Nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế đã báo cáo về sự suy giảm tỷ lệ sinh như là một trong những số liệu đáng lo ngại nhất trên toàn cầu. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã đề cập đến vấn đề này trong một diễn đàn dành riêng cho chủ đề này. Ngài nói:
Vấn đề trong thế giới của chúng ta không phải là việc trẻ em được sinh ra: mà đó là lòng ích kỷ, chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân, là những điều khiến mọi người trở nên tự mãn, cô đơn và không hạnh phúc. Số lượng trẻ em sinh ra là chỉ số đầu tiên về hy vọng của mọi người. Không có trẻ em và người trẻ, một quốc gia sẽ mất đi khát vọng tương lai.
Những con số phản ánh rõ điều này. Theo Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới, số lượng trẻ em ứng với một phụ nữ trên toàn cầu giảm từ 5 trong năm 1950 xuống còn 2,3 vào năm 2021. Những con số này thậm chí còn tệ hơn khi xem xét các quốc gia cụ thể.
Ví dụ, chỉ trong hơn 70 năm, phụ nữ ở Hoa Kỳ đã có trung bình ít hơn hai con. Ở các khu vực khác, sự sụt giảm là theo cấp số nhân. Ở Mexico, nó đã giảm từ gần 7 đứa trẻ trên mỗi phụ nữ năm 1960 xuống còn dưới 2 năm 2021. Tương tự với Hàn Quốc, đã giảm từ 5,95 xuống còn 0,81.
Châu Phi là lục địa phá vỡ xu hướng này trong các số liệu tỷ lệ sinh trên thế giới. Thế nhưng sự suy giảm vẫn có. Ví dụ: Niger là quốc gia có tỷ lệ sinh cao nhất với 7,53 trẻ em cho mỗi phụ nữ và con số này đã giảm xuống còn 6,82 vào năm 2021.
Có nhiều lý do cho sự suy giảm toàn cầu này, chủ yếu liên quan đến một số hiện tượng xã hội – văn hóa. Một ví dụ là sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động, điều này có xu hướng làm chậm lại độ tuổi sinh con. Nhiều thập kỷ trước, phụ nữ có gia đình đông con khi họ mới 23 hoặc 24 tuổi. Ngày nay, một người phụ nữ quyết định làm mẹ trung bình ở tuổi 27.
Đức Thánh Cha chúc lành cho các phụ nữ mang thai tại Hội nghị Thượng đỉnh về Nhân khẩu học tại Roma (Filippo Monteforte/AFP/Getty Images)
Donatella Pacelli, nhà xã hội học, Đại học Lumsa (Roma):
Chúng ta không thể không đề cập đến sức ảnh hưởng của việc giải phóng phụ nữ cách chính đáng đối với xu hướng này. Tuy nhiên, có lẽ nếu những người phụ nữ được trao quyền nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn, nhiều sự giúp đỡ hơn từ lĩnh vực tư và công, thì ngày nay chúng ta sẽ có một xu hướng không quá tiêu cực về số lượng trẻ em.
Vì vậy, vấn đề kinh tế là một vấn đề rất nghiêm trọng. Việc không hỗ trợ các bà mẹ đang đi làm cũng là một vấn đề nghiêm trọng không kém.
Kết quả là, các chính phủ và các công ty hiện đang được yêu cầu thực hiện các chính sách giúp các gia đình cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô:
Điều này có nghĩa là ta phải thực hiện các lựa chọn ủng hộ gia đình cách nghiêm túc và hiệu quả. Ví dụ, đặt người mẹ vào vị trí không cần phải lựa chọn giữa công việc và chăm sóc con cái, hoặc giúp giải tỏa cho nhiều cặp vợ chồng trẻ khỏi gánh nặng của sự bất ổn về công việc và việc không thể mua nhà.
Chính nỗi sợ hãi của những người trẻ tuổi về sự bất ổn trong tương lai là một yếu tố xã hội khác ảnh hưởng đến tỷ suất sinh.
Donatella Pacelli, nhà xã hội học, Đại học Lumsa (Roma):
Người ta nhận ra những giá trị gia đình, nhưng nỗi sợ hãi về một tương lai bất định từ góc độ việc làm, kinh tế và hạnh phúc tổng thể mà người ta có thể đảm bảo cho con cái mình rõ ràng vẫn còn dai dẳng và sẽ còn góp phần làm tăng thêm những dữ liệu tiêu cực.
Nhưng có một con số quan trọng khác cần được thêm vào tất cả những dữ liệu này: tuổi thọ. Ngày nay, con người sống trung bình lâu hơn 28 năm so với năm 1950. Điều này có nghĩa là, vào thập niên đó, tuổi thọ trung bình là 45 tuổi; bây giờ, nó khoảng 73 tuổi.
Điều này có thể có những hậu quả trong tương lai ở các lĩnh vực như lương hưu. Nếu không có một dân số đông đảo có thể đóng góp thuế để chi trả cho việc chăm sóc người già, như một số quốc gia đã cảnh báo, nền kinh tế thế giới có thể gặp phải những vấn đề lớn.
Nguồn: Rome Reports
Chuyển ngữ: Lê Minh | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên