Tìm hiểu về Lũy Trường Dục và Đồng Hới

THỬ TÌM HIỂU VỀ LŨY TRƯỜNG DỤC VÀ LŨY ĐỒNG HỚI

(Bà và ông Trần Đăng Đại)

I.       Nguyên nhân xây lũy

Sau khi Nguyễn Uông, anh Nguyễn Hoàng, bị Trịnh Kiểm[1] kiếm chuyện giết đi, Nguyễn Hoàng sợ Trinh Kiểm lại sẽ có ý ám hại mình, mới cho người ra Hải Dương hỏi ý kiến ông Nguyễn Bỉnh Kiêm[2]. Ông ấy bảo rằng “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (một dãy Hoành Sơn kia[3] có thể yên thân được muôn đời nên Nguyễn Hoàng mới nói với chị là Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho vào trấn phía nam.

Năm Mậu Ngọ (1558), Trịnh Kiểm tâu vua Lê Anh Tôn cho Nguyễn  Hoàng vào trấn Thuận Hóa. Từ khi Nguyễn Hoàng về Thuận Hóa rồi, bề ngoài tuy chưa ra mặt chống với họ Trịnh, nhưng bề trong hết sức lo sự phòng bị. Xem như năm Quý Sửu (1613), khi Nguyễn Hoàng sắp mất, gọi người con thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên vào dặn rằng: “Đất Thuận, Quảng này bên Bắc thì có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, bên Nam thì có núi Hải Vân và núi Bi Sơn, thật là một nơi trời để cho người anh hùng dụng võ, vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để mà gây dựng cơ nghiệp về muôn đời”[4]

MiềnNam, tuy có nhiều sông, nhưn sông không giao thông với nhau, lòng sông thường có cồn cát, thuyền bè đi lại hay bị ngừng trệ, cho nên thủy quân không thể bành trướng như ngoài Bắc, có nhiều sông to lại có kinh đào liên lạc. Vì vậy, nhà Nguyễn chú trọng đến việc mở mang lục quân và kiến thiết các đồn ải.

Năm Đinh Mão (1627), Nam Bắc khởi cuộc binh đao. Ngoài Bắc lúc này Trịnh Tráng cầm quyền được rỗi rảnh vì bấy giờ nhà Minh bên Tàu đang chống nhau với nhà Thanh, và họ Mạc ở Cao Bằng đã về hàng nên mới nghĩ tới việc đối phó với miền Nam. Trịnh Tráng sai quân vào Thuận Hóa mượn tiếng vua Lê đòi tiền thuế từ ba năm về trước. Chúa Sãi, Nguyễn Phúc Nguyên, tiếp sứ nhưng không chịu nộp thuế. Trịnh Tráng lại sai sứ mang sắc vua Lê vào dụ Chúa Sãi cho con ra chầu và nộp 30 con voi cùng 30 chiến thuyền để đưa đi cống nhà Minh. Chúa Sãi lại cũng không chịu. Trịnh Tráng thấy vậy, bèn quyết ý đánh họ Nguyễn, sai Nguyễn Khải và Nguyễn Danh Thế đem 5000 quân đi làm tiên phong vào đóng ở xã Hà Trung (tục gọi là Cầu Doanh) rồi đem đại binh, rước vua Lê đi đánh. Các tài liệu[5] đều có chép là vào năm 1627, hai bên Trịnh – Nguyễn dàn quân bên tả ngạn sông Nhật Lệ, tức sông Đồng Hới, giới hạn bởi một bức lũy[6]. Bên Nguyễn, chưa kịp chuẩn bị, nên bị giết hại rất nhiều. Bọn Nguyễn Hữu Dật (miềnNam) vì vậy phải đặt kế phao rằng ở Bắc có Trịnh Gia, Trịnh Nhạc (có họ với Trịnh Tráng) sắp làm loạn. Trịnh Tráng nghe tin ấy trong bụng sinh nghi, không biết thực hư thế nào bèn rước vua Lê và rút quân về Bắc.

Thế là, sau cuộc đụng độ đầu tiên với chúa Trịnh, nhận thấy lực lượng hùng hậu của địch quân, Sãi Vương càng phải nghĩ đến việc phòng thủ cùng là tạo lập thêm đồn lũy ở các nơi hiểm yếu để ngăn quân địch.

“Tại cửa ngõ vào miền Nam và sát cạnh ngay miền Bắc, theo lời linh mục Alexandro de Rhodes, có một hải khẩu thường gọi là cửa Sài[7] là nơi mà các chiến thuyền nhà Trịnh muốn vào đất địch tất phải qua[8]. Cho nên cửa Sài và vùng phụ cận là một nơi hiểu yếu mà người Bắc bao giờ cũng cố gắng để cướp lấy, và người nam bắt buộc phải giữ gìn. Chính trong thời kỳ này Sãi Vương đã cho xây hai lũy Trường Dục và Đồng Hới.

Văn Bia ở đò Cầu Dài[9] đã chép việc này như sau:

“Mùa xuân, tháng hai, năm Canh Ngọ (1630) nhằm năm thứ 17 đời Hi Tôn Hiếu Văn Hoàng Đến (Sãi Vương), nội tán[10] Đào Duy Từ tâu cùng vua rằng: “Phàm mưu đồ sự nghiệp vương bá, cốt yếu là phải tìm cách vạn toàn. Cổ giả có câu: ‘không chịu khó nhọc một phen thì không được thong thả lâu dài, không chịu tốn kém một lần thì không được yên ổn mãi”’[11]. Thần xin đem quân dân hai trấn[12] ra đắp tường lũy, chạy từ núi Trường Dục xuống đến phá[13] Hạc Hải, nhân theo địa thế hiểm yếu mà đặt đồn lũy để củng cố biên phòng, quân địch dù có kéo đến cũng không thể làm gì chúng ta được”. Chúa bèn nghe theo và sai làm ngay lũy Trường Dục[14]

Mùa thu, tháng tám, năm Tân Vị (1631) nhằm năm thứ 18 đời chúa Sãi Vương, Đào Duy Từ lại xin Chúa cho đi xem xét hình thế núi sông[15]. Đến khi về, Duy Từ tâu lên cùng Chúa rằng: “Thần đã quan sát thấy từ cửa biển Nhật Lệ, cho đến núi Đầu Mầu[16]: Ngoài có khe sông chảy trên đất bùn sình lầy, nhân theo đó mà làm hào hố, trong đắp rặng lũy mới thì thế hiểm yếu của nó hơn thập bộ lũy Trường Dục. Chúa Sãi thuận và sai Đào Duy Từ làm[17].

II. Tiểu sử tác giả hai lũy Trường Dục và Đồng Hới, Đào Duy Từ (1572 – 1634)

Trước khi chúng ta xét công trình từng chi tiết một, tưởng chúng ta cũng nên biết qua tay thợ đã dựng nên.

Văn bia ở đò Cầu Dài có chép sơ lược, nhưng ĐNLTTB và ĐNTLTB thì chép rõ ràng hơn và còn cho chúng ta biết thêm nhiều biến cố quan trọng xảy ra hoặc trước hoặc đồng thời với công trình kiến trúc hai lũy .

Đào Duy Từ người làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn (Tĩnh Gia), Thanh Hóa. Thân sinh Từ là Đào Ta Hán, làm nghề xướng ca[18]. Từ sinh ra thông minh đĩnh ngộ khác thường, đã tinh thông kinh sử lại sở trường về thơ văn; ngoài ra lại còn hiểu lõ lý số và binh pháp, binh thư.

Mùa thu năm 1592, Bình An Vương Trịnh Tùng mở khoa thi hương. Từ mới 21 tuổi cũng nộp quyển ứng thí, song quan trường cho là con nhà “xướng ca vô loài” và chiếu theo luật lệ thời đó, không nhận quyển[19]. Nuốt hận, Từ trở về nhà, không nản chí vẫn cố gắng học hành, chờ cơ hội khác lập thân. Khốn nỗi, cha mẹ mất sớm, nhà lại nghèo, không sẵn tiền để tìm thầy học riêng. Mãi sau rồi Từ cũng xin vào học được tại trường Chiêu Văn Quán[20] mở tại Đông Kinh (Hà Nội). Tiền học đỡ phải lo, song lại khổ về thiếu ăn, thiếu mặc. May sao, Từ có bạn kết nghĩa là Lê Thời Hiến (làng Phú Hào, Lôi Dương, Hải Dương), vì quý mến tài đức của Từ mà hết sức tư trợ cho Từ.

Giữa hồi này, đất nước lọt vào thế lực của hai họ: Trịnh ở ngoài Bắc, Nguyễn ở trong Nam, vua Lê chỉ là hư vị. Từ nhận thấy Chúa Trịnh không biết tôn hiền đãi sĩ, lại ỷ quyền lấn áp vua Lê, nên không phục. Lúc ấy, Từ lại được tin con thứ sáu của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên lên kế nghiệp, có lòng thương dân, yêu chuộng kẻ hiền sĩ ,nhiều người hào kiệt đều theo về. Từ bèn quyết chí vào Nam[21]. Ý định này của Từ còn được ghi rõ ở Tang Thương Ngẫu lục trong lời Từ nói với Lê Thời Hiến trước khi chia tay vào nam là: “tôi nghe xứ Quảng-Thuận đất hiểm mà dân giàu, vị chúa ở đấy lại biết đãi người một cách nhún nhường, đó là tư cách của bậc bá vương. Nếu ta đến theo, rồi đem mưu kế thuyết cho họ nghe thì trên có thể làm được như Tề Hoàn, Tấn Văn, dưới cũng không mất cái thế chân vạc…”[22]

Đi hơn một tuần, Từ đến sông Giang (tức Linh Giang) là ranh giới của Nam Bắc. Nơi này canh phòng rất nghiêm mật, Từ phải nghĩ kế dùng ống tre làm phao lội qua sông vào lúc tối trời. Theo Việt nam khai quốc chí truyện, khi vào Nam, Từ đã thăm dò đến nơi dinh thự chúa Nguyễn, xét thấy quả có vượng khí, lòng rất mừng, nhưng Từ cho chỗ này là nơi đô hội, khó lòng phân biệt được kẻ dở người hay, nên Từ bèn đi nơi khác.

Một hôm đến phủ Hoài Nhơn (tức phủ Bồng  Sơn, Bình Định nay), Từ thấy địa thế rất đẹp, phong tục lại thuần hậu nên thác thân vào một nhà giàu[23] làng Tùng Châu[24] ở chăn trâu cho nhà ấy. Một ngày kia, phú gia này bày tiệc rượu hội họp các tay danh sĩ để đánh chén, vịnh thơ cho vui. Từ, chiều hôm ấy dẫn trâu về, bèn cầm roi đứng trước bàn tiệc, cùng các danh sĩ đàm luận cổ kim kinh sử bách gia cùng tam giáo cửu lưu, tất cả thảy đều thông suốt, ai nấy trong bàn tiệc đều kinh. Tiên nhà điền chủ tỏ vẻ mừng vô hạnh, và từ hôm ấy rất trọng đãi Từ coi như khách quý, giữ luôn ở nhà trên để cùng bàn luận về đạo lý, kinh truyện. Nhà điền chủ lại đem chuyện Từ nói với bạn thân là quan khám lý Trần Đức Hòa[25] ở Quy Nhơn, vốn là một trọng thần của Chúa Sãi Vương. Đức Hòa hội kiến cùng Duy Từ, nhận thấy quả Từ là người học vấn rộng, kiến thức nhiều, bèn đãi Từ cách đặc biệt, mời Tử ở dạy học luôn trong nhà và gả con gái cho. Lúc thong thả, Đức Hòa lần dở mấy tập văn của Từ ra xem, đọc tới bài Tư dung vãn và Ngọa long cương thấy từ chương tao nhã, ý tứ cao kỳ, tỏ tý có tài làm cố vấn cho vua không khác gì Khổng Minh Gia Cát Lượng ngày trước, nên nghĩ thầm rằng: “hay trời tựa chúa ta? Trời đã sinh ra minh chúa để trị dân, tất phải có hiền thần lương tướng để giúp nước. Duy Từ này có lẽ là Ngọa Long tiên sinh[26] đời nay của nước nhà chăng?”

Năm Đinh Mão (1627) nhằm năm thứ 14 Hi Tôn – Hiếu Văn Hoàng Đế (chúa Sãi), quân chúa Nguyễn đánh bại binh họ Trịnh ở Nhật Lệ, Đức Hòa nghe tin báo tiệp bèn từ Hoài Nhơn về triều để mừng, khi chúa hỏi han việc dân tình Quảng Nam xong[27], Hòa bèn thung dung rút trong tay áo bài Ngọa long cương ngâm dâng lên chúa và tâu rằng: bài ca này của thầy đồ dạy học ở nhà tôi tên Đào Duy Từ làm ra”. Chúa Nguyễn xem xong, biết người soạn là bậc kinh bang tế thế, lập tức cho đòi vào thử tài và hỏi chuyện. Khi Duy Từ vào thấy chúa Sãi mặc áo lụa trắng, chân đi văn hài xanh, tay chống gậy long trúc, đứng đợi ở cửa dịch mông (cửa bên) thì lùi lại không vào. Chúa Sãi biết ý, tức thời chỉnh nghi áo mão, rồi cho triệu Từ vô. Chúa Sãi hỏi về cách trấn giữ Thuận Hóa, Từ trần thuyết rất minh bạch. Chúa Sãi cả mừng, liền phong cho Từ làm Nha Úy[28] và Nội tán, lại ban tước Lộc Khê hầu, kiêm quản cả việc quân cơ trong ngoài và xét định việc quốc chính.

Biến cố quan trọng sau đây chứng cho ta biết tài năng của Từ:

Năm Kỷ Tị (1629), Trịnh Tráng bàn định muốn vào xâm chiếm trong Nam, bèn sai Nguyễn Khắc Minh mang tờ sắc thư vào tán phong cho Hi Tôn làm Thái phó Quốc công trấn giữ hai xứ rồi giục ngài kíp ra Đông Đô (Hà Nội) để đi đánh họ Mạc ở Cao Bằng. Sãi vương rất lấy làm khó nghĩ. Chúa coi từ sắc thư kia như một việc lăng nhục vì chúa nghĩ rằng: “từ hai mươi năm nay không có lệnh vua mà chúa vẫn cai quản hai xứ và chúa chẳng đã từng đẩy lui đạo binh của vua một lần hay sao?” Phần khác, tuy Chúa thắng trận đầu nhưng chúa không dám chắc sẽ còn chiến thắng được nữa vì binh lính Chúa chưa được thành thạo và trên hết là vì biên thùy chưa được vững chắc.

Chúa bèn hội quần thần để nghị bàn và Duy Từ tâu xin cùng Chúa là nên nhận sắc phong để tránh sự nghi ngờ của chúa Trịnh, rồi khi mà biên thùy đã củng cố chúng ta sẽ trả sắc chỉ. Sãi vương nghe theo, nhận sắc thư, hậu đãi sứ giả, cho về[29].

Chính lúc này, vào mùa thu năm 1630, Đào Duy Từ xây lũy Tường Dục. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì công việc hoàn tất trong vòng một tháng mấy ngày. Lũy xây rồi, Từ vững tâm nghĩ kế trả sắc chỉ. Từ xin Chúa[30] làm một mâm đồng hai đáy, để tờ sắc thư đã nhận năm trước vào giữa, rồi sắp phẩm vật lên trên, cử Văn Khuông[31] trong ty Tướng thần lại làm sứ thần đi tạ ơn, Từ nghĩ sẵn 10 điều vấn đáp để Văn Khuông ứng đối. Tới Đông đô, Trịnh Tráng triệu vào hỏi chuyện Nam Hà, Văn Khuông biện bác không chịu khuất. Trịnh Tráng đãi Văn Khuông rất hậu. Hiến xong mâm lễ vật, Văn Khuông ra nghỉ ngơi ở dịch xá, mưu để cả đồ đạc rương trấp đấy, lẻn xuống thuyền xuôi vềNam. Khi Chúa Trịnh cho soạn phẩm vật thấy mâm hai đáy, lấy làm lạ, sai tách ra thấy có một tờ sắc thư năm trước và một cánh thiệp trên có bốn hàng chữ:

Mâu nhi vô dịch

Mịch phi kiến tích

Ái lạc tâm trường

Lực lai tương địch.

Chúa Trịnh hỏi các đình thần chẳng ai rõ nghĩa bốn câu trên. Sau có quan thiếu úy Phùng Khắc Khoan giản đoán thành câu ẩn ngữ có 4 chữ: Dư bất thụ sắc (tức ta không nhận sắc phong): chữ Mâu mà không có dấu phẩy ở nách là chữ dư; chữ Mịch mà  bỏ chữ kiến là chữ bất; chữ ái mà rụng mát lòng ruột thì còn là chữ thụ; chữ lực hợp với chữ lai là chữ sắc. Hiệp 4 chữ lại thành câu ‘dư bất thụ sắc’. Ai nghĩ nổi mấy chữ này hẳn là bậc phi thường lắm đây! Biết mình bị lừa, chúa Trịnh cả giận cho người đuổi theo bắt Văn Khuông, thì Khuông đã tếch xa lâu rồi. Tráng lại muốn dấy binh vào đánh ngay chúa Sãi thì vừa gặp khi ấy ở Cao Bằng và Hải Dương có giặc, nên bèn thôi đi. Còn Văn Khuông sau khi trở về nam được Chúa Sãi ân thưởng rất hậu. Riêng Duy Từ được khen là Tử Phòng[32] đời nay.

Ngoài bắc chúa Trịnh dò tin biết rõ Duy Từ bày mưu “đố chữ” để trả lại sắc dụ vua Lê, bèn phải thuyết khách đem vàng bạc vàoNamdụ Từ quay về Bắc. nhưng Từ không bao giờ phụ ơn người tri kỷ.

Tương truyền Từ đã mượn lời người con gái tạ lại khách tình để trả lời như sau:

Ba đồng một mớ trầu cay

Sao anh không hỏi những ngày còn không?

Bây giờ em đã có chồng

Như chim vào lồng như cá cắn câu

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ

Chim vào lồng biết thuở nào ra?

Trịnh Tráng đọc bài thơ trên dù đã rõ ý chí của Từ vẫn cứ phái người thuyết dụ hoài. Từ lại phải gửi thêm hai câu thơ để trả lời dứt khoát:

Có lòng xin tạ ơn lòng

Xin đừng đi lại nữa mà chồng em ghen.

Thấy dụ không xong, Chúa Trịnh bèn cho đặt những câu hát để nói khích Từ:

Rồng nằm hồ cạn phờ râu

Mấy lời anh nói, giấu đầu hở đuôi

Rồng khoe vượt gió tung mây

Nào hay rồng đất có ngày rồng tan

Có ai về tới đường trong

Nhắn nhe “bố đỏ” liệu trông đường về

Mãi tham lợi bỏ quê quán tổ

Đất nước người dù có như không?

Từ lại còn lo xa đối phó với cuộc Nam chinh không sớm thì chầy của chúa Trịnh, nên tâu với chúa Sãi ngay năm Canh Ngọ (1630) sai tướng đem quân ra đất Nam Bố Chính chiếm lấy phía Nam ngạn sông Gianh để chống với quân Trịnh và năm sau 1631, ông lại cho đắp thêm lũy Đồng Hới.

Từ giúp chúa Sãi được tám năm thì mất vào tháng 10 năm 1634, thọ 63 tuổi.

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …

Trân trọng hành trình hiện tại để khởi đầu năm mới

  Tôi thích sự khích lệ để thay đổi cuộc sống trong năm mới, nhưng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *