TÌNH THÂN HAY SỰ CÔ ĐƠN
“Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
Năm thì mười họa chăng hay chớ
Một tháng đôi lần có cũng không.”
Lời trần tình của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài “Làm lẽ” như cũng nói thay cho bao con người – cả nam lẫn nữ – về nỗi khát vọng sâu xa có được một tình thân mật giữa ta với người, nhất là với người mà ta quý yêu hơn. Vậy để thỏa mãn ước ao chính đáng này, phải chăng ta cứ “Nhanh với chứ, vội vàng lên với chứ / Em, em ơi, tình non đã già rồi!”(Giục giã, Xuân Diệu) không? Liệu lối sống bung ra, cống hiến hết mình cho người ta yêu sẽ “Như bông trăng nở, bông trăng nở, / Những cánh bông thơ trắng ngạt ngào” (Ước ao, Hàn Mặc Tử)? Kết quả có vẻ không được vậy, nên cả Xuân Diệu lẫn Hàn Mặc Tử đã thốt lên những câu thơ mang đầy tính trải nghiệm và triết lý:
“Dầu tin tưởng: Chung một đời, một mộng, Em là em; anh vẫn cứ là anh. Có thể nào qua Vạn Lí trường thành Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.”(Xa cách, XD) | “Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng:Một vũng cô liêu cũ vạn đời.” (Cô liêu, HMT) |
Hành trình để có được một sự gắn kết sâu xa trước nhất phải là hành trình đi ngược vào lại trong trái tim mình. Một cuộc phiêu lưu nội tâm. Tại sao lại nghịch lý như vậy? Vì thực ra, những thất bại trong mối tương quan bên ngoài chỉ là hệ quả của những xung đột bên trong mà thôi. Khi ta chưa hiểu chính xác ta cần gì, muốn gì, những chuyển động tình cảm trong ta đang kéo ta đi về đâu, thì làm sao ta đòi hỏi người khác hiểu ta, yêu ta, đáp ứng cho ta như chính ta là. Do chưa biết mình, tự ta cũng đã thay đổi xoành xoạch rồi. Thế nên, những sụp đổ, hụt hẫng, thất bại trong nỗ lực yêu thương lại là cơ hội để ta trở về, lục lọi, kiếm tìm trong “vũng cô liêu cũ vạn đời” của mình. Đúng như Dowrick đã viết: “Những mối gắn kết dễ chịu nhất luôn tồn tại giữa những người có ý thức rõ ràng về cái tôi cá nhân của mình.”[1]
Và rồi, điểm đến của con đường này là sự giao hòa với chính bản thân ta. Trên hành trình ấy, nhờ khám phá ra sự sợ hãi và mất trật tự của mình, ta bắt đầu xây dựng lại lòng tin nơi ta. Dĩ nhiên, tiến trình này đòi thời gian, lòng khiêm tốn và quảng đại của mỗi người. Tuy thế, một khi chấp nhận sống trong tiến trình ấy, ta cũng học được cách ở lại với chính mình, “mà không lo sợ mình sẽ không tồn tại”[2]. Chính cảm nghiệm và thói quen đó mang lại cho ta lòng tin, lòng yêu mình cách có trật tự và đúng đắn. Ta là chính ta. Ta bắt đầu làm chủ cuộc đời mình. Hay nói cách khác, ta đạt được một tình thân mật với chính con người bên trong của ta.
Từ kinh nghiệm xây dựng tình thân với cái tôi nội tại, ta biết cách xây dựng tương quan thân mật với tha nhân mà không đòi hỏi hay bóp méo họ. Càng quý trọng “vũ trụ” của ta bao nhiêu, ta càng kiên nhẫn và tôn trọng thế giới riêng của người bấy nhiêu. Và hơn thế nữa, chính nhờ sống trong mối tương quan với người, ta càng biết rõ ta hơn.[3] Biết ta phải bỏ điều gì, gọt giũa chỗ nào, phát triển tài năng ra sao để tình thân của ta và người được thêm phù hợp, phong phú và hòa điệu.
Như thế đó, hành trình vươn ra xây đắp một tình thân lại là hình trình thu vào khám phá sự cô đơn. Một con đường khó khăn, ít ai để ý, thiếu người can đảm và quảng đại để dấn thân. Nhưng hệ chi, chân lý vẫn tồn tại và có sức làm “cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm / Thơ trong trắng như một khối băng tâm / Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu!” (Thánh nữ đồng trinh Maria, HMT)
Bảo Ân, SJ