Tôi xin chọn Người (kỳ 4): Sống tinh thần trách nhiệm

SORRYCác bạn trẻ thân mến, sau khi ăn trái cấm, A-đam và E-và mới nhận ra mình trần truồng, điều mà trước đó với họ là hoàn  toàn tự nhiên và chẳng có gì phải xấu hổ. Một sự xáo trộn đã đảo lộn hoàn toàn những gì tốt đẹp ban đầu mà Thiên Chúa đã dựng nên. Sự trong suốt giữa người với người và với Thiên Chúa ngay từ khởi nguyên nay đã bị che lấp đi. Họ kết lá không chỉ để che thân xác trần truồng mà còn để giấu diếm đi con người thật của chính mình. Để rồi từ đó trở đi, con người mãi lẩn tránh tha nhân, Thiên Chúa và cả chính bản thân mình.

Nghe tiếng Thiên Chúa đến để hàn huyên với con người như Ngài vẫn làm, nên con người chạy trốn. Thấy con người lẩn tránh mình, Thiên Chúa biết rằng họ đã ăn trái mà Ngài cấm. A-đam đã thú nhận với Thiên Chúa là mình đã ăn, nhưng ông nghĩ mình chẳng có lỗi gì vì người đàn bà mà Chúa cho ở với ông đã dụ dỗ ông ăn nên ông mới ăn. Nói như thế, A-đam đã thầm trách Chúa nếu Chúa chỉ dựng nên một mình ông thôi và không có người đàn bà cùng ở với ông, chắc ông đã không sa ngã? Nếu không phải vì quá quí mến vợ mình chắc ông đã không ăn? Và mọi tội lỗi là vì E-và, ông bị oan và vô tội. Chồng không dám nhận phần lỗi và đổ thừa cho vợ. Bà cũng chẳng vừa khi nhanh nhảu chối bay chối biến để đùn đẩy trách nhiệm cho con rắn. Nói thế là bà cũng thầm trách tại Chúa dựng nên con rắn nên nó mới cám dỗ và làm bà sa ngã. Như thế là ông bà chẳng có lỗi gì. Mọi nguồn cơn của thảm kịch này là con rắn xảo quyệt và xấu xa. Trong cơn quẫn bách, chẳng ai có đủ can đảm để nhận phần lỗi về mình, trái cấm ngon lành thì ông bà sẵn sàng thụ hưởng còn lỗi lầm thì cứ mãi đẩy đưa.

Các bạn thân mến,

Thói đổ thừa ngày xưa A-đam và E-và mắc phải vẫn còn đó nơi thời đại của chúng ta. Ắt hẳn các bạn cũng có kinh nghiệm này, mỗi lần chúng ta sa ngã và phạm tội, việc đầu tiên mà chúng ta thường làm là kiếm một ai đó để đổ thừa trách nhiệm. Tại cái này, bởi cái kia, hay do một ai đó nên tôi mới như vậy. Do hoàn cảnh gây áp lực và chi phối, nên tôi mới hành xử tệ hại như thế. Ta vẫn có xu hướng chối tội và chạy tội cho chính mình. Nếu chẳng tìm được hình nhân nào để thế mạng, ta sẽ tìm lý lẽ này, nguyên nhân kia để bào chữa và biện mình cho mình được giảm trách nhiệm. Thử hỏi có mấy người trong số chúng ta can đảm nhận trách nhiệm về mình mà không chút bào chữa hay biện minh. Thậm chí, có những bạn đổ lỗi cho Chúa vì Ngài cấm đoán bằng những giới răn nên khi các bạn làm ngược lại thì mắc lỗi. Nếu chẳng có các giới răn và Đấng cấm đoán thì các bạn chẳng có tội lỗi gì. Con người ngày nay có xu hướng vơ vét quyền lợi cho chính mình còn trách nhiệm khó và hậu quả xấu thì đẩy cho người khác.

Trở lại câu chuyện của E-và và A-đam, việc chối tội để chạy án chỉ phản ánh một sự thật rằng họ không dám đối diện với con người thật của mình. A-đam chỉ thấy cái rác trong mắt E-và mà không nhìn thấy cái xà trong con ngươi của chính mình. Không chấp nhận mình đã sa ngã vì yếu đuối nên họ cũng khước từ tình yêu mà Thiên Chúa dành cho họ. Nếu ông bà nguyên tổ biết nhìn nhận sai lỗi của mình và tự tìm đến Thiên Chúa để thú nhận và xin tha thứ, chắc chắn Thiên Chúa sẽ ôm chầm lấy họ như người cha nhân hậu đối xử với đứa con hoang đoàng. Chính bởi hoài nghi lòng thương xót của Thiên Chúa trước, trong và ngay sau sa ngã nên họ chỉ kiếm cớ để chối tội chứ một mực chẳng nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa không kết án nhưng chính họ đã tuyên án cho chính mình. Họ không tin Thiên Chúa sẽ tha thứ cho mình nên họ đã cắt đứt sự hiệp thông với Thiên Chúa. Phê rô ngày xưa, dù đã chối Thầy những ba lần, nhưng cũng kịp biết hối cải bằng những giọt nước mắt ăn năn. Người thu thuế tội lỗi cùng lên đền thờ với người Phari sêu, ông đã được thương xót vì cả gan dám đấm ngực nhận mình là đại tội nhân. Chúa luôn cho con người cơ hội để hối cải nhưng liệu con người có biết mở ra để đón nhận không? Nhận trách nhiệm về mình, đấm ngực mình để nhận lỗi chứ không đấm ngực tha nhân để chối bay chối biến mới là dấu chỉ tỏ lộ lòng hoán cải.

Các bạn thân mến, mỗi lần bắt đầu tham dự thánh lễ, ta thường đấm ngực ăn năn với lời kinh Cáo Mình để nhìn nhận tội lỗi và thiếu xót. Nhưng cử chỉ bên ngoài có thực sự diễn tả tâm tình sám hối và ăn năn bên trong không? Thiên Chúa chỉ thương xót và tha thứ khi ta can đảm nhìn nhận sai lầm của chính mình. Sai lầm là chuyện thường tình của kiếp người nhưng dám thừa nhận mình sai để sửa mới thực sự là chín chắn và trưởng thành. Sai lầm nhưng biết phục thiện thì đáng thương nhưng phủi tay sạch trơn khỏi trách nhiệm và đổ thừa thật là đáng trách. Các bạn muốn là người đáng thương hay đáng trách?

Jos. Nguyễn Huy Mai

Kiểm tra tương tự

Để trẻ em được là trẻ em lâu hơn

Ngày càng có nhiều phụ huynh cam kết không cho con mình sử dụng điện …

Hướng dẫn trẻ nhỏ khám phá sức mạnh chữa lành từ lòng thương xót và lời nguyện chuyển cầu

Tôi biết một người mẹ có hai con trai nhỏ thường xuyên cãi nhau. Một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *