« Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện » (5.10.2016 – Thứ tư, sau Chúa Nhật XXVII Thường Niên)

 

« Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện »
(Lc 11, 1-4)

  1. Đức Giê-su cầu nguyện

Chúng ta có thể nhận ra kinh Lạy Cha trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, nhưng không đúng nguyên văn. Bởi vì kinh Lạy Cha mà chúng ta đọc hằng ngày lúc lần hạt, trước bữa ăn và nhất là trong Thánh Lễ, đến chủ yếu từ Bài Giảng Trên Núi của Đức Giê-su, trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (x. Mt 6, 7-15).

Nếu chúng ta đọc Kinh Lạy trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, chúng ta sẽ nhận ra rằng, cùng một kinh Lạy Cha, nhưng được Đức Giê-su truyền đạt trong một bối cảnh khác ; và nếu chúng ta so sánh với bối cảnh của kinh Lạy Cha, trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, chúng ta sẽ nhận ra rằng, thánh Luca mang lại cho chúng ta hai điểm rất có ý nghĩa.

Điểm thứ nhất, đó là chính Đức Giê-su đã cầu nguyện, trước khi Ngài dạy các môn đệ cầu nguyện. Như thế, lời nguyện mà Đức Giê-su truyền lại cho các môn đệ của Ngài và cho chính chúng ta hôm nay, xuất phát từ chính lời nguyện của Ngài. Và chúng ta cũng có thể chắc chắn rằng, lời nguyện mà Ngài đã nói với Chúa Cha và lời nguyện mà Ngài dạy cho chúng ta, đó là cùng một lời nguyện ; và nếu là như thế, lời kinh Lạy Cha sẽ phải mặc khải cho chúng ta biết cách sâu xa về chính ngôi vị của Đức Giê-su.

Vậy, trong đời sống hằng ngày và nhất là trong thời gian tĩnh tâm, chúng ta, chúng ta hãy xin với Đức Giê-su, như người môn đệ xưa : « Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện ». Bởi vì, đó cũng là vấn đề của chúng ta : một đàng, cầu nguyện giúp chúng ta sống sự sống của Thiên Chúa, được thông ban cách sung mãn và viên mãn nơi Đức Ki-tô ; đàng khác, cầu nguyện khó khăn biết bao. Vì thế, để cầu nguyện, chúng ta cần được dạy và cần thực tập mỗi ngày.

  1. Lắng nghe Lời Chúa và kinh « Lạy Cha »

Vừa rồi là điểm quan trọng thứ nhất, của kinh Lạy Cha theo thánh Luca. Điểm quan trọng thứ hai, đó là sự kiện Đức Giê-su dạy các môn đệ lời nguyện này được đặt ngay sau sự kiện Đức Giê-su đến thăm hai chị em, Mác-ta và Maria, sự kiện mà chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng hôm qua (Lc 10, 38-42 ; thứ ba sau Chúa Nhật XXVII thường niên). Và trong cuộc gặp gỡ này, hình ảnh đánh động chúng ta nhất, chính là hình ảnh cô Maria, ngồi dưới Đức Giê-su lắng nghe với hết tâm hồn lời của Ngài.

Như thế, lời kinh Lạy Cha, trước khi được thốt ra hướng về Chúa Cha, phải được chuẩn bị bằng một thái độ nội tâm là lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe Lời Chúa trong việc cầu nguyện kiên nhẫn, chăm chú và lâu giờ, và cũng lắng nghe Lời Chúa, trong đời sống và cả trong công việc và trong sứ mạng phục vụ nữa.

Cũng tương tự như trong Thánh Lễ, kinh Lạy Cha chỉ được chúng ta đọc về cuối Thánh Lễ, trước khi rước Mình Thánh Đức Ki-tô, nghĩa là sau khi đã lắng nghe Lời Chúa và đã chiêm ngắm mầu nhiệm Thánh Thể được tái diễn trên bàn thánh. Và cũng giống như khi chúng ta thực hiện một bài Linh Thao theo thánh I-nhã, chúng ta được mời gọi đọc kinh Lạy Cha để kết thúc giờ cầu nguyện, là thời gian dùng cho việc lắng nghe Lời Chúa.

Lắng nghe Lời Chúa, rồi mới thưa với Thiên Chúa, Cha của chúng ta, bằng kinh Lạy Cha, chính là để giúp chúng ta nhận ra Ngài đang hiện diện ở giữa chúng ta, đang hiện diện ở trước mặt chúng ta, và chúng ta thật sự thưa với Ngài : « Lạy Cha chúng con », chứ không phải đọc thuộc một lời kinh dọn sẵn.

Lắng nghe Lời Chúa, sẽ giúp chúng ta hiểu biết và yêu mến Chúa hơn. Chính vì thế, trong lời nguyện “Lạy Cha của chúng con”:

  • Chúng ta có thể ra khỏi mình để đi vào tương quan phụ-tử với Thiên Chúa, là Cha của chúng ta.
  • Ra khỏi mình để quan tâm trước hết đến Danh Thánh của Cha, đến Triều đại của Cha.
  • Và chỉ sau đó, chúng ta mới quan tâm đến sự sống của mình, nhưng không phải sự sống mà mình muốn, nhưng là sự sống đích thật mà Thiên Chúa muốn: đó là sự sống được xây dựng trên những ơn huệ: ơn huệ lương thực, ơn huệ thứ tha và ơn huệ giải thoát khởi sự dữ.

Vậy, mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, xin cho chúng ta có được kinh nghiệm sống bằng chính sự sống của Đức Giê-su, trong tương quan thân mật của Người với Thiên Chúa Cha. Một sự sống hoàn toàn đón nhận từ Thiên Chúa, qua ơn lương thực, ơn tha thứ và ơn giải thoát khỏi sự dữ, và vì thế, làm vinh Danh Thiên Chúa Cha và làm cho Triều Đại Người mau đến.

  1. “Xin tha tội cho chúng con…”

Trong lời nguyện “Lạy Cha”, Đức Giêsu đặc biệt nhất mạnh đến ơn tha thứ (x. Mt 6, 7-15), vì con người không thể sống nếu không có ơn tha thứ: tha thứ của Cha nhân hậu và sự tha thứ mà chúng ta trao ban cho nhau. Chúng ta không thể sống với nhau nếu không tha thứ cho nhau (kinh nghiệm được bố mẹ và các anh các chị tha thứ khi chúng ta còn bé), và chúng ta cũng không thể “sống với” Chúa, nếu không được Ngài tha thứ.

Trong lời nguyện “Lạy Cha”, Đức Giêsu nhấn mạnh đặc biệt đến việc chúng ta cần tha thứ cho nhau: “vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”. Tuy nhiên, theo lời nguyện “Lạy Cha” ơn tha thứ của Thiên Chúa không “tự động” rơi xuống trên chúng ta một khi chúng ta đã tha thứ cho nhau. Chúng ta vẫn phải xin: “Xin tha tội cho chúng con”. Bởi lẽ ơn tha thứ không bao giờ là “tự động”, ơn tha thứ chỉ có thể được trao ban trong một tương quan nhìn nhận nhau, đón nhận nhau (x. dụ ngôn Người Con Hoang Đàng; và bí tích hòa giải cũng diễn tả tương quan này). Hơn nữa, nợ người ta mắc với chúng ta thì ít, còn nợ của chúng ta mắc với Thiên Chúa thì quá lớn (x. dụ ngôn nhỏ trong Lc 7, 39-43). Tuy nhiên, chúng ta không thể xin Thiên Chúa tha thứ, trong khi mình đã không tha thứ hay sẵn sàng tha thứ cho người khác.

Nhưng ai trong chúng ta cũng cảm thấy khó tha thứ cho nhau. Vì thế, kinh nghiệm lòng thương xót, sự bao dung và sự tha thứ của Thiên Chúa nơi bản thân mình chính là nguồn sức mạnh để chúng ta có thể tha thứ cho nhau.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 22-12-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 21/12/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​  Niềm vui Chúa …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 21-12-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 21/12/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​  Tràn đầy Thần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *