Tìm hiểu về Lũy Trường Dục và Đồng Hới

III. Cách kiến tạo cùng công dụng chiến lược của hai lũy Trường Dục và Đồng Hới

Trên đây là các tài liệu mà các sách đã cho chúng ta biết về tác giả của hai bức lũy. Bây giờ chúng ta thử xét qua về cách kiến tạo cùng công dụng chiến lược của hai lũy.

Như ta đã biết, công nghiệp của Từ chia làm hai giai đoạn. Các tài liệu cho chúng ta biết là lần đầu vào năm 1630, Duy Từ đã đi quan sát địa thế và có kế hoạch xây một bức lũy chạy dài từ chân núi Hoành Sơn thuộc làng Trường Dục đến các đầm lầy trải dài dưới chân cồn cát ở phía Tây. Năm sau, 1631, Từ lại tới xem địa thế một lần nữa, và xin làm thêm một bức trường thành cách cái trước 20 cây số về phương Bắc. Thoáng nhìn vào địa đồ, chúng ta cũng đủ thấy tuy công trình của Đào Duy Từ làm thành hai lần và có lẽ khi làm không phải với một ý định liên tục vậy mà vẫn tạo nên một hệ thống phòng thủ rất hòa hợp với địa thế. (bản đồ)

Lũy Trường Dục hiện còn giữ một ít vết tích, là một rặng lũy lớn bắt đầu từ chân núi đá vôi Chùa Non (Thần Đinh Sơn) dọc theo bờ sông Tào đá (hữu ngạn sông Nhật Lệ) và sông Kiến Giang. Lũy uốn theo tả ngạn sông Nhật Lệ, lên đến làng Quảng Xá sau khi đã kinh qua các làng Trường Dục, Xuân Dục, Cổ Hiền rồi ngoặt đột ngột về phía đông và tới Bình Thôn. Lũy này chống giữ con đường núi và án ngữ địch quân xuôi sông Nhật Lệ xuống.

Lũy dài 2500 trượng (10-12 km), và nơi cao đến 3 thước và chân rộng đến 8 thước. Về cực tây, lũy giáp xóm kho (nơi xưa để chứa lúa cho vua), phía trên là chợ Cộc vụ ruộng Dinh. Lũy này ở chặn vòng trên có xây cất dinh đồn để cho tướng binh trú ngụ, một kho để chứa thức ăn cho lính, theo hình chữ ở trong chữ hồi nên gọi là Hồi Văn Lũy. Năm 1648, họ Trịnh đến xâm lăng, khi ấy Trương Phúc Phấn cùng con là Hùng giữ lũy, binh họ Trịnh không phá nổi nên lũy còn được gọi là Phấn cố trì. (bản đồ)

Bây giờ chúng ta khảo sát qua lũy Đồng Hới. Lũy này được gọi bằng nhiều tên: Cương mục và các tài liệu khác gọi nó là Trấn Ninh Lũy (vì gọi theo tên làng ở về phái cực đông của lũy); Nhật Lệ Lũy (vì nó nằm trên tả ngạn sông Nhật Lệ). Đây vốn là con sông ở phía Nam huyện Phong Lộc 2 dặm, sông rộng 1 dặm rưỡi, dài 90 dặm, có hai nguồn. Phía Tây theo núi An Đại  Trường Môn chảy xuống 9 thác, một nguồn phía nam theo núi Quan độ chảy khuất khúc về hướng đông đến xã Trung Quán Hiệp rồi chảy quanh ra phía bắc đến xã Cổ Hiền, Trần Xá, hội với sông Bình Giang, lại chuyển qua Đông Bắc chảy đến xã Vĩnh Tuy cùng khe Hữu Gia và cảng Hàm Nhược hội lại, rồi chảy về đông hơn 20 dặm đến Cừ Hà chảy ra cửa Nhật Lệ. Nó còn có tên khác là Đồng Hới Lũy, hay có thể là Động Hải, Đồng Hới  hay tệ hơn nữa là Đồng giãn do sự sai lầm của người khắc chữ. Đồng Hới là làng nằm ở địa đầu tỉnh Quảng Bình. Dân gian gọi lũy này là Lũy Thầy vì muốn tỏ lòng trọng vọng Đào Duy Từ là người đã có công đắp lũy (theo văn bia ở đò Cầu Dài). Chữ Thầy viết thành chữ Hán Việt là Sài (nghĩa là củi) cho nên Lũy Thầy đôi khi còn được gọi là Lũy Sầy vì đọc trật. Những nhà truyền giáo thì gọi là bức trường thành của miền Nam, bức lũy ngăn cách hai miền…Thiệu Trị năm 1842 gọi lũy là Định Bắc Trường Thành để kỷ niệm vệc quân Nguyễn toàn thắng quân Trịnh. Dãy Hoành Sơn có một ngọn núi cao tên là Đâu Mâu tỏa làm hai dãy núi trùng trùng điệp điệp: một dãy chạy thẳng đến sông Nhật Lệ về địa phận tỉnh Văn La (Cẩm La) gọi môn na là Cồn Hàu; còn một dãy kéo dài xuống mé bể cách khoảng 15 cây số về phía Bắc tới làng Phú Hội, tên thông thường là Kẻ địa. Hai dãy núi tỏa hình như một càng cua vây bọc một cánh đồng bán nguyệt, lầy lội, binh mã không qua lại được, nhất là về mùa đông, nước đồng ứ trệ. Năm 1631, Đào Duy Từ dùng quân sĩ và dân phu đắp Trường Lũy (Lũy Nhật Lệ).

Lũy bắt đầu từ cửa Nhật Lệ vòng xuống Nam, rồi kéo dài sang Tây cho đến sát dãy Hoành Sơn. Lũy cao một trượng năm xích (khoảng 6 m); mặt ngoài lũy chôn kè bằng gỗ lim, mặt trong đắp đất thành năm cấp, voi ngựa đều có thể đi được. Lũy dài trên 3000 trượng, nghĩa là hơn 30 hải lý. Cứ 3 hay 5 trượng (khoảng 12 hay 20 thước) thì lại xây một pháo đài trang bị súng lớn, cứ một trượng lại đặt một khẩu súng Khóa Sơn. Hơn nữa, lại có nhiều ụ thuốc súng và đạn.

Đây tức là một biên phòng kiên cố ngăn cách giữa hai cõi Nam – Bắc. Tầm quan trọng và hiểm trở của Lũy Thầy cũng đã được ghi rõ trong tục ngữ, ca dao đương thời:

Thứ nhất thì sợ Lũy Thầy

Thứ nhì sợ lầy Võ Xá[33]

Đại Nam nhất thống chí đã dịch ra Hán văn như sau:

Nhất khả kỵ hề Đồng hải Trường Lũy

Nhị khả kỵ hề Võ Xá Ne điền.

Hoặc là: Có tài vượt nổi sông Gianh, dẫu thêm hai cánh Trường thành khó qua.

Quân địch từ Bắc xuống Nam tất phải theo hai đường: về phía đông dọc theo bể tức là đường cái quan; về phía tây là đường núi hiểm trở khó trèo. Còn ở giữa thì đồng bằng Đồng Hới lầy lội không thể qua được. Lũy Đồng Hới là một trở lực cho quân miền Bắc không thể theo đường bộ xuống miền Nam.

Bây giờ chúng ta thử theo gót quân địch để xét công dụng của Trường Lũy. Giả thử rằng quân Trịnh đã đoạt được tất cả các trạm phía Bắc của lũy Đồng Hới, họ sẽ tiến xuống bằng hai đường: đường thủy và bộ. Họ thường tấn công vào cuối Đông hay đầu Xuân. Khi ấy, không còn bão lớn hay mưa to mà lại có gió mùa Đông Bắc rất tiện cho việc xuôi thuyền từ Bắc vào Nam. Thỉnh thoảng, họ cũng theo vừa đường bộ (đường núi) vừa đường thủy, nhưng thường thì họ tập trung lực lượng tại cửa sông Nhật Lệ, rồi phối hợp tấn công hai mặt thủy bộ. Nhưng trên bộ họ sẽ gặp lũy Đồng Hới và Lũy Trường Sa (lũy này do Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật người gốc Thanh Hóa xây dựng năm 1633 trên bãi bể giữa cửa Đồng Hới và Cửa Tùng để trợ lực phòng thủ cho lũy Đồng Hới. Lý do để phòng khi quân địch không đổ bộ ở hải khẩu Nhật Lệ mà theo đường thủy xuống phía nam, đặt chân lên bãi biển ở phía Bắc cửa Tùng rồi đánh dồn quân Nguyễn từ nam ra bắc. Quân Nguyễn lúc ấy sẽ bị mắc kẹt giữa lũy Đồng Hới và quân Trịnh).

Dưới nước, họ sẽ gặp thủy quân nhà Nguyễn được sự trợ lực của cửa sông Nhựt Lệ có đóng cọc và chăng dây sích. Chiến thuyền của họ vì thế không dễ gì từ ngoài khơi đột nhập được vào. Nhưng nếu họ đánh thắng, họ sẽ theo dòng Nhật Lệ ngược lên hợp cùng với bộ binh, vượt qua lũy Đồng Hới theo đường cái quan kéo xuống phia nam. Nơi đây, họ sẽ gặp một đồn binh hiểm yếu ở giữa thành Quảng Bình thuộc địa phận xã Võ Xá ngày nay. Đồn binh này rộng tới vài cây số lại có nhiều quan ải phòng thủ về mặt bắc và nam. Năm 1648, quân Trịnh đã chiếm được Dinh Mười và lũy Đồng Hới, tuy vậy họ vẫn chưa toàn thắng vì chưa chiếm được hẳn cả miền nam, do lẽ ở phía Tây còn có Lũy Trường Dục, là một trở lực nữa cho việc thống nhất sơn hà. Xem như thế thì những cơ quan phòng thủ của Đào Duy Từ ăn khớp với nhau, cho nên dù quân Trịnh có thắng được nhiều trận lẻ tẻ, cuối cùng vì gặp những đồn lũy miền Nam, công cũng thành như “dã tràng xe cát”. Và nếu họ Nguyễn vẫn được riêng biệt một cõi sơn hà cũng là do phần lớn công tận tụy của Đào Duy Từ vậy.

Tuy nhiên, đến năm 1885, một đạo binh Pháp theo tiếng kèn, nhịp trống rầm rộ kéo vào thành Đồng Hới như vào chốn bình địa không người. Lấy sức chọi sức thì được, chứ lấy sức chọi với văn minh cơ giới tối tân thì không còn thành vấn đề nữa.

 

Từ đó, Trường Lũy và thành Đồng Hới, oanh liệt một thời, không còn công dụng gì trong việc chiến thủ. Đá gạch cứ dần dần từ biệt cố lũy để dùng vào việc xây cất các dinh thự quan trọng và ích lợi cho đương thời, và theo thời gian, ruộng dâu hóa bể, Trường Lũy Đồng Hới nay chỉ còn là một cái tên không, dù rằng xưa đã từng đóng một vai trò quân sự lớn lao trong lịch sử hai triều Nam Bắc.


[1] Trịnh Kiểm là con rể Nguyễn Kim, vợ là Ngọc Bảo, anh rể Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng.

[2] Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan nhà Mạc, được phong là Trình Quốc Công cho nên mới gọi là Trạng Trình, sau về trí sĩ ở làng Trung An, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương.

[3] Hoành Sơn là dãy núi ngang. Đầu niên hiệu Gia Long đặt dinh Quảng Bình lấy núi này làm giới hạn: nửa núi ra phía Bắc thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nửa núi vào phíaNam  thuộc tỉnh Quảng Bình (Dẫn theo Đại Nam Nhất Thống chí. Tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình, do Tu Trai Nguyễn Tạo dịch,Saigon, Nhà văn hóa, bộ Quốc Gia giáo dục xuất bản, 961, tr. 118).

[4] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử lược,Saigon, Tân Việt, in lần thức năm, 1954, tr. 293-294.

[5] Cương mục, q. XXXI, tờ 23; Thực Lục, q. II, tờ 11a; Liệt Truyện, q. II, tờ 3a.

[6] Bức lũy này chỉ là một tác phẩm tạm thời và không quan trọng vì tất cả các công trình phòng thủ kiên cố như lũy Trường Dục hoặc Đồng hới do Đào Duy Từ xây dựng đều thành hình sau trận chiến năm 1627 là trận giao phong đầu tiên giữa hai họ Trịnh – Nguyễn.

[7] Cửa Sài tức là cửa sông Đồng Hới.

[8] Trong Tunchinensis historia libri duo…. II, P. 32-33 Authore P. Alexandro de Rhodes; dẫ thoe L. Cadiere, Le mur de Đồng Hới, Etude Sur L’establissement des Nguyễn en Cochinchine; in: BEFEO, Tome VI, 1906, p. 131.

[9] Văn bia ở đò Cầu Dài do Thiệu Trị cho dựng lên năm 1842.

[10] Nội tán: chức nội tán không thấy ghi trong quan chế đời các chúa Nguyễn. Song xét theo mạch văn trong ĐNTLTB, q. 2, tờ 25, ghi là Nội Tán Đào Duy Từ, ta có thể thấy rằng chức nội tán là một chức riêng mà Chúa Sãi đặc ban cho Đào Duy Từ.

[11] Nguyên văn là: Bất nhứt lao, bất cửu dật, bất tạm phí, bất vĩnh ninh.

[12] Trấn: Văn bia Đò Cầu Dài và ĐNTLTB, q.II, tờ 1a chép là Trấn. Nhưng Liệt Truyện chép là xứ, thì sát hợp hơn, vì danh xưng thời bấy giờ vẫn gọi Nam Hà là xứ.

[13] Phá: Hồ lớn, cửa ăn thông ra biển, những lúc hạn hán, có khi cạn, nước thường mặn.

[14] So sánh với ĐNTLTB, q. 2, tờ 15b, 16a và ĐNLTTB, q3, tờ 13ab, chúng ta thấy văn bia khác rất ít và có chỗ chép giống Thục Lục, có chỗ lại chép giống Liệt Truyện.

[15] Theo Đại Nam thực lục tiền biên, q 2, tờ 20a chép là Đào Duy Từ vâng lệnh Chúa Sãi cùng đi với Nguyễn Hữu Dật trong công việc này.

[16] Đầu Mầu là tên gọi thông dụng, nhưng sách chép là Đâu Mâu. Đại nam Nhất Thống Chí do Tu Trai Nguyễn Tạo Dịch giải thích như sau : Núi Đâu Mâu ở phía Tây huyện Phong Lộc 22 dặm, tọa lạc xã Lệ Kỳ. Núi gò trùng điệp, cây cối sầm uất, hùng vĩ, mỏm nhọn, hình núi như mão đâu mâu (mão của chiến tướng, xưa gọi là mão trụ, đời Tần gọi là Đâu Mâu, xưa làm bằng da, sau làm bằng sắt) nên gọi tên ấy. Tục truyền bên núi có giếng, ở trong giếng có con cá kỳ dị, chân núi gối sông Nhật Lệ, hay sinh cua đá.

[17] Trong bài: Một nhà thơ Lục bát cổ nhất, Đào Duy Từ (1572 – 1631) sinh bình và văn thơ, giáo sư Phạm Văn Diêu đã viết: Chúa Sãi rất lấy làm khó mà không nghe theo, Duy Từ bèn xưng bệnh, mượn lời ngâm vịnh để khuyên răn, từ ý rất khẩn thiết. Và chú thích cùng dẫn giải rằng : Trong Việt Hán văn khảo, ông Phan Kế bính có chép một bài thơ Đường luật bát cú của Đào Duy Từ : Nhà là lá, cột là tre và cho là có « chủ ý cốt nói cảm động lòng Chúa ». Ta nay xét từ ý bài thơ ấy :

Nhà là lá, cột là tre,

Ngày tháng an nhàn được chở che

Màn vải thưa giăng ngăn muỗi bọ

Giâu cây kín đáo giữ ong ve.

Cơm ba bữa chuộng rau cùng muối

Thú bốn mùa ưa rượu với chè

Muôn việc thỏa tình chăng ước muốn

|Ước tôi hay gián chúa hay nghe.

Thì thấy rất sát hợp với hoàn cảnh trên, nên có thể tin chắc rằng bài Nhà là lá, cột là tre ắt làm trong giai đoạn này.

Theo ông Khái sinh Dương Tụ Quán, trong Sách Đào Duy Từ tiểu sử và văn thơ, sách đã dẫn thì bài trên làm ra sau khi lũy Trường Dục đã hoàn thành và trong trường hợp Từ yêu cầu Chúa Sãi tiến quân đánh Trịnh và vì lẽ không được toại nguyện nên mới soạn ra bài thơ ấy.

Ta không rõ soạn giả đã căn cứ vào đâu và chép thế. Tuy nhiên có điều chắc chắn là ta không thấy  ĐNLTTB cũng như ĐNTLTB, tức những bộ sử chúng, đáng tin cậy hơn cả, đều không đả động gì đến việc ấy. Vả chăng, từ ý bài thơ lại không liên hệ gì với việc đánh Trịnh, nó chưa phải là một tâm lý thiết tha của Từ lúc bấy giờ. Điều nhận xét này càng làm cho luận điểm trên vững chắc hơn.

[18] Hán, do chân Quản Giáp trong nghề hát, thăng dần lên chức Linh Quan, coi đội nữ nhạc trong nội khoảng triều Lê Anh Tông.

[19] Sách Việt Nam khai quốc chí truyện của Bảng Trung Hầu Nguyễn Khoa Hiêm chép rằng: Quan trường xét ra Từ là dòng dõi phường chéo, chiếu trong lề luật không được ứng cử, bèn không nhận quyển, bắt phải trở về với cái nghề « vô loại ».

[20] Về triều Hậu Lê, có lệ con của các quan to đều là Chiêu Văn Quán học sĩ như kiểu các ấm sinh dưới triều Nguyễn. Chức Linh quan của thân sinh Từ có lẽ cũng là quan to, nên Từ mới được theo học trường này chăng ?

[21] Trường hợp Đào Duy Từ có thể xem như là trường hợp điển hình cho ta thấy rõ chính sách dùng người của các chúa Nguyễn để xây dựng, củng cố vùng Nam hà mà chống với họ Trịnh ở Bắc Hà. Chính sách ấy là chính sách chiêu hiền, trọng sĩ, kêu gọi những kẻ bất mãn với triều đình họ Trịnh. Những người bị miền Bắc ngược đãi và khinh dễ thường rất hăng hái đi vào Nam để tìm đường tiến thân, tận tâm phục vụ cho chúa Nguyễn báo thù lại họ Trịnh.

[22] Xem bản dịch Tang thương Ngẫu lục của Trúc Khê, Hà Nội, Tân Dân, 1943, tr. 44-45.

[23] Có sách chép nhà giàu này họ Lê.

[24] Thuộc phủ Hoài Nhơn, tức phủ Bồng Sơn, tỉnh Bình Định bây giờ.

[25] X. ĐNLTTB, q. 3 tờ 9 10. Tóm lược: Trần Đức Hòa là người phủ Bồng Sơn, Bình Định. Đời tổ là Trần Ngọc Trà làm quan nhà Lê được tặng vinh lộc đại phu. Cha là Trần Ngọc Phán, thời nhà Lê làm chức phó tướng Quảng Nam dinh. Hòa vốn người hào mại, do con nhà tướng mà được bổ làm quan, làm đến chức Cẩm y vệ đô chỉ huy sứ thị vệ sự có quân công. Hòa được phong làm Quy Nhơn khám lý công quận và được Sãi Vương tín nhiệm. Khi mất, Hòa được phong làm Phúc thần, dần Bồ đề lập đền thờ tự rất trọng vọng.

[26] Tên tự (hay tên hiệu) của Khổng Minh, bậc quân sư nổi tiếng của nhà Thục đời Tam quốc bên Tàu. Trước Khổng Minh ẩn cư trong một túp lều nhà tranh trên núi Ngọa Long (nghĩa là con rồng nằm) sau Lưu Bị  đến thỉnh ba lần mới chịu ra giúp nước.

[27] ĐNTLTB, q. 2, tờ 11-12.

[28] Một chức quan trọng yếu trong bộ máy hành chính của chúa Nguyễn đứng đầu cơ quan chăm nom, coi sóc việc lễ nghi, tế tự, việc quân lương ở triều gọi là Lịch sử tư. Trong nước, ở kinh đô có một lịch sử tư và ở toàn cõi Gia Định cũng có riêng một lịch sử tư. Ngoài ra còn có một cơ quan  gọi là Nội lịnh sử tư (hay tí) coi việc thuế khóa (chuyên về thuế điền thổ), một cơ quan gọi là Tả lịnh sử tư và một cơ quan nữa gọi là Hữu lịnh sử tu coi việc thu thuế sai dư tiền (một loại thuế thân). Năm 1617, cơ quan Nội lịnh sử tư còn có nhiệm vụ quản lý những kho hàng hoàng cung tức là đồ gia. Do đấy, ta có thể thấy rõ chức Nha Úy đứng đầu các cơ quan này thực là hệ trọng.

[29] Theo Thực Lục, q2, tờ 13 – 14 và Liệt Truyện, q.III, tờ 12.

[30] ĐNTLTB q2, tờ 16.

[31] ĐNTLTB, q2, tờ 16.

[32] Tử Phòng là tên tự của Trương Lương, quân sư của hán Cao Tổ, đã giúp vua Cao Tổ thống nhất nước Tàu và lập nên cơ nghiệp nhà Hán.

[33] Võ Xá là một xã thuộc huyện Phong Lộc, có nhiều bùn lầy rất sâu.

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …

Trân trọng hành trình hiện tại để khởi đầu năm mới

  Tôi thích sự khích lệ để thay đổi cuộc sống trong năm mới, nhưng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *