Đọc đoạn đầu của bài Tin Mừng này tôi có cảm giác hơi khó chịu với Thầy Giêsu. Cả phần cuối chương 11, Thầy đã chửi xối xả vào mặt các bác Pharisêu. Dù có được giải thích đó là sự tập hợp các lần tranh luận khác nhau đi chăng nữa, thì vẫn là những lời rất nặng. Thế mà, ngay đầu chương này, khi có đông dân chúng quanh mình, Thầy lại tiếp tục “công kích” nhóm Pharisêu. Chẳng biết thầy Giêsu có ác cảm gì với họ không mà làm dữ vậy? Nếu có, thì cách hành xử của Thầy chẳng có gì đáng học. Nếu không, thì đâu là động cơ và đích nhắm của hành động này?
Có lẽ vấn đề nằm ở hai chữ “tình thân”. Thầy Giêsu mang trong mình quả tim và ý muốn của Ba Ngôi Thiên Chúa. Ý muốn của Ba Ngôi ngay từ đời đời là muốn xây dựng một tương quan sâu xa với con người – là chính thụ tạo của Ngài. Nhưng làm sao có thể xây dựng được tình thân nếu không đụng đến được nỗi lòng sâu kín của nhau? Làm sao đi vào tâm tư nhau nếu hai cái nhìn còn khác xa nhau, thậm chí đối nghịch nhau?
Cái nhìn của Thầy Giêsu hướng đến nơi đang chất chứa những gì là “bí mật”, những gì còn “che giấu”, những lời thủ thỉ trong nội tâm, những “điều rỉ tai trong buồng kín” (c.2-3).
Còn cái nhìn của các bác Pharisêu thì hời hợt quá. Các bác chỉ lo tập trung vào tài năng và kiến thức, địa vị và danh dự. Thế nên, các bác hay, các bác giỏi mà vẫn không được quý yêu. Kiến thức các bác rộng mà không sâu, nói hay mà chẳng lay động lòng người. Đã vậy, các bác còn ganh tỵ với Thầy Giêsu vì sức lôi cuốn của Thầy. Thế mới thấy, mảnh đất của tài năng và kiến thức, địa vị và danh dự hóa ra là mảnh đất của sự tương tranh, loại trừ, kỳ thị, và chết chóc.
Có nhìn theo cái nhìn của Thầy Giêsu mới thấy hết được cái “giả hình” (c.1) của các bác Pharisêu. Giả vì chỉ có hình.
Có nhìn theo cái nhìn của Thầy Giêsu mới nghiệm sâu cái “sợ hãi” (c.4) đang dậy sóng, đang thét gào trong lòng các bác.
Vì không có nền tảng, nên cái sợ kia vừa không đúng vừa không đáng. Đúng ra, phải tin tưởng vào Thiên Chúa hơn là cậy dựa vào tài năng, kiến thức. Và nếu có sợ, thì hãy sợ rằng tôi có thể đánh mất tương quan thân tình với Đấng hằng yêu thương và chờ đợi tôi luôn nơi cõi lòng sâu kín.
Như thế đấy, muốn thức tỉnh con người, Thầy Giêsu đã đánh cược bằng chính mạng sống mình để mong cho con người được sống trong tình yêu đích thực, nơi chẳng còn tương tranh hay chết chóc.
“Thầy ơi! Càng chiêm ngắm Thầy, con càng thấy cần xin Thầy tẩy luyện hồn con, thanh tẩy ý hướng và động cơ sâu ẩn nơi con. Có như thế, con mới mong sống tự do hơn và yêu mến hơn. Amen.”