Tiếp kiến chung ĐTC: Đừng xét đoán vì tất cả đều là tội nhân

ANSA982962_LancioGrandeVATICAN. “Mỗi người chúng ta cần tự chất vấn mình: “Vâng, người đó là một tội nhân. Còn tôi thì sao?” Tất cả chúng ta đều là tội nhân, nhưng tất cả đều đã được tha thứ… Chúng ta không được sợ hãi để nhận ra và thú nhận mình là tội nhân, bởi vì mọi tội lỗi đã được Đức Giêsu mang vác lên thập giá”. Đây là những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 06.04.2016, tại quảng trường Thánh Phêrô trước sự hiện diện của đông đảo khách hành hương.

Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ của ĐTC, Ngài nói:

“Anh chị em rất thân mến

Sau khi đã suy tư về lòng thương xót của Thiên Chúa trong Cựu ước, hôm nay chúng ta bắt đầu suy niệm về cách Đức Giêsu đã kiện toàn lòng thương xót ấy nơi chính mình như thế nào. Một lòng thương xót mà  Ngài đã diễn tả, thực hiện và loan truyền luôn luôn, trong mọi phút giây nơi cuộc sống tại thế của Ngài. Gặp gỡ đám đông, loan báo Tin Mừng, chữa lành những người đau yếu, gần gũi với những ai rốt cùng, tha thứ cho các tội nhân, Đức Giêsu đã hữu hình hoá một tình yêu rộng mở cho tất cả: không ai bị loại trừ! Rộng mở cho tất cả mà không có giới hạn. Một tình yêu thuần khiết, nhưng không, tuyệt đối. Một tình yêu chạm đến tột đỉnh nơi Hiến tế trên thập giá. Vâng, Tin Mừng thực sự là “Tin Mừng của Lòng thuơng xót”, bởi vì Đức Giêsu chính là Lòng thương xót!

Tất cả mọi người và bốn Tin Mừng minh chứng rằng Đức Giêsu, trước khi khởi đầu sứ vụ của mình, Ngài đã muốn lãnh nhận phép rửa của Gioan Tẩy Giả (Mt 3,13-17; Mc 1,9-11; Lc 3,21-22; Gv 1,29-34). Bíên cố này khắc ghi một định hướng quan trọng cho tất cả sứ mạng của Đức Kitô. Thực sự, Ngài đã không tự bày tỏ mình cho thế gian trong vẻ lộng lẫy của Đền thờ: Ngài có thể làm như thế. Trái lại, sau ba mươi năm sống ẩn dật tại Nazaret, Đức Giêsu đã đến sông Giorđan, cùng với rất nhiều người trong dân chúng, và Ngài đã xếp hàng cùng với các tội nhân. Ngài đã không xấu hổ: Ngài đã ở đó cùng với tất cả, cùng với các tội nhân, để lãnh nhận phép rửa. Vì thế, ngay từ khi khởi đầu sứ vụ của  mình, Ngài đã tự mạc khải mình như là Đấng Messia vốn thực hiện sứ mệnh của mình trong thân phận con người, do được đánh động bởi sự liên đới và lòng thương cảm. Như chính Ngài đã khẳng định nơi Hội đường Nadazet khi đồng hoá chính mình với lời tiên báo của Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4, 18-19). Tất cả những điều Đức Giêsu đã thực hiện sau khi chịu phép rửa là thực thi chương trình ban đầu: mang lại cho tất cả mọi người tình yêu của Thiên Chúa cứu độ. Đức Giêsu không mang lại sự oán ghét, hận thù: Ngài mang lại cho chúng ta tình yêu! Một tình yêu vĩ đại, một con tim rộng mở cho tất cả, kể cả chúng ta! Một tình yêu cứu chuộc!

Ngài đã trở nên người thân cận với những kẻ rốt cùng, truyền tải cho họ lòng thương xót của Thiên Chúa là sự tha thứ, niềm vui và cuộc sống mới. Đức Giêsu, Con Người được Thiên Chúa Cha sai phái, thực sự là khởi nguyên của thời đại lòng thương xót cho toàn thể nhân loại! Tất cả những ai đã hiện diện bên bờ sông Giordan không thể hiểu ngay được ý nghĩa của cử chỉ của Đức Giêsu. Chính bản thân Gioan Tẩy Giả cũng đã kinh ngạc về quyết định của Đức Giêsu (x. Mt 3,14). Nhưng Cha trên trời thì không! Ngài đã cất tiếng với giọng nói từ trời cao: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1, 11). Cùng cách thức ấy Thiên Chúa cũng khẳng định con đường mà Thiên Chúa Con sẽ bắt đầu như Đấng Messia, trong khi Thánh Thần Thiên Chúa dưới hình bồ câu ngự xuống trên Đức Giêsu. Như thế, con tim của Đức Giêsu rung đập, có thể nói, đồng điệu với con tim của Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, để bày tỏ cho tất cả mọi người rằng ơn cứu độ là hoa trái lòng thuơng xót của Thiên Chúa.

Chúng ta còn có thể chiêm niệm rõ hơn mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu này khi ngước nhìn Đức Giêsu bị đóng đinh. Trong khi chuẩn bị sinh thì dù vô tội vì tội lỗi chúng ta, Ngài đã khẩn cầu Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Và trên thập giá Đức Giêsu đã dâng tội lỗi của thế gian cho lòng thương xót của Thiên Chúa Cha: tội lỗi của tất cả, của tôi, của bạn, của tất cả anh chị em. Và nơi đấy, trên thập giá, Ngài đã dâng chúng cho Thiên Chúa Cha. Và cùng với tất cả tội lỗi của thế gian thì tất cả tội lỗi của chúng ta đã được xoá bỏ. Không gì và không ai bị loại trừ khỏi lời nguyện hiến tế của Đức Giêsu. Điều đó có nghĩa là chúng ta không được sợ hãi để nhìn nhận và thú nhận chúng ta là những tội nhân. Rất nhiều lần chúng ta nói: “Nhưng, đây là một tội nhân, người đó đã làm những chuyện thế này…” và chúng ta phán xét người khác. Và anh chị em thì sao? Mỗi người chúng ta cần tự chất vấn mình: “Vâng, người đó là một tội nhân. Còn tôi thì sao?”. Tất cả chúng ta đều là tội nhân, nhưng tất cả đều đã được tha thứ: tất cả chúng ta có cơ hội để đón nhận sự tha thứ này vốn là lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta không đuợc sợ hãi để nhận ra và thú nhận mình là tội nhân, bởi vì mọi tội lỗi đã được Đức Giêsu mang vác lên thập giá. Và khi chúng ta thú nhận là mình cảm thấy ăn năn để phó thác nơi Ngài, thì chúng ta chắc chắn sẽ được tha thứ. Bí tích Hoà Giải mang lại cho mỗi người uy lực của sự tha thứ vốn xuất phát từ Thánh Giá và canh tân đời sống của chúng ta với ân sủng của lòng thương xót mà Đức Giêsu đã trao ban cho chúng ta! Chúng ta không được sợ hãi nỗi thống khổ của chúng ta: ai trong chúng ta cũng có những nỗi thống khổ của riêng mình. Uy lực của tình yêu của Thập giá sẽ không có trở lực nào và sẽ không bao giờ cạn kiệt. Và lòng thương xót này sẽ xoá bỏ những nỗi thống khổ của chúng ta.

Anh chị em rất thân mến, trong Năm Thánh này, chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ân huệ đụơc cảm nếm sức mạnh của Tin Mừng: Tin Mừng của lòng thương xót vốn biến đổi, làm cho chúng ta bước vào cung lòng của Thiên Chúa, mang lại cho chúng ta khả năng để tha thứ và hướng nhìn thế giới với nhiều thiện ý hơn. Nếu chúng ta đón nhận Tin Mừng của Đấng chịu Đóng Đinh đã Phục Sinh, tất cả đời sống của chúng ta sẽ được nhào nặn bởi sức mạnh của tình yêu vốn đổi mới của Thiên Chúa.”

Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Các sự kiện quan trọng trong Năm Thánh 2025

  Năm Thánh diễn ra 25 năm một lần, sẽ được đánh dấu bằng một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *