời”, mà là tìm kiếm ngay trong đời sống thường nhật và bằng chính đời sống thường nhật, như được phác hoạ bằng chính đời sống của Socrates: một người bình thường, có vợ con, tham gia trọn vẹn vào đời sống công cộng, gặp gỡ trao đổi với mọi người; một binh sỹ can đảm; người sống theo tinh thần chính trực; và cũng là một người biết giành thì giờ để suy tư.

Như thế, nếu chỉ xét về mặt từ ngữ, thì triết học đã có một bước tiến dài để cuối cùng thành tựu nơi định nghĩa về chính nó trong Bữa Tiệc của Platon qua từ ngữ philosophia. Và có lẽ đây là một từ ngữ tuyệt vời vì nó chất chứa trọn vẹn những ý nghĩa đã được thể hiện trong tinh thần sống của các nhà tư tưởng buổi đầu và nơi chính đời sống của Socrates.

Ngoài chính từ philosophia ra thì hẳn cũng đã có sự chuyển bước những khái niệm, ngôn trình triết học khác: ngày càng có nhiều khái niệm phong phú và giàu ý nghĩa; hoặc có thể có những biến thể của các khái niệm, từ ngữ cũ. Tuy nhiên, trong giới hạn của bài viết, chúng ta không bàn đến vấn đề này.

 

b)        Chuyển Bước Về Mặt Câu Hỏi – Chủ Đề Suy Tư và Phương Pháp Khảo Cứu

Từ Các Nhà Tư Tưởng Buổi Đầu đến Socrates

Trong phần Dẫn Nhập, chúng ta đã đề cập đến thao thức tư của những nhà Thiên nhiên học buổi đầu, đó là giải thích nguồn gốc của thế giới và của con người bằng những lý thuyết đượm tính lý trí thay vì huyền thoại. Mối ưu tư này dẫn họ đến quan tâm cụ thể hơn, đó là tìm cách khám phá cái tiên quyết, tức cái nguyên lý duy nhất khởi điểm cho mọi sự. Dường như khởi đi từ kinh nghiệm riêng mà mỗi nhà tư tưởng này đã xác định một nguyên lý riêng. Đối với Thales, nguyên lý duy nhất đó là Nước; với Anaximendes là Không Khí; trong khí Heraclite lại chọn Lửa. Ngoài ra, một số nhà tư tưởng khác lại chọn cặp nguyên lý tương phản. Ví dụ, Pythagoras chọn hai cặp Chân Không-Trào Tràn, Nóng-Lạnh; Empedocle chọn Tình Yêu-Hận Thù, Đơn Nhất-Đa Tạp.

Phương pháp khảo cứu cũng rất đa dạng, hầu như mỗi triết gia chọn một cách tiếp cận riêng. Nếu như cách tiếp cận của Thales và Pythagoras còn mang đậm tính chất tôn giáo và khung trời khái niệm, thì Heraclite lại đóng vai trò trung gian giữa vũ trụ linh thánh và bến bờ lý tính khi hướng vào việc sử dụng và uốn nắn ngôn từ nhằm lĩnh hội thực tại như nó là qua việc lắng nghe và thấu hiểu Logos được thực tại trao tặng: “suy tưởng cho tốt, đó là phẩm chất cao cả. Nhưng sự khôn ngoan ở chỗ nói điều chân thật, hành động theo tự nhiên, và ở chỗ lắng nghe.[7] Tiếp bước Heraclite, một triết gia cùng thời với ông là Parmenide lại có một kinh nghiệm trực giác về chân lý rất mạnh mà ta có thể gọi là kinh nghiệm thần bí. Với ông, tất cả là Hữu. Hữu là đơn nhất, là trường tồn, không biến dịch. Chúng ta chỉ có một con đường duy nhất-nẻo đường Hữu thể có đó; còn hư vô không thể có vì nếu có thì không thể suy tưởng về nó được. Như thể, để có nhận thức thật thì chỉ có thể nhận thức Hữu thể có đó. Nhưng Hữu thể này không phải là thực tại khách quan bên ngoài, mà là cái nhất thể của suy tưởng và hiện hữu. Vì thế, Hữu thể, Suy tưởng và Logos chỉ là một. Trực giác này quý giá đến mức nhiều triết gia Hiện đại như Kant, hay Heidegger, đã phải vay mượn và diễn đạt lại.

 Từ Socrates đến Platon và Aristotle

 Nếu như các nhà Thiên nhiên học chọn đề tài suy tư là nguyên lý đệ nhất, tiên quyết cho tất cả mọi sự, thì Socrates lại hướng quan tâm của mình vào đời sống hiện sinh của chính con người. Ông tự nhận mình là người được trao sứ mạng thức tỉnh dân thành Athene để họ ý thức sự ngu dốt của mình hầu lên đường tiến về minh triết. Đối với ông, nhân đức chính là tri thức. Chính quan niệm về tri thức này mà Socrates chọn phương pháp Hộ Sản để giúp cộng đồng. Thực vậy, ông không quản ngại khó khăn và cả hiềm thù, đến với từng người ông gặp, qua đối thoại mời gọi họ tự kiểm điểm và rèn luyện chính mình, để buộc họ phải sử dụng lý trí hầu có thể nhấc mình lên tới nhân cách, cũng là tri thức, phổ quát; hầu sống sao cho trọn vẹn yếu tính khao khát điều thiện của mình. Khi đưa ra các vấn đề, ông không bao giờ đóng lại bằng một kết luận như thể “chộp” lấy tri thức trao cho người khác. Ngược lại, vấn đề luôn được mở ngỏ, để chính người thoại ngẫu tự tri thức lấy.

Lấy nguồn hứng từ Socrates, các học trò của Socrates gần như cũng chú trọng suy tư cùng chủ đề của ông. Tuy nhiên, dường như cả Platon lẫn Aristotle lại kết hợp chủ đề con người với chủ đề tìm kiếm nguyên lý cơ bản của mọi thực tại. Về mặt phương pháp, cả hai cùng có điểm chung với Socrates là sử dụng đối thoại. Tuy nhiên, họ lại hệ thống hoá việc đối thoại qua trường học. Giữa hai triết gia này cũng có phần khác biệt nhau. nếu Plato đề cao sự chiêm ngắm, thì Aristotle lại hướng học trò tới việc phân tích thực tại.

 c)         Chuyển Bước về Cách Thức Diễn Tả và “Rao Giảng” Triết Học.

 Như ta thấy, những chuyển bước về hạn từ “Triết học”, về những ngôn trình diễn đạt, hay về những chủ đề suy tư cũng đã trở nên những điểm nhấn quan trọng trong lịch sử Triết học. Tuy nhiên, có lẽ có một bước chuyển mang tầm vóc quan trọng hơn, đó chính là những thay đổi trong cách thức diễn tả và “rao giảng” Triết học.

 Từ Những Nhà Tư Tưởng Buổi Đầu Đến Socrates

Thực ra, chúng ta không biết nhiều về lối sống của các nhà tư tưởng buổi đầu. Với những tư liệu ít ỏi còn được ghi nhận, và đặc biệt là qua lời kề của những triết gia về sau như Platon, người ta thường hình dung họ như những người có lối sống khá khép mình về mặt thao tác triết lý, theo nghĩa là họ chỉ cố tâm luyện tập và thao tác Triết lý cho bản thân, hoặc cho những người trong cùng một trường phái như trường hợp cộng đoàn của Pythagoras, mà dường như ít chú trọng việc giúp người khác thực hành Triết lý. Nhận định này có xác đáng hay không là điều cần phải xem lại.

Ngược lại, khi nhắc đến Socrates, người ta dễ hình dung đến một triết gia tích cực dấn mình để thức tỉnh cộng đồng về đời sống triết lý. Ông thậm chí còn tự nhận rằng đó là sứ mạng của bản thân. Dung mạo ông được vẽ như một con người dung lời nói và cuộc sống cách triệt để hầu giúp bản thân tiếp cận minh triết, và cũng là để giúp người khác dẫn bước vào đời sống triết học.

Từ Socrates đến Plato và Aristotle

Platon, Aristotle và nhiều triết gia cùng thời lại có sự thay đổi trong việc nhập cuộc và “rao giảng” triết học. Họ nỗ lực thao tác triết lý qua đối thoại, rèn luyện và sống với nhau trong một cộng đoàn (trường học). Họ còn tham vọng “truyền bá” triết học cho nhiều người khác bên ngoài cộng đoàn bằng cách mở rộng cửa trường, và bằng nỗ lực hệ thống hoá những suy tư và đối thoại bằng cách viết lại thành những tác phẩm, và “xuất bản” chúng.

 3.  Những chuyển bước trên là lùi hay tiến?

Đâu Là Những Điểm Chung Không Đổi Đằng Sau Những Chuyển Bước?

Như những gì đã trình bày, ta thấy lịch sử triết học thời Thượng cổ đã có những chuyển bước nhất định. Tuy nhiên, điều cần quan tâm là những chuyển bước đó có diễn ra một cách tự do, vô định, hay vẫn có một số điểm chung không đổi ẩn đằng sau những chuyển bước trên. Theo Pierre Hadot, dù có những xê dịch về ngôn trình, chủ đề, hay lối sống, nhưng dường như tất cả các triết gia từ buổi đầu cho tới thời của Aristotle đều có chung một tinh thần và quan điểm: sống triết lý có nghĩa là cố công gắng sức để suy nghĩsống  theo đúng chuẩn đích của minh triết, hay nói cách khác, cố gắng bước đi, tiến tới, không đạt thấu thì ít ra là cũng gần chạm tới trạng thái minh triết. Tinh thần đó được quảng diễn: sống minh triết là nhìn nhận sự việc cho đúng, nhìn nhận vũ trụ đúng như nó xuất hiện, và sống sao cho tương ứng với phương cách nhìn nhận ấy.[8]

Chính tinh thần này tạo nên nhiều đích nhắm và quan điểm chung nơi các triết gia Thượng cổ. Ví dụ, mặc dù ta không ghi nhận những phát biểu bằng lời, nhưng cách sống và suy tư của các triết gia trước Socrates hẳn cũng đã thể hiện cùng quan điểm như của Socrates, Platon, và Aristotle: nhận thức là nhân đức, và nhân đức cũng là nhận thức. Hoặc nếu suy xét kỹ lưỡng theo tinh thần chung trên thì dường như không có nhiều khác biệt về chủ đề suy tư giữa hai giai đoạn. Ngoài ra, dù có những cách thức thể hiện khác nhau, nhưng các triết gia thời Thượng Cổ đều cố gắng theo đuổi cùng một chọn lựa: dấn thân để sống (thao tác) triết học ngay trong cuộc sống đời thường. Nói cách khác, với họ, triết học không là một hành vi dệt khái niệm, nhưng là một chọn lựa sống, một chọn lựa nhấc mình lên để cho chân lý được tỏ lộ, hầu sống sao cho trọn vẹn cuộc hiện sinh của mình.

Chính tinh thần chung bất biến này là tiêu chuẩn cho ta dựa vào để xác định những chuyển bước nào là tiến bộ, chuyển bước nào là thụt lùi.

Những Bước Tiến và Bước Lùi trong các Chuyển Bước

Liệu những chuyển bước về mặt ngôn trình (từ ngữ, khái niệm) có là một tiến bộ? ở mức độ nào đó, hẳn đã có nhiều từ ngữ, khái niệm mới mang lại sự mạch lạc, sang sủa hơn cho việc diễn đạt và hiểu triết học, đặc biệt là sự xuất hiện của từ ngữ philosophia. Tuy nhiên, điều chắc chắn là chuyển bước trên cũng mang lại nhiều điểm lùi cho triết học. Ví dụ, có nhiều từ mới phát sinh đã không đáp ứng được yêu cầu trung thực về nghĩa ban đầu, và làm cho việc diễn đạt phần nào bị xê dịch, thậm chí có thể phản bội chân lý được cống hiến. Hay những triết gia thời Platon và Aristotle lại có khuynh hướng tìm cách hệ thống hoá những suy tư khiến nhiều từ ngữ, khái niệm bị bó vào một khung nhất định, và mất đi sự tự do về ngữ nghĩa ban đầu. Dù sao chúng ta cũng phải ghi nhận những nỗ lực diễn đạt này, bởi vì tự nó đã nói lên một tinh thần dấn thân, suy tư, và vận dụng trí tuệ để diễn đạt những điều dường như vượt ngoài giới hạn khả năng của triết gia. Xét cho cùng, chính nỗ lực đó cũng đã là một thao tác triết lý rồi!

Như đã lưu ý ở trên, về cơ bản, dường như không có những bước chuyển dứt khoát về những chủ đề suy tư. Còn về mặt phương pháp, tương tự như những chuyển bước về từ ngữ, chúng cũng có những bước tiến và bước lùi. Ví dụ, tư thế mở ra để đón nhận chân lý thực tại của những nhà tư tưởng buổi đầu khiến ta hơi khó nắm bắt, vì chúng được diễn tả một cách khá rời rạc. Tuy nhiên, lợi thế của nó là sự trung thành với chân lý được cống hiến. Đối nghịch với điều này là việc các triết gia về sau có khuynh hướng hệ thống hoá và dệt khái niệm những tri thức được lãnh hội, làm cho ngôn từ đôi lúc bị đóng khung, bị “chết”, và dễ rơi vào thứ triết ở thể danh từ.

Cuối cùng, những chuyển bước về cách sống và cách “rao giảng” triết học hẳn cũng có những tiến bộ và điểm lùi nhất định. Ví dụ, hình thức sống cộng đoàn và mở ra với mọi người của những triết gia sau Socrates hẳn tạo nên sự phong phú và giúp nhiều người nhập cuộc con đường triết lý. Tuy nhiên, có lẽ ta không nên vội kết luận rằng các nhà tư tưởng buổi đầu sống khép kín và ích kỷ. Thiết tưởng rằng, tinh thần triết lý, mà đã được sống cách sâu xa và đậm đặc, không cho phép họ sống theo lối ích kỷ, bàng quang trước sự đau khổ và mê muội của tha nhân, của cộng đồng. Chắc hẳn họ cũng mang nơi mình đầy những nỗi ưu tư và trăn trở cho cộng đồng. Điều khác biệt ở đây có lẽ chỉ là cách thức hay quan điểm thực hiện những trăn trở kia. Nếu Socrates giúp dân thành Athene ý thức và luyện tập sống Triết lý bằng cách đến với họ, nêu gương sống cho họ, đàm đạo với họ, thì các nhà tư tưởng buổi đầu lại chọn cách dấn mình triệt để đối với chọn lựa ban đầu, như thể qua đó triết lý được tỏ lộ, và được minh chứng cách hùng hồn hơn cả.

 4.  Thay Lời Kết: Liệu Có Thể Thực Hiện Một Nỗ Lực Quay Về Nguồn Ngay Nơi Cuộc Sống Của Người Học Viên?

 Việc tái khám phá tinh thần triết học buổi đầu như được trình bày trên đây hẳn sẽ kéo theo một lời mời gọi: cần phải quay trở về với tinh thần triết học Thượng cổ nếu ta không muốn phản bội lại triết học theo đúng nghĩa của nó. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra cho ta ở đây là phải quay về như thế nào. Liệu có phải là lui về hoàn toàn với tình trạng ban sơ của triết học Thượng cổ, tức phải đạp đổ hết những gì đang có vì chúng có vẻ đã lệch hướng? Tôi thiết nghĩ ta phải có một tinh thần quay về trong tình trạng tiến bước. Nghĩa là, thay vì gạt bỏ hết những gì đang có, ta lại “thanh luyện” chúng và tiến về phía trước trong tinh thần của buổi đầu. Ai đó đã nói “triết học luôn đi kèm với nguỵ biện, với những sai lầm.” Điều đó không có nghĩa là chúng ta nhìn nhận sai lầm và nguỵ biện như một phần của đích nhắm; đúng hơn, ta chấp nhận chúng như một phần của hành trình tiến bước của ta trong đời sống triết học. Để có thể hiểu điều này, cần phải quay lại với định nghĩa triết gia: triết gia chưa nắm giữ chân lý nơi mình; triết gia biết đón nhận cái giới hạn của chính mình, biết ý thức và đảm nhận lấy cái thân phận đầy giới hạn nhưng cũng đầy cao quý đó. Nghĩa là triết gia biết khởi sự từ chính con người nhỏ bé, từ cuộc sống thường nhật của mình, nỗ lực dấn bước để tiến tới phía trước, nhấc mình lên với chân lý và sự “siêu vựơt”, để sống cho trọn vẹn và ý nghĩa của cuộc hiện sinh.

Trong tinh thần đó, bản thân tôi, trong tư cách là một tu sỹ, một học viên, có thể thao tác triết lý như thế nào trong đời sống mình? Trước hết, tôi phải nhìn lại thực tại của cuộc sống mình, với hoàn cảnh rất cụ thể, để xét xem tôi có thể sống tinh thần triết học nói trên thế nào trong các mối tương quan. Tôi đang sống trong một cộng đoàn tu trì. Vậy, như các triết gia Thượng cổ, tôi có thể đối thoại với anh em để cùng nhau tìm về chân lý. Hơn nữa, cộng đoàn tu trì còn là một môi trường giúp bản thân thật sự nhập cuộc triết lý qua những sự rèn luyện, sự kỷ luật bản thân, đào luyện nhân đức; một môi trường tốt để suy tư, chiêm niệm. Cách cụ thể, tôi có thể tập luyện lời ăn tiếng nói để biết làm chủ miệng lưỡi: nói sao cho trung thực, trong sáng, thay vì nói điều dối trá hoặc dùng những từ ngữ kiểu “bác học” mà bản thân lại chẳng rõ ý nghĩa thực của nó. Trong đối thoại, tôi cần biết lắng nghe, nhất là nghe với ý muốn để hiểu, chứ không chỉ ý muốn để trả lời; và biết giãi bày ý kiến với mục đích cùng hiểu nhau và tri nhận được “Logos” bên trên, thay vì tìm cách áp đặt lời lẽ, ý kiến của mình lên người khác. Trong suy nghĩ, cần nghĩ về những gì làm cho tâm hồn được nâng lên, được triển nở. Trong đời sống, cần sống sao cho trọn vẹn với ơn gọi của mình. Là học viên, cần dấn thân hết mình với việc học. Như thế, tôi sẽ thực sự nhập cuộc triết lý nếu đời sống của tôi diễn tả một tu sỹ mẫu mực và dấn thân triệt để.

An-tôn Trần Khắc Bá, Triết Sinh Năm II

SÁCH THAM KHẢO

 

  1. Đậu Văn Hồng. Triết Sử Tây Phương Thời Thượng Cổ, ĐCV. Sao Biển Nha Trang, lưu hành nội bộ, 2004.
  2. Hadot, Pierre. Ca Ngợi Triết Học Thời Thượng Cổ, bản dịch Tiếng Việt của Lm. Đậu Văn Hồng, Lưu Hành Nội Bộ, 2002.
  3. Platon, Bữa Tiệc, bản dịch của Lm. Đậu Văn Hồng, ĐCV. Sao Biển, lưu hành nội bộ, 2005.


[1] Đậu Văn Hồng, Triết Sử Tây Phương Thời Thượng Cổ, ĐCV. Sao Biển, lưu hành nội bộ, 2004, tr. 3.

[2] Theo tôi, việc có xếp loại hay không các nhà Nguỵ biện vào danh sách những người suy tư và sống Triết học (theo một nghĩa nào đó) vẫn là một câu hỏi đáng lưu tâm và cần được suy nghĩ thêm.

[3] X. Đậu Văn Hồng, Triết Sử Tây Phương Thời Thượng Cổ, ĐCV. Sao Biển, lưu hành nội bộ, 2004, tr. 8-62

[4] Thật ra, từ ngữ mà Platon đề cập trong Bữa Tiệc là từ philo-sophos (triết gia)

[5] X. Platon, Bữa Tiệc, bản dịch của Lm. Đậu Văn Hồng, ĐCV. Sao Biển, lưu hành nội bộ, 2005, tr. 70-118.

[6] Đậu Văn Hồng, op.cit., tr. 20.

[7] Trích từ bản văn sử dụng trong lớp học.

[8] x. Pierre Hadot, Ca Ngợi Triết Học Thời Thượng Cổ, bản dịch Tiếng Việt của Lm. Đậu Văn Hồng, Lưu Hành Nội Bộ, 2002, tr. 25-26.

 

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …

Trân trọng hành trình hiện tại để khởi đầu năm mới

  Tôi thích sự khích lệ để thay đổi cuộc sống trong năm mới, nhưng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *