Những nẻo đường của lòng Chúa thương xót

1355456214_95-1355460303

                                                                         MM Tân, S.J.

“Hãy đi bán tất cả tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hày đến theo tôi” (Mt 19,21).

Điểm xuất phát của các xe cứu thương luôn khởi đi từ bệnh viện tới các bệnh viện và gia đình của bệnh nhân. Thế nhưng xe cứu thương của CARITAS GIA-LAI thì lại xuất phát từ nhà thờ HOA LƯ, lăn bánh trên khắp các nẻo đường dẫn tới các bệnh viện xa gần. Nét đặc biệt ở đây là trên xe luôn có sẵn những đôi tay và những tấm lòng cố giang rộng để nhấn chìm mọi thương đau nhân loại nơi lòng thương xót của Thiên Chúa.

Nhà thờ Hoa Lư, cũng như mọi nhà thờ khác, nơi mọi người có thể tìm kiếm và tìm được kho tàng trên trời. kho tàng chứa đựng lòng Chúa Thương Xót. Thật vậy, khi từng người trong cộng đoàn giáo xứ để  cho Thần Khí dẫn vào cung lòng của Thiên Chúa Cha, đấng yêu thương nhân thế đền nỗi đã ban CON MỘT, thì không chỉ một số người, mà cả cộng đoàn, dù chân vẫn chạm đất. nhưng đôi tay đã vươn tới trời cao, và con tim có thể kề cận con tim của Đấng chịu đóng đinh đang tuôn trào lòng thương xót và ơn tha thứ ngay nơi nhà tạm, trong ánh đèn lung linh, và một khi những cặp mắt phàm trần này có thể bắt gặp cái nhìn cháy bỏng yêu thương đang mở ra ôm ấp toàn thể dân của Người, thì tất cả có thể reo lên vui sướng : “chúng tôi đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng tôi, và đã tin vào tình yêu đó” (1Ga 4,16), và thế là cả giáo xứ chúng tôi đã nắm tay nhau bước vào tình yêu và bước đi trong tình yêu.

Xe cứu thương lăn bánh trên đường, những tấm lòng và những bàn tay của bà con trong giáo xứ chung sức chung lòng dệt nên những cung đường với muôn sắc màu tươi vui và ấm áp: gam màu máu phơn phớt nụ hồng bâng khuâng, gam màu thiên thanh, xanh ngát hy vọng… giữa những khoảng không thinh lặng là lời kinh tạ ơn và hiến dâng, Thực ra, người bệnh không chỉ được chuyền tay nhau và được nâng niu trên xe cứu thương mà còn trên các tuyến xe đò Sai Gòn hoặc Qui Nhơn, và thế là những vòng tay kẻ gần người xa cứ nối kết mãi, mở ra những chân trời mới, và những nẻo đường của lòng Chúa thương xót cứ trải dài mãi : giáo xứ Hoa Lư có nhóm cầu nguyện và các thày giúp xứ, kết hợp với các giáo phu trong các làng; giáo xứ Hiển Linh ở Thủ Đức có nhóm thăm viếng bệnh nhân, Quận 3 có ngôi nhà số 46 Tú Xương của các nữ tu Vinh Sơn, Tân Bình có nhà số 181 của Caritas TGP, cứ thế,  người dẫn lối, kẻ đưa đường, bạn bè đón, những người đã trở thành anh chị em của các bệnh nhân xa lạ chung sức chung câu ca từ trái tim của lòng thương xót, nghĩa là tất cả đã không đứng xa để nhìn các vết thương của Chúa, nhưng lòng chạm vào sự khốn cùng của con người, tay chạm vào da thịt đau khổ của người khác … (x.EG 270), những trang nhật ký bên giường bệnh nối tiếp những trang nhật ký :

Theo lời mời gọi của một người bạn đang phục vụ tại Tây Nguyên. Chúng con đã nhìn thấy chị Rơ Chăm Khuk rên xiết trong tấm thân tứa máu sau lớp vải băng. Ngồi mân mê bàn tay ở nơi may mắn không bị bỏng, con thầm nguyện ước xin Người thương gửi đến chị nguồn năng lượng ủi an. Mở quyển Lời Chúa, con lặng im nghe nước mắt hiệp thông mang lòng đến bên lòng mong xoa dịu người chị em trong Chúa đang đau đớn. Lời Tin Mừng về Người Ladaro nghèo khổ nhẹ nhàng ru giấc miên man, chúng con cùng khẽ hát ” con vẫn trông cậy Chúa” thấy mắt chị mở to, tha thiết cậy trông nhìn lên Đấng Vô Hình, Giê-su ơi, Ngài đang ghé tai nghe chị : về cơn đau kinh khiếp do bỏng nặng lúc châm xăng vào chiếc xe máy mới mượn để đi tưới cà phê mướn, về đứa con bị bỏng đang nằm tại Bệnh viện ở Gia Lai, về hai đứa con nhỏ đang ở ngôi nhà heo hút trong rừng sâu với ông bà ngoại, về người chồng đã dứt áo ra đi…..và về cả niềm an ủi đã được một ” Người”…..giúp cho đưa vào bệnh viện ở Gia lai, chuyển viện vào Chợ Rẫy với sự cộng tác của các chị em làm việc Tông đồ. Xin ánh sáng từ nhân nơi trái tim Người ôm ấp thân phận chị.

Chuyện tiếp theo vào một đêm thứ sáu

Tin mừng ru giấc ngủ bình an, bệnh nhân nào cũng ánh lên tia mắt ấm áp, hy vọng khi nghe Lời Ngài, con thấy mình như ĐƯỢC SAI ĐI.

Con nghe chị Khuk rên rỉ đứt quảng, chiếc giường cọt kẹt mỗi khi chị oằn người vì đau,

Con thấy đôi mày em Niê chau lại nhắm nghiền cho hàng mi cong ép đôi dòng nước mắt, con cũng đau giọt xót giọt thương. Lạy Chúa, con đang nằm giữa hai thi hài của Chúa trên đỉnh đồi chiều tím, máu, nước mắt, sự cô đơn bi thiết. Mà không, con đang ở trong không gian cứu độ, con sống trong cung lòng của vị mục tử nhân lành đang đi đến tận cùng của tình yêu, TỰ HIẾN ! trao phó tất cả trong tay Cha

Xin dâng Cha : Đêm…

Đêm, bệnh nhân ngủ vùi trong cơn đau.

Đêm, bệnh nhân ngồi dậy lấy kéo cắt từng mảng băng đã khô thuốc, ngửa mặt nhìn lên Thượng đế kể cơn đau.

Đêm, đường phố Sài gòn vẫn sáng đèn lấp lánh.

Đêm, con lấy tay mình giúp chị Khuk đi tiêu, cảm nhận thân người hoa cỏ, tàn phai…

Đêm, em Niê cựa mình trong đau đớn vẫn nhoẻn miệng cười với con.

Đêm, những thân nhân khác hỏi: Đạo Chúa thương người thế hả em ?

Đêm, con hiểu ra bao nhiêu hồng ân, mình đã vô tình…

                               

Dịp tết năm nào cũng vậy, cứ sau ngày ông Táo về trời là các anh chị nhóm cầu nguyện kéo nhau đi kiếm củi, những ngày gần tết thì đi cắt lá chuối, ngâm gạo đậu và tiếp theo là một ngày lau lá chuối, thêm một ngày xúm nhau gói bánh tét, gói tới 200 đòn chứ  ít gì. Nhìn cha xứ với các anh chị cẩn thận lau từng miếng lá, thêm một ngày miệt mài gói bánh, tôi hình dung các đòn bánh tét sẽ được trao vào tay những người xứng đáng nhận và ăn những miếng bánh sẽ được gói. Họ là ai ? Những trẻ em trong các ngôi nhà mở, các trẻ khuyết tật, người già neo đơn, người phong….ôi, tưởng gì! Và đây chính là nghịch lý của việc trao tặng :

….Không phải vì dáng dấp nơi thân hình của họ, những khả năng của họ, ngôn ngữ của họ, cách suy nghĩ của họ, hay bất cứ sự thỏa mãn nào mà chúng ta có thể nhận được, nhưng vì họ là công trình của Thiên Chúa, là tạo vật của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dựng nên con người ấy theo hình ảnh Ngài, và người ấy phản chiếu phần nào vinh quang của Thiên Chúa. Mọi con người đều là đối tượng của lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa, và chính Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời họ. Đức Giêsu đã hiến máu thánh châu báu của Ngài trên thập giá vì người ấy. Bất kể hình hài họ thế nào, mỗi người đều vô cùng thánh thiện và xứng đáng với tình yêu của chúng ta. Do đó, nếu tôi có thể giúp ít là một người có một cuộc sống tốt hơn, thì sự hiến mình của tôi đã được biện minh rồi. Là dân trung thành của Thiên Chúa quả là tuyệt vời. Chúng ta đạt được sự thành toàn khi phá đổ các bức tường ngăn cách và trong tim chúng ta chứa đầy những khuôn mặt và những cái tên! (EG 274).

Bánh tét đã được nấu chín, và được xếp đều trong các thùng có ghi địa chỉ nơi đến, sẵn sàng để được chất lên xe. Tuy nhiên những người đứng ra trao tặng lại là các em thiếu nhi trong gíao xứ, từng lớp được các anh chị giáo lý viên  dẫn đến nơi trao tặng, mỗi điểm đến là một lần mở hội để kẻ trao người nhận đều vui chơi và no thỏa, vì thế mỗi chuyến xe không chỉ vỏn vẹn có thùng bánh tét, mà còn có bánh kẹo, thịt xương với rổ bún và nồi niêu. Điểm đến của nhóm đầu tiên là một ngôi chùa trong có nhà nuôi các em khuyết tật, may quá các môn đệ của thầy Giêsu  đã dọn sẵn món bún chay, chứ tới chùa mà lại cho con cái của Đức Hiếu Sinh ăn mặn thì làm sao có thể bước vào cửa Phật.

Một bữa tiệc ngon diễn ra trong tình bạn, thật hồn nhiên và vui tươi của tuổi nhỏ, mở ra chân trời của cái đẹp, làm cho quà tặng thắm đẵm nghĩa tình: người nhận, cảm nhận được lòng từ bi; và người trao, khi không còn đứng xa để nhìn các vết thương Chúa, nhưng đã chạm vào da thịt đau khổ của con người, có mặt ngay trong vòng xoáy những nỗi bất hạnh của con người thì lòng thương xót khơi nguồn từ cung lòng của Thiên Chúa Cha, đang tuôn trào nơi trái tim của người Con Một yêu dấu, tràn lan trong tim mọi người, để tất cả biết xót thương và được xót thương. Từ đây, những nẻo đường của con người trở thành những nẻo đường của lòng Chúa thương xót.

Kiểm tra tương tự

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Đời tu qua đôi mắt người tu sĩ

Thật thú vị khi trong lòng Giáo hội có hàng trăm dòng tu khác nhau, …

4 Bình luận

  1. Lam cach nao de ung-ho? Xin cho biet dia-chi. Cam-on

  2. Lam cach nao de ung-ho? Xin cho biet dia-chi. Cam-on

  3. Chị có thể liên hệ với tác giả là Thầy Trần Văn Tân, ĐT + 84-98-682 4494; [email protected]
    Cám ơn Chị!

  4. Chị có thể liên hệ với tác giả là Thầy Trần Văn Tân, ĐT + 84-98-682 4494; [email protected]
    Cám ơn Chị!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *