Tiếp kiến chung ĐTC: Là người Kitô hữu có nghĩa là thuộc về Giáo Hội

papaVATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô, sáng thứ tư, 25.6, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài chia sẻ của mình về Giáo Hội. Trước khi bắt đầu  bài giáo lý, ngài giới thiệu cho các khách hành hương hiện diện tại đây biết rằng “có một nhóm khách hành hương khác hiệp thông với chúng ta tại Thính Đường Phaolô VI, họ là những bệnh nhân. Vì với thời tiết này, giữa cái nóng và có thể trời mưa, nên tốt hơn là họ ở lại trong đó. Nhưng họ hiệp thông với chúng ta qua một màn ảnh lớn. Và như thế, chúng ta kết hiệp với nhau trong giờ tiếp kiến này. Tất cả chúng ta ở đây hãy cùng cầu nguyện cách đặc biệt cho họ, cho bệnh tật của họ.”

Sau đó, ngài bắt đầu diễn giải về tính “thuộc về Giáo Hội” của người Kitô hữu. Ngài cho biết nếu tên của chúng ta là “Kitô hữu” thì họ của chúng ta là “thuộc về Giáo Hội”. Ngài đặc biệt nhấn mạnh rằng không ai là Kitô hữu đơn độc, không ai có thể tự cứu độ mình, không ai có thể kết hiệp với Đức Giêsu mà ở ngoài Giáo Hội. Có thể trong Giáo Hội có những gương xấu, nhưng chính Đức Giêsu đã trao phó ơn cứu độ của mình cho những con người phàm trần như thế.

Sau đây là bài chia sẻ của ngài:

“Trong bài giáo lý về Giáo Hội, hôm thứ tư tuần trước, chúng ta đã khơi đi từ sáng kiến của Thiên Chúa muốn hình thành một dân mang ơn lành của Người cho tất cả các dân khác trên mặt đất. Bắt đầu với Abraham, rồi sau đó, với rất nhiều kiên nhẫn, Thiên Chúa đã chuẩn bị dân này cho một Giao Ước cũ để trong Đức Kitô, Người thiết lập dân ấy trở nên như dấu chỉ và công cụ hiệp thông của con người với Thiên Chúa và giữa họ với nhau. (x. Conc. Ecum. Vat. II, Cost. Lumen gentium, 1). Hôm nay, tôi muốn chúng ta hãy dừng lại nơi tầm quan trọng, đối với người Kitô hữu, của việc thuộc về một dân như thế. Chúng ta hãy nói về “tính thuộc về” của chúng ta đối với Giáo Hội.

Chúng ta không đơn côi, và không phải là những Kitô hữu xét như là những cá nhân riêng lẻ, mỗi người thuộc về một mình mình. Không: căn tính Kitô hữu của chúng ta là thuộc về! Chúng ta là những Kitô hữu vì chúng ta thuộc về Giáo Hội. Nó giống như họ của mình vậy: nếu cái tên là “tôi là Kitô hữu” thì họ sẽ là “tôi thuộc về Giáo Hội”. Thật là đẹp khi chúng ta lưu ý đến tính thuộc về này cũng được diễn tả trong cái tên mà Thiên Chúa đã gán cho chính mình như thế nào. Khi trả lời Môsê, trong trình thuật về “bụi gai bốc cháy” (x. Xh 3,15), Người tự nói về mình như là Thiên Chúa của các tổ phụ, chứ không nói Ta là Đấng Toàn Năng. Không, Người nói rằng: Ta là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacop. Theo đó, Người tự diễn tả mình như là Thiên Chúa ở trong một giao ước với các tổ phụ của chúng ta và luôn luôn trung tín với những gì đã cam kết, mời gọi chúng ta đi vào trong tương quan mà Người luôn đi trước chúng ta.

Theo nghĩa này, với lòng biết ơn, người ta sẽ nghĩ ngay đến những ai đã đi trước chúng ta, chào đón chúng ta vào trong Giáo Hội. Không ai trở thành người Kitô hữu một mình cả! Điều này có rõ không? Không ai trở thành người Kitô hữu một mình cả. Người ta không làm ra các Kitô hữu trong phòng thí nghiệm. Người Kitô hữu là một phần của dân đến từ xa. Người Kitô hữu thuộc về một dân gọi là Giáo Hội và Giáo Hội này khiến một người trở thành Kitô hữu qua bí tích rửa tội, sau đó là khóa học giáo lý và nhiều điều khác. Nhưng không ai, không ai trở thành Kitô hữu một mình. Nếu chúng ta tin, nếu chúng ta biết cầu nguyện, nếu chúng ta nhận biết Thiên Chúa và nghe được lời Người, nếu chúng ta cảm thấy Người kề bên và nhận ra Người nơi các anh chị em, đó là vì những người khác, trước chúng ta, đã sống đức tin và rồi truyền đức tin ấy lại cho chúng ta, đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận từ cha ông, từ tổ tiên và họ đã truyền dạy lại cho chúng ta đức tin ấy.

Nếu chúng ta suy nghĩ kỹ, ai biết được là có bao nhiêu khuôn mặt thân yêu đi qua trước mắt chúng ta, trong giờ phút này: có thể là khuôn mặt của bố mẹ chúng ta, những người đã xin cho chúng ta được chịu phép rửa, ông bà, người thân của chúng ta, những người đã dạy chúng ta làm dấu thánh giá, hay đọc những kinh nguyện đầu tiên. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ khuôn mặt của một nữ tu đã dạy tôi giáo lý, đã qua đời rồi – tôi chắc chắn là sơ ấy đã ở trên Thiên Đàng vì sơ rất thánh thiện – nhưng tôi luôn nhớ đến sơ ấy và tạ ơn Chúa vì vị nữ tu này, cũng như biết bao khuôn mặt của linh mục quản xứ, các linh mục khác hay một nữ tu, một giáo lý viên, những người đã truyền lại cho chúng ta nội dung đức tin và giúp chúng ta lớn lên như là những Kitô hữu… Đấy, Giáo Hội là thế: một đại gia đình, trong đó người ta được chào đón, học cách sống như là những tín hữu và những người môn đệ của Chúa Giêsu.

Chúng ta có thể sống hành trình này không chỉ nhờ những người khác nhưng còn là cùng với những người khác. Trong Giáo Hội không có chuyện “tự làm một mình”, không có chuyện “vận động tự thân”. Nhiều lần, Đức Thánh Cha Biển Đức đã mô tả Giáo Hội như là “chúng ta” mang tính Giáo Hội! Thỉnh thoảng, ta nghe có người nói: “Tôi tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Giêsu, nhưng với Giáo Hội thì tôi không quan tâm…” Lâu lâu chúng ta có nghe như thế, đúng không? Điều này không đúng, khi có ai đó nói rằng mình có thể có một tương quan cá vị, trực tiếp, ngay lập tức với Đức Giêsu Kitô nhưng ở bên ngoài sự hiệp thông và trung gian Giáo Hội. Đó là những cám dỗ nguy hiểm và có hại. Như Đức Phaolô VI nói, đó là một sự phân đôi lố bịch. Đúng là đi với nhau thì có nhiều thách đố, và lắm khi cũng gây ra nhiều vất cả. Có thể xảy ra trường hợp có anh chị em nào đấy gây ra cho chúng ta nhiều rắc rối, tạo cớ vấp phạm cho ta… Nhưng Thiên Chúa đã trao gửi sứ điệp cứu độ của Người cho những con người phàm trần, cho tất cả chúng ta, cho một số chứng nhân, và chính những anh chị em này của chúng ta, với những khả năng và giới hạn của họ, đã đến gặp chúng ta và giúp chúng ta nhận ra ơn cứu độ ấy. Anh chị em hãy nhớ điều này: là người Kitô hữu có nghĩa là thuộc về Giáo Hội. Tên là “Kitô hữu”, họ là “thuộc về Giáo Hội”.

Các bạn thân mến, chúng ta hãy xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội, ban cho chúng ta ơn không bao giờ rơi vào cám dỗ có tư tưởng rằng mình có thể làm mọi sự mà không cần người khác, không cần Giáo Hội, có thể tự mình cứu độ, trở thành người Kitô hữu trong phòng thí nghiệm. Ngược lại, không ai có thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu mến anh chị em mình, không ai có thể yêu mến Thiên Chúa ngoài Giáo Hội, không ai có thể hiệp thông với Thiên Chúa mà không hiệp thông trong Giáo Hội và chúng ta không thể trở thành người Kitô tốt nếu không cùng với những người khác bước theo Chúa Giêsu, như một dân duy nhất, một thân thể duy nhất, và đây chính là Giáo Hội.”

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

(chuyển dịch từ bản Ý ngữ)

Kiểm tra tương tự

“Chúng tôi là anh em trong Chúa”

  “You are mine” là bài hát dẫn chúng tôi vào bầu khí linh thao …

ĐTC Phanxicô: Căn tính và sứ mạng của Đại học Urbaniana là loan báo Tin Mừng

Sáng 30/8/2024, gặp gỡ các tham dự viên Đại hội ngoại thường của Bộ Loan …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *