Lm. Hoàng Sỹ Quý SJ.
Nếu khoa học viễn tưởng trước đây đã hướng về các hành tinh xa xôi để mơ vọng một giống người khác lạ, thì nay nó lại tô tạo giống người quái dị ấy ngay trên trái đất này, nhưng cả ức triệu năm về sau. Vâng, nếu bảo từ khỉ mà có người, thì sau loài người sẽ là loài gì đây? Hay võ đoán mà bảo : loài người là đỉnh điểm của tiến hóa, khiến tiến tới người rồi thì cũng hết tiến luôn? Câu hỏi hóc búa ấy đòi trả lời cả từ phía khoa học lẫn triết học và thần học. Vậy chúng ta thử nghĩ xem liệu con người còn tiến hóa không, tiến hóa trong giống loại thôi hay vượt giống loại nữa. Và đâu là nền tảng triết lý và khoa học cho những câu trả lời ấy?
Nền tảng sinh vật học
Tự cổ chí kim, con người thường coi mình là giống kép, với cả xác lẫn hồn. Nếu chủ trương người do con vật tiến hóa mà thành, thì cái gốc mà con người luôn phải dựa vào để tồn tại không thể không là thân xác. Vâng, dù với những hành vi tinh thần nhất như suy tư và quyết định, chúng cũng phải làm bằng và nơi thân xác, trong khi mà tiêu hóa và tuần hoàn để sống là việc riêng của thân xác (với các chức năng thực vật) thôi. Bởi thế, nếu có tiến hóa, thì tiến hóa ấy cũng diễn ra ở cơ thể luôn, và đây là tiến hóa sinh vật học. Vâng, dù con người hôm nay thông minh, thì nó cũng phải có dáng dấp tinh thần (văn minh), khác xa thời còn đẽo đá làm công cụ với cái trán thấp, lưng cong và lông lá đầy mình, khá gần với loài khỉ. Vả lại, để tiến hóa thì phải biến dịch, mà biến đổi là việc của vật chất, chứ không của tinh thần thuầu túy. Chính vì thế mà khoa học viễn tưởng, dù nói về con người từ hành tinh khác hay con người tương lai Homo futuris ở hành tinh này, luôn tập trung vào cái đầu to tướng (nhờ suy tư) hay bàn chân móng ngựa (bởi luôn đi giày nên chỉ còn một móng) và làn da trơn bóng.
*
Có điều nếu coi con người xác-thần hai mặt, thì tiến hóa cũng là của hai mặt luôn : con người thông minh hơn thì bộ não cũng phát triển, và khi bộ não phát triển ở các vùng thần kinh thì con người cũng lớn lên về phía tinh thần nữa. Vậy thử hỏi, đổi thay tới mức nào ở cả hai mặt thì sẽ gọi là đổi loài (espèce) đây?
Chỉ biết rằng theo khoa học, đực cái mà khác loài thì không thể sinh con đến thế hệ thứ hai. Vậy giống người thuộc hành tinh khác hay Homo futuris[1] rất có thể không cùng chúng ta hỗ sản (fécondité réciproque) được. Và như thế, họ là giống loài nào đó, chứ không phải giống người này.
Có điều, dù Homo futuris có “ba đầu sáu tay mười hai con mắt” chăng nữa, thì họ vẫn là “con vật có lý tính”, và đây là định nghĩa cổ điển về người, dù loài người mới có thể phối giống sinh con với loài người cũ hay không. Vậy theo tôi nghĩ, thì dù thân xác biến đổi đến đâu, con người vẫn mãi là người, người ở chỗ nó vừa có xác, vừa có khả năng tri thức và quyết định tự do. Thế nghĩa là NGƯỜI-XÁC (người sinh vật học) có thể biến loại, chứ NGƯỜI-NGƯỜI (người sinh nhân học) thì không thay đổi, nghĩa là không tiến hóa đến biến loại nữa. Và chúng ta có thể nói, hằng triệu năm sau có thể có giống người mới, nhưng vẫn thuộc họ (famille) Người với chúng ta!
*
Về tiến hóa, khoa học vẫn chủ trương có hai nguyên nhân chính : Chọn lọc tự nhiên (sélection naturelle) và trượt biến di truyền (dérive génétique).
Chọn lọc tự nhiên là do môi trường. Do sự khắc nghiệt của khí hậu hay sự thiếu thốn thức ăn, mà chỉ những cá thể có sức để đối phó và khả năng thay đổi để thích nghi mới tồn tại nổi, để rồi những đặc tính mới này sẽ truyền lại cho dòng giống. Thế nhưng từ rất lâu nay, loài người đã không còn mấy lệ thuộc môi trường khi mà nó có thể dựng nhà để tránh nắng mưa, chế máy điều hòa để thay đổi nhiệt độ, phát minh canh nông và chăn nuôi để tự cung cấp lấy thức ăn.
Dù sao thì tác động môi trường vẫn còn đó cùng với chọn lọc giao phối (sélection sexuelle) và nhiều yếu tố khác, nên biến đổi tuy bớt nhưng vẫn diễn ra. Ay là chưa nói đến đột biến (mutation) ngẫu nhiên. Quả thế, do ngẫu nhiên mà một gen đột biến (muté) có thể mạnh lên và phổ biến ở một dân tộc, hiện tượng mà di truyền học gọi là “trượt biến di truyền” (dérive génétique). Thật ra, trượt biến di truyền chỉ có thể xảy đến với một nhóm người rất ít và sống rất khép kín. Khi ấy, một đứa bé sinh ra có thể nhận được từ phía cả cha lẫn mẹ hai phiên bản của cùng một gen hay allèle, để rồi đến một thế hệ nào đó, mỗi thành viên trong bộ lạc mấy chục người này có thể mang trong mình tới 90% cặp phiên bản của cùng gen hay allele nói trên, khiến trượt biến di truyền tất phải có[2].
Có điều nên nhớ, từ rất lâu rồi loài người không còn đóng kín trong những bộ lạc nhỏ nữa. Chẳng những họ kết hôn ngoài gia tộc, mà còn ngoài dân tộc và quốc gia luôn. Nói chi với hiện tượng toàn cầu hóa hôm nay, nó khiến cho các loại gen hòa trộn rất nhiều và phổ cập rấr rộng, không thể một gen hay allèle gặp lại chính mình nhiều lần trong cùng một cá thể. Vả lại, có gen thôi chưa đủ, mà gen ấy còn phải hiển tác (expression) nữa thì mới sinh ảnh hưởng được.
*
Nếu ngày nay tác dộng từ ngoài không đủ để biến đổi loài người, thì cũng ngày nay, sự biến đổi ấy lại có thể phát xuất từ chính bên trong chúng ta.
Quả thế, nếu phép lạ của máy tính tùy thuộc vào cả phần cứng (độ tinh xảo cơ khí) lẫn phần mềm (độ khéo léo của lập trình); và cũng thế đối với loài vật với phần cứng là cấu trúc thần kinh hệ và phần mềm là bản năng nó là chương trình chạy trên hệ thần kinh đó; thì nơi loài người ngược lại, chính quyết định và hành động tự do của nó sẽ kết nối lại các nơ ron và cấu trúc mới các vùng thần kinh, trong khi mà các vùng này vẫn cứ để lại đủ giấy trắng cho hành động của chúng ta vạch thêm các chương trình mới, nhờ đó chúng ta mới có tự do, có ngôn ngữ, văn hóa và tiến mãi không ngừng[3].
Càng văn minh, con người càng bớt sử dụng cơ bắp nhưng dùng bộ não để hành động, để tác động ra xung quanh và điều khiển tất cả. Cho nên về lâu về dài, não của chúng ta cứ phát triển thêm mãi ở các vùng thần kinh, trong khi mà chân tay teo đi nếu chúng ta không nhờ thể dục và thể thao bù đắp lại. Ngoài tự do bên trong, con người văn minh cũng có rất nhiều tự do bên ngoài. Vâng, sự o ép bởi các định chế chặt chẽ của thời kỳ bộ lạc và quân chủ đã qua rồi, nên nó có thể làm cái nó muốn, chứ không phải cái mà tù trưởng hay cha mẹ và ông vua muốn thay cho nó, như trong việc lập gia đình chả hạn. Có điều thoát khỏi những kím kẹp nói trên, nó lại sa vào cả một mạng nhện những kìm kẹp tối tinh vi của dư luận và văn hóa. Vâng, càng văn minh thì cái mạng nhện kia cũng càng dày đặc thêm, dù không mấy khi ta cảm nhận thấy. Như thế, tiến hóa của loài người hôm nay là tiến hóa về văn hóa và tiến hóa do tác nhân văn hóa. Văn hóa sẽ biến đổi ta một cách sâu xa, biến đổi từ trong ra ngoài, từ tâm trí ra đến hệ thần kinh và cơ thể nói chung. Lại vì văn hóa biến đổi rất nhanh do hậu quả của tin học, của trào lưu toàn cầu hóa và nhiều yếu tố khác, nên loài người cũng thay đổi rất mau, và nếu ai đó chậm đổi để thích nghi, thì bánh xe văn hóa mới sẽ nghiền nát hắn bằng stress, bằng bệnh tâm thần, ung thư, và biết đâu do đó mà cơ thể cũng quái biến luôn.
Phải chăng biến đổi văn hóa đã là tinh thần biến đổi, để biến đổi thân xác chỉ ăn theo thôi? Thế nhưng biến đổi tinh thần cũng có hai dạng đấy : Biến thành tinh thần lành (thiên thần) và biến thành tinh thần ác (quỷ). Vâng, văn hóa càng cao, thì thánh thiện cũng sâu, mà ác độc cũng tinh vi thêm nữa.
Loài người cũng có thể biến đổi do chính nó trực tiếp, hoặc thông qua môi trường hoặc không qua trung gian nào cả.
Thông qua môi trường khi mà bằng sản xuất và thụ hưởng bất chấp, nó đang hủy hoại môi sinh, đang phá hủy tầng ozone để tia cực tím giết dần sự sống, đang làm trái đất ấm lên để băng tan sẽ nhận chìm hành tinh, đang làm nhiễm độc cả đất, nước và không khí bằng chất thải.
Không qua trung gian là khi, nắm được bản đồ gen, con người bị cám dỗ thay quyền Thiên Chúa mà chế biến chính mình. Một tai nạn về mặt này rất dễ xảy ra, khiến có quái biến. Không chỉ quái biến ở thân xác, như mắt mọc dưới nách và sừng hiện ở hai mông, mà biến ở tâm trí luôn. Nhưng thế nào là một quái biến tâm trí hay tinh thần?
Thật ra, trong bệnh tâm thần đã có quái biến rồi. Đó là khi thay vì ham sống và ham sướng do bản năng tồn sinh, thì người ta lại muốn chết chóc, muốn đau đớn cho xác mình, và đây là bệnh ma dô (masochisme, khuynh hướng khổ thân). Còn muốn đau khổ cho tâm hồn, thì đã có mặc cảm tội lỗi, trong đó đương sự vừa khổ, vừa thích ở lại trong cái khổ do dự dày vò khủng khiếp của mặc cảm ấy.
Quái biến nói trên là của chung cả xác lần thần. Của tinh thần vì nó diễn ra ở tâm trí, của xác vì gốc của nó là bản năng sinh tồn của xác. Nếu coi bản năng của tinh thần là lòng hướng thiện do cảm thức thiện ác, hướng thiêng do cảm thức tục thiêng, hướng chân do khả năng phân biệt giả chân, hướng mỹ do khả năng thẩm mỹ, thì quái biến tinh thần chắc phải diễn ra ở những khuynh hướng ấy. Và đây là lòng đam mê sự tà độc, ma quái, giả dối cũng như sự xấu xí, lệch lạc hay mùi hôi và chát chúa âm thanh.
Quái biến liệu có thể xảy ra do sự biến mất một trong những cảm thức giả chân, thiêng tục, thiện ác, xấu đẹp ấy không. Nếu coi đây là bản năng tinh thần, tức thuộc bản chất của tinh thần, thì không thể có tinh thần nếu không cùng với những bản năng ấy. Có điều bản năng ấy có thể bị suy thoái hay tiềm ẩn đi, y như trí khôn của người nguyên thủy, trẻ sơ sinh và người điên loạn vậy. Cũng có thể, với hệ thần kinh suy thoái nặng, khiến tinh thần không thể vận hành trên đó nữa, thì tinh thần cũng không còn, và sự biến loại sẽ khiến một cá thể từ gen người làm ra sẽ thành khỉ, chứ không thể là người (?).
May thay, những quái biến lớn không thể tràn xa đến cả giống người, khi mà con người nếu biến hẳn thành loài khác sẽ không thể phối giống với chúng ta được, ít là “quái con” do phối giống sinh ra sẽ không thể đẻ tiếp để nhân giống cho mình.
Tiến hóa sinh linh học
Như ai nấy đều rõ, nguyên tắc cơ bản mà khoa học xưa nay dựa vào, đó là :”Bất cứ hiện tượng nào cũng phải do nguyên nhân tương xứng”. Vậy nếu nhìn từ điểm khởi phát là nguyên nhân tương xứng, thì hiệu quả không thể lớn hơn nguyên nhân. Và đó cũng là áp dụng ngạn ngữ quen thuộc :”Không ai cho cái mình không có” (Nemo dat quod non habet). Mà như thế thì không thể có bước nhảy vọt, nghĩa là không có tiến hóa. Thế nhưng từ gần hai trăm năm nay, tiến hóa đã thành chân lý khoa học rồi. Mà không chỉ có tiến hóa trong nội bộ sự sống, mà còn tiến hóa xuyên qua sự sống, từ Quantum sơ thủy đến con người.
Đã có tiến hóa (chứ không biến hóa suông), thì phải có hướng tiến và đích nhắm. Thế mà chỉ tinh thần mới có thể nhắm đích, lại tinh thần ấy cũng không làm gì mà không nhắm đích trước. Ngay tinh thần pha tạp (pha với vật chất) là con người chúng ta còn thế nữa là. Có điều loài người thì yếu đuối, nên đề ra mục đích rồi, nó phải tìm phương tiện để đạt tới, nghĩa là cầu viện đến nguyên nhân, đặt nguyên nhân. Chỉ có Thiên Chúa vốn tinh thần thuần túy và Hữu gốc của mọi hiện hữu, mới có thể sáng tạo đúng nghĩa, nghĩa là Ngài chỉ cần nhắm đích (tức muốn có gì) là có ngay cái mình muốn. Có điều Thiên Chúa đã muốn tạo thế tuần tự, nên Ngài cũng sử dụng nguyên nhân luôn. Nhưng vì Ngài đã từ cái thấp là Quantum sơ thủy tối đơn mà nhắm cái cao dần là phân tử, rồi sự sống, rồi con người, nên luôn có nhảy vọt ở mỗi giai đoạn. Vì mỗi cú nhảy là mỗi cái có thêm, không thể giải thích hết bằng cái có trước, nên sáng tạo là một chuỗi phép lạ kéo dài[4].
Nếu nhìn tiến hóa đến con người và từ con người như thế, thì chúng ta đã rời bỏ địa bàn khoa học mà chuyển sang triết lý và thần lý rồi. Và như thế cũng là rời bỏ mặt sinh vật học của tiến hóa để sang mặt sinh linh học của nó. Vì con người đã tiến hóa từ con vật, nên con người luôn phải là một dưới hai dạng tinh thần và vật chất. Để rồi nếu nó tiếp tục tiến, thì cũng tiến về phía tinh thần, dù cùng với thể xác mà tiến lên. Tiến như thế là bớt dần trọng lực của xác để tăng dần sức mạnh và sự thanh thoáng của tinh thần.
Thế nghĩa là đang đổi dần đầu tầu. Vâng, con người nguyên thủy là con người nặng về xác, nên xác là đầu tầu để kéo gần như toàn con người theo nó. Nay thì con người sống tinh thần là chính, nên tiến của nó là tiến về văn hóa chứ không về sức mạnh cơ bắp nữa. Để thực sự tinh thần trở thành đầu tầu, – mà tinh thần thì tự do và sống nội tâm – , thì con người phải thắng bản năng của thể xác, không để nó khống chế mình như thánh Phaolô than thở :
-“. . . trong tôi không có sự thiện cư ngụ, nên muốn làm thiện thì tôi có thể, chứ thực hiện thì không; bởi lẽ sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, sự ác tôi không muốn tôi lại cứ làm. . ., đó là vì cái tội nó cư ngụ nơi tôi. . .Tôi ưa luật Thiên Chúa ở chỗ tôi là con người nội tâm, nhưng trong mình tôi, tôi phát hiện một thứ luật khác. . .nó khiến tôi thành tù nhân của sự tội. . ., khốn cho tôi biết chừng nào. Ai sẽ giải cứu tôi khỏi thân xác này nó vốn thuộc sự chết?”[5]
Xem ra trong cuộc sống này, biến tinh thần thành đầu tầu được để kéo thân xác theo không thể là việc của cả loài người, nhưng chỉ của một tập thể người làm nên Vương quốc Thiên Chúa, nhờ vào sức mạnh luồng thổi của Tinh thần viết hoa kể từ lúc Ngài quang lâm. Và sự đổi đầu tầu ấy chỉ hoàn tất mai ngày trên thiên quốc, khi mà toa tầu khi ấy là thân xác sẽ dự vào vinh quang và sự tự do, thanh thoáng của tinh thần. Vâng khi ấy, không phải là tinh thần dựa vào thần kinh để tri thức và yêu mến nữa, nhưng là thân xác được dự vào hạnh phúc và hành vi của tinh thần khi tinh thần yêu Chúa và biết Chúa. Không phải biết bằng trí khôn và yêu bằng tình cảm của mình thôi, mà biết chính yếu bằng cái biết trực giác của Thiên Chúa về Ngài và về tất cả, cũng như yêu bằng đức Ai của Ngài hướng về Ba ngôi và về cộng đồng các thánh.
Nếu sự tiến hóa ấy chỉ hoàn thành trên thiên quốc, thì không phải là không có tiến ngay từ đời này. Trái lại, không thể có cuộc khải hoàn trên ấy nếu không do những chiến thắng ở đây. Vâng, giữa hạnh phúc mai sau và những bước đi hiện tại luôn có sự liên tục, liên tục ít là một nửa, với Suối vọt tới hằng sinh (Gio.4.14). Sự liên tục ấy nếu không thấy rõ ở đời này, đó là vì ở đời này, nó chỉ được thấy như qua tấm gương (1Cor.13.12) thôi. Vâng, quả thực chúng ta đang thực hiện dần dần một cuộc đảo ngược để biến tinh thần thành đầu tầu.
Lại nữa, nếu vật chất hôm nay là vật chất phức tạp và phức đa, khiến mọi thân xác chia cách nhau do sự chia cách vật chất ấy, thì mai ngày ở cuộc sống bên kia, vật chất sẽ thành đơn nhất như Quantum sơ thủy, để mỗi tinh thần tùy theo sự độc đáo và mức thánh thiện của mình sẽ đến mô thức hóa (informer) cái vật chất Một (Unum) kia thành thân xác của mình, để thân xác không còn là nền tảng chia cách chúng ta, nhưng hợp nhất chúng ta. Thân xác “ăn theo” tinh thần ấy cũng được thần khí hóa bởi Chúa Thánh Thần để thành thân xác gần như có thần (khí) tính (sôma pneumatikon) (1 Cor.15.44) nữa, nhờ đó thoát được vòng cương tỏa của hệ thời-không gian (continuum espace-temps).
[1] Chỉ tiến hóa vĩ mô mới khai sinh loài mới, nhưng chỉ 1/1000 loài cũ biến loại thôi, khiến loài cũ và loài mới vẫn đồng tồn tại bên nhau. (Xx. Hoành sơn, Tín lý tinh yếu, Nhà xuất bản tp. HCM, 1996, tr. 21tt.
[2] Xx. Science et vie, janv. 2004, tr. 36.
[3] Xx. Hoành sơn, Con người (sắp xuất bản), tr. 20tt.
[4] Xx. Hoành sơn, Một tạo trhế quan mới. . ., CGDT nguyệt san số 87, tr.29tt.
[5] Rom.7-18-24.