Tôi xin chọn Người (kỳ 8): Sự bất tín của con người

bat tinCác bạn thân mến, khi bị đọa đày trong kiếp sống nô lệ ở Ai Cập, được tự do và hồi hương có lẽ là mong mỏi lớn nhất của dân Do Thái. Tuyệt vọng với thân phận tôi đòi, dân chỉ còn biết than khóc với Thiên Chúa của tổ phụ để mong Ngài biểu dương uy lực và vương quyền. Những tưởng họ phải hết mực tín trung vào Thiên Chúa vì Người chưa bao giờ rời mắt khỏi dân. Tuy nhiên, giao ước giữa các tổ phụ và Thiên Chúa chỉ vẫn mãi là một khế ước đơn phương vì Thiên Chúa càng tín trung thì dân Chúa ngày càng bội phản. Sự tín trung của Thiên Chúa và lòng trung thành của dân mà Ngài tuyển chọn hệt như hai đường thẳng song song chẳng bao giờ có thể cắt nhau.

Sách Xuất Hành thuật lại cho chúng ta công cuộc giải phóng thần kỳ và ngoạn mục mà Thiên Chúa đã ra tay để đưa dân lên từ Ai Cập. Mỗi lần Pha-ra-ôn cứng lòng cương quyết không để dân ra đi và quyết định đàn áp dân tàn bạo hơn là bấy nhiêu lần dân kêu trách Chúa. Họ không tin Thiên Chúa đang tiến hành công cuộc giải phóng họ. Dân Do Thái có nằm mơ chắc cũng chẳng dám nghĩ có ngày họ sẽ được tự do. Thiên Chúa để dân đi qua lòng biển Đỏ cạn khô đến khi quân Ai-cập đuổi đến nơi thì bức tường nước của hai bên lòng biển đã đổ ụp xuống chôn vùi tất cả quân Ai-cập. Trước phép lạ thần thánh mà Thiên Chúa đã thực hiện, dân đã ca vang bài ca chúc tụng Thiên Chúa. Nhưng niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa chẳng kéo dài được bao lâu, cổ họng khát khô, cái bụng trống rỗng đã khiến môi miệng họ chỉ bập bẽ những lời oán than Thiên Chúa. Trong cơn đói khát, họ hoài niệm và mơ về nồi thịt với củ hành của tỏi của nô lệ ngày nào ở Ai Cập. Nước từ tảng đá chảy ra cho họ uống, mana và chim cút làm lương thực nuôi dân trên đường lữ hành là dấu chỉ sự trung thành của Thiên Chúa. Chúa họ thờ là cái bụng nên khi các yêu cầu của dân được đáp ứng họ đã hăm hở ca tụng Thiên Chúa. Tại núi Xi-nai, họ đã xin Thiên Chúa cho được ký kết với Ngài một giao ước. Họ hứa rằng từ nay chỉ tôn thờ một mình Ngài, Thiên Chúa duy nhất và độc tôn của họ, Đấng đã tín trung giải thoát họ khỏi cảnh tôi đòi. Họ cũng cam kết sẽ vâng nghe mọi lời Ngài răn dạy, nhất là tuân giữ mười điều răn. Tiếc thay, giao ước vừa ký kết giữa đôi bên chưa kịp ráo mực, họ đã đúc bò vàng để sụp lạy như Thiên Chúa. Họ vui chơi nhảy múa và chúc tụng Thiên Chúa “bò vàng” của họ. Họ đã bội phản ngay khi giao ước vừa  được ký.

Các bạn thân mến

Sự bất tín của dân Do Thái ngày xưa vẫn còn tiếp tục nơi thời đại chúng ta. Ta chẳng mấy trung thành với Thiên Chúa khi tương quan giữa ta với Ngài cũng tùy thuộc vào mức độ hào phóng của ân ban. Chỉ khi gặp khó khăn và thử thách, chúng ta mới chạy đến với Ngài để xin ơn, để đòi hỏi, để than thân trách phận. Có lúc, ta xem những việc bổn phận khi chịu phép rửa tội và gia nhập Hội Thánh như điều kiện để kỳ kèo mặc cả về ơn xin. Khi xin ơn và để được nhận lời thì ta cũng hứa hẹn đủ điều. Tiếc thay, khi được ơn, ta quá vui mà quên mất tạ ơn và lại càng không thực thi những lời mình hứa. Một khi xin hoài chẳng được, ta cũng chao đảo niềm tin, rằng Thiên chúa chẳng thương xót gì ta cả. Khi đó, Thiên Chúa sẽ bị dẹp qua một bên vì xem ra Ngài chẳng còn thần thiêng gì nữa. Đáng lẽ phải thờ phượng Thiên Chúa, ta đã bắt ép Thiên Chúa phải thờ phượng mình với những đòi hỏi ngang ngược và khó chiều. Ta giữ đạo và theo Chúa bao lâu Thiên Chúa còn giá trị lợi dụng cho chính mình.

Dân Do Thái ngày xưa đã tạc bò vàng làm Thiên Chúa với mong muốn có thể điều khiển Ngài theo ý mình. Làm thế, họ có thể đặt để Ngài ở đâu tùy ý họ, họ đặt đâu Thiên Chúa phải ngồi đấy, họ muốn gì Thiên Chúa phải nhất quyết vâng theo. Như thế, họ đã tự mình hoán đổi vai cho Thiên Chúa thay vì họ phải lệ thuộc Thiên Chúa thì họ lại muốn Thiên Chúa phục tùng mình. Trong khó khăn và thử thách, họ kêu cầu Thiên Chúa là việc chính đáng nhưng họ không thể than vãn và kêu ca như thể Thiên Chúa luôn thiếu họ một món nợ khó đòi.

Thực ra, chẳng phải Thiên Chúa không biết con người chỉ trung thành với Ngài vì tư lợi. Nhưng Ngài đã yêu thương con người quá đỗi đến độ nhắm mắt làm ngơ trước sự bội phản, bất trung và trục lợi của con người. Ước mong của Thiên Chúa là sẽ có ngày sự tín trung của con người vào chính Ngài thoát khỏi sự lệ thuộc vào ân ban. Sẽ có ngày, con người nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho mình để đáp trả bằng một tình yêu tinh ròng không chút vẩn đục bởi bóng dáng của lòng tham và vị lợi. Ước mơ của Thiên Chúa giản đơn chỉ là thế, các bạn có mong muốn hiện thực hóa giấc mơ ấy cho Thiên Chúa không?

Jos. Nguyễn Huy Mai

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *