Tiêu chuẩn tuyệt đối (Mt 22, 34-40) – Ngọc Khang, SJ

TIÊU CHUẨN TUYỆT ĐỐI

(Mt 22,34-40)

 Bản văn tin mừng thuật lại cuộc tra vấn của các kinh sư dành cho Chúa Giêsu về vấn nạn: đâu là điều cốt lõi cho mọi giới luật?

Với việc sử dụng thuật ngữ “thử” (từ này vốn dĩ luôn được dành cho hai đối tượng: Satan và các kinh sư trong Tin Mừng Mattheu), thánh sử tỏ lộ mục đích sâu xa nơi câu chất vấn của các kinh sư: các ông hỏi không phải nhằm thỏa mãn một ước vọng chính đáng mà chỉ để thỏa mãn một ước vọng bất chính. Đối với các ông thành công của một cuộc đối thoại là khóa miệng người đối chất với mình, khiến họ phải tự thú rằng họ đã sai còn tôi thì đúng. Điều này quả thật là một sai lầm tự căn bản, nhưng ngày nay vẫn còn nhiều cuộc đối thoại theo kiểu tinh thần của người Phariseu như thế!

Theo một số nhà chú giải, vấn nạn được đưa ra ở đây có lẽ xuất phát từ quan điểm nhìn nhận sự ngang bằng của từng giới luật trong truyền thống Do Thái giáo. Tất cả đều là luật thánh thiêng, chúng ta không thể nói, chẳng hạn các giới luật liên quan đến luân lý thì quan trọng hơn các điều luật đề cập đến việc phụng tự dành cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta tự hỏi rằng có nhất thiết phải có một cái gì chính yếu hay cốt lõi hầu nối kết toàn bộ lề luật thành một thể thống nhất? Giả như điều này là không thể thì hệ quả sẽ là các giới luật chỉ là một mớ bó buộc rời rạc và thậm chí có thể mâu thuẫn với nhau trong một số hoàn cảnh. Chính vì vì không biết điều cốt lõi nên các kinh sư mới bị căng thẳng giữa việc giữ luật ngày Sabat và việc chữa lành kẻ đau yếu của Chúa Giêsu, họ không thể bắt bẻ Chúa Giêsu về điều này vì họ không nhận ra dâu là điều ưu tiên và quan trọng bậc nhất. Như vậy, vấn nạn mà các kinh sư dành cho Chúa Giêsu cũng là vấn nạn của chính các ông. Nói thẳng ra, đó là sự khủng hoảng về một tiêu chuẩn chân lý hay một nguyên lý nền tảng cho toàn bộ cuộc sống. Nguyên nhân đưa đến sự khủng khoảng này có phải là do chân lý tự giấu kín chính nó? Không, không phải như thế. Câu trả lời mà Chúa Giêsu cung cấp cho các kinh sư làm chúng ta phải ngạc nhiên, bởi lẽ Chân lý đã được khẳng định quá rõ ràng và không lẽ nào các bậc thầy Do Thái lại không nhận thấy “yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết linh hồn, hết trí khôn…” là giới răn cốt lõi cho toàn bộ lề luật. Vấn đề ở đây chính là: các ông đã không chịu đón nhận.

Thái độ này không chỉ xuất hiện nơi các kinh sư ngày xưa mà có thể còn xuất hiện nơi bản thân mỗi người chúng ta. Bởi vì phần lớn mọi người đều không dám đối diện với chân lý, với sự thanh luyện triệt để và đau đớn do chân lý mang lại. Dĩ nhiên, chúng ta có tự do để trốn chạy những khổ nhọc của chân lý, nhưng kết cục như ĐTC Bê-nê-đic-tô 16 trong thông điệp Spe Salvi bày tỏ “chúng ta sẽ rơi vào một đời sống trống rỗng, có lẽ bớt khổ đau, nhưng lại có nhiều cảm nghiệm mơ hồ về sự vô nghĩa và hụt hẫng.” Không phải sự trốn tránh các đau đớn của chân lý sẽ giải thoát chúng ta nhưng là khả năng đón nhận chân lý và trưởng thành trong chân lý.

Ngọc Khang, SJ

Kiểm tra tương tự

Manna: Không phải hư mất (Thứ Ba Tuần 2 Mùa Vọng – Mt 18,12-14)

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Mt 18,12-14 12 Khi ấy, Đức Giê-su …

Kinh nghiệm tôn giáo đích thực | Suy niệm Chúa Nhật Tuần XXII – Mùa Thường Niên

Các bạn thân mến! Tôn giáo là một trong những yếu tố thiết yếu trong …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *