Cho con thấy Chúa

             “Thiên Chúa ở đâu trong cuộc đời của tôi?”. Có lẽ, đó là câu hỏi mà tôi và bạn  thường hay đặt ra khi chúng ta gặp phải đau khổ, thất bại hay nghi ngờ một điều gì đó về Thiên Chúa. Phải chăng, chúng ta hãy tự vấn chính mình: “Tôi đã làm gì và làm như thế nào để Chúa hiện diện trong cuộc đời tôi? Tôi có sẵn lòng mời Ngài ở với tôi không hay tôi đang cài then đóng chặt lòng mình? Chỉ một mình tôi thôi.”. Thiên Chúa vẫn luôn ở với bạn, và với tôi. Ngài vẫn đồng hành, vẫn đợi chờ và vẫn ở đó.

            Chúng ta vẫn thường nói vui với nhau thế này: khi vui, thành công ta bảo là công sức của ta, do ta làm; còn khi thất vọng, thất bại ta đổ lỗi cho Chúa. Ta chỉ nhận những tốt về mình, còn thất bại đau khổ ta đổ thừa cho người khác, không nhận trách nhiệm về mình. Nó đi ngược lại với lời mời gọi: khi ta vui, ta thành công, ta dâng lời chúc tụng mà tạ ơn Thiên Chúa; khi ta buồn, ta thất bại, ta khổ đau, ta xin ơn Chúa nâng đỡ và ủi an. Chính bởi thái độ “chỉ một mình tôi thôi, chỉ quy hướng về mình” mà chúng ta thường đánh mất đi cơ hội được gặp gỡ với Thiên Chúa. Chúng ta hay loại Chúa ra khỏi cuộc đời của mình, để rồi khi ta cần đến Ngài, ta lại hay trách móc “sao Ngài bỏ con”.

            Chúng ta ít nhiều đã kinh nghiệm được điều này.

            Với một người chưa theo đạo Công giáo, chưa hiểu biết nhiều về Thiên Chúa, thì liệu rằng họ có tin vào Thiên Chúa được không. Với tôi, tôi cho là có.  Họ tin, và diễn tả niềm tin của mình ngang qua đời sống. Họ tin vào một Đấng mà họ gọi là Trời, ông Trời. Họ sống với niềm tin đó cách mạnh mẽ. Chỉ cần niềm tin giản đơn vậy thôi.

            Nói như thế có vẻ lý thuyết, nhưng tôi xin dẫn đây một minh chứng mà tôi cảm nghiệm được rằng Thiên Chúa thực sự hiện diện nơi con người ấy. Đó là một vú nuôi mà tôi thích gọi là ngoại hơn. Ngoại thích phục vụ người khác, muốn là vú nuôi để chăm sóc những người đau yếu, bệnh tật mà không có khả năng tự phục vụ được. Tôi mới chỉ tiếp xúc với ngoại được 2 hay 3 lần tại bệnh viện Ung bướu. Tôi cũng không có nhiều thời gian để trò chuyện với ngoại về tất cả những gì đang diễn ra trong đầu tôi về ngoại. Tôi cho rằng tất cả những gì tôi thắc mắc, tò mò chẳng quan trọng cho bằng việc tôi tiếp xúc, đụng chạm, cầm nắm tay chân bệnh nhân mà động viên, an ủi; và cảm nghiệm cách chăm sóc của ngoại với người bệnh.

            Ngoại là một người theo đạo Phật và có lẽ là một người độc thân. Tôi nghĩ vậy. Ngoại nói với tôi là có một thầy bói nói với ngoại: có một người đàn ông mặc đồ trắng, rất đẹp sẽ luôn giúp đỡ ngoại và cuộc đời của ngoại sẽ tốt đẹp hơn (tôi hơi bất ngờ và bối rối). Trong cách ngoại nói và miêu tả, tôi có thể phỏng đoán rằng: với niềm tin theo cách cảm nhận của ngoại thì đó có thể là một Đấng tốt lành nào đó, cũng có thể là Thiên Chúa chăng. Với ngoại, việc biết chính xác đó là Thiên Chúa hay là đức Phật chẳng quan trọng cho bằng niềm vui mà ngoại cảm nhận được đó là có một Đấng nào đó luôn bên ngoại, giúp đỡ ngoại. Vì thế, ngoại dấn thân vào việc chăm sóc những người già ốm đau, liệt giường hay bệnh tật mà không đi lại được. Ngoại cảm thấy vui và hạnh phúc với công việc đó. Ngoại cảm thấy đây như là công việc được mời gọi và dành riêng cho ngoại.

            Ngoại còn kể cho tôi nghe thời ngoại còn sống ở khu nhà thờ Chí Hoà (chăm sóc người bệnh), ngoại cũng hay “nói chuyện” với Mẹ lắm và ngoại cảm nghiệm dường như Mẹ luôn nhậm lời và nâng đỡ ngoại. Lúc đầu, ngoại ngại và đắn đo không biết có được phép vô trong để cầu nguyện không. Thế rồi có ông từ nhà thờ nói với ngoại là ngoại cứ vô trong mà cầu nguyện, không phải đứng ngoài cửa phía sau hàng rào đâu. Mọi khó khăn, thách thức, hay giản đơn là muốn nói chuyện với Mẹ thôi, ngoại cũng luôn đến với Mẹ. Ngoại kể cho tôi bằng sự chân thành và một sự xác tín với giọng nói đầy hứng khởi và mừng vui. Khi ngoại chuyển đi chỗ khác (chăm sóc người khác), không gần nhà thờ, không còn cơ hội nữa. Nhưng cách nào đó, tôi nghĩ rằng, ngoại vẫn nhớ tới Mẹ và cầu nguyện với Mẹ những lúc ngoại cảm thấy cần sự nâng đỡ, ủi an. Tôi nghĩ rằng, ngoại cũng chẳng nhất thiết phải gia nhập đạo Công giáo. Nhưng ngoại cứ sống với niềm tin giản đơn ấy và nghiệm trong lòng là đã thể hiện lòng tin yêu vào Thiên Chúa rồi mà trong tâm thức của ngoại đó là một Đấng tốt lành, và cả niềm yêu mến với Mẹ Maria nữa.

            Quan sát cách ngoại chăm sóc bệnh nhân, tôi không nghĩ ngoại là một vú nuôi đâu. Thời nay, một vú nuôi như ngoại được kể vào số ít. Bởi ngày nay, người ta quan tâm tới đồng lương mà mình được trả cao hay ít kèm với những điều khoản mà có lẽ sẽ lợi cho họ hơn là tình yêu, sự quan tâm chăm sóc, thậm chí cả sự lo lắng cách tận tình và tận tâm dành cho người bệnh. Lần tôi tới thăm là ngoại đang chăm sóc cho một em, nhỏ hơn tôi ít tuổi. Em bị một khối u lớn trên đầu, và nó làm em phải nằm giường bệnh khi em đang là sinh viên năm nhất đại học. Ba mẹ em ly hôn, và mỗi người đều có hạnh phúc riêng. Em ở với dượng, dượng chăm sóc cho em. Từ khi em bị bệnh, có lẽ chẳng có ai tới thăm em; thậm chí dượng của em còn nói với vú nuôi là đừng cho nó ăn để nó chết, và nếu nó chết thì cũng đừng mang về nhà nhưng hãy mua quan tài và đưa ra Bình Hưng Hoà mà hoả thiêu. Nhưng ngoại không làm được điều này, nó đi trái với lương tâm và những gì ngoại nghiệm thấy trong lòng. Ngoại vẫn chăm sóc, yêu thương, động viên em, không ngại khó ngại khổ, không sợ bẩn. Mọi sinh hoạt của em đều một tay ngoại chăm sóc. Nhiều khi ngoại còn chưa kịp ăn sáng vì còn mải lo cho em từ việc thay tã, vệ sinh cơ thể đến bón thức ăn cho em. Ngoại ưu tiên, lo cho em trước rồi mới lo đến mình. Đồ ăn thức uống của ngoại cũng chẳng có gì là phong phú, bồi bổ, tốt cho ngoại cả; chỉ là những gói ngũ cốc dinh dưỡng hay hộp sữa. Ngoại không lo cho mình nhưng tất cả đều dồn và dành cho em. Bởi thế, em cũng cảm nhận được và đáp lại sự quan tâm của ngoại theo cách nào đó. Riêng tôi, tôi cảm nhận được niềm vui của em và có lẽ đó là khao khát được sống tiếp khi tôi cầm lấy bàn tay em và em cũng muốn nắm giữ mãi bàn tay của tôi. Khi tôi phải nói lời tạm biệt, phải gỡ bàn tay yếu ớt ấy ra khỏi bàn tay tôi, tôi cảm thấy có cái gì đó nhói trong tim, một chút gì đó bàng hoàng, hoang mang và sửng sốt. Tôi cứ nghĩ là sẽ còn cơ hội để thăm em nữa, nhưng em đã mãi ra đi. Lần kế tới mà tôi nghĩ là sẽ được gặp lại em cũng là lúc tôi nhận được cái tin như sét đánh “A, nó chết ngày hôm qua rồi em ạ”. Lời hứa với em “tuần tới anh sẽ lại đến thăm em” chẳng trọn. Nhưng em đã ra đi trong tình yêu thương của ngoại – người luôn bên em, và không bao giờ bỏ em. Có lẽ ngoại còn muốn em sống hơn chính em muốn nữa, để ngoại yêu thương, chăm sóc cho em.

            Cách ngoại chăm sóc, quan tâm, âu yếm, yêu thương em; tôi cảm thấy thật khó tin nhưng rồi tôi cũng phải tin. Không phải tin một cách miễn cưỡng, gượng ép nhưng là tin vì có một Thiên Chúa đang hiện diện nơi con người ấy. Và con người ấy – chính là ngoại đã để cho một Đấng tốt lành nào đó soi sáng, hướng dẫn cuộc đời của ngoại. Ngoại đã mở lòng mình ra để Đấng ấy đồng hành. Ngoại – một con người (có vẻ) xa lạ, chẳng quen biết nhưng lại đem hết tình yêu thương của mình dành cho người bệnh mà mình chăm sóc, phục vụ; chẳng phàn nàn cũng chẳng một lời trách than.

Lạy Chúa,

            có những lúc con thấy

            lòng mình đầy trống rỗng

            sao Ngài cứ lặng thinh

            để mình con chống cự

            không bên con, an ủi

            để mình con thét gào

            cho rách cả tâm can

….

 

            con ơi, Ta ủi an

            ở ngay bên, cận kề

            Ta vẫn chờ, vẫn đợi

            trọn năm canh thao thức

            mong nghe tiếng con chào

            ngóng nghe tiếng con gọi

            trông tiếng con thở than

            chờ tiếng gọi, gõ cửa

            con ơi, Ta ở đây

            bên con và luôn mãi.

Demon

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Làm thế nào để giúp con cái chúng ta tìm thấy ơn gọi của chúng

Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi là cơ hội tuyệt vời để các …

Khóa học: “Tìm hiểu tông huấn niềm vui tình yêu ”

Bạn thân mến! Ai trong chúng ta đều xuất thân từ một gia đình. Dù …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *