Tin Mừng cho người lao động trên công trường

Tin Mừng cho người lao động trên công trường

Vừa tảng sáng, gia chủ đã ra mướn thợ vào làm việc

Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra

Khoảng giờ thứ sáu rồi giờ thứ chín

Khoảng giờ mười một :”Cả các anh nữa, các anh hãy đi làm vườn nho cho tôi”

Chiều đến,

Những người mới vào làm giờ thứ mười một lãnh được mỗi người một quan tiền,

Những người vào làm việc trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền, cằn nhằn gia chủ, chủ trả lời :

“tôi đâu có xử bất công với bạn, tôi muốn cho người vào làm sau này cũng được bằng bạn…hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức”.(x.Mt 20)

Phải chăng ông chủ lạ đời này chỉ gặp thấy ở trong Tin Mừng ?

Một ông chủ hào phóng như vậy dễ chi gặp được trên thế gian này!

Nhưng ông chủ trong Tin Mừng cũng là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, để những con người đang trong cảnh lang thang cơ nhỡ có được chỗ làm trong vườn nho của người, và những người bơ vơ lạc lõng luôn gặp được những bàn tay ấm áp, giầu lòng xót thương, nơi phố chợ, hay trên công trường giữa núi rừng heo hút.

Những sứ giả Tin Mừng, những người kể chuyện Giêsu thường kể về Thiên Chúa ở cùng chúng ta, chuyện được kể từ giữa công trường hay như lúc này đây, trong căn chòi giữ lúa của người dân tộc Bana, chúng ta hãy nghe một trong những ngưởi được sai đến vùng đất này kể lại cho ông bố ở nhà :

“…Bố còn nhớ cô gái có lần nói chuyện với bố qua điện thoại , gọi Bố là ông nội, Bố nhớ không.

Vâng cô ấy tên là Dung, chúng con thường gọi là Dung bánh mì. Dung năm nay 28 tuổi, có một tuổi thơ không lành lặn: Mẹ thì cờ bạc,  ngồi tù rồi, bố thì rượu chè, lăng nhăng, lang thang đâu trong Saigon ấy ; còn lại Dung với người em gái nhỏ tên Thương, hai chị em sống nương tụa vào nhau bằng nghề…. Mười mấy năm lăn lóc qua các tay anh chị ở các bãi đào vàng, mưa dập, gió vùi thân xác tả tơi.

Rồi đến một ngày công trình thủy điện An Khê xây dựng ở đây. Cô được nhận vào làm công nhân phổ thông, công việc chính là đào mương, kéo cáp, phóng tuyến và các việc dùng đến sức người. Công việc này rất nặng nhọc nhất là đối với phụ nữ, nhưng ngoài việc này ra cô ấy đâu có biết làm gì khác nữa. Con đã gặp cô ấy trong hoàn cảnh đó : đôi tay rướm máu vì kéo cáp, chiếc quần jean xơ xác vì phải lội rừng, nhưng đau đớn và khổ cực vẫn không ngăn được tiếng cười giòn giã của cô gái hoàn lương thoát lên giữa đại ngàn, những lúc ngồi lặng lẽ một mình, cô thầm gọi tên Giêsu, Danh Thánh trào lên từ sâu thẳm cõi lòng như nhận chìm cô trong bản tình ca bất tận.

Mỗi khi chúng con có dịp ngồi lại với nhau là chia sẻ cho nhau giọt đắng giọt bùi, tâm tình kết thành tâm nguyện : “lạy Cha chúng con ở trên trời…”.  Từ đó, chúng con trở thành anh em, mỗi lần con lên đội khai thác là mỗi lần cô kể cho con nghe trăm thứ chuyện buồn vui, chuyện người dân tộc ở Kontum đến đây chia sẻ lời Chúa, chuyện anh em sống với nhau thân thiết, bớt nói bậy, bớt phá phách.

Cho đến một ngày chị em cô đòi con đưa về An Khê gặp cha xứ, chiều lòng hai người, con đã đưa về, và ở đây các cô đã xin xưng tội, rước lễ, dốc lòng dâng trọn cuộc đời để Chúa dẫn đưa

Trở về lại với núi rừng trong bóng dáng của một con người mới, cô là người bạn đồng hành cùng con trên con đường loan báo những điều kỳ diệu Chúa đã làm giữa anh em. Bây giờ cô không còn là công nhân nữa. Con đã dùng số tiền Bố dành dụm cho con để sắm cho cô một chiếc xe bán bánh mì ở cổng công trường, cũng đắp đổi qua ngày, Bố a. Còn em gái cô thì vào làm công nhân. Sóng gió đã qua rồi phải không Bố ?

Thế nhưng chính lúc cô cảm nghiệm được đôi tay trìu mến của Thiên Chúa thì cũng là lúc đôi tay ấy như muốn đem cô ra khỏi cõi trần này, có phải tại vì Người không muốn mất cô một lần nữa, có phải tại vì người muốn những nhịp đập của trái tim đang rung lên lời kinh cám mến mãi mãi nguyên vẹn như hôm nay ? hay ngược lại để cô nắm chắc lấy Chúa vì cõi phúc trên đường trần được mấy thuở.

Giờ này con đang ở trong căn chòi giữ lúa của đồng bào dân tộc Bana, bên ngoài trời mưa lớn lắm. Chúng con có 7 người đó là: Lê Dũng, thầy Xuân và các em hoc sinh dân tộc và 2 chị em Dung bánh mì,  Bố ơi, mới có một tuần xa công trường mà chuyện xảy ra vượt quá sức tưởng tượng của con, giờ thì cô đang nằm bẹp đây này, người xanh xao, gầy guộc, đôi mắt trũng sâu hốc hác. thều thào không nói lên lời, chỉ chớp mắt ra hiệu mà thôi. Khỏe mạnh, đẫy đà là như vậy mà sau một tuần giờ chỉ còn xác ve. Thầy Xuân đã cùng mấy anh em đưa Dung đi bệnh viện, bệnh viện trả về kèm tờ giấy xét nghiệm của bác sĩ cho biết bệnh nhân nhiễm độc thủy ngân trong máu. Thì ra là như vậy, suốt thời gian đi đào đãi vàng, Dung đã dùng thủy ngân để tách vàng.

Mưa ở đây càng ngày càng dai, con về đến nơi là theo Lê Dũng vào gặp ngay. Bố biêt Dung hỏi con điều gì không? Dung thều thào hỏi Bố có gặp nội không? Nội có về không hả Bố? Con muốn cảm ơn nội !. Thật ngỡ ngàng phải không Bố, hôm con đi cô ấy biết con về gặp Bố chỉ có vậy thôi. Bố ơi, con lúng túng không biết trả lời sao đây,  sau một hồi định thần, con nhìn thẳng mắt Dung và nói : con gái hãy tạ ơn chúa, nội không về được, nhưng đã có chúa lo cho con. Dung cười nhẹ và nói như quả quyết : Con tin là Chúa không bỏ rơi chị em con. Nói xong, đôi dòng nước mắt lăn dài trên gò má xanh xao. Chúng con lặng đi vài giây, Dinh Puk, một em học sinh dân tộc lắc nhẹ tay con và hát “Tôi chọn Giêsu là nắng, là mưa, là cây xanh, là đất trắng”. Tiếng hát chưa tròn của các em dân tộc hòa vào tiếng mưa rừng, rung lên trong tim con lời kinh tạ ơn : TẠ ƠN CHÚA ĐẾN MUÔN ĐỜI. Con nhìn Dung, khuôn mặt thanh thản, toàn thân như chìm sâu theo lời ca, con nhắc nhỏ : Dung con, với trọn tình con thảo, hãy nói với Thiên Chúa là Cha của con : Cha ơi, con là Dung, con của Cha, lúc này đây con chỉ ao ước một điều là vâng theo ý Cha.

Rời căn chòi nhỏ, về lại công trường, con đem chuyện Dung ra kể cho mọi người, sau đó lãnh đạo gọi con lên, trao cho con giấy bảo lãnh của công trường để trình cho cán bộ trại giam xin cho mẹ của Dung được về thăm con ít giờ, lại một chuyện vượt quá mơ ước của con, và còn hơn thế nữa, lãnh đạo cho con nghỉ 5 ngày để lo cho Dung đi bệnh viện Qui Nhơn, và từ Qui Nhơn, mẹ của Cha Phục và ông Bác anh của cha Đông sẵn sàng chăm sóc cho Dung.

Bố ơi, bố thấy không, khuôn mặt của con trai bố nhạt nhòa trong nước mắt, đúng rồi, Dung ơi, con đã tin và con đã thấy, Chúa không bỏ rơi chị em con.

Trên kia con có nhắc tới Lê Dũng, vâng, anh, một công nhân bậc 4/5 thợ điện, cuộc sống Dũng khá sỏi đá, cộc cằn, không ai biết Dũng có bao nhiêu con và vợ ở đâu. Chỉ biết anh ở Đà Tẻ, Lâm Đồng, một con người lầm lì ít nói cũng chẳng ai biết anh là người có đạo hay không. Mấy ngày qua, ngoài giờ làm việc ra, anh chỉ coi bộ phim “Chú heo con chăn cừu”, anh coi đi coi lại , vốn ít nói lại càng ít nói hơn, thế rồi vào một buổi tối  tự nhiên anh biến mất, không xin phép không báo cho ai. Quần áo tư trang anh gói ghém cẩn thận rồi mang lại trước cửa phòng con để. Mọi người đang băn khoan không biết lí do gì. 8 giờ sáng hôm sau con nhận được điện thoại thì ra anh đã trở lại nhà ở Đà Tẻ-Lâm Đồng. Anh cho biết anh thấy rất hối hận khi bỏ vợ và 2 con đi làm ăn mà không có trách nhiệm.

Anh chính là Gioan Baotixita Lê Dũng, gốc Lộc Phát, lấy vợ ở Đà tẻ. Sau khi có hai mặt con, anh theo bạn bè ra đi làm ăn.từ đó đâm bê tha. Khi coi bộ phim chú heo con chăn cừu, anh chợt nhận ra điều mà bao lâu nay anh vẫn chôn chặt trong lòng. Hôm nay trở về gia đình anh muốn xin làm hòa cùng bố mẹ, vợ con. Chị Dũng vợ anh đã khóc trong điện thoại, xin chúng con đừng đuổi việc anh ấy. Thật bất ngờ phải không bố? Thật lòng con không tự tin ở bản thân mình nhưng việc Chúa làm sao con hiểu nổi. Một con người gai góc lạnh lùng, vậy mà từ chuyện phim “chú heo chăn cừu”, Đấng đến để trao ban nước hằng sống đã làm trào lên từ chốn thâm sâu lòng anh mạch nước : anh được tưới mát,  tưới mát gia đình và tưới mát cuộc đời. Cũng từ ngày đó, chúng con sát cánh bên nhau, ở đâu và làm gì thì cũng là để kể chuyện Giêsu, cho các bạn công nhân đang có mặt trên khắp công trường và giữa đại ngàn.

VÂNG, VÌ DANH NGƯỜI LÀ THÁNH

08.07.2011

MMsj

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *