(Truyện ngắn)
1.
Hoàng nằm trên chiếc băng ca trắng lạnh, tay cậu yếu ớt với tay mẹ đang ngồi bên cạnh mình. Chị nước mắt rưng rưng nhìn con, chẳng nói gì, chỉ kề mặt sát Hoàng một tí rồi hướng mắt về cậu. Hoàng nói trong hơi yếu ớt:
-“Má à! Nếu con có…”
Chị bụm miệng Hoàng lại.
-“Hoàng! Đừng nói vậy, làm má sợ! Con à! Ở với má!”
Chị nghẹn ngào nhìn đứa con trai duy nhất đang cố để thở từng hơi không đều đặn. Hoàng thực sự đã rất yếu, bác sĩ nói cậu không thể qua được.
2.
Chị có mỗi Hoàng là con trai một. Cậu là món quà duy nhất mà anh – chồng của Chị – ba của Hoàng – còn để lại cho chị. Anh đã ra đi vì căn bệnh ung thư cách đây mười năm trước, lúc Hoàng mới bảy tuổi.
Nhìn cậu thanh niên cao to, đẹp trai, khỏe mạnh và hay cười nói như Hoàng, có mấy ai nghĩ đến việc cậu đang vướng phải một căn bệnh nan y di truyền. Căn bệnh cậu mang ngay từ lúc mới sinh ra, nó đeo bám và phát triển dọc theo cuộc đời của Hoàng.
-“Đời! Ai cũng có cái khổ! Mình có bệnh vậy âu cũng là cái khổ của riêng mình!”
Nhiều lúc Hoàng đã tự an ủi mình như thế. Cậu biết căn bệnh của mình sẽ không kéo dài tuổi thọ như người bình thường. Ngay từ lúc bắt đầu có trí khôn, Hoàng đã bắt đầu ý thức về điều đó. Nhờ vậy, cậu trưởng thành khá sớm so với những thanh niên đồng trang khác. Mọi người đều bất ngờ về sự chững chạc và giỏi giang của Hoàng.
-“Mình phải cố sống để má vui lòng! Bệnh của mình sẽ không sống thọ, chỉ mong sống ngày nào đừng phụ lòng má ngày đó!”
Gia cảnh của mẹ con Hoàng không đến nỗi quá nghèo khó, nhưng nhiều lúc túng thiếu vây hãm không lối thoát, khiến chị nhiều phen đuối sức. Lúc anh còn sống có cùng chị mở một nhà máy xay lúa nho nhỏ, để xay lúa cho bà con trong xóm, đồng thời cũng có chút đỉnh cho gia đình. Nhưng số tiền vợ chồng làm ra không đủ để vô thuốc hàng tháng cho anh. Thêm sự chào đời của Hoàng làm cho gia đình đã đều đều nay lại túng thiếu hơn nữa.
Anh ra đi ít lâu thì nhà máy xay lúa cũng đội nón ra đi vĩnh viễn. Chị chỉ còn mảnh vườn nhỏ sau nhà trồng mấy liếp rau để mỗi sáng cắt đem ra chợ bán. Hoàng thường ngày đi học, lúc ở nhà thì tranh thủ phụ mẹ chuẩn bị những liếp đất. Mẹ con cùng hủ hỉ chung sức thì đủ sống qua ngày.
3.
-“Ăn đi con! Hôm nay má nấu khổ qua dồn thịt mà con thích đó!”
Hoàng lấy tay áo lau những giọt mồ hôi thay nhau chảy trên trán. Vừa xới xong liếp đất trồng rau muống mà sáng nay mẹ mới cắt đem ra chợ bán. Chuẩn bị đất để gieo hạt giống mới.
-“Má ơi! Con bửa luống xong rồi! Chiều má với con ra gieo hạt!”
Chị mỉm cười nhìn Hoàng. Cậu có nét giống hệt như anh hồi còn sống. Rồi chị đưa chiếc muỗng nhỏ cắt khoanh khổ qua dồn thịt cho vô chén của cậu. Hoàng cám ơn mẹ rối rít rồi và cơm một hơi.
Vừa đứng lên gom chén và đũa đem ra nhà sau rửa. Hoàng ôm đầu rồi ngồi xập xuống ngay ghế gỗ. Hai bàn tay xoa màng tang.
-“Hoàng! Sao vậy con!”
-“Dạ! Không sao đâu má! Chắc sáng giờ làm mệt! Không sao đâu, con nghỉ xíu là khỏe!”
Chị mang vẻ mặt lo lắng cho Hoàng, nhưng nghe cậu nói vậy cũng an tâm phần nào. Vừa ngồi rửa chén, cậu ngửi thấy mùi gì tanh tanh như mùi máu. Nhìn xuống chiếc sàn gỗ, cậu thấy những giọt máu đỏ tươi chảy từ hai lỗ mũi rồi nhỏ xuống liên tục như hai chiếc van nước bị vặn lỏng. Cậu bắt đầu choáng váng, nhưng ráng cho xong mấy cái chén và mấy đôi đũa để úp lên chiếc xề trên nắp khạp. Rồi vội bịt hai lỗ mũi mà bước vô buồng. Đặt lưng xuống Hoàng bắt đầu thấy mắt mình hiện lên những đốm sao lớn nhỏ, hai tai bắt đầu ù càng lúc càng to, những sợi dây thần kinh hai bên màng tang giật liền chập như thế muốn nổ tung. Nằm ngửa nên máu không chảy ra được, nhưng Hoàng biết máu vẫn chảy vì cậu hít ngược vào họng để nuốt vào trong. Mùi máu tanh ngay ngáy trong họng Hoàng. Với bàn tay mò lên đầu giường kiếm chai dầu gió thoa, nhưng…
4.
-“Hoàng! Tỉnh chưa con?”
Chị lo lắng hỏi con. Hoàng tỉnh dậy thấy mình nằm trong bệnh viện. Chiếc đèn bệnh viện sáng rực, chắc giờ đã khuya lắm rồi, vì cậu làm mệt từ trưa. Nhìn trên đầu thấy những bịch nước biển và những bịch máu thay nhau nhỏ tong tỏng xuống cái ống dài ngoằn truyền vào cánh tay của Hoàng.
-“Má! Con bị sao vậy?”
Chị trả lời cách miễn cưỡng:
-“Ờ! Con bị mất sức! Làm mệt! Nghỉ đi cho khỏe con!”
Nhưng Hoàng biết rằng nếu làm mệt thì chỉ truyền nước biển hoặc truyền đạm, chứ đâu cần truyền máu. Nhưng nhìn khuôn mặt ưu tư của mẹ, cậu không hỏi nữa, vì đã đoán chắc có chuyện gì không ổn xảy ra với mình.
Mấy ngày liên tục Hoàng thấy bác sĩ vào thăm khám, hỏi thăm Hoàng thấy trong người thế nào. Khuôn mặt bác sĩ cứ lạnh tanh mà chẳng cười chút nào với cậu. Chỉ có mẹ là nhìn Hoàng và cười dù… rất miễn cưỡng.
Khám xong bác sĩ và mẹ ra ngoài. Qua lớp kính trong Hoàng thấy bác sĩ có vẻ ưu tư còn hơn cả khuôn mặt của mẹ hôm trước. Cậu thấy mẹ hỏi bác sĩ gì đó, rồi bác trả lời chầm chậm, rồi thi thoảng bác lắc đầu. Cái lắc đầu báo tin gì đó không lành sắp xảy đến.
Hoàng không hé miệng hỏi mẹ rằng cậu bị gì. Nhưng phần chắc biết căn bệnh nan y đã tới hồi cuối. Cậu cảm rất rõ cơ thể của mình đang chuyển động như thế nào. Từ những sự khỏe khoắn sang sự mệt mỏi. Từ con người ham thích nói chuyện và cười nay lại cảm thấy lười nói lười cười với người khác. Cậu cũng chẳng muốn đi tới đi lui vì hai chân cũng mỏi nhừ. Nhưng nhìn mẹ chạy ra chạy vô phòng lo cho mình, Hoàng tự nhủ:
-“Phải cố lên! Sống phút nào hay phút đó!”
Đưa bàn tay quệt nước mắt bên khóe. Hoàng gượng ngồi lên nói chuyện với mẹ. Gượng cười … rất tươi. Gượng hỏi thăm. Tất cả là gượng và gắng nhưng người ngoài không dễ nhận ra sự mệt mỏi trong người cậu. Thấy tinh thần của con tốt hơn, chị nghĩ sức khỏe của con ổn hơn, nên chị cũng dần lấy lại tinh thần.
5.
Hoàng kéo bàn tay của mẹ đang bụm miệng mình lại. Cậu nói:
-“Má ơi! Con muốn… con muốn… hiến tạng!”
-“Con… con… nói gì vậy Hoàng?”
-“Má à! Con biết bệnh của con rồi! Con không hỏi má vì sợ má nghĩ tới mà buồn. Cũng không muốn khiến má suy sụp. Nhưng thực tế phải chấp nhận thôi má! Con muốn cuối đời mình vẫn làm được điều gì đó ý nghĩa!”
-“Con… con… Má… Má…”
Chị ú ớ mà chẳng nói trọn vẹn câu nào. Chị cứ nghĩ Hoàng là đứa bé bảy tuổi xưa kia. Nghĩ rằng cậu chưa biết gì về bệnh tình của mình. Nhưng không! Hoàng biết! Thậm chí còn biết rất rõ nữa là đàng khác. Phần vì cậu đã chuẩn bị mọi sự, phần vì cậu muốn mẹ vui đến những phút cuối, sau hết cậu cũng không muốn cuộc đời mình là chuỗi ngày đáng buồn. Hoàng nắm lấy hai bàn tay gầy guộc, run run của mẹ vì vừa nghe cậu nói ước muốn hiến tạng, cậu an ủi mẹ:
-“Má à! Sống trong cuộc đời mười năm, hai mươi năm, năm mươi năm hay trăm năm… liệu có ý nghĩa gì nếu mình không cống hiến phải không má! Con đã biết mình sẽ có phút này. Con cám ơn ba má đã sinh ra con, cho con hình hài. Con đã sống rất hạnh phúc khi có được tình thương của ba và của má. Con đã quyết sống trọn vẹn là con của ba má suốt mười bảy năm qua. Giờ đây, trước khi chết, con cũng muốn mình là của mọi người, má à! Tay, chân, mắt, não hay bất cứ bộ phận nào trên người con, mà trao tặng được, con xin má… đồng ý với con nha má!”
Chị thảng thốt nhìn con với thái độ bất ngờ. Nước mắt vẫn còn đọng lại trên khóe mắt của chị. Chị không ngờ Hoàng – con trai mình- đã lớn thật rồi. Chị mỉm cười rồi ôm Hoàng thật chặt.
5.
Tờ ĐƠN HIẾN MÔ, BỘ PHẬN CƠ THỂ Ở NGƯỜI SAU CHẾT/ CHẾT NÃO được đặt trên bàn trước mặt Hoàng và mẹ. Nhân viên hướng dẫn làm hồ sơ giúp giải thích cho Hoàng một lần nữa rất rõ ràng và kỹ lưỡng. Hoàng một tay đặt trên bàn, tay kia ôm vai mẹ, bàn tay siết chặt bả vai. Chị thi thoảng thút thít chứ không khóc lớn tiếng. Hoàng mỉm cười và hạnh phúc khi nghe chị nhân viên đọc tới đoạn:
“Việc tôi tự nguyện đăng ký hiến tặng trên là do sau khi được tìm hiểu, tư vấn về chết não và hiểu rõ ý nghĩa nhân đạo của việc hiến tặng mô, tạng nhằm cứu những người không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Việc đăng ký hiến mô, tạng này không kèm theo bất cứ một yêu cầu hoặc điều kiện nào khác.
Tôi đề nghị Giữ bí mật hoặc Không giữ bí mật danh tính của tôi đối với người nhận mô, tạng và với các cơ quan truyền thông.
Tôi viết đơn này trong trạng thái tinh thần hoàn toàn minh mẫn, tỉnh táo và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam kết của mình.”
Hoàng cầm viết trên tay, mạnh dạn đưa tới phần chữ ký trên tờ đơn. Ký rõ ràng và cẩn thận. Tên cậu hiện rõ lên tờ giấy dưới chữ ký: “NGUYỄN VIỆT HOÀNG”.
Little Stream