Tôi được dưỡng nuôi!

238

Khi cuộc sống khó khăn, người ta chỉ nghĩ đến cách nào đó để có được của ăn nhằm thỏa những cơn đói; đến khi cuộc sống được sung túc hơn thì cái đói không còn là vấn đề quan trọng nữa, mà nhu cầu sẽ là ăn ngon, mặc đẹp. Cơn đói và cơn khát của những vật chất trần gian này chẳng có điểm dừng. Con người luôn mong muốn cái “hơn” và cái “hơn” thì thật vô vàn. Nó vô vàn bởi cái khao khát của chúng ta là sự mong muốn được lấp đầy; không những chỉ lấp đầy bằng những cái hiện hữu mà còn bằng những cái vô hình mà từ thâm sâu trong tâm hồn, chúng ta luôn thấy mình thiếu thốn.

Bạn có thiếu thốn năng lượng cho hoạt động của cơ thể mình không? Có thể bạn thiếu vì cách cung cấp năng lượng không đúng, hoặc vì những hoạt động quá sức của mình. Nhưng dù bạn có thiếu nhiều đến đâu, thì việc giải quyết nó vẫn có thể trong tầm tay của bạn. Thế nhưng, nếu bạn thiếu cái tưởng chừng rất đơn giản như hạnh phúc nhỏ nhoi vì được có của hằng ngày dù rất đạm bạc, hay thiếu những niềm vui bất ngờ vì không được đón nhận một sự trao tặng có khi chỉ là một cục kẹo, một cái bánh…; bạn sẽ thấy cuộc sống của mình nhàm chán đến chừng nào, và dường như chẳng còn sức sống. Thiên Chúa dưỡng nuôi chúng ta không chỉ là những vật chất để chúng ta được tồn tại, mà còn là những giá trị tinh thần để chúng ta được lớn lên trong ơn nghĩa của Ngài.

Của ăn mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta không làm cho chúng ta được lớn lên về thể xác, nhưng là sự dưỡng nuôi linh hồn. Có bao giờ bạn đặt vấn đề: Có rất nhiều người đi tham dự thánh lễ và rước lễ hằng ngày, sao tâm hồn họ vẫn đầy những xấu xa và độc ác? Liệu Mình Máu Chúa có thực sự nuôi dưỡng linh hồn họ hay không? Quay trở lại với cái thực tế của việc ăn uống hằng ngày, chúng ta nhận ra rằng: Không phải bất cứ một thức ăn nào đưa vào cơ thể, bạn cũng có thể hấp thu được. Có một số người dị ứng với một vài loại thức ăn và cả cuộc đời họ phải tránh xa những loại thức ăn ấy. Hình ảnh thực tế này giúp chúng ta dễ dàng hình dung đến Của Ăn Trường Tồn. Không phải cơ thể chúng ta bị dị ứng với chính Mình Máu Thánh Chúa, khiến chúng ta không thể dung nạp được những dưỡng chất cần thiết cho linh hồn; mà chính vì chúng ta đã không sẵn sàng hấp thụ một sự chấp nhận, một sự biến đổi, một thái độ hy sinh, một tình yêu trọn vẹn… để linh hồn mình được lớn lên.

Mình Máu Thánh Chúa chính là tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa trao ban cho chúng ta. Còn gì bằng tình yêu ấy khi Thiên Chúa là Đấng Cao Cả vượt trên tất cả mọi loài, lại ban cho loài người nhỏ bé chúng ta của ăn để được trở nên đồng hình, đồng dạng với Ngài. Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta hãy biết dưỡng nuôi linh hồn mình bằng chính của ăn ấy, và sự dưỡng nuôi đó đòi hỏi ở chúng ta một thái độ hợp tác để làm cho của ăn ấy trở nên nguồn dinh dưỡng tuyệt vời. Nếu chúng ta xem việc rước lễ như một hình thức hay giống như một sự bảo đảm: “nếu có chết thì cũng được vào thiên đàng” mặc dù luôn bán tính bán nghi về sự sống đời sau, thì chẳng khác nào chúng ta thiếu hiểu biết về những giá trị dinh dưỡng của thực phẩm và như vậy thì ăn gì cũng được, đâu cần thiết phải bồi bổ cơ thể. Cơ thể chúng ta sẽ sớm suy sụp bởi sự thiếu hiểu biết ấy. Còn nếu chúng ta trân trọng tất cả những gì cần thiết cho cơ thể mình và tìm mọi cách để dung nạp chúng, thì chắc chắn cơ thể chúng ta sẽ được phát triển cách tốt nhất. Chúng ta hãy biết ý thức rằng: Mình Máu Thánh Chúa là thức ăn quan trọng để nuôi dưỡng linh hồn, chúng ta hãy làm mọi cách để dung nạp thức ăn ấy cách tốt nhất bằng chính việc thay đổi chính mình, để ngày càng trở nên giống Đấng đã hóa thân trong của ăn ấy. Mỗi lần lên rước lễ là mỗi lần chúng ta phải biết mình cần phải làm gì và phải làm như thế nào để được nên như thế. Có như vậy, chúng ta mới hấp thụ được hết nguồn dinh dưỡng quý báu vô ngần này.

Tôi không thể làm gì nên công trạng lớn lao ở trần gian này; nhưng để cho chính mình được ngày càng trở nên đồng hình, đồng dạng với Đấng đã tạo tác nên tôi; điều đó quá đủ để tôi được hạnh phúc Nước Trời.

Therese Trần Thị Kim Thoa   

Kiểm tra tương tự

Các sự kiện quan trọng trong Năm Thánh 2025

  Năm Thánh diễn ra 25 năm một lần, sẽ được đánh dấu bằng một …

Năm Thánh, lịch sử và nguồn gốc từ Thánh Kinh

  Trên tờ L’Osservatore Romano, Đức hồng y Ravasi, học giả Kinh Thánh, truy tầm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *