Tính hiện sinh trong các bức họa thời Phục Hưng

Trần Gia Bảo, S.J. biên soạn

Thời Phục Hưng được biết đến như là thời kỳ làm sống lại những tinh hoa văn hóa Hy La cổ xưa. Đây là thời kỳ chủ nghĩa nhân văn được phát triển mạnh mẽ ở Âu châu và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng khá mạnh mẽ là nghệ thuật. Vì thế, giai đoạn này có một bước chuyển mạnh mẽ từ nghệ thuật chủ yếu mang tính chất tôn giáo và thánh thiêng sang một nền nghệ thuật có sự pha lẫn giữa tính thế tục và quy nhân trong khi vẫn giữ chiều kích tôn giáo, bởi tôn giáo dù bị suy yếu nhưng vẫn còn có những ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội bấy giờ. Chủ đề của các tác phẩm hội họa trong thời kỳ này tuy được chứa đựng trong bối cảnh tôn giáo nhưng chất chứa những chi tiết hiện hiện sinh đáng chú ý. Phần trình bày dưới đây không nhằm tìm hiểu tất cả các nét hiện sinh hay tất cả các bức họa thời Phục Hưng ở châu Âu, nhưng mong đưa ra có một cái nhìn khát quát về quan niệm của các họa sĩ, đối với sự vật hiện tượng được thể hiện qua các bức tranh. Theo đó, nội dung bài viết này bao gồm hai phần: trước hết là khái quát về hội họa thời Phục Hưng với việc tìm hiểu thuật ngữ ‘Phục Hưng’, các giai đoạn phát triển của thời kỳ này, các trường phái và các họa sĩ nổi tiếng; sau đó là những ví dụ minh họa những nét hiện sinh trong các bức họa thời phục hưng: chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa nhân văn và tính tôn giáo.

Thuật ngữ “Phục Hưng”

Thuật ngữ Phục Hưng – Renaissance, theo nguyên nghĩa, có nghĩa là sự tái sinh, là làm sống lại một điều đã có ở quá khứ. Tuy nhiên, đúng hơn thuật ngữ Phục Hưng nên được hiểu là một sự hồi sinh kết hợp với những sự đổi mới, bởi lẽ dòng chảy của các điều kiện lịch sử luôn luôn làm công tác “ôn cố tri tân” theo cách riêng của nó. Nói cách khác, điều này có thể thấy ở hai thuật ngữ vốn gần gũi và song hành: về nguồn và sáng tạo. Theo nghĩa đó, thời kỳ Phục Hưng được xem là thời kỳ trở về với tinh hoa Hy Lạp và La Mã cổ xưa, kết hợp với những khám phá mới của thời đại, ví dụ: trong lĩnh vực hội họa, các họa sĩ sử dụng chất liệu màu, các phương pháp thấu thị, ánh sáng và hình chiếu của nhân vật, phối cảnh, sự cân đối của bức họa, kỹ thuật tinh vi hơn của nét cọ… Bởi sự kết hợp này, hội họa thời Phục Hưng đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị xuyên thời gian, làm thán phục các khán giả hiện đại.

Cũng như nhiều giai đoạn lịch sử hội họa khác, thời Phục Hưng có thể được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn đầu (1400-1500) và giai đoạn đỉnh cao (1500-1600). Nghệ thuật thời Phục Hưng được xem là sự tiếp nối sự phát triển của nghệ thuật Gothic (1250-1400) ở ba nét: tính tự nhiên, tính cổ xưa, và tính tôn giáo. Giai đoạn đầu của thời kỳ Phục Hưng được xem là giai đoạn mày mò để tái khám phá nền văn hóa Hy Lạp, La Mã cổ xưa và các kỹ thuật trình bày trong lĩnh vực hội họa.

Vào giai đoạn hoàng kim, sự phát triển của hội họa bước lên một tầm cao mới bởi sự kết hợp có khuynh hướng vị tri thức của các họa sĩ trong nhiều lĩnh vực như thần học, triết học, nghiên cứu điển tích, thiên nhiên, khoa học, giải phẫu hình thể, để từ đó tạo nên những công trình đồ sộ và phức tạp. Chúng ta có thể nói rằng sự phát triển của thời kỳ Phục Hưng khởi đi từ một cái nhìn của triết học về những giá trị của những nền văn hóa thịnh vượng trong quá khứ kết hợp với những cái nhìn mới mẻ về sự vật hiện tượng trong khoảnh khắc hiện tại của dòng thời gian.

Các trường phái và các bậc thầy

Mặc dù từ “Renaissance”, một từ tiếng Pháp, được công nhận như tên gọi đặc thù của giai đoạn mỹ thuật này, nhưng phải kể đến trước tiên trong mỹ thuật Phục Hưng các họa sĩ Ý. Các thành phố lớn và quan trọng nhất thời ấy, cũng như những thành phố nhỏ hơn dọc bán đảo Italia là nơi quy tụ các họa sĩ từ khắp Âu Châu. Các trung tâm hội họa lớn ra đời, được quy tụ xung quanh các bậc thầy đã vang tiếng. Tinh thần yêu mến nghệ thuật của giới thượng lưu, của các kẻ nắm quyền và có ước vọng trang điểm hào nhoáng những công thự của thành phố mình làm ra đời nhiều trường phái và các hoạt động sáng tác hết sức phong phú. Trong các trường phái ấy, phải kể đến các thành phố lớn như Florence, Venice, Roma cũng như Bologna, Parma, Milan hay vùng Lombardi.

Trong thời kỳ đầu, trường phái Florence đã được biết đến bởi các họa sĩ như Masaccio, Masolino, Paolo Uccello, Benozzo Gozzoli, Cosimo Rosselli, Fra Filippo, Filippino, Botticelli, Ghirlandajo, Verrocchio, Lorenzo di Credi, Piero di Cosimo. Trường phái Umbria  và Perugia với Ottaviano Nelli, Fiorenzo di Lorenzo, Piero della Francesca, Signorelli, Melozzo da Forli, Giovanni Santi, Perugino, Pinturricchio, Lo Spagna. Trường phái Ferrara và Bologna với Cosimo Tura, Francesco Cossa, nhóm Padova với Andrea Mantegna, Pizzoli, Marco Zoppo. Trường phái Verona và Vicenza với Vittore Pisano, Liberale da Verona, Bonsignori, Caroto, Montagna. Trường phái Venice hùng mạnh nhất với các tên tuổi như Jacobello del Fiore and Semitecolo, Antonio Vivarini và Johannes Alemannus, Bartolommeo Vivarini, Luigi Vivarini, Carlo Crivelli, Jacopo Bellini, Giovanni Bellini, Carpaccio, Cima, Catena, Basaiti, Previtali, Bissolo, Rondinelli, Diana, Mansueti, Antonella da Messina.

Ở giai đoạn đỉnh cao, các trường phái Italia được biết đến với các tên tuổi sau đây. Trường phái Florence với Fra Bartolommeo, Albertinelli, Fra Paolino, Bugiardini, Granacci, Ridolfo Ghirlandajo, Andrea del Sarto, Pontormo, Franciabigio, Michael Angelo, Daniele da Volterra, Venusti, Sebastiano del Piombo, Raphael. Trường phái Roma với Giulio Romano, Primaticcio, Giovanni da Udine, Perino del Vaga, Sabbatini, Innocenza da Imola, Timoteo di Viti. Ở Milano thì có Leonardo da Vinci, Luini, Beltraffio, Marco da Oggiono, Solario, Giampietrino, Cesare da Sesto, Gaudenzio Ferrara. Trường phái Sienna gồm những tên tuổi như Pacchiarotto, Girolamo del Pacchia, Peruzzi, Beccafumi. Trường phái Ferrara và Bologna gồm Dosso Dossi, Garofolo, Mazzolino, Bagnacavallo. Trường phái Parma thì có Correggio, Pomponio Allegri, Anselmi, Parmigianino. Thời hoàng kim của trường phái Venice được gắn liền với các họa sư như Giorgione, Titian, Tintoretto, Paolo Veronese, Palma il Vecchio, Lotto, Marconi, Pordenone, Bonifazio, Paris Bordone, Jacopo Bassano, Francesco Bassano, Savoldo, Romanino, Moretto, Moroni, Girolamo dai Libri, Torbido, Cavazzola.

Vì trung tâm của hội họa thời Phục Hưng rõ ràng nằm ở bán đảo Italia, nên các họa sĩ Phục Hưng các dân tộc khác ít nhiều chịu ảnh hưởng của nền nghệ thuật này. Tại Pháp có thể kể đến các họa sĩ như René d´Anjou, Jean Fouquet, Jean Péreal, Jean Bourdichon, Jean François Clouets, Jean Cousin, Toussaint du Breuil. Các phong trào hội họa ở Tây Ban Nha cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ Italia, với các nhóm trường phái khác nhau, như ở Castilla  với Rincon, Berruguete, Morales, Sanchez-Coello, Navarette, Theotocopuli, Velasquez, Mazo,  Carreño de Miranda, Claudio Coello. Miền Nam Tây Ban Nha với trường phái Andalusia qua các tên tuổi như Vargas, Cespedes, Roelas, Pacheco, Herrera, Zurbaran, Cano, đặc biệt là Murillo.

Các nước Trung Âu và phía bắc dãy Alpes cũng chịu ảnh hưởng tương tự. Hội họa ở Flemish (Bỉ) với các họa sĩ như Hubert van Eyck, Jan van Eyck, Peter Cristus, Roger van der Weyden, Van der Goes, Justus van Ghent, Memling, Van der Meire, Quentin Massys, Mabuse, Franz Floris, Barent van Orley, Paul Bril, Lambert Lombard. Phục Hưng ở Hà Lan (Dutch) gồm Geertjen van St. Jan, Bosch, Engelbrechsten, Lucas van Leyden, Scorel, Heemskerck, Steenwyck, Cornelis van Haarlem.

Các vùng văn hóa Đức cũng khá nổi tiếng với các danh họa như Wolgemut, Albrecht Dürer, Schäufelin, Hans Baldung, Hans von Kulmbach, Altdorfer, Barthel Beham, Sebald Beham, Pencz, Aldegrever, Bink, Martin Schöngauer, Zeitblom, Schaffner, Bernard Strigel, Hans Burkmair, Holbein the Elder, Hans Holbein the Younger, Lucas Cranach Lớn, Grünewald, Lucas Cranach Nhỏ.

Tính hiện sinh trong các bức họa thời Phục Hưng

Có thể hiểu thuật ngữ “hiện sinh” như thế nào? Hiện sinh là những gì liên quan đến sự hiện hữu của con người, đến sự tự do, đến thực tại mà nơi đó con người hiện hữu, đến ý nghĩa cuộc sống và niềm tin. Bởi đó, phong trào nhân văn cũng mang tính hiện sinh bởi sự quan tâm đến sự tự do, tính cá nhân của con người cũng như những thực tại. Mặc dù chủ nghĩa hiện sinh xét như một phong trào triết học chỉ bắt đầu sau này, vào hậu bán thế kỷ 19 nhưng thực ra nó đã có những đường nét hay mầm sống ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ nhiều thế kỷ trước đó. Vì sự chênh lệch theo thời gian vừa nói, thuật ngữ “hiện sinh” trong hội họa thời Phục Hưng nên được hiểu như những chấm phá cụ thể và nhất là không thể nhìn các tác phẩm mỹ thuật này như là những triết thuyết hiện sinh nào đó vốn thuộc về một thời đại có bối cảnh hoàn toàn khác.

Những nét hiện sinh trong các bức họa thời Phục Hưng chủ yếu thể hiện ở tính hiện thực, sự nhạy cảm mang màu sắc nhân văn, sự tái khám phá chỗ đứng của cá nhân và việc gìn giữ đặc tính tôn giáo Ki-tô giáo trong văn hóa. Trước hết, tính hiện sinh của các bức họa thời Phục Hưng được thể hiện ở sự sinh động toàn cục, như sự chuyển động của nhân vật, cảm xúc được thể hiện cách rõ nét trên khuôn mặt hay hình dáng, trang phục của các nhân vật, sự phối hợp sáng, tối và bóng của các chi tiết được vẽ trong bức tranh, v.v… Tất cả những nét sinh động này tạo nên khung cảnh hiện thực, gần gũi với cuộc sống thời đại. Thêm vào đó, tính nhân văn vốn là một nét của tính hiện sinh cũng được thể hiện qua các nhân vật trong bức họa, chẳng hạn: các nhân vật được vẽ trong sự trần trụi, phô bày những đường nét cũng như những nơi kín đáo của con người, hay nơi các nhân vật đang diễn tả tình yêu… Đây là những đặc điểm của chủ nghĩa nhân văn vốn đang phát triển mạnh mẽ vào thời kỳ này. Ngoài ra, nghệ thuật vẽ chân dung các nhân vật cao cấp như các vương hầu, quý tộc, đã phát triển rất cao. Điều này cho thấy sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân trong ý nghĩa cơ bản của nó, tức nhìn mỗi hữu thể hiện sinh trong sự phong phú và tràn đầy. Đây cũng là một trong những nét độc đáo của các bức họa. Một nét khác cũng đáng được lưu ý là chiều kích tôn giáo của các bức họa – nhất là là Ki-tô giáo. Đa số các bức họa đều diễn tả một niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa, vào Đức Ki-tô, đồng thời cũng diễn tả sự tôn kính các thánh, các thiên thần… Theo những cách nhìn như thế, chúng ta sẽ khám phá lần lượt các nét hiện sinh của các bức họa cách chi tiết.

Tính hiện thực của các tác phẩm  

Khuynh hướng hiện thực trước đó đã phát triển rộng khắp Châu Âu, đặc biệt ở các vùng phía bắc dãy núi Alpes. Chủ nghĩa hiện thực được xem như là một phần của phong trào nhân văn thời bấy giờ. Điều dễ dàng nhận thấy với chủ nghĩa hiện thực là các nhân vật, chi tiết trong bức họa được vẽ cách cẩn thận và tỉ mỉ làm cho người xem thấy như đang hiện diện trước một sự kiện thực đang xảy ra. Các tư thế, điệu bộ, cảm xúc của từng nhân vật được nghiên cứu tỉ mỉ, các nếp gấp trang phục được vẽ rất công phu, khung cảnh của bức họa hài hòa và có khoa học, chuyển động sáng tối cũng như ‘khoa giải phẩu’ cơ thể người cũng được nghiên cứu cho hội họa; tất cả làm nên một tổng thể hiện thực với các “hữu thể sống động”. Dưới đây là vài ví dụ.

Trong bức Hạ xác Đức Giê-sucủa nhà họa sĩ xứ Flanders, Rogier van der Weyden (1400-64) vào 1435, chúng ta có thể thấy sự chuyển động của các nhân vật. Thi hài Đức Giêsu đang được hạ xuống trong sự nâng đỡ của ông Arimathê, Nicôđêmô và một người đầy tớ của một trong hai ông này; Đức Mẹ Maria đang ngất và ngã quỵ xuống và được thánh tông đồ Gioan và một người chị họ nâng đỡ. Một người chị họ khác của Maria đang dùng khăn lau nước mắt. Tất cả những chi tiết này làm cho bức họa trở nên sinh động, vượt qua giới hạn của một bức tranh và cho người xem có cảm tưởng mình đang chứng kiến tận mắt sự kiện đang xảy ra trên đồi Golgotha. Mặt khác, cảm xúc của các nhân vật cũng làm đậm nét tính tự nhiên của sự kiện: sự đau buồn lộ rõ bởi sự ngất xỉu của Đức Mẹ, bởi khuôn mặt khóc nức nở với dòng lệ của bà chị họ, bởi khuôn mặt trầm ngâm của Gioan (một người đàn ông bản lĩnh đang kiềm chế cảm xúc đau buồn của mình), bởi sự đau buồn như hóa thành tượng đá của bà Maria Magdala. Bên cạnh đó, Weyden đã khoác cho các nhân vật trong bức họa những trang phục khác nhau của thời Phục Hưng. Trang phục của ông Arimathê và ông Nicôdemô là trang phục của giới thượng lưu thời đó.

Bức họa Tiệc cưới ở Cana (The Wedding at Cana) của họa sĩ trường phái Venice, Paolo Veronese (1528-1588) vẽ vào năm 1563 cho thấy chủ nghĩa hiện thực đang được phát triển mạnh mẽ ở Italia, đặc biệt ở Venice. Bữa tiệc được tổ chức trong khung cảnh đô thị ở Roma, với kiến trúc Hy La cổ điển, với các cột theo thức doric và corinthian, với các nhạc cụ thời Phục Hưng như đàn lute và các nhạc cụ dây khác. Chúa Giêsu là trung tâm của bức họa với trang phục Do Thái xưa, trong khi đó nhiều nhân vật lại được vẽ trong trang phục thời ấy. Mặt khác, nhiều nhân vật trong bức họa là những nhân vật có thế giá hoặc nổi tiếng, ví dụ, phía trước Đức Giêsu là chính họa sĩ Veronese, Tiziano đang đánh đàn, phía bên trái của bức họa được cho là gương mặt của những người có quyền thế thời đó: Alphonse d’Avalos, Éléonore de Austria, vị Sultan Solima the Magnificent, Victoria Colonna và Charles Quint. Tất cả những điều này cho thấy sự pha trộn giữa tính hiện thực và cổ xưa của bức tranh, tạo cho người xem cảm giác vừa gần gũi vừa xa lạ. Thêm vào đó, bức tranh được vẽ trong sự đối xứng với trục thẳng đứng. Đây là kết quả của việc ứng dụng những thành quả của toán học với nghệ thuật phối cảnh.

Sự ra đời của chủ nghĩa cá nhân trong hội họa

Khá nhiều bức họa có giá trị trong thời kỳ này là chân dung của các nhân vật giàu có và quyền quý. Các bức chân dung này thường là tự họa hoặc được đặt hàng. Chính vì thế, các tranh chân dung luôn nhắm đến sự phô bày cá tính của nhân vật được giới thiệu, qua một hệ thống ước lệ các biểu tượng thừa hưởng từ các thời kỳ trước, chẳng hạn như sự uy quyền được gắn với thanh gươm, con ngựa; sự giàu có được gắn với trang phục hay những vật dụng sang trọng như đèn, gương, vật nuôi; khả năng học thức với các dụng cụ vật lý (quả cầu, bản đồ, thước đo), với các tập sách hay với các nhạc cụ… Tất cả những điều ấy đều nhắm đến việc làm nổi bật cái tôi cá nhân vốn là một phần của chủ nghĩa nhân văn. Mặt khác, như đã nói, chính sự phát triển của các bức chân dung tạo nên một cái nhìn hiện sinh về con người trong sự tràn đầy của một hữu thể. Những bức họa sau đây là những ví dụ điển hình.

Bức họa huyền thoại Mona Lisa được Leonardo da Vinci (1452-1519) vẽ năm 1503-06 là bức chân dung của bà Lisa del Giocondo vợ của thương nhân Francesco del Giocondo. Bức họa được xem là đỉnh cao của nghệ thuật vẽ chân dung thời bấy giờ bởi việc kết hợp hài hòa sáng – tối, thiên nhiên và con người, sự tỉ mỉ của các nếp gấp và sự đơn giản của trang phục; bởi sự bí ẩn của đôi mắt và miệng, bởi sự đoan trang và khiêm tốn của nhân vật.

Bức họa Chân dung vợ chồng Arnolfini (1434) do họa sĩ người Hà Lan, Jan van Eyck (1395-1441) vẽ. Đây là bức chân dung của thương gia người Italia, Giovanni di Nicolao Arnolfini và vợ ông. Bức họa vừa cho thấy sự hạnh phúc của đôi vợ chồng lại vừa cho thấy sự giàu có của họ qua trang phục, những quả quýt, con chó, đôi dép, đèn, gương soi…

Nhiều bức chân dung khác cũng cho thấy tính chủ nghĩa cá nhân và hiện thực như bức họa  Các đại sứ (1553) của họa sĩ người Đức, Hans Holbein (1497-1543) (hình 7); Francesco Maria della Rovere, Hoàng thân xứ Urbino (1536-8) của họa sĩ người Venice, Titian (Tiziano Vecellio, 1488-1576); Chân dung tự họa (1500) của họa sĩ người Đức, Albrecht Dürer (1471-1528) (hình 6); hay Nữ hoàng Elizabeth I (the Ditchley Portrait) (1592) của Marcus Gheeraerts the Younger (1561-1636).


Chủ nghĩa nhân văn

 

Những tư tưởng của triết gia Plato về con người được các nhà hội họa thời Phục Hưng tìm hiểu và áp dụng vào các bức họa của mình. Michelangelo là một họa sĩ, kiến trúc sư, điêu khắc kỳ tài trong thời đó đã làm cho mọi người phải thán phục bởi sự những tuyệt tác mang tính nhân văn của ông, như bức tượng David, các bức họa trên trần nhà thờ Sistine… Trong các bức điêu khắc cũng như tranh vẽ, Michelangelo đã phô bày tất cả hình thể con người từ cơ bắp, sự cường tráng dẻo dai đến những bộ phận kín đáo của con người, tiêu biểu nhất là bức họa Thiên Chúa tạo dựng Adam, một trong các bức tranh ở trần nhà thờ Sistine thực hiện năm 1508-1512. Nhờ sự phô bày tả chân như thế, con người trở nên tâm điểm của sự chú ý và quan tâm. Điều đáng lưu ý vốn ẩn hiện đằng sau sự phô bày như thế là một sự khao khát và một cách nhìn về sự tràn đầy của sự sống con người, với tất cả khả năng của nó. Thêm vào đó, sự tự do được thể hiện qua chính những bức họa như thế, bởi lẽ trước thời kỳ này tính dục là điều xa lạ với nghệ thuật hay thậm chí là vấn đề cấm kỵ trong việc sáng tác nghệ thuật, vì bị xem là trái nghịch với bầu khí thánh thiêng của tôn giáo.

Trường phái Florentine là một trong những trường phái hội họa thấm đẫm tính nhân văn nhất trong thời Phục Hưng. Đây là nơi họa sĩ Sandro Botticelli (1445-1510) được sinh ra và lớn lên. Vì thế, những nét nhân văn không thể thiếu được trong các bức họa của ông, đặc biệt trong tuyệt tác Mùa Xuân (Primavera). Sự duyên dáng, mềm mại và uyển chuyển của các nhân vật cùng với sự thướt tha và nhẹ nhàng trong cách cầm tay hay đụng chạm (chân tay) đến thiên nhiên làm rõ nét tự do và phiêu diêu của con người. Thêm vào đó, các nhân vật được thể hiện trong trang phục vừa kín vừa hở làm lộ ra, nếu không nói là phô trương, những nét đẹp nơi con người.

Bức Galatea (1511) của Raphael Sanzio (1483-1520) được xem là một trong những bức họa có nội dung diễn tả tình yêu của con người, dù rằng đối tượng trong bức họa là những nhân vật huyền thoại. Thêm vào đó các thiên thần cũng được vẽ trong hình thể của một em bé với sự tròn đầy của một con người. Mặt khác, bức họa còn diễn tả nét đẹp và sự hoàn hảo mà con người ao ước và hướng đến. Và bởi việc diễn tả tình yêu, nét đẹp cũng như sự hoàn hảo, bức họa này ẩn dấu trong chính nó tính hiện sinh.

Chiều kích tôn giáo

Chiều kích tôn giáo không thể không được nói đến khi để cập đến tính hiện sinh của các bức họa thời Phục Hưng bởi hai lý do. Một mặt, dù chủ nghĩa nhân văn đang phát triển nhưng tôn giáo vẫn đang chiếm ưu thế trong thời kỳ này. Mặt khác, sự khao khát hướng thượng, hướng về vẻ đẹp tuyệt đối và về Đấng là nguyên lý và nền tảng của mọi sự vẫn luôn ẩn tàng trong tâm thức của con người và trong bầu không khí tôn giáo thời đó. Vì vậy, chúng nhắm đến một niềm tin sâu xa về sự siêu vượt của Chân Thiện Mỹ. Bởi những yếu tố này, chiều kích tôn giáo trong các bức họa cũng là một phần của hiện sinh.

Bức họa Hạ xác Chúa Giê-su Tiệc cưới ở Cana (đã được đề cập ở mục chủ nghĩa hiện thực) là hai bức họa mang chủ đề tôn giáo. Bức họa trước trình bày về việc tháo xác Chúa Giêsu, thể hiện niềm tin vào Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu, bởi Người đã chết cho muôn người được sống. Bức họa sau họa lại khung cảnh tiệc cưới ở Cana, trong đó vai trò của Đức Giêsu Kitô được làm nổi bật bởi việc đặt Người ở vị trí trung tâm của bàn tiệc. Mặt khác, bức họa tiệc cưới Cana là một ẩn dụ về bàn tiệc Thánh Thể, với hình ảnh bầu rượu và thịt con chiên ở ngay phía trên Đức Giêsu và cũng là điểm trung tâm của bức họa.

Nhiều bức họa khác cũng diễn tả niềm tin sâu xa về sự sống con người ở đời sau hay cuộc phán xét. Bức họa Ngày chung thẩm, một trong các bức họa được Michelangelo vẽ ở nhà nguyện Sistine là một ví dụ khác. Trong bức fresco này, Đức Giêsu là vị thẩm phán được đặt ở vị trí trung tâm. Các thiên thần và các thánh đều được vẽ ở hình dạng con người. Ở phía dưới bên phải, Satan và đồng bọn của nó cũng được vẽ với hình dạng con người nhưng lại được thêm vào những bộ phận kỳ dị của con thú như sừng hay tai dài. Nội dung của bức họa nói lên niềm tin vào sự sống viên mãn ở đời sau và niềm tin về ngày phán xét để tách biệt người tốt với kẻ ác. Điều cần nói thêm ở trong bức họa này là sự trộn lẫn nhiều chiều kích khác nhau như: tính tôn giáo, tính nhân văn (nhấn mạnh tính người ở việc hình tượng hóa thần thánh trong hình dạng con người), sự tự do về nghệ thuật (một bức họa với những con người trần trụi lại được đặt ngay phía trên bàn thờ của nhà nguyện).

Kết luận

Chúng ta vừa tìm hiểu phần nào về nghệ thuật thời Phục Hưng với những giai đoạn, trường phái và các danh họa cũng như nét hiện sinh của các bức họa ở bốn khía cạnh: tính hiện thực, tính nhân văn, tính cá nhân và tính tôn giáo. Với những bức họa thời kỳ này, các chiều kích ở trên thường trộn lẫn vào nhau tạo nên những nét gần gũi chân thực hòa quyện với những nét mới lạ. Những khám phá về khoa giải phẫu con người cũng như về toán học lẫn kỹ thuật pha màu được ứng dụng vào việc sáng tác của các họa sĩ. Ngoài ra, phần lớn những họa sĩ thời kỳ này là những người đã có những sự hiểu biết nào đó về triết học và kinh nghiệm tôn giáo – cụ thể là Kitô giáo; điều này đã làm cho bức họa mang những cung tầng ý nghĩa khác nhau theo chiều sâu. Tuy vậy, mẫu số chung của đa số các bức họa thời kỳ Phục Hưng vẫn là nét hiện sinh. Nói cho cùng, mẫu số chung này lại nhắm đến việc trình bày về cái Chân Thiện Mỹ tuyệt đối vốn đang ẩn hiện phần nào bên trong và xung quanh đời sống của con người và bên trên con người. Và khi nhắm hướng như vậy, các họa sĩ Phục Hưng đại diện cho con người nói lên khao khát được đạt đến cái toàn hảo nơi chính mình, xét như hữu thể sống động có khả năng tự vượt bỏ, và vì thế chính điều đó lại mang tính hiện sinh rõ hơn.

THƯ MỤC THAM KHẢO

DYKE, John C. Van, A Text-Book of the History of Painting, Longmans, 1894.

JOHNSON, Geraldine A., Renaissance Art: A Very short Introduction, Oxford press, 2005.

và một số trang nghệ thuật trên internet

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Tàn sát trẻ thơ vô tội

Guido Reni vẽ vào năm 1611. Hiện được trưng bày trong Pinacoteca Nazionale di Bologna. …

Câu chuyện đằng sau bức tượng hình nón thông cao gần 4 mét tại Vatican

Bức tượng hình nón thông có từ thế kỷ thứ 2 được Dante Alighieri nhắc …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *