Tóm lược bản tin Giáo Hội tuần qua (23.6 – 28.6.2014)

tham giao phanĐTC VIẾNG THĂM GIÁO PHẬN CASSANO ALL’JONIO

ROMA. Ngày 21.6 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã viếng thăm giáo phận Cassano all’Jonio thuộc miền Calabria, nam Italia. Giáo Phận này cách Roma 400 cây số, có 106 ngàn tín hữu Công Giáo và do Đức Cha Nunzio Galantino cai quản. Vùng này thường bị nạn tổ chức bất lương N’drangheta, giống như Mafia, hoành hành.

Đầu tiên, ngài viếng thăm nhà tù Castrovillari. Chia sẻ với các tù nhân, ĐTC cho biết cuộc viếng thăm này của ngài nhằm bày tỏ sự gần gũi của Ngài cũng như của Giáo Hội đối với những ai đang ở trong nhà giam. ĐTC đã bắt tay chào từng nữ tù nhân và khi chào, ngài nói: “Xin hãy cầu nguyện cho tôi.” Sau đó, ngài đến trung tâm Thánh Giuseppe Moscati, nơi chuyên chữa trị chống đau cho các bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời. Rồi ngài đến nhà thờ chính tòa Cassano để gặp gỡ hàng giáo sĩ địa phương lúc 12 giờ trưa. Tiếp đến, ngài đến chủng viện Gioan Phaolô 1 để dùng bữa trưa với các bệnh nhân do Caritas giáo phận và các bạn trẻ thuộc cộng đồng cai nghiện Saman giúp đỡ. Hai giờ rưỡi chiều, ngài viếng thăm những người già tại nhà dưỡng lão Casa Serana, trước khi đến Sibari để cử hành thánh lễ vào lúc 4 giờ rưỡi chiều. Khoảng 6 giờ chiều, ngài đáp trực thăng về lại Roma.

CÔNG GIÁO UCRAINA SẴN SÀNG ĐỐI THOẠI VỚI CHÍNH THỐNG NGA

KIEV. Đức TGM trưởng Sviatoslav Shevtchuk, Giáo chủ Công Giáo Ucraina nghi lễ Đông Phương, tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Chính Thống Nga. Cho đến nay, Giáo Hội Chính Thống Nga cho rằng Công Giáo Ucraina nghi lễ Đông Phương đứng về phe chống đối hồi tháng 2 năm nay ở Quảng trường Maidan, thủ đô Kiev và ủng hộ chính quyền mới của Ucraina theo đuổi chính sách bài Nga.

Đức TGM cũng kêu gọi những người “Nga anh em” nhìn nhận phẩm giá của nhân dân Ucraina. Phẩm giá này không hề làm thương tổn phẩm giá và tự do của Giáo Hội Chính Thống Nga. Ngài nói: “Chúng tôi chỉ muốn một cuộc đối thoại lương thiện, một ngày kia có thể dẫn tới sự hòa giải”. Đức TGM cho biết ĐHY Kurt Koch, người Thụy sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô tình nguyện làm trung gian cho cuộc đối thoại này.

KÊU GỌI CHÍNH PHỦ MỸ GIÚP ĐỠ IRAK

patesWASHINGTON. Đức Cha Richard Pates, Chủ tịch Ủy ban công lý và hòa bình quốc tế, thuộc HĐGM Hoa Kỳ, kêu gọi chính phủ nước này có những biện pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Irak, thay vì chỉ có câu trả lời quân sự. Đức Cha nói rằng: “Hoa Kỳ có một trách nhiệm đặc biệt đối với nhân dân Irak. Cuộc xâm lăng và chiếm đóng Irak do Hoa Kỳ lãnh đạo đã tạo nên cuộc xung đột phe phái và trào lưu cực đoan tại nước này, hai hậu quả thê thảm không cố ý này đã có âm hưởng sâu xa và liên tục đối với nhân dân Irak.”

Trong những ngày qua, Tổng thống Obama tuyên bố rằng chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Irak không phải là quân sự nhưng là chính trị. Ngoài 275 thủy quân lục chiến bảo vệ đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, chính phủ Washington sẽ gửi thêm 300 cố vấn quân sự để giúp đỡ quân đội Irak. Các cố vấn này sẽ được phân thành những nhóm nhỏ quanh thủ đô Baghdad và mạn bắc nước này.

GIÁO HỘI KENYA LO ÂU VỀ TÌNH TRẠNG BẤT AN GIA ĐÌNH

NAIROBI. Trong thông cáo công bố hôn 22.6 vừa qua, Hội đồng các Giáo Hội Kitô, trong đó có Giáo Hội Công Giáo, tố giác sự xâm nhập của những người di dân bất hợp pháp, sự tái xuất hiện những lãnh tụ tôn giáo cực đoan. Tình trạng bất an này ảnh hưởng đến đời sống quốc gia, ngành du lịch, thương mại và các quan hệ quốc tế.

Hội đồng kêu gọi các vị lãnh đạo đất nước chấm dứt những căng thẳng vô ích, truy lùng và đưa ra trước công lý thủ phạm những vụ tấn công và khủng bố, đồng thời làm sao để các lực lượng an ninh bảo vệ hữu hiệu cho dân chúng. Các vị lãnh đạo Kitô cũng kêu gọi các công dân bảo vệ thống nhất đất nước để mưu ích chung cho tất cả mọi người.

XÁC NHẬN MỘT GIÁM MỤC CHILÊ VÔ TỘI

đức cha minh oanSANTIAGO DE CHILE. Sau 1 năm điều tra, Bộ Giáo Lý đức tin xác nhận Đức Cha Cristian Contreras Molina ở giáo phận San Felipe, ở Chile hoàn toàn vô tội, trái với những lời cáo buộc người ta đưa ra cho là ngài lạm dụng tính dục trẻ em. Viện kiểm sát ở địa phương cũng kết thức cuộc điều tra và cho biết là Đức Thánh Cha đã cộng tác với cả hai cuộc điều tra.

Trong cuộc họp báo hôm 20.6 vừa qua, Đức Cha Molina chia sẻ rằng: “Tôi vẫn luôn nói rằng vụ cáo buộc này là một sự vu khống. Nay tôi được bình an. Tôi không nghi ngờ gì về việc dân Chúa biết ai là mục tử của mình. Tôi đã nhận được nâng đỡ từ gia đình, cộng đoàn và các linh mục của tôi. Diễn giải lời ĐTC Phanxicô, Đức Cha nói thêm rằng: “Không có chỗ trong Giáo Hội cho các Linh Mục lạm dụng trẻ vị thành niên. Điều này có nghĩa là tôi vẫn luôn theo thủ tục của Giáo Hội phải điều tra khi có những lời cáo buộc được đưa ra”.

CHỐNG ÁP ĐẶT LUẬT DÂN SỰ DUY NHẤT Ở ẤN

MUMBAI. Đức Cha Thomas Dabre, TGM giáo phận Puna, Ấn Độ, chống lại chủ trương bộ luật dân sự mới áp đặt Ấn Giáo cho các nhóm tôn giáo thiểu số. Ngài bày tỏ lo âu vì đề nghị của tân chính phủ Ấn, do đảng quốc gia Ấn giáo BJP điều khiển, đòi bãi bỏ các luật nhân sự của các cộng đồng tôn giáo khác nhau. Đức Cha nói thêm rằng: “Ấn độ là một xã hội đa văn hóa với nhiều tôn giáo khác nhau. Thật là điều sai lầm khi áp đặt nền văn hóa ấn giáo cho tất cả mọi người dân ấn độ dưới hình thức bộ dân luật chung”.

Theo đảng BJP, bộ dân luật chung là một cách thức kiến tạo bình đẳng xã hội. Tuy nhiên, các tôn giáo thiểu số e ngại rằng bộ dân luật chung như thế trở thành một phương thế tấn công truyền thống và các quyền tôn giáo của họ. Đức TGM nhận định rằng: “Một chính phủ đa số không có nghĩa là một chính phủ theo tôn giáo của đa số”.

LIÊN HIỆP QUỐC KÊU GỌI CHÍNH PHỦ MYANMAR

myanmarRANGOON. Hôm 20.6 vừa qua, ba chuyên viên LHQ về tự do tôn giáo và về các vấn đề của tôn giáo thiểu số và nhân quyền, đã lên án dự luật của chính phủ Myanmar, theo đó những người muốn thay đổi tôn giáo phải làm đơn xin và phải có giấy phép của chính quyền.

Ông Heiner Bielefeldt, tường trình viên đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo, nói rằng: “Tự do tôn giáo và tín ngưỡng là một quyền của con người, độc lập với sự phê chuẩn của Nhà Nước, và việc tôn trọng tự do tôn giáo và tín ngưỡng không tùy thuộc các biện pháp hành chánh”. Bà Rita Izsak chia sẻ rằng: “Tôi khuyến khích chính phủ Myanmar củng cố việc bảo vệ theo các tiêu chuẩn quốc tế, và đừng tạo nên những chướng ngại về căn tính tôn giáo. Mỗi người có quyền tự do chọn lựa tín ngưỡng và tôn giáo của mình. Ông Yenghee Lee, tường trình viên đặc biệt của LHQ về tình hình Myanmar cho biết trong 6 tháng qua, có những bước thụt lùi đáng lo âu trong tiến trình của đất nước này hướng về nền dân chủ rộng rãi hơn, kể cả những vụ bắt người trái phép, hăm dọa những người bênh vực nhân quyền và các ký gỉ không theo đường lối của chính phủ.

CÔNG NGHỊ CÁC GIÁM MỤC MELKITE KÊU GỌI CHẤM DỨT BẠO LỰC

BEIRUT. 30 Giám Mục Công Giáo Melkite, chủ chăn của khoảng 160 ngàn tín hữu đến từ các nơi trên thế giới, trong đó có các nước Trung Đông, Hoa Kỳ, Canada, Australia, Argentina và Brazil, đã tham dự công nghị dưới quyền chủ tọa của Đức Thượng Phụ Gregorio III Laham. Trong tuyên ngôn chung kết, các giám mục cho biết đã lắng nghe các Giám Mục từ Siria và từ đó đưa ra lời kêu gọi hòa giải và hòa bình, từ bỏ những tư lợi để mưu công ích tại Siria và Irak.

Các Giám Mục cho biết tại Siria đã có 91 nhà thờ bị hư hại hoặc bị phá hủy vì chiến tranh, trong đó có 31 thánh đường Công Giáo Melkite. Đức Thượng Phụ Gregorio III thông báo công trình tái thiết các thánh đường đã bắt đầu và Giáo Hội cũng lạc quyên để giúp các tín hữu tái thiết gia cư của họ. Về tình hình Liban, các Giám Mục kêu gọi các đại biểu quốc hội hãy vượt thắng tình trạng bế tắc hiện nay và bầu 1 vị Tổng thống mới cho đất nước.

BÀ CHRISTIN MARIAM BỊ BẮT TRỞ LẠI

mariamLONDON. Bà Christin Mariam, 27 tuổi, bị tòa án Hồi Giáo kết án tử vì bị cho là bỏ Hồi Giáo để theo Kitô giáo. Bố bà là người Hồi Giáo, nên người ta mặc nhiên cho rằng bà phải là người Hồi Giáo dù, mẹ bà là tín hữu Chính Thống. Bà bị bắt từ tháng 2 năm vừa rồi. Vụ kết án tử cho bà Christin trong lúc bà đang mang thai đã tạo nên sự phẫn nộ trong dư luận quần chúng. Hôm 23.6 vừa qua, Tòa án cấp cao ở Sudan đã hủy bỏ án lệnh của tòa cấp dưới và truyền tha bổng cho bà.

Nhưng theo nguồn tin địa phương, bà Christin đã bị 40 nhân viên mật vụ bắt giữ cùng với chồng là ông Daniel Wani và 2 người con trong lúc định rời khỏi Sudan từ phi trường Khartum. Gia đình bà định bay sang Mỹ vì chồng bà vừa có quốc tịch Mỹ vừa có quốc tịch Sudan. Thông tin mới nhất nhận được là bà đang tạm trú đại Đại sứ quán Mỹ ở Khartum.

CÔNG AN THÀNH ÔN CHÂU PHÁ HỦY THÁNH GIÁ

ÔN CHÂU. Công an tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang bên Trung Quốc đã phá hủy 360 thánh giá và một nhà thờ tại đây từ đầu năm đến nay. Các tín hữu Kitô dự kiến tổ chức một cuộc biểu tình ôn hòa để phản đối kế hoạch của chính quyền địa phương tiếp tục phá hủy các thánh giá khác.

Hãng tin Asia News cho biết, kế hoạch phá hủy này, trên danh nghĩa là nhắm tới tất cả những cơ sở nhà cửa xây cất bất hợp pháp nhưng trên thực tế là do Nhà nước lo ngại thấy sự bành trướng của Kitô giáo trong vùng và muốn giới hạn những khía cạnh tỏ tường nhất, cụ thể là các thánh giá. Các tín hữu Kitô ở Ôn Châu cho biết họ tiếp tục phản đối và tranh đấu bảo vệ các thánh giá, mặc dù có những lời dọa nạt của Nhà Nước.

24 TGM CHÍNH TÒA NHẬN DÂY PALLIUM

dc docVATICAN. Sáng Chúa nhật 29.6 tới đây, ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự thánh lễ tại Đền Thờ thánh Phêrô và trao dây Pallium cho 24 vị TGM chính tòa, trong đó có Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh.

Dây Pallium là một dây làm bằng long chiên màu trắng, bề ngang chừng 5 cm, có 6 hình thánh giá kết bằng tơ màu đen, được đeo ở cổ, có 2 giải ngắn, một ở phía trước ngực và một ở phía sau lưng. Dây này biểu tượng quyền của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh và tượng trưng tình hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô.

24 vị TGM sẽ nhận dây Pallium đến từ 22 quốc gia, trong đó có 6 vị đến từ Châu Á là Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, 2 vị Philippine. Ngoài ra, có 3 vị TGM không đến được và xin nhận dây Pallium tại giáo phận thuộc quyền, do vị Đại diện Tòa Thánh trao.

Tổng hợp và biên tập: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Niềm hy vọng cũng dành cho bạn!

  Thứ Ba ngày 24/12/2024, sau khi mở Cửa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *