Các em tìm gì ở cuộc đời?

silhouette-young-boy-looking-distance-searching-hand-shielding-eyes-backlit-late-day-sun-copy-space-55435806

“Đ… m…! Nó bảo không có xe. Đ… m… nó chứ! Đ… m…! Tao … Đ… m…! …” Đó là một câu nói mà các em cho là rất bình thường. Từ nhỏ, các em đã quen với kiểu nói mà một câu phải đệm ít là vài ba tiếng “Đ… m…”…

Tôi dạo bước trên con dốc từ khu Ngoại Tổng Hợp xuống khu Chấn Thương Chỉnh Hình rồi hòa mình vào trong nhóm của em. Tôi đến để chia sẻ cùng các em tâm tình của những con người đang đối diện với bệnh tật. Vậy mà khó khăn lắm, tôi mới bắt chuyện được cùng nhóm của em. Thoạt đầu, khi nghe các em nói chuyện, tôi định bỏ đi ngay; bởi vì tôi không chịu nổi kiểu nói “chèn từ đệm” và “bất cần đời” của tụi em. Thế nhưng, tôi ý thức đó không phải là ý hay. Tôi quyết định ngồi lại…

Trong cái nóng của buổi chiều hè Thủ Đức, những ánh nắng lấp lánh trên cao chẳng mấy khó khăn để có thể chiếu xuyên qua từng kẽ lá lưa thưa và rọi thẳng xuống thềm của bệnh viện. Rồi những tia nắng ấy cũng nhanh chóng hất ngược lên, dội thẳng những cái nóng vào từng người chúng tôi khiến ai nấy đều ướt sũng mồ hôi.

Nhóm các em tổ chức đi phượt. Trong lúc tập trung cả đội thì một thành viên gặp tai nạn giao thông làm cả nhóm bọn em phải hủy cuộc vui. Các em đưa thành viên bị tai nạn nhập viện vào ngay ngày cuối tuần, cái ngày mà chỉ còn một số y bác sĩ trực phát thuốc cho bệnh nhân. Tình trạng của bạn các em lại không phải nguy kịch nhưng cũng cần phải mổ. Thế rồi các em muốn chuyển viện cho bạn nên gọi xe cấp cứu. Tôi đến ngay cái lúc mà các em chờ xe tới…

Vấn đề không nằm ở chỗ bệnh tình của người bệnh; nhưng tôi thấy nó nằm ngay thái độ sống của mỗi người các em. Nói chuyện với nhóm tụi em, tôi nhận thấy dường như các em vẫn chưa biết mình đi tìm gì ở cuộc đời này. Các em mong chờ điều gì từ cuộc sống?

– “Tụi tui đi phượt! Đ… m…! Chưa đi mà bị dzầy rồi! Đ… m…!” Một em nói với tôi trong sự đay nghiến mà dường như tôi có thể cảm nhận qua từng nhịp đập của con tim trong lồng ngực.

– Tôi nói: “Đi phượt thích thật! Mà đi như vậy, các bạn phải có nhiều kinh nghiệm lắm nhỉ? Không thì cũng nhiều nguy hiểm!”

– Lại một em khác trả lời tôi: “Đ… m…! Chết thì thôi!”

Câu trả lời cụt ngủn của em làm tôi quặn ruột! Tôi biết em không nói đùa. Khuôn mặt em biểu lộ những căng thẳng xen lẫn với những bối rối khi nghe tôi đề cập đến hai chữ “nguy hiểm”. Tôi hiểu không chỉ em ấy mà các thành viên của nhóm tụi em cũng đang né tránh câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời.

Cuộc nói chuyện không kéo dài lâu. Những câu nói trao đổi cũng thưa thớt, gượng gạo và bất chợt như cái nắng mưa ở đất Sài Gòn này vậy. Tôi đi về mà nghe vẳng trong lòng tiếng kêu của những suy tư. Tôi đem những dòng suy nghĩ ấy vào trăn trở… Dường như chẳng phải riêng các em bị những trào lưu của xã hội bóp nghẹt khiến các em chẳng kịp có thời gian ngồi lại bên lòng mình và tìm xem đâu là giá trị của cuộc đời. Hình như cũng chẳng phải riêng gì các em chấp nhận hiện hữu của mình như một cái gì đó “vốn dĩ là thế” mà không cần quan tâm tại sao mình có mặt trên đời….

Tôi cũng vậy, nhìn vào lòng mình, tôi cũng thấy mình đôi lúc sống như một cỗ máy vô hồn. Những lúc như vậy, tôi thấy mình “vong thân” đi đâu mất, cứ tới giờ là đọc kinh, tới giờ là dự lễ, tới giờ thì ăn,…và tới giờ là tôi lại lẩn trốn vào số đông để sống theo kiểu “ai sao mình vậy”. Nghĩ tới đây, tôi thầm tạ ơn Chúa vì đã dựng nên tôi và cho tôi nhận biết Ngài. Tôi thấy mình cần xin ơn ý thức hơn về cuộc đời tôi, về những giá trị mà tôi đang sống và về tương quan cá vị của tôi với Chúa. Tôi cầu nguyện cho từng người trong nhóm các em và cho giới trẻ cách chung. Ước gì mỗi người đều nhận biết rằng mình được sinh ra là “để sống cho những gì cao quý hơn!” (Stanislaus Kostka, Sj)

Có thể nói, những tia nắng hay những giọt mưa không đơn thuần tồn tại nơi những định nghĩa trong từ điển; chúng sống động và thực sự có mục đích hiện hữu. Con người cũng vậy, mỗi người đều mang lấy một sứ mạng mà Thiên Chúa trao phó. Sứ mạng ấy là nhận biết Chúa và yêu thương nhau, một cách rất riêng nơi mỗi người. Nhờ đó mà một người có thể sống bình an, hạnh phúc và có hy vọng về một con đường mở ra phía sau chân trời của cuộc đời. Không ý thức điều đó, một người trở nên một cỗ máy, tới giờ thì đi lễ, tới giờ thì ăn, và… tới giờ thì “shut-down” cuộc sống mà vẫn không ý thức mình sẽ đi về đâu sau khi chết!./.

Vũ Chí Thành SJ.

Kiểm tra tương tự

Lễ Sinh Nhật Đức Maria

Cũng giống như nhiều người trong chúng ta rất xem trọng ngày sinh nhật của …

10 cách cốt yếu để trưởng thành trong sự khiêm nhường của Mẹ Têrêsa

Lời khuyên của Thánh Têrêsa Calcutta đặc biệt phù hợp trong thời đại kỹ thuật …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *