Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh lễ Truyền Dầu tại Vatican 2016

ANSA977873_ArticoloSau khi nghe Đức Giêsu đọc đoạn sách tiên tri Isaia và những lời của Người rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe” (Lc 4, 21), đáng lẽ hội đường Nadaret đã phải bùng lên một trang pháo tay tán thưởng. Sau đó, mọi người trong hội đường đáng lẽ ra cũng phải khóc một cách ngọt ngào, với niềm vui mừng sâu xa, như dân chúng đã khóc khi Nemia và tư tế Esdra đọc Sách Luật đã được tìm lại khi xây dựng tường thành. Nhưng bài Tin Mừng nói với chúng ta rằng dân làng của Đức Giêsu lại nảy sinh những cảm xúc hoàn toàn trái ngược: họ đã đóng kín tâm hồn mình lại và mời Đức Giêsu rời xa họ. Trước hết, “mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (Lc 4, 22), nhưng sau đó, một câu hỏi xảo quyệt trồi hiện lên: “Ông này không phải là con ông Giuse thợ mộc đó sao?” Và cuối cùng: “Mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ” (Lc, 4, 28). Họ muốn xô Đức Giêsu xuống vực… điều này đã ứng nghiệm lời tiên tri của cụ già Simeon nói với Mẹ Maria: Cháu bé này sẽ là ‘dấu hiệu cho người đời chống báng” (Lc, 2, 34). Bằng những lời nói và hành động của mình, Đức Giêsu đã khiến cho những điều kín ẩn từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.

Nơi mà Đức Giêsu công bố Tin Mừng về lòng thương xót vô điều kiện của Chúa Cha dành cho người nghèo, những người bị bỏ rơi và bị áp bức; thì chính nơi ấy chúng ta được mời gọi để chọn lựa, để “thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin” (1 Tm 6, 12). Cuộc chiến đấu của Thiên Chúa không phải với phàm nhân nhưng là với ác thần (x. Eph 6, 12), kẻ thù của con người. Nhưng Đức Giêsu “đã băng qua giữa họ”, là những người muốn ngăn cản Ngài, và “tiếp tục bước đi” (x Lc 4, 30). Đức Giêsu không chiến đấu để xây dựng quyền bính. Nếu Ngài có kéo sập những bức tường và thách đố cảm giác an toàn của chúng ta là để mở ra một dòng thác chảy cuồn cuộn của Lòng Xót Thương. Cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh, Đức Giêsu muốn tuôn đổ dòng thác ấy chan chứa khắp mặt địa cầu. Một lòng thương xót đi từ điều tốt đến điều tốt hơn, công bố và mang đến những điều mới mẻ: chữa lành, giải thoát và công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa.

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa chúng ta vô ngần vô hạn và không sao tả xiết, và chúng ta diễn tả sự năng động của mầu nhiệm này như là một Lòng Xót Thương “luôn luôn lớn hơn mãi”, một Lòng Thương Xót trong sự chuyển động, một Lòng Thương Xót mà mỗi ngày đều tìm kiếm cách thức để không ngừng tiến lên phía trước, tiến lên những bước nho nhỏ trên vùng đất hoang tàn, nơi mà sự thờ ơ và bạo lực đang chiếm ưu thế.

Đây đã là động lực của người Sa-ma-ri tốt lành, là người đã thực thi lòng thương xót” (Lc 10, 37). Người Sa-ma-ri đã chạnh lòng thương, lại gần người bị nạn, băng bó vết thương, đem về quán trọ, ở lại chăm sóc trong đêm đó và hứa sẽ quay trở lại để thanh toán mọi phí tổn. Đây chính là động lực của Lòng Thương Xót, nối kết những hành động nho nhỏ lại với nhau, không làm tổn hại đến một sự dễ vỡ nào, nhưng nó triển nở hơn với mỗi một dấu hiệu của sự giúp đỡ và của tình yêu mến. Mỗi người trong chúng ta, khi nhìn ngắm cuộc sống của mình với cái nhìn tốt lành của Thiên Chúa, có thể cố gắng ghi nhớ và khám phá xem Thiên Chúa đã vận dụng lòng xót thương của Ngài đối với chúng ta như thế nào, và Thiên Chúa đã tỏ ra giàu lòng xót thương hơn nhiều so với mức độ mà chúng ta tin tưởng và như thế đó, chúng ta sẽ có được sự can đảm để nài xin Thiên Chúa thực hiện một bước xa hơn, vốn bày tỏ lòng xót thương nhiều hơn nữa trong tương lai: “Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con” (Tv 85, 8). Cách thức mang tính nghịch lý của lời cầu nguyện này với một Thiên Chúa luôn giàu lòng thương xót, sẽ giúp chúng ta xé toang những bức màn mà nhiều lần chúng ta dùng để giới hạn sự cao cả trào tràn của trái tim Thiên Chúa. Thật là tốt đẹp nếu chúng ta bước ra khỏi những hàng rào vây kín, vì trái tim của Thiên Chúa tuôn chảy với lòng thương xót và hơn bao giờ hết là để trao ban. Bởi vì Thiên Chúa thà chấp nhận chịu mất đi điều gì đó hơn là giữ lại một giọt của lòng xót thương, sẵn sàng chấp nhận có nhiều hạt lúa bị chim trời đến ăn mất hơn là giữ lại một hạt không gieo vãi, vì mỗi một hạt lúa ấy một khi được gieo vào lòng đất đều có khả năng sinh hoa kết quả dồi dào: hạt được ba chục, hạt được sáu chục, và có hạt được cả gấp trăm.

Là những linh mục, chúng ta là những chứng nhân và là những thừa sai của Lòng Thương Xót luôn luôn rộng lớn của Chúa Cha; chúng ta có nhiệm vụ ngọt ngào và đầy an ủi là hiện thân của Lòng Thương Xót, giống như Đức Giêsu đã làm, “đi đến đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó và chữa lành mọi bệnh tật” (Cv 10, 38) để có thể tiếp chạm đến tất cả mọi người. Chúng ta cũng có thể góp phần để đem lòng thương xót vào từng môi trường và hoàn cảnh văn hóa để mỗi người được nhận lãnh lòng thương xót trong chính kinh nghiệm sống cá nhân của mình, và như thế sẽ giúp tất cả mọi người thực sự hiểu và thực hành lòng thương xót với sự sáng tạo, trong một cách thức tôn trọng bối cảnh văn hóa và gia đình của mỗi người.

Hôm nay, trong ngày thứ Năm Tuần Thánh của Năm Thánh Lòng Thương Xót, tôi muốn nói về hai lãnh vực mà trong đó Thiên Chúa biểu lộ sự trào tràn Lòng Thương Xót. Từ khoảnh khắc mà Thiên Chúa làm gương cho chúng ta, chúng ta đừng sợ hãi để diễn tả sự dư đầy của lòng thương xót với người khác. Khía cạnh thứ nhất, tôi muốn đề cập đến là sự gặp gỡ. Và khía cạnh thứ hai là sự tha thứ của Thiên Chúa. Sự tha thứ ấy khiến cho chúng ta phải xấu hổ thẹn thùng nhưng đồng thời cũng trao tặng cho chúng ta phẩm giá.

Khía cạnh thứ nhất, ở nơi đó chúng ta nhận thấy Thiên Chúa diễn tả sự trào tràn lòng thương xót vô cùng tận của Ngài, chính là sự gặp gỡ. Thiên Chúa đã hoàn toàn trao ban chính mình và trong cùng một cách thức ấy mọi cuộc gặp gỡ đều trực tiếp dẫn đến việc cử hành một bữa tiệc vui. Trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, chúng ta ngỡ ngàng sửng sốt trước một người cha đã chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ đứa con trai. Chúng ta thấy người cha ấy đã ôm, đã hôn đứa con trai; đã lo lắng để xỏ nhẫn vào ngón tay ngõ hầu anh có thể cảm thấy mình giống như trước và xỏ dép vào chân anh để cho thấy rằng anh là con chứ không phải là một người làm công. Cuối cùng người cha lại ra lệnh cho tất cả gia nhân tổ chức tiệc ăn mừng.  Với sự ngỡ ngàng khi chiêm ngắm sự tuôn trào của niềm vui sướng nơi người cha, niềm vui được diễn tả ra cách nhưng không và vô cùng tận khi đứa con thứ quay trở về, chúng ta không được sợ hãi để khuếch trương lòng biết ơn của chúng ta. Thái độ biết ơn của chúng ta phải như là thái độ của người bị bệnh phong khi thấy mình được chữa lành. Anh đã bỏ lại chín người bạn đồng hành kia, những người cùng với anh đi thực hiện điều Đức Giêsu truyền dạy, để quay trở lại phủ phục dưới chân Đức Giêsu để lớn tiếng tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa.

Lòng thương xót phục hồi tất cả và trả lại phẩm giá nguyên thuỷ cho mọi người. Chính vì thế, thái độ biết ơn trào tràn mới là lời đáp trả chính đáng: chúng ta phải đến bữa tiệc ngay lập tức, phải mặc quần áo đẹp nhất, phải bỏ đi thái độ bất bình giống như người anh cả, phải vui mừng và dâng lời cảm tạ… bởi chỉ như thế, tham dự một cách tròn đầy vào bầu khí tiệc mừng ấy, chúng ta mới có thể suy nghĩ cách tốt đẹp, mới có thể nài xin sự tha thứ và nhận thấy cách rõ ràng hơn làm sao để có thể sửa lại những lỗi lầm đã trót phạm. Thật là tốt nếu chúng ta biết hỏi chính mình: Sau khi xưng tội, tôi có hoan hỷ vui mừng không ? Hay là tôi nhanh chóng tiến tới một điều khác, giống như chúng ta đến gặp bác sĩ khám bệnh, sau khi nghe biết kết quả kiểm tra sức khỏe không đến nỗi tệ lắm, ta liền dán kỹ kết quả ấy trong một phong bì và tiếp tục làm việc khác ? Khi tôi làm việc bố thí, tôi có trao cho người được nhận lãnh đủ thời gian để họ diễn tả lòng biết ơn không, tôi có mở tiệc mừng khi những người nghèo trao lại cho tôi nụ cười và sự chúc lành của họ, hay là tôi tiếp tục vội vã với những chuyện cá nhân sau khi « ném cho người người nghèo vài đồng bạc lẻ ».

Khía cạnh thứ hai mà ở đó chúng ta thấy Thiên Chúa diễn tả cách dư đầy lòng thương xót vô biên chính là sự tha thứ. Thiên Chúa không chỉ tha thứ những món nợ khổng lồ, giống như đã tha cho tên đầy tớ đã van xin lòng thương xót nhưng sau đó không biết tha thứ cho người bạn mắc nợ mình, nhưng Ngài còn cho phép chúng ta đi một cách trực tiếp từ nỗi hổ thẹn đáng nhục nhã nhất đến phẩm giá cao quý nhất mà không cần phải qua bất kỳ một giai đoạn trung gian nào. Thiên Chúa cho người phụ nữ được tha thứ lau chân Ngài với nước mắt. Ngay khi Simon thú nhận tình trạng tội lỗi của mình và xin Đức Giêsu tránh xa ông, Đức Giêsu đã nâng ông lên để ông trở thành kẻ lưới người. Tuy nhiên chúng ta có khuynh hướng chia cắt hai thái độ này: khi xấu hổ về tội lỗi của mình, chúng ta dấu mình đi và bước đi với cái đầu cúi gằm xuống, như Adam và Eva ; và khi được nâng dậy với một phẩm giá, chúng ta lại cố gắng lấp liếm tội lỗi của mình đi, và chỉ thích cho người khác xem những gì tốt đẹp nơi chúng ta mà thôi.

Lời đáp trả của chúng ta trước sự tha thứ trào tràn của Thiên Chúa phải luôn luôn duy trì sự căng thẳng tốt lành giữa một sự xấu hổ đầy phẩm giá và một phẩm giá biết xấu hổ. Đó chính là thái độ của người biết tìm một nơi khiêm tốn và thấp hèn, nhưng cũng để cho Thiên Chúa nâng dậy vì lợi ích của sứ vụ mà không tự mãn. Khuôn mẫu mà Tin Mừng trình bày và có thể giúp chúng ta khi chúng ta xưng tội chính là hình ảnh của Phê-rô. Ông là người đã tự cho phép mình bị tra hỏi về tình yêu dành cho Thiên Chúa nhưng ông cũng là người làm mới lại sự chấp thuận của mình trong sứ vụ chăn dắt đàn chiên mà Thiên Chúa đã trao phó.

Để đi sâu hơn vào « phẩm giá biết xấu hổ này », điều đã giải thoát chúng ta khỏi việc cậy dựa vào sức mình hoặc thất vọng hơn là tin tưởng vào ân sủng, có thể giúp chúng ta hiểu những lời của tiên tri Isaia. Những lời này liền sau đoạn mà Đức Giêsu đã đọc trong hội đường Nadaret: « Anh em sẽ được gọi là tư tế của Đức Chúa, là người phụng sự Thiên Chúa chúng ta » (Is 61, 6). Đó là một dân nghèo khổ, đói khát, những tù nhân chiến tranh, không có tương lai, bị gạt ra bên lề và bị chối bỏ, đã được Thiên Chúa biến đổi trở thành một dân tư tế.

Là những linh mục, chúng ta đồng hóa mình với một dân tộc bị chối bỏ nhưng được Thiên Chúa cứu vớt. Và chúng ta nhớ rằng có vô số đám đông dân chúng, họ là những người nghèo khổ, không được học hành ; là những tù nhân. Họ bị rơi vào hoàn cảnh như thế vì người khác áp bức họ. Nhưng chúng ta cũng nhớ rằng mỗi người chúng ta đều biết ở mức độ nào chúng ta cũng nhiều lần là người mù, thiếu ánh sáng đức tin, không phải vì chúng ta không có quyển Tin Mừng trên tay nhưng vì sự dư thừa của một nền thần học phức tạp. Chúng ta cảm thấy linh hồn chúng ta cháy khát  linh đạo, không bởi vì chúng ta thiếu vắng Nước Hằng Sống –  dòng nước mà chúng ta chỉ uống một ngụm – nhưng bởi vì sự dư thừa của một nền linh đạo « bong bóng », một linh đạo « nhẹ hều ». Chúng ta cảm mình như những tù nhân, không bị bao quanh, giống như nhiều người, bởi những bức tường đá bất khả vượt hoặc bởi những hàng rào thép, nhưng bởi một thế giới ảo. Trong thế giới ấy, người ta có thể đóng và mở chỉ với một cái « click » đơn giản. Chúng ta bị áp bức không phải vì sự đe dọa và áp lực, giống như rất nhiều người nghèo, nhưng bởi sự quyến rũ của hàng ngàn những lời đề nghị tiêu thụ mà chúng ta không thể thoát ra để bước đi cách tự do trên con đường dẫn chúng ta đến tình yêu thương huynh đệ, đến đoàn chiên của Thiên Chúa, một đàn chiên đang chờ đợi lắng nghe tiếng của vị mục tử.

Và Đức Giêsu đến để giải phóng chúng ta, để làm cho chúng ta được giải thoát, để biến đổi chúng ta từ những kẻ nghèo hèn và đui mù, từ là những tù nhân và kẻ bị áp bức để trở nên thừa tác viên của lòng thương xót và sự an ủi. Và Ngài cũng nói với chúng ta ngang qua những lời của tiên tri Ê-dê-ki-en ngỏ với dân rằng họ đã tự bán rẻ chính mình và đã phản bội nặng nề Thiên Chúa của họ: “Còn Ta, Ta sẽ nhớ lại giao ước đã lập với ngươi thời ngươi còn thanh xuân. […] Ngươi sẽ nhớ lại các lối sống của ngươi mà xấu hổ khi ngươi đón các chị và các em ngươi; Ta sẽ cho chúng làm con gái ngươi, nhưng chúng không được dự phần vào giao ước giữa Ta với ngươi. Còn chính Ta, Ta sẽ thiết lập giao ước giữa Ta với ngươi. Bấy giờ ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, để ngươi nhớ lại mà lấy làm xấu hổ và, trong lúc phải tủi nhục, ngươi sẽ không còn mở miệng nói gì được nữa, khi Ta tha thứ cho ngươi tất cả những việc ngươi đã làm – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng.” (Ez 16, 60-63)

Trong Năm Thánh này, chúng ta hãy cất vang lời kinh Lạy Cha cùng với tất cả lòng biết ơn từ tận cõi lòng của chúng ta và chúng ta hãy nài xin để Người “luôn nhớ đến Lòng Thương Xót của Người”; chúng ta hãy đón nhận Lòng Thương Xót trong xác thịt bị tổn thương của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, cùng với phẩm giá biết xấu hổ này, và chúng ta hãy khẩn cầu để Người tẩy sạch mọi tội lỗi và giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ; và cùng với ân sủng của Chúa Thánh Thần chúng ta hãy dấn thân để rao truyền Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho tất cả mọi người, và hãy thực hiện những hoạt động mà Chúa Thánh Thần gợi hứng nơi mỗi người vì thiện ích chung của toàn thể dân của Thiên Chúa.

Chuyển dịch từ Ý ngữ: Vũ Đức Anh Phương SJ và các bạn

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *