Tiếp kiến chung ĐTC: Nghèo đói dễ gây đổ vỡ gia đình

papa-300x168

VATICAN. Sau đây là toàn văn bài chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung diễn ra vào sáng thứ tư, ngày 03.06.2015, tại quảng trường Thánh Phêrô:

“Kính chào tất cả anh chị em

Những bài giáo lý của chúng ta, bắt đầu với bài suy gẫm hôm nay, sẽ đề cập đến tính mỏng dòn dễ vỡ của gia đình, trong những điều kiện sống khi gia đình đang bị thử thách.

Một trong số những thách đố này là sự nghèo túng. Chúng ta nghĩ đến biết bao gia đình đang cư trú tại những vùng ngoại ô của các thành phố lớn, và ngay cả những khu vực nông thôn. Biết bao khốn khó, biết bao suy sụp! Và rồi, tình hình càng trở nên trầm trọng hơn, trong những nơi chốn có chiến tranh xảy đến. Chiến tranh luôn là một điều tệ hại. Hơn nữa, chính nó đã hủy hoại cách nghiệm trọng mọi dân thường, và cả các gia đình. Thực sự là, chiến tranh là “mẹ của tất cả nghèo túng”, một kẻ cướp nguy hiểm đối với cuộc sống, đối với các linh hồn, ngay cả đối với những tình cảm thánh thiêng và thân thương nhất.

Hơn hết, có rất nhiều gia đình nghèo túng cố gắng để duy trì cuộc sống hằng ngày của mình cho xứng với nhân phẩm, bằng cách luôn luôn trông cậy một cách cởi mở vào phúc lành của Thiên Chúa. Tuy nhiên, bài học này không biện minh cho sự dửng dưng của chúng ta, nếu không nói là càng khiến chúng ta hổ thẹn hơn! Đó gần như là một phép lạ mà, thậm chí ngay cả trong sự nghèo  túng, gia đình có thể tiếp tục để hình thành, và thậm chí ngay cả để bảo tồn – như có thể – tình người đặc biệt trong mối dây liên hệ của nó. Điều này gây khó chịu đối với những chuyên gia đề ra các tiêu chuẩn hạnh phúc, vốn là những người chỉ xem những tình cảm, việc sinh sản con cái, những mối dây gia đình, như là một yếu tố thứ hai trong chất lượng của cuộc sống. Ngược lại, chúng ta phải bái gối trước những gia đình này, vì đó là trường học nhân văn đích thực vốn cứu rỗi các xã hội khỏi sự tàn ác.

Thực sự, chúng ta sẽ còn lại gì nếu chúng ta thúc thủ trước sức ép của quyền bính chính trị và tiền bạc, cũng như khước từ cả những tình cảm gia đình? Một thứ đạo đức học dân sự mới sẽ chỉ có được khi những người hữu trách đối với đời sống cộng đồng chấn chỉnh lại các tương quan xã hội khởi đi từ việc đấu tranh với các vòng lẩn quẩn giữa gia đình và nghèo đói, vốn dẫn đưa chúng ta tới vực thẳm.

Nền kinh tế hiện tại thường chuyên môn hóa vào việc thụ hưởng những sự sung túc của cá nhân, nhưng lại thi hành một cách đại trà sự bóc lột những tương quan gia đình. Đây là một sự mâu thuẫn nghiêm trọng! Biết bao công việc to lớn của các gia đình, một cách tự nhiên, không được coi trọng trong những bản dự chi ngân sách. Thực ra, kinh tế và chính trị rất bủn xỉn để công nhận điều này. Ngoài ra, sự huấn luyện nội tâm của con người và sự trao đổi những tình cảm xã hội lại phải có trụ cột của nó ngay tại đó. Nếu nó bị lấy đi thì mọi thứ sẽ sụp đổ xuống.

Không chỉ là vấn đề cơm bánh. Chúng ta nói về cả việc làm, sức khỏe, và giáo dục. Thật quan trọng để hiểu rõ điều này. Chúng ta hãy thường xuyên biết động lòng trắc ẩn khi trông thấy hình ảnh của những đứa bé suy dinh dưỡng và yếu đau, vẫn thường đập vào mắt chúng ta từ khắp mọi nơi trên thế giới. Đồng thời, biết bao cái nhìn rạng ngời của rất nhiều trẻ thơ, thiếu thốn mọi thứ, ắt cũng sẽ đánh động chúng ta, khi chúng ở trong những ngôi trường chẳng có gì cả, nhưng lại tự hào khoe với chúng ta bút chì và tập vở của chúng. Và chúng đã có cái nhìn đầy yêu thương đối với thầy giáo và cô giáo của chúng! Thực sự những trẻ em này biết rằng con người không chỉ sống nhờ cơm bánh.

Chúng ta, những Kitô hữu, phải gần gũi với các gia đình đang gặp thử thách vì nghèo đói. Thực tế, sự nghèo túng xã hội đả thương gia đình và nhiều khi còn hủy diệt nó nữa. Sự thiếu công ăn việc làm hay mất việc, hay là tính tạm thời bấp bênh của công việc, càng chất thêm gánh nặng lên đời sống gia đình, và khiến cho các tương quan gia đình càng bị thách đố nghiêm trọng hơn. Những điều kiện sống trong những khu phố nghèo túng, cùng với những vấn đề dân sinh và di chuyển, chẳng hạn như sự cắt giảm các dịch vụ xã hội, y tế và giáo dục, gây ra thêm những khó khăn sau đó. Thêm vào những yếu tố vật chất này là sự tổn hại đối với gia đình từ những kiểu mẫu giả tạo, vốn được lan truyền bằng phương tiện truyền thông dựa trên chủ nghĩa tiêu thụ và tôn thờ dáng vẻ bên ngoài, sẽ tác động đến những giai cấp xã hội nghèo túng hơn và gia tăng sự phá vỡ những mối dây gia đình.

Giáo Hội là mẹ nên không được quên lãng thảm kịch này của con cái mình. Thậm chí chính Giáo Hội cũng phải trở nên nghèo, để trở nên phong nhiêu và trả lời cho biết bao sự nghèo khó. Một Giáo Hội nghèo là một Giáo Hội vốn thực hành một sự giản đơn tự nguyện trong chính đời sống mình – trong cùng những thể chế cách thức của nó, trong cách sống của những thành viên của giáo Hôi- để phá vỡ mọi bức tường của sự loại trừ, mà trên hết là đối với những ai nghèo khó, Chúng ta mong muốn điều ấy trong cầu nguyện và hành động. Chúng ta hãy nài xin khẩn thiết cùng Chúa, Đấng có thể lay động chúng ta, để mang lại cho các gia đình của chúng ta những tác nhân Kitô giáo cho cuộc cách mạng trong sự gần gũi gia đình, điều cần thiết cho chúng ta ngay lúc này. Ngay từ khởi đầu, sự gần gũi gia đình ấy đã làm nên Giáo Hội. Và đừng quên rằng sự phán xét của những người nghèo túng, những ai hèn mọn, và thiếu thốn sẽ đến trước sự phán xét của Thiên Chúa (Mt 25, 31- 46).”

Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai

 

 

Kiểm tra tương tự

Tin vui từ Vatican: Công nhận Cuộc Tử đạo của Cha Trương Bửu Diệp

Ngày 25 tháng 11 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong …

“Chúng tôi là anh em trong Chúa”

  “You are mine” là bài hát dẫn chúng tôi vào bầu khí linh thao …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *