Tôi đã từng phải lòng Thánh Lễ bằng tiếng Latinh – còn bây giờ tôi hiểu tại sao Đức Giáo hoàng Phanxicô lại hạn chế nó

Tôi đã bật khóc trong lần đầu tiên tham dự một Thánh Lễ truyền thống bằng tiếng Latinh. Làm sao mà cầm lòng cho được bởi khi đó, tôi là một cậu sinh viên thần học 20 tuổi với một tâm hồn khá nhạy cảm, yêu thích “những hương thơm và những tiếng chuông” từ các giáo đường Công giáo. Và, ôi trời, bạn có thể tưởng tượng cơ man nào là chuông trầm hương toả giữa những âm thanh của bản Requiem của Mozart trong không gian phụng vụ.

Sau đó, tôi như bị bỏ bùa. Nên Tôi và một nhóm bạn đã xin một tu sỹ Dòng Tên, cha Robert Araujo, giờ đã quá cố, rằng liệu ngài có muốn học cách cử hành Thánh lễ trong hình thức ngoại thường này không (cách gọi từ sau năm 2007 đối với phụng vụ truyền thống trước cuộc cải cách của công đồng Vaticano II) để chúng tôi có thể tham dự trong trường học. Ngài ấy đã đồng ý và vài người trong chúng tôi đã được hướng dẫn cách thức giúp lễ. Việc chúng tôi có thể cử hành thánh lễ tiếng Latinh truyền thống trong một cộng đoàn Dòng Tên là một cú sốc và và gây bất bình đối với một số cha khác. Cho đến nay, một trong những cuốn sách quý giá nhất của tôi là sách lễ thánh Edmund Campion và sách thánh ca cho thánh lễ Latinh truyền thống mà cha Araujo tặng.

Dầu vậy, Thánh lễ truyền thống bằng tiếng Latinh (tôi gọi tắt là “Thánh lễ Latinh” cho đơn giản, mặc dù thánh lễ hiện tại được phổ biến sau Công Đồng Vatican II vốn cũng có thể được cử hành bằng tiếng Latinh) đã chưa bao giờ trở thành hình thức phụng vụ chủ yếu mà tôi đã thích tham dự. Cuối cùng, tôi đã chấp dứt hoàn toàn việc tham dự nghi thức này sau khi tốt nghiệp. Rồi sau khi tốt  nghiệp, tôi đã không đi dự các lễ kiểu này nữa. Nhưng dù sao thánh lễ Latinh đã để lại một ảnh hưởng đáng kể lên đời sống thiêng liêng của tôi, nhất là tại một thời điểm khá nhạy cảm và khủng hoảng trong thời gian học tập. 

Khi nghe tin Đức Giáo hoàng Phanxicô hạn chế lại phần lớn việc cử hành Thánh lễ Latinh truyền thống, tôi đã suy nghĩ về những tác động mà Thánh lễ Latinh đã mang lại cho tôi và cho đời sống thiêng liêng của tôi, cả điều tốt lẫn điều xấu.

Đầu tiên, những điều tốt: Những gì tôi thấy trong Thánh lễ Latinh là một sự tôn kính tột bậc đối với điều linh thánh. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được rõ ràng rằng tôi được thuộc về cuộc cử hành “những mầu nhiệm thánh.”

Trong khi trước đây, tôi đã từng tham dự thánh lễ tại rất nhiều giáo xứ vốn chả bận tâm nhiều đến chuyện chỉnh hệ thống âm thanh cho đàng hoàng, hoặc chỉ dựa dẫm vào sự ứng biến ngẫu hứng của một linh mục “thường thường bậc trung”. Trong khi đó, Thánh lễ Latinh đã được dàn dựng với sự cẩn trọng và chú ý đến từng chi tiết, như thể trong một buổi biểu diễn kiểu Broadway.

Sự cẩn thận đến từng chi tiết này, trong khi không hề gây ngột ngạt, thì khơi lên một tình yêu sâu sắc và nồng nhiệt đối với những điều thánh thiêng. Quan trọng hơn, tính cẩn thận trong cử hành ấy đã mời gọi tôi bước vào tình yêu đối với điều thánh thiêng qua việc quan tâm tương xứng trong đời sống cầu nguyện và tham dự vào thánh lễ cá nhân.

Thánh lễ Latinh khiến tôi đói khát “cái đẹp”, mặc dù cái đẹp trong đầu tôi hoàn toàn mang màu sắc duy Âu Châu. Nghĩa là trước mắt bạn, không có chỗ cho những cờ phướng loè loẹt hay tượng thủ công rẻ tiền. Đến độ, khi sự kiện thời trang của Bảo Tàng Metropolitan ở NewYork (Met Gala) chọn chủ đề “Thân xác Thiên đàng: Thời trang và trí tưởng tượng từ Công giáo”, bộ bạn nghĩ rằng họ đang tìm kiếm nguồn cảm hứng thời trang từ mỹ thuật Công giáo cuả những năm 1970 sao?

Nhưng bạn có biết Thánh lễ Latinh còn gây ra hệ quả khác cho tôi không?

Nó làm cho tôi nên cay đắng và kiêu ngạo. Nó khiến tôi nghĩ rằng càng gắn bó với kiểu cách cổ xưa hơn thì càng thánh thiện hơn và ưu việt hơn trong đời sống đức tin. Tôi sẽ chế nhạo “Novus Ordo”(Thánh lể theo kiểu cải cách hậu công đồng) và thậm chí hình dung đến ngày Giáo Hội loại bỏ phụng vụ theo tiếng bản ngữ vì cho rằng nó sẽ là một thử nghiệm thất bại. Ví dụ đã có lần, tôi cảm thấy cực kỳ khó chịu và bực bội, khi dự một Thánh lễ thông thường, không phải Thánh lễ Latinh, và thay vì cầu nguyện với phụng vụ, tôi ngồi đó và đếm tất cả những sai lệch so với các đề mục chữ đỏ mà tôi có thể nhận thấy trong thánh lễ Latinh.

Tôi cảm thấy mình an toàn với ý tưởng (dĩ nhiên là sai) rằng “Công Giáo là một đức tin cổ xưa và bất biến. Đây là lối thực hành đạo xưa nhất và không thể thay đổi.” Tôi đã mất một thời gian, nỗ lực và cầu nguyện để rồi nhận ra rằng cái an toàn này không phải do Chúa hay đến từ Ngài, nhưng đúng hơn là sự trấn an bản thân, bởi đã nhận được câu trả lời và sẽ không bao giờ cần thay đổi (Nó là một viễn cảnh rất hấp dẫn đối với những kẻ sống trong một thế giới quan lúc nào cũng dao động hoặc một tâm thế không ổn định!).

Chúng ta được mời gọi để tin rằng chân lý được Thiên Chúa tỏ bày nơi Đức Kitô là vĩnh cửu và không thay đổi, nhưng như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần chỉ ra (giống như một cha linh hướng Dòng Tên thiện nghệ) rằng sự cứng nhắc và thói độc chiếm trong lối diễn tả chân lý ấy sẽ chẳng hề là những cách diễn tả đức tin cách tự do và chân chính.

Một trong những phần đẹp đẽ của việc cử hành Thánh lễ là nó liên kết chúng ta với sự hiệp thông của Giáo Hội, bao trùm mọi thời gian và không gian. Kỳ thực Thánh lễ theo Công đồng Trentô, tiêu biểu cho hơn 400 năm của việc cử hành thánh lễ trong lịch sử Giáo Hội, đã chuyển tải một số khía cạnh của sự hiệp thông đó cách mạnh mẽ. Nhưng tiếc thay, một số cách sử dụng thánh lễ kiểu này trong thời nay đã trở thành điểm phá vỡ sự hiệp thông đó.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu rõ trong lá thư giải thích động cơ thúc đẩy ngài công bố Tự sắc “Traditionis custodes – Những người gìn giữ truyền thống” rằng việc cho phép cử hành rộng rãi Thánh lễ Latinh truyền thống đã là một sáng kiến ​​“nhằm khôi phục sự hiệp nhất một thân thể Giáo Hội với những cảm quan phụng vụ đa dạng khác nhau”. Tuy nhiên, trên thực tế, nó “bị lợi dụng để nới rộng khoảng cách, củng cố sự khác biệt, và khuyến khích những bất đồng gây tổn hại cho Giáo hội, cản trở con đường của Giáo hội và khiến Giáo hội gặp nguy cơ chia rẽ”. Đọc đến những dòng này, tôi thấy nó đúng với kinh nghiệm thiêng liêng riêng của tôi. Thật đáng buồn khi  Thánh lễ Latinh đã bị lợi dụng như thế.

Giả như Đức Thánh Cha và hàng  giám mục khắp thế giới, những vị có tham gia vào việc trả lời bảng thăm dò về vấn đề này cùng thấy sự chia rẽ như thế trong toàn Giáo Hội, thì Đức Thánh Cha đã đúng khi phản ứng như vậy.

Nhưng, bạn có thể phản đối:

Tôi nào có phải là một tên lạc đạo kiêu căng và căm ghét Đức Giáo Hoàng đâu, tôi chỉ yêu thánh lễ Latinh thôi mà! Thì đây sẽ là một câu hỏi khó mà Đức Thánh Cha dành cho bạn: Hẳn có nhiều lý do chính đáng để yêu thích Thánh Lễ Latinh, nhưng vì nó đã trở thành một nguyên nhân hiển hiện của sự mất đoàn kết và thù hận trong lòng Giáo Hội, thì chúng ta sẽ phải tìm những ân sủng mà dạng thánh lễ này mang lại ở nơi khác.

NHỮNG CÂU CHUYỆN LIÊN QUAN

Đức Thánh Cha Phanxicô sẳn sàng thừa nhận ngài đồng ý với Đức Bênêđíctô XVI rằng“ở nhiều nơi, người ta không cử hành theo các quy định của Sách Lễ mới, rồi đi đến chỗ hiểu những quy định này như một sự cho phép hoặc thậm chí là một yêu cầu sáng tạo, từ đó dẫn đến biết bao lệch lạc gây khó chịu” … Vì thế, một nhiệm vụ trước mắt và mảnh đất chung đối với các tín hữu công giáo đang bị chia rẽ là tập trung vào việc cử hành Thánh Lễ dạng thông thường cách tôn kính hơn một chút. Suy cho cùng, những điều tốt đẹp mà tôi nhận được việc tham dự Thánh lễ Latinhh Truyền thống cũng cần nên có trong Nghi Thức Mới. Mọi nghi thức phụng vụ đúng đắn, dưới bất kỳ hình thức hay ngôn ngữ nào, đều phải khơi dậy lòng khao khát điều tốt lành, cái đẹp và sự thật.

Nhưng có một thử thách mang tính thiêng liêng khác, sâu sắc hơn và khó khăn hơn ở đây. Những khao khát mà phụng vụ khơi dậy và làm thỏa mãn tâm hồn chúng ta – cách riêng với một số người, những khao khát mà Thánh lễ Latinh đã nuôi dưỡng họ cách cụ thể – đều là tốt, thánh thiện và thiết yếu. Nhưng những khao khát đó cũng hướng ta đến điều trên cả phụng vụ.

Để không rơi vào tình trạng giả hình, ta sẽ phải hiểu sao khi ta cũng tìm được những lợi ích thiêng liêng mà lễ Latinh mang lại ở nhiều nơi khác? Ta có thể thấy gì qua việc khám phá vẻ đẹp trong việc phục vụ người nghèo? Rôi ta có xây dựg một cảm thức trưởng thành về sự ngỡ ngàng và thán phục qua việc chăm lo cho mọi thụ tạo, ngôi nhà chung của chúng ta?

Thành thật mà nói, tôi có cảm giác khó trả lời những câu hỏi hóc búa trên. Tôi chỉ biết rằng tôi nghĩ tôi đang được mời gọi để đặt vấn đề. Để trả lời chúng, ta  cần sự kiên nhẫn, đi vào thực hành và cầu nguyện nhiều — bằng bất cứ ngôn ngữ nào chúng được thốt lên.

Chuyển ngữ: JB Hoàng Lê Công Đức, SJ

Theo America Magazine: https://www.americamagazine.org/faith/2021/07/16/pope-francis-latin-mass-traditionis-custodes-241072

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Các sự kiện quan trọng trong Năm Thánh 2025

  Năm Thánh diễn ra 25 năm một lần, sẽ được đánh dấu bằng một …

5 Bình luận

  1. Xin ghi tên của tác giả, tựa đề của bài viết, chứ không chỉ ghi chung chung

  2. điều mà bạn nói ;”thánh lễ Latin để lại ảnh hưởng lớn lên đời sống thiêng liêng của tôi” chính là tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong lòng bạn đấy thôi-Điều gì thôi thúc ta đến gần với Chúa hơn thì ta hãy đi theo nó.Chẳng phải vậy sao? Thánh lễ dâng lên Chúa một cách cung kính nhất phải kết hợp cả hai vấn đề là HÌNH THỨC và LỜI NGUYỆN. Chỉ có trong Thánh lễ Latin mới làm trọn vẹn điều đó

  3. bài viết kiểu vừa đánh vừa xoa. nếu nói rằng thánh lễ Latin làm chia cắt, vậy chẳng lẽ thánh lễ sau Va2 ” được ” các Linh Mục ngày nay biến tấu màu mè đủ trò đủ kiểu lại linh thánh và giúp người ta sống thiêng liêng hơn? Chẳng lẽ chưa từng biết rằng, ngày nay đa số giáo dân đi lễ tập trung ở một nhà thờ vì nơi đó họ thấy Linh mục tổ chức muôn màu muôn vẻ, nào là trống kèn ban nhạc tùng xèng bắt tai bắt mắt nên họ mới đi. vậy sau Va2. Thánh Lễ mà giáo dân tham dự còn bao nhiêu người đi với tâm tình hay chỉ đi vì nó ” vui” ??????????

  4. Xin cho con được Rước MÌNH THÁNH CHÚA bằng Miệng.

  5. Con 20 tuổi, sinh ra và lớn lên Sài gòn trong tinh thần Công giáo được định hình bởi Công đồng Vaticanô II. Mặc dù những cải cách của Công đồng Vaticanô II vẫn tiếp tục định hình sự hiểu biết của con về Giáo hội và phụng vụ của Giáo hội, nhưng con thấy mình vô cùng xúc động bởi vẻ đẹp và chiều sâu biểu hiện tâm linh hiện diện trong nghi thức Tridentine.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *