Đi một ngày đàng, học một sàng khôn

Vì chuyến bay từ Roma thủ đô Italia, đến Beirut thủ đô Liban, là chặng đường dài, nên có trạm nghỉ và trung chuyển tại Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại sân bay của Roma, anh cảnh sát sau khi xem giấy tờ của tôi thì hỏi: “Anh là linh mục à?” – “À chưa. Tôi đang học để trở thành linh mục trong tương lai. Có lẽ mấy năm nữa.” Thế là tôi được xuất cảnh khỏi nước Ý. Tuy nhiên, công dân châu Âu đi một hành lang riêng; còn như tôi không phải công dân châu Âu, thì đi hành lang khác, và cần được kiểm tra nghiêm ngặt hơn.

Trên hành trình từ Roma đến Istanbul, tôi gặp nhóm người Ý. Đoán họ là một gia đình, tôi bắt chuyện làm quen, và đúng như thế. Họ đi nghỉ hè chung với nhau. Họ nói chuyện và thăm hỏi tôi rất vui vẻ. Chắc chắn là họ nói tiếng Ý, và chẳng cần hỏi tôi cũng biết họ là người Công giáo. Chúng tôi chào chúc nhau những chuyến đi tốt đẹp. Mấy hôm trước, cùng mấy người trong nhà đi ra một bãi biển ở miền trung nước Ý, tôi thấy hầu hết họ là các gia đình cùng nhau tắm biển. Nhớ lại lời kể của một người Ý khác, tôi thấy vừa vui vừa ngậm ngùi. Vui là vì các gia đình cùng nhau sống tình gia đình trong kỳ nghỉ, dù là tại những bãi biển của quê hương, hoặc đi du lịch nước ngoài. Ngậm ngùi là vì có người Ý cầu nguyện rằng: Lạy Chúa, xin Chúa gọi đi (ngày con chết) lúc nào tùy ý Chúa, nhưng đừng vào mùa hè, cũng đừng vào mùa bóng đá. Vì nếu vào những lúc ấy, thì con sẽ chết trong đơn côi vì không có người thân bạn bè, vì tất cả họ đều vắng nhà trong kỳ hè và mùa bóng đá.

Trên chuyến bay từ Istanbul đến Beirut, tôi ngồi cạnh một chị dáng người Nga có lẽ ngoài 40 tuổi. Bắt chuyện thăm hỏi, chị cũng hồi âm nhiệt tình. Cuộc nói chuyện cứ thế tiếp diễn bằng tiếng Anh. Chị đoán tôi đến từ Trung Quốc. Kết quả cả hai đều đoán sai. Kỳ thực, chị là người Kyrgyzstan. Chị cũng xin lỗi vì hầu như chị chẳng biết gì về nước Việt Nam. Tôi cũng thế, thú thực chẳng biết gì về quê hương chị. Thế là chúng tôi kể cho nhau nghe về những miền quê khác nhau xa vời. Việt Nam nằm ở phía nam Trung Quốc, còn nước của chị nằm ở phía tây Trung Quốc. Quê chị có ngôn ngữ bản địa, nhưng đã từ lâu mọi người đều nói tiếng Nga. Đa phần người dân theo Hồi giáo, còn chị theo Chính thống giáo. Đất nước chị rất nhỏ bé và ít người, chỉ hơn 6 triệu người. Quê chị không có biển, thế nên chị mới đến Liban để nghỉ ngơi cùng biển trời. Điều này làm tôi nhớ lại mấy ngày ở Hungary. Hunggary cũng không có biển, chỉ có mấy hồ lớn. Vì thế mà người dân thích biển vô cùng. Và ai muốn tắm biển, đều phải sang những nước láng giềng. Ngay cả khi chúng tôi đi tắm trong công viên nước tại thành phố Neger của Hungary, tôi cũng ngạc nhiên vô cùng, vì số người quá đông. Người ta thích nước, quý sông và yêu biển đến lạ lùng. Đúng là trời đất ưu đãi cho đất Việt mình, mà mình chưa biết quý trọng bảo tồn.

Mỗi lần đi qua các hàng rào an ninh là nhận thấy sự khác biệt rất lớn. Người dân châu Âu thì đi hiên ngang và dễ dàng. Còn mình thì cũng hiên ngang, nhưng bị kiểm tra thêm nhiều lần. Khi đặt chân tới Beirut, có người bạn trong nhóm thấy thế ái ngại hỏi tôi: “Cậu có khi nào cảm thấy buồn vì ngôn ngữ văn hóa của quê hương không? Ý của tớ là: Như chúng tớ sinh ra và lớn lên ở châu Âu, có nhiều điều kiện về nhiều mặt, được ưu tiên về nhiều điều… Còn cậu sinh ra ở nước nghèo, nhỏ bé, thiếu thốn rất nhiều. Thực sự tớ chẳng biết gì về đất nước cậu, ngoài mấy truyện chiến tranh”. Tôi bình tĩnh đáp lại người anh em: “Đúng là đất nước tôi rất đau thương trong chiến tranh, và hiện tại vẫn còn rất nhiều vất vả, nhưng tôi luôn yêu mến quê hương đất nước mình. Tôi không hề tiếc nuối gì vì mình là người Việt Nam. Đương nhiên, trên trường quốc tế, chúng tôi chẳng có thế giá gì. Tôi cũng biết rất ít về châu Âu cũng như về thế giới. Nhưng không sao, cuộc sống là thế. Bất công ở đâu cũng có… Còn trong đức tin và trong nhà Dòng, tôi và anh là những người bạn, là những anh em. Chúng ta hơn kém nhau tùy từng phương diện, và quan trọng là cộng tác và bổ túc cho nhau, để có thể làm chút gì đó tốt đẹp cho thế giới, cho người dân khổ đau.”

Khi ra sân bay Beirut để lên đường trở về Roma, chúng tôi phải đợi chờ hàng giờ, vì quá đông người. Trong lúc đứng chờ, tôi chào hỏi và bắt chuyện với một người phụ nữ và bé gái. Chị vui vẻ đáp lại. Mang trên mình trang phục đặc trưng của người Hồi giáo với áo choàng đen quấn kín hết người từ đầu đến chân. Bé gái, con của chị thì ăn mặc thông thường như các em bé chúng ta vẫn thấy. Chị nói tiếng Anh rất tốt, bé gái nói bập bẹ một chút. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Ả Rập. Chị là người Syria, quê tại thủ đô Damasco, nhưng chị hiện không trở về Syria, vì vẫn chưa an toàn. Có lẽ chị là một trong số ít người Syria có khả năng về tài chính và giấy tờ pháp lý, để có thể đi lại sang các nước láng giềng. Hiện tại mẹ con chị đang sống trong một ngôi làng nhỏ. Em bé vẫn có thể đến trường học. Bé muốn nói chuyện với tôi, nhưng không được, vì bé chỉ nói được vài từ tiếng Anh, còn tôi thì chỉ vài từ tiếng Ả Rập. Tôi nói là hiện tại đang sống và làm việc tại Ý, nhưng quê hương là Việt Nam. Chị biết nhiều về Việt Nam, nhưng bé gái hồn nhiên hỏi mẹ: Việt Nam là ở đâu vậy mẹ? Tôi giải thích cho bé dễ hiểu: Việt Nam gần Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippin… Vì những nước ấy, tôi thấy hầu hết người ta đều biết. Sau đó chúng tôi chào chúc và cám ơn nhau.

Lạy Chúa, xin cho con biết đi ra khỏi vùng trời nhỏ hẹp của bản thân, để có thể học hỏi được nhiều điều mới mẻ và tốt đẹp mà Chúa muốn tặng ban. Amen.

Tứ Quyết SJ
Liban, tháng 08 năm 2017

Kiểm tra tương tự

Khi chồng tôi bạo hành, một linh mục bảo tôi hãy chờ đợi và cầu nguyện. Điều đó không bao giờ là đủ

“Con hãy làm những gì Chúa truyền dạy. Con phải kiên nhẫn và cầu nguyện.” …

Đời tu qua đôi mắt người tu sĩ

Thật thú vị khi trong lòng Giáo hội có hàng trăm dòng tu khác nhau, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *