Tìm gặp Chúa với 400 ngàn – Chuyện Linh thao giờ mới kể

Đứng trên mái đan viện nhìn về phía biển, cô gái khẽ cất tiếng hát bài ca an bình ra đi. Ra đi không có nghĩa là chết, nhưng là ra đi với một quả tim và khối óc mới mà chính Chúa đã ban cho con với tràn đầy tin yêu, ân sủng của người. Cô thấy mình giống con thuyền nhỏ bé ngoài kia, cứ chập chùng khơi xa, con thuyền nhỏ bé leo lét đến những nơi mà nó muốn, làm những điều mà nó thích và nó tin bất cứ ở đâu, khi nào thì bến bờ Giêsu vẫn đang chờ đợi vỗ về yêu thương.

 

Trở về với thành phố ồn ào, nhộn nhịp sau những ngày bình yên bên Chúa – cuộc hành trình đi tìm Người, tìm mình ngỡ như mơ.

Hơn một lần lỡ hẹn với linh thao, cuối cùng cô gái cũng có thể bỏ lại tất cả để chạy về với Chúa. Cô chỉ nhớ hôm ấy cô vừa chạy xe từ Sài Gòn xuống Vũng Tàu vừa khóc vì khóa linh thao cuối cùng trong mùa Linh thao Sinh viên năm nay đã bắt đầu được một ngày rồi. Cô sợ mình sẽ không được nhận vào. Cô sợ trời đang dần tối, mà con đường phía trước còn xa quá, sợ có điều gì không may xảy ra khi trong ví chỉ còn vừa đủ 400 ngàn đóng phí khóa linh thao… Nhưng tất cả những nỗi sợ ấy rồi cũng lắng xuống, khi phía sau giọt nước mắt lăn dài là một tiếng gọi không ngừng thúc dục cô: “Đừng sợ”. Và cứ thế cô đi khi lòng mình nặng những trăn trở.

Ngày đầu tiên của cô nhưng là ngày thứ hai của các thao viên ở đan viện, chẳng để tâm đến mọi người đang cầu nguyện, người lần chuỗi Mân côi, cô gái cứ cuộn tròn trong chăn mà ngủ.

Ngày thứ hai, lần đầu tiên trong cuộc đời cô gái cảm nhận được cuộc sống của cô chỉ có hai người đó là Chúa và cô. Ngủ mãi rồi cũng chán, cô lật sách mở đoạn Tin Mừng mà cô thích nhất, đó là dụ ngôn đứa con hoang đàng, mà sau này để nhấn mạnh lòng thương xót của người cha, người ta gọi nó là dụ ngôn người Cha Nhân Hậu.

Như một thước phim quay chậm, cô nghĩ về cuộc đời mình trong gần 20 năm qua. Đó là lúc cô nhận ra mọi biến cố trong cuộc đời mình không phải là điều ngẫu nhiên như cô vẫn nghĩ. Và cả khả năng tự chữa lành cho những tổn thương của mình cũng vậy. Người con thứ đã muốn tự định đoạt lấy cuộc đời mình, cô cũng vậy khi cô coi Chúa như người cản trở hạnh phúc của mình. Cô thèm được bay nhảy ngoài vòng tay Cha, nhưng tự do ấy lại biến cô trở thành nô lệ. Hạnh phúc do thế gian ban tặng thì bọt bèo và ma quỷ bủa vây cô. Đã từ lâu lắm, cô không còn giữ thói quen chạy về với Chúa khoe với người về những niềm vui, những thành quả dù nhỏ nhặt trong cuộc sống, hay xin Người giúp cô những lúc khó khăn, bế tắc như ngày còn thơ bé. Vì bây giờ cô tin mình hơn tin Chúa. Cô tin vào chính thân phận mỏng giòn yêu đuối, dễ sa ngã của chính mình. Một ngày, hai ngày, năm năm tháng tháng trôi qua, hôm nay cô giật mình thảng thốt: “Chúa ơi, Chúa đang ở đâu…” Cô gọi Chúa nhưng lại chẳng thể nghe thấy tiếng Chúa vì thực tại, vì cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền ngoài kia đã nuốt trọn lấy cô. Và cô bắt đầu hành trình tìm Chúa, tìm lại chính mình…

Ngày thứ ba, “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi”, cô chẳng nhớ cô đã nói với Chúa câu đó biết bao nhiêu lần. Cô không dám đối mặt với Chúa vì cô không còn là đứa con gái bé bỏng, thánh thiện năm nào nữa, mà lầm lỡ, lỗi tội vô cùng. Ngay bản thân cô còn ghê tởm chính mình, mặc cảm với tội lỗi của chính mình. Có ngưởi bảo: “điểm yếu của Chúa chính là ban cho con người được tự do.” Cô đã lợi dụng tự do đó để đi trên con đường sai trái, thậm chí cô tự bao biện cho tội lỗi của mình. Cô đau đớn nhìn lại cuộc đời mình thấy mình nhơ nhuốc. Nhưng rồi dù cô có thể nào, có hư hỏng đến đâu thì Chúa vẫn ở đó, lặng im. Giữa sự thinh lặng ấy, tiếng Chúa đồ về bên tai cô trong tiếng sóng ngoài trùng khơi: “Con hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Cô gái nhắm mắt để giữ lại dòng nước mặn sắp trực trào. Câu nói của Chúa với người đàn bà hơn hai ngàn năm trước đã đánh động tâm trí của cô gái.

Thì ra sau tất cả Chúa vẫn ở đây chờ đợi con quay về. Ngài có một khả năng quên rất kỳ lạ. Ngài quên hết những lầm lỡ của cô và chỉ chờ đợi cô quay về để ôm cô vào lòng. Chúa Giêsu tha tội cho cô vậy thì tại sao cô lại không thể tha thứ cho chính mình? Và hôm ấy bước lên tòa giải tội, khi cô dừng lại cũng là lúc người linh mục cất tiếng nói. Khi hai tiếng “Con à” cất lên từ tòa giải tội, cô gái trẻ bật khóc. Cô khóc vì cô thấy mình giống như đứa trẻ lông bông, vì sợ bị Cha trách phạt mà trốn bấy lâu nay, mặc cho Ngài mải miết tìm cô. Cô khóc vì chỉ giây phút trước đó thôi cô bước lên tòa khi tự mang lấy cho mình thân phận tội lỗi, nhưng giờ cô là người được an ủi, được yêu. Cô khóc vì cô biết từ nay cô không phải mang lấy cho mình một chiếc mặt nạ khi đến với Chúa nữa. Khi con cất tiếng thân thưa, Chúa đã phá bỏ bức tường lâu nay cản lối cô đi, cởi bỏ cái gông tội lỗi đang đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của cô. Giây phút này cô đắm mình trong tình yêu và ân sủng của Chúa.

Đêm ấy, cô và các thao viên khác cùng thức với Chúa một giờ để tưởng niệm biến cố tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu. Ngọn nến nhỏ trong đêm cùng cô thức với Chúa. Ánh sáng của ngọn nến soi tỏ mọi góc khuất nơi vườn dầu năm xưa, mọi góc khuất nơi tâm hồn khô cằn và trái tim yếu đuối của cô để nhận ra được vẻ đẹp đơn sơ, khiêm nhường, thánh thiện của Chúa Giêsu. Thiên Chúa từ bỏ địa vị cao sang của mình, chấp nhận thân phận con đường thấp hèn xuống thế làm người để mong gần con người, hiểu con người, cứu độ con người. Thiên Chúa là Đấng Thánh, nhưng đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và phục vụ cho anh em mình. Người cúi xuống để con người được nâng lên. Thiên Chúa bị chính người thân phản bội, bị bỏ rơi nơi vườn Ghết-sê-ma-si đến nỗi tâm hồn buồn chết đi được. Và tới tận cùng của đau khổ là con đường tự hủy, con đường thập giá mà Chúa chọn để cứu lấy loài người. Và Ngài khát, khát tình yêu của con người nơi thập tự giá. Cô gái thấy mình giống Philatô vô cảm, tàn nhẫn. Cô thấy mình giống Giu-đa hơn một lần phản bội Chúa vì tiền, tài, danh vọng, nhục dục… Và hơn thế nữa khi chính cô chà đạp lên tình yêu thương mà Chúa dành cho mình. Nhưng, Ngài vẫn yêu cô, yêu đến tận cùng… Cuối cùng, sự khốn khổ đã gặp được lòng thương xót.

Ngày thứ 4, ngày 28/8, sáng nay thức dậy cuộc sống khoác nên một màu khác, đó là cuộc sống mới như lời cha đồng hành nói: “Vui tươi, triển nở, bình an”. Hôm nay cũng là ngày sinh nhật của cô gái, cô như được sinh ra một lần nữa với thân xác cũ nhưng tâm hồn hoàn toàn biến đổi. Không giống như những đứa trẻ khác chào đời cất tiếng khóc, riêng cô khẽ mỉm cười, dù có nhỏ bé đến đâu thì cô vẫn là mảnh ghép của cuộc đời, cô không đặc biệt nhưng cô là duy nhất. Kẻ tội lỗi được Ngài xót thương tự nhận mình là công chúa bé nhỏ của Ngài.

Từ đó cô ý thức được phẩm giá cao quý của mình đó là cô được làm con Thiên Chúa và thân thể mình chính là đền thờ Chúa Thánh Thần để biết trân trọng bản thân, trân trọng những người xung quanh. Biết cúi xuống để lắng nghe lời mời gọi của Chúa nơi những người đang sầu khổ, ngược xuôi. Biết đặt nền tảng đời mình nơi Chúa và hướng ánh nhìn của Chúa vào hành vi của chính mình.

Hơn hai ngàn năm trước hay hiện tại thì Chúa Giêsu vẫn đang đến và hiện diện thân thiết với mỗi người. Như cách mà Ngài đang ân cần dịu dàng với Da-kêu, với Ma-đa-lê-na. Như cách mà Ngài đã thức tỉnh Maria và khai sáng cho Ni-cô-đê-mô. Ngài đang khích lệ mỗi người như khích lệ hai môn đệ trên đường Em mau. Và Ngài yêu con người như đã yêu La-da-rô, Mác-ta… Đó là tình yêu tồn tại bất biến theo tháng năm.

Đứng trên mái đan viện nhìn về phía biển, cô gái khẽ cất tiếng hát bài ca an bình ra đi. Ra đi không có nghĩa là chết, nhưng là ra đi với một quả tim và khối óc mới mà chính Chúa đã ban cho con với tràn đầy tin yêu, ân sủng của người. Cô thấy mình giống con thuyền nhỏ bé ngoài kia, cứ chập chùng khơi xa, con thuyền nhỏ bé leo lét đến những nơi mà nó muốn, làm những điều mà nó thích và nó tin bất cứ ở đâu, khi nào thì bến bờ Giêsu vẫn đang chờ đợi vỗ về yêu thương.

Cái giá của Chúa Giêsu phải trả khi cứu chuộc loài người là sự sỉ nhục và chết đau đớn trên thập giá. Còn cái giá của cô tìm về với Chúa, dù là 400 ngàn hay bất cứ thứ gì thì chắc chắn cô cũng bằng lòng đánh đổi để được ở lại trong tình thương của Ngài.

Con thuyền lại ra khơi…!

 

Một thao viên khóa LTSV Vũng Tàu 2

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Thế giới kịch nghệ đã ảnh hưởng thế nào đến thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

  Từ khi còn trẻ, chàng thanh niên Karol Wojtyła đã bị cuốn hút vào …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *