Tiếng Kêu của Trái Đất: Cuộc phỏng vấn với Bruno Latour

Bruno Latour là một nhà triết học, nhà xã hội học, nhà nhân chủng học và giáo sư danh dự của Đại học Sciences Po ở Paris. [1] Các tác phẩm của ông đã được dịch sang khoảng ba mươi ngôn ngữ, khiến ông trở thành tác giả nói tiếng Pháp đương đại được đọc rộng rãi nhất trên thế giới.

 

Công trình của ông về cuộc khủng hoảng khí hậu đã đưa ông trở thành một nhân vật thế giới về vấn đề sinh thái, ông là “nhà tư tưởng truyền cảm hứng cho hành tinh”, như trang bìa của tuần báo L’Obs đã gọi ông vào năm ngoái. [2] Ông sống gần Odéon, ở trung tâm của Khu phố Latin, Pari. Ông đã trả lời những câu hỏi mà tôi đặt ra trong cuộc trò chuyện với hy vọng có cơ sở xuất phát từ việc quan tâm đến các vấn đề quan trọng, dựa trên gần 50 năm nghiên cứu, giảng dạy, viết lách và dấn thân. Đó là một cái nhìn chung về hoàng hôn của cuộc đời.

 

Trong nhiều dịp, ngài đã ca ngợi trong các bài viết hoặc hội nghị về đặc tính ngôn sứ của Laudato Si’. Thông điệp này của ĐTC Phanxicô đã có tầm quan trọng như thế nào trong nghiên cứu của ngài?

 

Tôi đã ngay lập tức rất ấn tượng với thông điệp Laudato Si’. Thông điệp được ban hành cùng năm với việc phát hành cuốn sách Face à Gaïa của tôi, [3] và như thế, quá trễ để tôi có thể đưa thông điệp này vào suy tư của tôi trong đó. Về phần mình, tôi đã cố gắng nắm bắt cái mà tôi gọi là “một sự biến đổi vũ trụ học”, cũng là một sự biến đổi trong các mối quan hệ giữa vật chất, tâm linh và chính trị, mọi thứ đặt ra câu hỏi về sự thay đổi trong các khái niệm về “thế giới” và “thiên nhiên” vì lợi ích của Trái Đất. Tôi đã rất ngạc nhiên khi đọc Laudato Si’ để thấy chiều kích ngôn sứ và cánh chung của tình hình mới được diễn đạt một cách đẹp đẽ và trọn vẹn trong thông điệp của ĐTC Phanxicô. Nó chứa đựng những tuyên bố lịch sử không khác xa so với COP21 thời bấy giờ.

 

Tôi được đánh động sâu xa trước sự cởi mở mang tính ngôn sứ và cánh chung của ngài đối với những vấn đề mà tôi đã từng bế tắc khi không thể khiến những người Công giáo quan tâm. Về nhiều chủ đề, thông điệp đã mang đến một cơ hội không ngờ để đảm bảo một số vấn đề rất quan trọng về thần học và truyền thông được hiểu rõ hơn. Cho đến thời điểm đó, sự phản tỉnh về Thiên nhiên trong ba thế kỷ qua đã bỏ qua những hiểu biết sâu sắc của linh đạo Kitô giáo mà bối cảnh sinh thái mới cần có. Điều này hấp dẫn tôi. Thông điệp này đã thu hút những bạn hữu của tôi về lãnh vực sinh thái, những người ủng hộ cái gọi là “khoa học tự nhiên”, theo cách rõ ràng đã mở ra một cuộc đối thoại mới vốn đã trở nên bất khả thi, có lẽ kể từ thế kỷ 17.

 

Nội dung nào trong Thông điệp phù hợp với sự xuất hiện của bối cảnh vũ trụ học mới?

 

Về mặt kỹ thuật, điểm then chốt là sự hiểu biết mới về những gì liên quan đến cuộc sống. Bằng cách liên kết tiếng kêu của Trái Đất và tiếng kêu của người nghèo, ĐTC thiết lập mối liên hệ giữa sinh thái và bất công, và cũng lưu ý đến thực tế rằng Trái Đất, bằng cách nào đó, dần bị tác động mạnh, có thể hành động và đau khổ: “Một cách tiếp cận sinh thái thực sự luôn trở thành một cách tiếp cận xã hội; nó phải tích hợp các vấn đề về công lý vào các cuộc tranh luận về môi trường, để lắng nghe cả tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo” (LS 49).

 

Thông điệp này đã thành công trong việc khôi phục chiều kích vũ trụ học cho các chủ đề mà cho đến nay, theo quan điểm của một Kitô hữu, bên trong hoặc bên ngoài Giáo hội Công giáo, đã được giải quyết ở một cấp độ luân lý. Tôi luôn bị ngạc nhiên bởi sự vắng mặt hoàn toàn của vũ trụ trong thần học hiện đại. Nói chung chiều kích vũ trụ học đã bị mất. Đột nhiên, với cuộc khủng hoảng sinh thái, vũ trụ đã áp đặt chính nó với cường độ phi thường, lên các Kitô hữu cũng như trên mọi người khác.

 

Cùng lúc đó, chúng ta đã chứng kiến ​​một cuộc cách mạng thứ hai khá phi thường. Cái gọi là “các vấn nạn xã hội”, chẳng hạn như đói nghèo, đã được ĐTC trình bày lại trong mối liên hệ tới việc tái quan tâm tới các vấn đề vũ trụ học này. Đây là một mối liên hệ chưa từng có trong “siêu hình học chính thức”, trong đó Trái Đất không phải là thứ kêu gào, và những người nghèo phàn nàn về tình trạng của họ không liên quan gì đến “tiếng kêu gào của Trái Đất” này.

 

Vì vậy, trong đó có một cú sốc, một sự chuyển đổi táo bạo mà đối với tôi có nghĩa là chúng ta đang thay đổi vũ trụ quan, tức là thế giới quan của chúng ta.

 

Ngài yêu cầu một “Parliament of Things” (học thuyết: quyền của các sự vật) Tôi liên hệ với tiếng kêu của người nghèo, cũng là tiếng kêu của Trái Đất. Họ là những người phát ngôn của thế giới. Vì thế “giữa những người nghèo bị bỏ rơi và bị đối xử tàn tệ nhất, chúng ta sẽ thấy Trái Đất của chúng ta bị bóc lột và bị tàn phá, “đang rên siết và quằn quại trong cơn sinh nở” (Rm 8, 22)” (LS 2).

 

Việc khôi phục lại vũ trụ học sẽ khơi dậy mối quan tâm đến khoa học và loại bỏ một cái gai trong mắt mà Giáo hội đã phải chịu đựng trong ba thế kỷ: đó là không bao giờ biết chính xác phải liên hệ với khoa học tự nhiên như thế nào. Đây là phần mà tôi cho là mang tính đổi mới nhất đối với khoa học trái đất. Tác động của những ngành học mới này thay đổi nhiều thứ: chúng mở ra một loạt các khả năng; chúng giúp có thể nói về thực tế rằng khoa học không còn đến từ cái mà tiếng Anh gọi là “lối nhìn từ hư không”, định nghĩa một khuôn khổ vật chất, sau đó, nếu cần, có thể thêm vào các yếu tố tinh thần, thẩm mỹ và luân lý. Bất ngờ thay, chính khái niệm về vật chất đã thay đổi và điều này cho phép có sự cộng hưởng.

Một cách mầu nhiệm, ĐTC đã cho phép mình được đưa vào vũ trụ học khác biệt này, cho phép chúng ta thấy rằng tiếng kêu của người nghèo và tiếng kêu của Trái Đất có mối liên hệ với nhau.

 

Nhiều người Công giáo dường như đang phải vật lộn để hiểu Trái Đất có thể kêu khóc như thế nào?

 

Đây là một phép ẩn dụ hiệu quả; nó không mang tính tổ chức; nó không mang tính bản thể học. Nhưng hóa ra theo quan điểm của cái mà tôi gọi là “cuộc cách mạng khoa học lần thứ hai”, nó có rất nhiều ý nghĩa. Điều này là do các sinh vật tạo nên Trái Đất đều có sức mạnh hành động riêng của mình, nơi đó chúng đã tạo ra bề mặt mỏng manh của hành tinh, nơi mọi sinh vật sinh sống, thông qua những tác động không định trước của mình. Hành động này kéo dài hàng tỷ năm – giờ đây chúng ta đột ngột phát hiện ra – và gây ra những phản ứng tàn bạo chống lại các hoạt động của con người trong một khoảng thời gian rất ngắn. Lịch sử lâu dài của Trái Đất và lịch sử ngắn ngủi của xã hội loài người gặp nhau trong xung đột. Phản ứng này của Trái Đất mang đến sự thay đổi trong khuôn khổ vũ trụ học đã bị đóng lại kể từ thế kỷ 17, bất chấp tất cả các cuộc cách mạng trong lịch sử khoa học.

 

Do đó, thông điệp này là một sự khai sáng. Không phải là nó mang tính siêu hình, nhưng nó xuất hiện trong một tình huống mới: Sự phụ thuộc lẫn nhau của các sinh vật vốn đã dần dần tạo nên thế giới tạm thời có thể ở được mà chúng ta đang sống. Nó mang tính ngôn sứ.

 

Điều này cho phép chúng ta nhớ lại rằng Trái Đất là mẹ. “Laudato si’, mi’ Signore, “Con xin chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con! Vì Người Chị của chúng con, Người Mẹ Trái Đất của chúng con, Mẹ nâng đỡ chúng con và mang lại nhiều hoa trái… Người Chị này đang kêu gào vì sự hủy hoại do chúng ta…” (LS 1-2). Và điều này không phải là Thời Đại Mới, không rơi vào các thuật ngữ ẩn dụ.

 

Thật không may là chẳng mấy ai quan tâm thích đáng đến việc hiểu cuộc cách mạng trong khoa học Trái Đất. Mọi người vẫn tiếp tục sống trong thế giới vật chất theo cách hiểu truyền thống, vì họ vẫn sống trong một quan niệm lỗi thời về khoa học. Thật nản lòng; nó không được hiểu. dầu cho có biết bao nhiêu sáng kiến…

Nhưng tại sao người ta lại không hiểu?

 

Tôi cũng thực sự muốn biết. Khi cha giải thích rằng những người sống vốn là những người đã xây dựng nên những điều kiện mà họ thấy mình đang ở, điều đó gây ra sự thay đổi. Trái Đất, và những gì các đồng nghiệp của tôi và tôi gọi là “vùng tới hạn”, (critical zone) [4] không có những điều kiện đặc biệt thuận lợi cho sự tiến hóa của sự sống. Sự thay đổi này là do chính những sinh vật sống tạo ra, những người vốn đã tạo ra những điều kiện đó. Trái Đất không sống theo nghĩa của Thời đại mới hay theo nghĩa đơn giản là một sinh vật duy nhất, nhưng được xây dựng, sản sinh, phát minh, được dệt nên bởi những sinh vật sống. Nó không phải là một khung đơn giản mà những sinh vật sống chuyển động bên trong. Khi tôi nhìn bầu trời phía trên tôi, bầu khí quyển của nó, thành phần của nó, sự phân bố của các loại khí, tất cả những điều này đều là kết quả sự vận hành của những sinh vật sống.

Sự thay đổi của vũ trụ học mang đến cơ hội để nghe lại một số điều mà ĐTC đã nói. Kỷ nguyên khí hậu mới và cú sốc được gây ra đối với sự hiểu biết của chúng ta về thế giới do khoa học trái đất đã mở ra một cánh cửa nơi các thực tại thiêng liêng có ý nghĩa phong phú đối với tình trạng của chúng ta với tư cách là cư dân trái đất. Giáo hội đã cho phép chính mình bị xâm chiếm vào thế kỷ 17 bởi một khoa học không liên quan đến thế giới và vốn áp đặt một quan niệm về vật chất rất thú vị để hiểu vũ trụ, nhưng không có cái nhìn sâu sắc để hiểu những gì đang diễn ra trên Trái Đất. Chủ nghĩa duy vật của những thế kỷ trước – với nỗi buồn người ta lưu tâm – thực tại vốn đầy bí ẩn. Điều quan trọng là phải quay trở lại với một quan niệm tương ứng với trải nghiệm sống trên Trái Đất. Chúng ta đang sống và phải chết đi giữa những sinh vật sống và sinh vật chết đã tạo nên vòng tròn nhỏ bé, rất giới hạn và thật hạn hẹp mà lịch sử đã diễn ra trong 4,5 tỷ năm.

 

Nếu Laudato Si’ không được một số cộng đồng Kitô giáo đón nhận, thì đó là vì mọi người vẫn đang trong giai đoạn phản ứng với vũ trụ quan duy vật và cơ học. Trong phân tích cuối cùng, Trái Đất chỉ là một hậu cảnh. ĐTC kêu gọi chúng ta chuyển đổi lối nhìn để hiểu rằng, Trái Đất giống như một người mẹ và một người chị, và chúng ta đang tương tác với nó. Các đồng nghiệp của ngài có hiểu thông điệp theo cách này không?

 

Cần phải đọc, thảo luận, và điều này thúc đẩy chúng ta lý luận khác đi, nhờ vào đóng góp khác của Laudato Si’, mối liên hệ với người nghèo. Nếu một người tạo ra mối liên hệ giữa các vấn đề xã hội cổ điển về bất bình đẳng và vấn đề vũ trụ học theo nghĩa xác định rồi thì không có lối thoát. Khi chúng ta nói về vũ trụ học, các vấn đề xã hội không liên quan và có thể bị coi là thứ yếu. Nhưng nếu cha tạo ra mối liên hệ với tình hình vũ trụ học mới, cha thấy mình đang ở trong một không gian hoàn toàn được xác định, có người sống. Do đó, có vấn đề lớn của Anthropocene (kỷ nguyên nhân sinh mới): con người công nghiệp hoá chiếm một vị trí đặc biệt trong câu chuyện này. Vì vậy, câu hỏi cơ bản về người nghèo thay đổi hoàn toàn ý nghĩa, vì đây không còn là vấn đề còn sót lại nữa. Điều này chuyển thành nhiều vấn nạn, chẳng hạn như mất mùa, ô nhiễm và điều kiện sống kém. Về cơ bản, đây là một tình huống mới. Lần này chúng ta ý thức được vấn đề xã hội.

 

Theo cách tiếp cận của thế kỷ 20, chúng ta vẫn còn thời gian. Cha luôn có thể nói: mọi thứ sẽ ổn thỏa, vấn nạn xã hội rất quan trọng. Bây giờ chúng ta đã chuyển sang chiều không gian, và không gian này bị thu hẹp, mong manh và năng động, phản ứng với các động thái của chúng ta ở tốc độ tối đa. Theo một cách nào đó, điều này làm nổi bật vấn đề đói nghèo và bất bình đẳng theo cách mạnh mẽ hơn nhiều. Điều này được mô tả rất hay nơi một trong những chương của Laudato Si’ . Những người sống trong tình trạng sinh thái vốn đã đáng sợ không chỉ nghèo đói mà còn phải chịu đựng sự khốn khổ về sinh thái. Theo một nghĩa nào đó, điều này cũng đúng với những người giàu có. Thế giới bị tàn phá đối với tất cả mọi người, nhưng những người giàu có có phương tiện để chạy trốn và ẩn náu, giống như Cain. Vấn đề là chúng ta mất một thời gian dài để trở nên hiện đại, khoảng ba thế kỷ, và bây giờ chúng ta hiểu rằng khi làm như vậy, chúng ta đang làm hỏng hành tinh. Thật là đau thương!

 

Thật đáng kinh ngạc, trong khi Giáo hội đã đặt ra câu hỏi về tính hiện đại trong gần 120 năm, thì chính dự án hiện đại hóa lại đang sụp đổ! Chúng ta có nên hiện đại hóa hay không? Chúng ta hiện đang tiến đến một tình huống mà sự không chắc chắn về vũ trụ học được chia sẻ bởi tất cả mọi người và nơi mà dự án hiện đại hóa đang bị nghi ngờ ở khắp mọi nơi.

 

Chúng ta cần học lại cách di chuyển trong thế giới mà chúng ta đang sống, trong khi sự cám dỗ là thuyết giảng về môi trường hoặc luân lý chính trị một cách trừu tượng, không duy trì sự nối kết với thế giới. Trong cùng một trật tự, kỷ nguyên khí hậu mới và khoa học khí hậu thúc giục chúng ta chú ý đến khối lượng sinh vật tạo nên Trái Đất của chúng ta, “môi trường sống” của chúng ta. Điều này có được thực hiện trong các hội thảo mà ngài tổ chức không?

 

Điều gì giúp chúng ta sinh tồn? Sinh kế của chúng ta là gì? Những sinh kế đó bị đe dọa như thế nào? Chúng ta chuẩn bị làm gì? Tại sao? Chúng ta đang làm gì để chống lại? Đây là những câu hỏi rất đơn giản về ý thức và định hướng, nhưng việc giải quyết chúng một cách tập thể, mà không ngay lập tức cố gắng tìm hiểu xem chúng ta có nên xây dựng các cánh đồng gió hay không, chúng ta có nên phân loại rác thải của mình hay không, thực sự có tác dụng chữa lành. Trong các hội thảo của chúng tôi, việc chia sẻ chung các mô tả về điều kiện sống của chúng ta cũng được thực hiện. Đây là bước đầu tiên hướng tới một sự diễn đạt chính trị để thể hiện lợi ích chung.

 

Chúng tôi đã tổ chức những buổi hội thảo này trong nhiều bối cảnh: tòa thị chính, các giáo xứ, thành phố, nông thôn… Lúc đầu, những người tham gia nói rằng họ sống sót nhờ những thứ hoàn toàn trừu tượng, nhưng đến buổi thứ ba hoặc thứ tư, chúng trở thành những yếu tố cụ thể. Đó có thể là một trang trại có nguồn cung cấp nước bị ô nhiễm vì có một tiệm rửa xe bên cạnh. Hoặc một người mắc một căn bệnh không rõ nguyên nhân, và một cuộc điều tra dài bắt đầu để tìm hiểu xem nó có liên quan đến thực phẩm hay không. Mỗi lần chúng ta thấy một hiệu ứng điều trị, một hiệu ứng chuyển đổi cho phép chúng ta tiến thêm một bước.

 

Cũng có cả một chiểu kích tổng thể về hoạt động cảm xúc…

Đúng vậy, những đam mê gắn liền với chính trị hiện tại là những đam mê rất cũ, rất tồi tệ, rất hẹp hòi, không phù hợp với câu hỏi sinh thái, đòi hỏi phải quan tâm đến nhiều điều kỳ dị, chẳng hạn như cảnh quan và hệ sinh thái. Vì vậy, chúng tôi cũng làm việc rất nhiều với các phương pháp khéo léo để kích hoạt lại các khả năng biểu đạt cơ bản đã hoàn toàn biến mất. Sự cô lập của các cá nhân ngày nay đến mức họ thậm chí không thể là công dân. Một công dân là người nhìn thấy những công dân khác và giao lưu với những người khác. Chúng tôi cố gắng khôi phục khả năng lắng nghe và khả năng di chuyển trong không gian. Đây là những điều hoàn toàn cơ bản, nhưng thiết yếu. Mục tiêu không phải là thảo luận về sự kịch tính của tình hình – tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với đứa cháu trai hai tuổi của mình – mà là “hiện thân” cho sự tồn tại của chúng tôi. Những người tham gia phải tự hỏi mình: tôi có thể làm gì?

 

Những bài linh thao thực sự!

 

 

Các hội thảo “Where to Land?” hoặc các hội thảo tại Bernardins là các bài tập giải phóng về mặt thiêng liêng hoặc sinh thái: chúng trừ tà chủ nghĩa hiện đại và một sự thống trị nhất định khỏi chúng ta. Chúng là các phương sách có tính cánh chung, bởi vì các quyết định phải được đưa ra ở đó. Một lần nữa, không gian chuẩn bị tốt hơn thời gian cho sự giải phóng. [5] Ngay bây giờ, bạn đang làm gì? Vấn đề là tất cả các bài tập này, là các bài tập “nhập thể”, không phải lúc nào cũng được coi là các bài tập thiêng liêng. Đây chính là khó khăn. Đây chính là nơi xuất phát của sự chỉ trích: tại sao ĐTC lại giải quyết những vấn đề không phải là vấn đề “tôn giáo” như vậy? Một số người lo lắng về số lượng trẻ em trong các lớp giáo lý, nhưng không lo lắng về sự biến mất của các vùng đất ngập nước! Vấn đề về vùng đất ngập nước và vấn đề trẻ em trong các lớp giáo lý đều nằm trong cùng một vấn đề thiêng liêng, và vấn đề này dần dần đi vào như chính định nghĩa về việc trở thành một Kitô hữu là gì, điều này không rõ ràng. Tuy nhiên, đây là những vấn đề nhập thể!

 

Những bài học mà ngài rút ra từ lệnh phong tỏa toàn cầu do đại dịch là gì?

 

Tôi đã xuất bản một cuốn sách để đưa ra lời cảnh báo. [6] Khi chúng ta thoát khỏi sự phong tỏa về sức khỏe, chúng ta sẽ bước vào sự hạn chế của hành tinh. Chúng ta đã thay đổi vị trí. Chúng ta không ở trong một không gian vô hạn; chúng ta đang ở trong một tình huống nơi mà con người giờ đây là một sức mạnh địa chất mạnh mẽ. Đừng tưởng tượng rằng khi thoát khỏi sự phong tỏa về y tế, bạn sẽ được “giải phóng” mãi mãi. Bạn bị hạn chế suốt đời! Lúc đầu thì hơi đau khổ, nhưng đó là một cách để nói rằng: đây là nơi bạn sống, đây là nơi người sống đã từng luôn sống, đây là nơi người sống sẽ sống mãi mãi. Không có lối thoát.

 

Không gian, và không chỉ là thời gian, trở thành phạm vi có tính khải huyền. [7] Thời điểm để quyết định là bây giờ, chính xác là vì không có không gian nào khác mà người ta có thể tưởng tượng ra việc tự phóng chiếu mình sau đó, như thể tất cả các hành động bác ái chưa được thực hiện trong hiện tại sẽ được thực hiện trong tương lai. Không, đó là bây giờ, như trong Tin Mừng; đó là lúc này. Có một ý tưởng rất đơn giản, trong đó một lần nữa có một loại sức mạnh gợi lên hoặc những khả thể được cung cấp bởi thực tế là, chúng ta có những khoa học về Trái Đất, được đổi mới ở một mức độ nào đó, vốn mở lại và xác định một không gian-thời gian và một vũ trụ học, trong đó tất cả những vấn nạn về việc rao giảng của Kitô giáo được đặt ra theo một cách mới.

Chủ đề về sự phong tỏa có phần tiêu cực, nhưng điều thú vị là trên mặt đất này, một cách diễn đạt mà tôi cố gắng làm cho mọi người hiểu rộng rãi: chúng ta là những sinh vật trên mặt đất, những sinh vật sống cũng phải chết đi, và đây là điều chúng ta phải cân nhắc. Trái đất không khiến người hiện đại, những người có đức tin hay những người thờ ơ quan tâm. Đây cũng là một trong những lý do tại sao một số người gặp vấn đề với Laudato Si’ . Tại sao ĐTC lại quan tâm đến các vấn đề như sức khỏe của hệ sinh thái? Đầu tiên, đó không phải là chủ đề tôn giáo, và thứ hai, nó không thú vị lắm, ít nhất là không thú vị bằng việc chạy trốn lên sao Hỏa. Trên thực tế, để có thể suy xét về vấn đề này, người ta đã phải kinh nghiệm sự thay đổi rồi. Đó là lý do tại sao các bài tập là cần thiết, bởi vì đột nhiên mọi người thay đổi quan điểm của họ và nói, “Ồ! Đó là nơi tôi đang sống.” Các vấn đề bảo vệ môi trường có vẻ trừu tượng và tràn ngập, xét đến mức độ to lớn của các vấn đề, đột nhiên trở nên cụ thể: đây là thế giới mà họ đang sống.

 

Có vẻ lạ lẫm khi ngài phải nhấn mạnh quá nhiều tới việc phải trở nên “duy vật”!

 

Chúng ta nên như vậy trong thời kỳ hiện đại! Thực ra, chúng ta không hề như vậy. Chúng ta đã phi vật chất hóa và nghĩ về một thế giới trừu tượng, có nhiều chức năng hữu ích trong các mạng lưới khoa học, nhưng đó không phải là Trái Đất. Với tình hình sinh thái mới, chúng ta trở về Trái Đất.

 

Điều này đặt ra câu hỏi cho các tín hữu: Tác động của nó đến lịch sử cứu độ là gì? Câu hỏi cơ bản rất thú vị: sau thời Trung cổ, sau thời hiện đại, có một giai đoạn mới mà Giáo hội có thể thiết lập chính mình liên quan đến những mối liên hệ con người vốn được đổi mới hoàn toàn với các phương thức tồn tại khác, và không cố gắng tự cài đặt mình vào một nền luân lý, một nền chính trị, một khoa học… Về điều này, có một trọng tâm quan trọng cho thần học. Tôi không biết tại sao, nhưng tôi cảm thấy hơn những người khác rằng, thật khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, khi nói về những vấn đề tôn giáo như vậy với những người thân cận với tôi hoặc với những người cùng thời với tôi. Tôi có thể làm gì để những lời như vậy có thể tiếp cận được? Rốt cuộc, người ta không còn biết liệu đó là vấn đề tin vào một vũ trụ quan hay lắng nghe một lời hoán cải. Đúng là lời hoán cải tự nó hoạt động trong chính nó: nó giống như nước; nó đi khắp mọi nơi, vào mọi khe hở, cũng vậy, trong trường hợp nào đi chăng nữa thì lời rao giảng phải dễ tiếp cận. ĐTC Phanxicô đã mở ra một khoảng trống qua thông điệp của mình.

 

Ngài đã nghiên cứu lĩnh vực này trong hơn năm mươi năm: Những gì đã trải qua có ý nghĩa gì khi ngài nghĩ ngược về con đường của mình ?

 

Tôi chỉ nhận ra một điều: Chân lý có nhiều mẫu thức, vốn người hiện đại đã khám phá ra, và họ không biết phải làm gì với chúng. Khám phá triết học của tôi là đã khám phá những phương thức chân lý khác nhau này một cách có hệ thống từ 50 năm nay rồi. [8]

 

Chúng ta đã thừa nhận, chúng ta đã học, chúng ta đã hiểu được sức mạnh phi thường của chân lý khoa học, sự cần thiết phi thường của chân lý chính trị, sức mạnh ghê gớm của hư cấu; và bây giờ, với sinh thái học, sự tồn tại mạnh mẽ, thiết yếu và đáng kể của sự sản sinh của các sinh vật. Bây giờ một khả năng mở ra, trước đây đã đóng lại, để ủng hộ cho chân lý tôn giáo nữa.

 

Nguồn: laciviltacattolica.com

Thực hiện: Antonio Spadaro, S.J – Phó Thư ký Bộ Văn hoá và Giáo dục Tòa Thánh.

Chuyển ngữ: Giuse Trần Ngọc Huynh, S.J.

 

DOI: La Civiltà Cattolica, En. Ed. Vol. 6, no.6 art. 1, 0622: 10.32009/22072446.0622.1

[1].    X. www.bruno-latour.fr

[2].    X. L’Obs, No. 2933, January 14, 2021.

[3].    X. B. Latour, Face à Gaïa. Huit conférences sur le nouveau régime climatique, Paris, La Découverte, 2015.

[4].    B. Latour – P. Weibel, Critical Zones. The Science and Politics of Landing on Earth, Cambridge, MA, MIT Press, 2020.

[5].    X. A. S. Breitwiller – B. Latour – F. Louzeau, “Adam, où es-tu? Prêcher à l’époque de l’Anthropocène”, in Esprit, July-August 2021, 193-204.

[6].    X. B. Latour, Où suis-je? Leçons du confinement à l’usage des terrestres, Paris, La Découverte, 2021.

[7].   X. V. Westhelle, Eschatology and Space. The Lost Dimension in Theology Past and Present, London, Palgrave, 2012.

[8].    X. B. Latour, Enquête sur les modes d’existence. Une anthropologie des Modernes, Paris, La Découverte, 2012.

Kiểm tra tương tự

Thánh nữ Margaret Mary Alacoque và lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu

Lễ nhớ thánh Margaret Mary Alacoque được cử hành vào ngày 16 tháng 10. Ngài …

Lễ Khai giảng Trường học Đức Tin cho Người Trẻ (YSOF) – Mùa IV năm 2024 – 2025

  Trong hân hoan, Trường học Đức tin cho Người trẻ – YSOF mùa IV …