« Tôi đây là nữ tỳ của Chúa » (22.8.2020 – Đức Maria Nữ Vương)

« Tôi đây là nữ tỳ của Chúa »
(Lc 1, 26-38)

 

26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” 34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! ”

35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

 

Thật là ý nghĩa, khi tôn vinh Đức Maria với tước hiệu cao cả nhất, tước hiệu « Nữ Vương » trong Thánh Lễ hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta lắng nghe lại biến cố truyền tin, là biến cố đầu tiên được thánh sử Luca kể lại.

  • Tầm mức của tước hiệu Nữ Vương thật rộng lớn và phổ quát, cả trên Thiên Đàng lẫn ở trần thế. Nhưng, biến cố truyền tin lại là một biến cố rất riêng tư và âm thầm. Riêng tư và âm thầm, nhưng đó chính là một kinh nghiệm thiêng liêng làm thay đổi cuộc đời của Đức Maria.
  • Và kinh nghiệm thiêng liêng này là một cuộc đối thoại, đối thoại giữa Đức Maria và sứ thần Gabriel; điều này làm chúng ta cảm thấy gần gủi hơn nữa với Đức Maria, vì Mẹ không lắng nghe Lời Chúa cách trực tiếp nhưng qua một vị trung gian. Chúng ta cũng thế, ngang qua nhiều trung gian, và nhất là trung gian Sách Thánh.
  • Điều làm cho chúng ta cảm thấy gần gũi với Đức Mẹ hơn nữa, đó là, trong khi đối thoại với sứ thần, Mẹ cũng bối rối, cũng tự hỏi, cũng nêu thắc mắc, trước khi nói lời ưng thuận. Chúng ta cũng mời gọi sống tương quan với Chúa, một cách thật sống động và thật nhân tính, theo gương của Đức Mẹ.

Trong truyền thống của Giáo Hội, Đức Maria còn được gọi là Eva Mới ; vì thế, để hiểu hết tầm mức và chiều sâu của lời xin vâng mà Đức Mẹ thưa với Thiên Chúa, chúng ta có thể so sánh với lời « xin thôi » của bà Evà.

 

  1. Con rắn lừa dối

Sau khi vi phạm lệnh truyền, Đức Chúa chất vấn bà Evà : « Ngươi đã làm gì thế ? » Và bà trả lời : « Con rắn đã lừa dối con, nên con đã ăn » (St 3, 13). Câu trả lời của bà Evà nói lên yếu tính của tội nguyên tổ. Tuy nhiên, khi nghe và hiểu lời này, chúng ta thường để ý đến hành vi phạm lệnh truyền, là « con đã ăn », và không để ý đủ đến nguyên nhân, đó là « sự lừa dối của con rắn ». Theo pháp luật, để định tội, bao giờ cũng phải xác định nguyên nhân cũng như tình trạng và tình cảnh của người vi phạm. Vậy đâu là sự lừa dối của con rắn ?

Lời của con rắn hoàn ngược lại với Lời Chúa. Thật vậy, Thiên Chúa đã nói : « trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2, 17), nhưng con rắn lại nói : « Không, ông bà sẽ không chết. Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần » (St 3, 4-5). Nọc độc con rắn muốn gieo vào lòng bà Evà, và qua Evà cho cả loài người chúng ta, thật rõ ràng : Thiên Chúa tạo dựng con người để đày đọa con người và cuối cùng là để cho chết, trở về với cát bụi và hư vô, bằng chứng hiển nhiên là Thiên Chúa cấm con người ăn trái cây có khả năng làm cho con người trở thành thần linh ! Và để ngăn cấm, Thiên Chúa lừa dối ông bà : trái cây mang lại những hiệu qua tuyệt vời như thế, nhưng Thiên Chúa lại nói, ăn vào thì chết !

 

  1. Nọc độc nghi ngờ

Đó chính là cảm thức của người Do Thái trong sa mạc, và đó cũng chính là cảm thức của loài người chúng ta, của từng người chúng ta mỗi khi phải đối diện thử thách, giới hạn, khó khăn, đường cùng : « Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này » (Ds, 21, 5). Được giải phóng khỏi đất nô lệ chết chóc, được dẫn đưa tới Đất Hứa, được sinh ra làm người với thân phận con người, nhưng khi gặp khó khăn thử thách, Dân Chúa, từng người chúng ta, lại hiểu đó là dự án giết chết, là sự lừa dối, là án phạt hoặc sự đày đọa của Thiên Chúa, là « thử thách » ; « thử thách », theo nghĩa kiểm chứng, không tin tưởng, « thử thách » để dò xét và theo dõi, để xem con người có tốt không, có xứng không, có sai phạm không để xét xử, kết án và loại trừ!

Nhưng tại sao Thiên Chúa lại lừa dối con người ? Ai đặt ra câu hỏi này, thì tức khắc rơi vào cái bẫy chết người của con rắn, của ma quỉ, của Satan, là đã bị rắn đọc cắn vào người. Bà Evà đã tin vào sứ điệp này của con rắn, và hành vi hái trái cấm bỏ vào miệng chỉ là hậu quả tất yếu theo sau. Như thế, tội trong yếu tính không phải là hành vi, nhưng một thái độ nội tâm dẫn đến hành vi, được gieo rắc bởi Ma Quỉ : đó là không tin thác nơi Thiên Chúa. Không tín thác nơi Thiên Chúa sẽ gây chết chóc cho mình và cho người khác, vì tất yếu, con người sẽ kêu trách Thiên Chúa, không chấp nhận mình, ham muốn những gì người khác có vì lòng ghen tị và tất yếu dẫn đến bạo lực (x. St 37, 12-27 : Giuse và các anh ; và Mt 20, 1-16, là bài Tin Mừng thứ tư vừa qua). Đúng như Thiên Chúa đã báo trước : « Ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ chết ». Chết, không phải do hình phạt, nhưng do « nọc độc nghi ngờ ».

 

  1. Lời « Xin Vâng »

Dựa trên nền tảng của tội nguyên tổ được hiểu như trên, chúng ta có thể khai mở ra cả một cách hiểu mới về « Lời Xin Vâng » của của Đức Mẹ trong mầu nhiệm Truyền Tin : Đức Mẹ tin thác vào Lời Chúa, chứ không nghi ngờ, vốn là nọc độc của Ma Quỉ. Trình thuật truyền tin nói cho chúng ta sự tín thác tuyện đối của Đức Mẹ :

Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói »

(Lc 1, 38)

Lời « xin vâng » được thốt ra trong một thời điểm của cuộc sống, nhưng sẽ được Mẹ sống đến cùng và ngang qua rất nhiều khó khăn thử thách. Tuy các Tin Mừng không nói gì nhiều về cuộc đời của Mẹ sau biến cố Truyền Tin, nhưng sự kiện Mẹ có mặt và đứng vững dưới chân Thập Giá, điều này đủ để chúng ta nhận ra rằng lời Xin Vâng của Mẹ đã phải trải qua biết bao thăng trầm, nhưng Mẹ đã sống đến cùng trong sự tín thác tuyệt đối nơi tình yêu và kế hoạch của Thiên Chúa.

Hình ảnh đúng nhất và đẹp nhất diễn tả Đức Ki-tô Vua, đó là lúc Ngài chịu đóng đinh trên Thập Giá. Thì cũng vậy, hình ảnh đẹp nhất và đúng nhất diễn tả Đức Maria Nữ Vương, Nữ Vương Thiên Đàng, Nữ Vương loài người, Nữ Vương của lòng chúng ta, của cuộc đời chúng ta, đó là hình ảnh Mẹ đứng dưới chân Thập Giá.

 

* * *

Chúng ta cũng được mời gọi đặt lời xin vâng của chúng ta được diễn tả ngang qua ơn huệ đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, ơn gọi dâng hiến, ơn gọi độc thân hay ơn gọi hôn nhân, trong cùng một hành trình như Đức Mẹ : từ khởi đầu của sự sống đến điểm tận cùng của ơn huệ sự sống, ngang qua hành trình đi theo Đức Ki-tô đến cùng. Xin Mẹ nâng đỡ, cầu bầu và dạy dỗ chúng ta với tình Hiền Mẫu.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Manna: Vậy ông là vua sao? (Chúa Nhật 34 TN – B Lễ Chúa Kitô Vua – Ga 18,33b-37)

https://phutcaunguyen.net/pcnapp/audio/CN34TNB_GA18_33_37.mp3   Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. 33b Khi ấy, quan Phi-la-tô …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 23-11-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 23/11/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Vương quốc Thiên …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *