Một phẩm chất quan trọng khác khi nhìn vào đời sống nội tâm của nhà lãnh đạo là tính khiêm nhường. Khi đối diện với một hoàng cảnh thì đa số chúng ta chấp nhận chỉ sống ở mức tồn tại thôi thì Đa-ni-en lại vươn tới nơi của quyền lực và tầm ảnh hưởng. Dưới sự lãnh đạo của Đa-ni-en thì triều đại của vua rất thịnh vượng và ông ấy còn đưa ra những tư vấn và hướng dẫn cho nhà vua. Tuy vậy, dù với vị thế đó Đa-ni-en vẫn giữ tâm thế là tôi tớ khiêm nhường của Thiên Chúa. Rất nhiều lần, đáng ra ông ấy đã có thể tự đề cao mình, nhưng ông ấy lại dâng hết những vinh quang đó cho Chúa.
Ông Ða-ni-en đáp lời vua và nói: “Ðiều bí nhiệm mà đức vua hỏi thì các nhà thông thái, các pháp sư, các thầy phù thủy và các thầy bói không thể nào trình bày cho đức vua được. Nhưng có Ðức Chúa Trời là Ðấng mặc khải những điều bí nhiệm, chính Người cho đức vua Na-bu-cô-đô-nô-xo biết điều gì sẽ xảy ra sau này. Ðang khi nằm trên giường, ngài đã chiêm bao và thấy trong đầu như thế này: Tâu đức vua, khi nằm trên giường, ngài đã để trí suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra sau này; và Ðấng mặc khải các điều bí nhiệm đã cho ngài biết điều gì sẽ xảy ra. Còn thần đây, dù chẳng thông thái hơn ai, nhưng điều bí nhiệm này đã được mặc khải cho thần, để thần trình bày cho đức vua lời giải nghĩa, ngõ hầu đức vua biết những ý nghĩ trong lòng đức vua. (Đn 2:27-30)
Tinh thần khiêm nhường là một phẩm chất của người được Thiên Chúa sử dụng. Thiên Chúa cần phẩm chất đó nơi các tôi tớ của Ngài. “Ta là Ðức Chúa, đó là danh Ta. Vinh quang của Ta, Ta không nhường cho ai khác; lời tán tụng dành cho Ta, Ta không để các tượng thần tước đoạt.” (Is 42:8). Khi dân của Ngài đi trệch khỏi quỹ đạo của tính khiêm nhường và trở nên tự kiêu thì Thiên Chúa có cách đưa họ trở lại đường ngay nẻo chính.
Một kỳ hè kia tôi hân hạnh thăm một vùng truyền giáo nọ. Một trong những nhà truyền giáo ở đó kể tôi nghe một câu chuyện thú vị.
Có vẻ như khi ông ấy ra đi truyền giáo ông ấy coi mình là món quà của Thiên Chúa gởi đến thế giới và đất nước mà ông đến. Thái độ cơ bản của ông ta là “Hãy đợi tôi tới. Tôi sẽ chỉ dẫn mọi người. Khi tôi tới nơi tôi sẽ uống nắn mọi người và làm cho chương trình truyền giáo triển nở”. Với thái độ đó ông ấy tới nơi và làm việc.
Không cần phải nói, với thái độ đó ông ta không được anh em trong cộng đoàn yêu mến. Họ thấy nơi ông tính tự kiêu và họ không hợp tác với ông. Tệ hơn nữa, Thiên Chúa nhận ra điều đó và đã khiến cho những nỗ lực của ông không đem lại hoa trái gì. Chẳng đạt được điều gì tốt đẹp nào. Tất cả những hoạch định của ông ta đều tiêu tan. Kinh Thánh nói,
Cũng vậy, những người trẻ hãy vâng phục các kỳ mục: anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để người cất nhắc anh em khi đến thời người đã định (1 Pr 5:5-6)
Thiên Chúa lên án chứ không chúc phúc cho tính tự kiêu và một khi Ngài lên án thì Ngài cũng rất quyết liệt. Khỏi phải nói, nhà truyền giáo đó đã đánh mất chính mình.
Tuy vậy câu chuyện kết thúc có hậu. Ông ấy nhận ra lỗi phạm của mình và ăn năn hối lỗi và bắt đầu bước đi trong khiêm nhường với Chúa. Và cuộc đời ông ta được chúc phúc. “Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào Ðức Chúa đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn.” (Mk 6:8).
Nhiều đoạn Kinh Thánh cũng nói đến điều này. Sau đây là một số đoạn điển hình:
Cn 6:16-17: “Có sáu điều làm Ðức Chúa gớm ghét, có bảy điều khiến Người ghê tởm: mắt kiêu kỳ, lưỡi điêu ngoa, tay đổ máu người vô tội” Hãy lưu ý từ đứng trước danh sách các điều!
Cn 8:13: “Kính sợ Ðức Chúa là gớm ghét điều dữ. Thói kiêu căng ngạo mạn, và lối sống bất lương cũng như những lời gian manh, tráo trở, đó là những điều ta chê ghét.” Hãy lưu ý từ đầu đoạn Kinh Thánh.
Tại sao Thiên Chúa lại chống lại tính tự kiêu quyết liệt như vậy? Đó phải chăng chỉ là những hướng dẫn vô nghĩa mà Ngài trao ban? Không, tất nhiên không phải vậy. Với tất cả những Lời trong Kinh Thánh thì một khi Thiên Chúa cố gắng hướng chúng ta đến với chuẩn mực của Ngài thì cũng chỉ vì muốn chúng ta hạnh phúc mà thôi. Phương cách để có được cuộc sống tràn đầy và hạnh phúc là không nhìn vào bản thân, mà sống cho người khác. Các nhà lãnh đạo chỉ thăng tiến khi họ bước đi trong tinh thần đó. Tính tự kiêu là một trong những công cụ hữu hiệu mà sự dữ khiến chúng ta qui chiếu về bản thân và không quan tâm người khác.
Khi bạn qui chiếu về bản thân thì bạn không còn để ý đến những nhu cầu của người khác nữa. Bạn thấy bản thân mình trải qua một cuộc sống toàn là làm cho người khác đau lòng, xúc phạm người khác, sử dụng người khác, lạm dụng người khác, mà thậm chí bản thân còn không biết mình đang làm như vậy. Tôi đã quan sát khía cạnh này trong đời sống của những người đảm nhận vai trò lãnh đạo, thật là đau buồn nhìn thấy sự xuống dốc về chiều kích thiêng liêng của họ.
Pl 2:3-4: “Ðừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.”
Đời sống của Út-di-gia-hu, một vị vua của dân Giu-đa, là một ví dụ rõ nét về tác hại của tính tự kiêu. “Vua được mười sáu tuổi khi lên ngôi và trị vì năm mươi hai năm ở Giê-ru-sa-lem. Mẹ vua tên là Giơ-khôn-gia-hu, người Giê-ru-sa-lem.” (2 Sb 26:3). Ban đầu nhà vua có thái độ rất tốt lành. “Vua đã tìm kiếm Thiên Chúa suốt thời ông Dơ-khác-gia-hu, người đã dạy cho vua biết kính sợ Thiên Chúa. Bao lâu vua tìm kiếm Ðức Chúa, thì Thiên Chúa cho vua được thành công.” (2 Sb 26:5). Nhà vua trở thành nổi tiếng và rất thành công. “Người Am-mon đã triều cống vua Út-di-gia-hu; danh tiếng vua vang đến tận ranh giới Ai-cập, vì uy lực của vua đã đạt tới cao độ.” (2 Sb 26:8). Nhà vua xây dựng lực lượng quân sự hùng mạnh, và được Chúa chúc phúc.
Thế mà sự xa ngã lại ập đến. “Nhưng hùng mạnh rồi, vua sinh lòng tự cao tự đại đến nỗi ra hư hỏng. Vua xúc phạm đến Ðức Chúa, Thiên Chúa của vua, vì đã cả gan vào Ðền Thờ của Ðức Chúa đốt hương trên bàn thờ dâng hương” (2 Sb 26:16). Do đâu mà nhà vua ra nông nổi vậy? Nhà vua đã ngủ quên trên chiến thắng. Nhà vua trở nên tự kiêu. Thiên Chúa trừng phạt khiến ông mắc bệnh cùi.
Các nhà lãnh đạo phải vạch ra và truyền đạt mục tiêu của mình và sau đó xác định đường hướng để đạt được những mục tiêu đó. Tính tự kiêu chính là kẻ thù lớn nhất của các nhà lãnh đạo ngay tại điểm kết nối đó. Một khi ai đó đầy tính tự kiêu thì họ không thể nhận ra con đường tốt nhất để đạt đến mục đích của họ, vì họ chỉ nhìn thấy điều gì đã đem lại danh lợi và sự ca ngợi cho họ. Đôi khi tính tự kiêu che mắt các nhà lãnh đạo, khiến họ không thể thấy con đường tốt nhất. Họ khước từ việc phân định. Họ chỉ thấy những gì tính tự kiêu thúc đẩy họ nhìn mà thôi. Và thế là kết cục bi đát xảy đến.
Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo đã xa ngã vì điều đó. “Nhưng khi trở nên tự cao tự đại và sinh lòng kiêu căng quá mức, người đã bị truất ngôi và mất hết vinh dự.” (Đn 5:20).
Trái lại, tiên tri Isaia mô tả hình ảnh con người được Thiên Chúa sử dụng thì như thế này: Ðức Chúa phán thế này: “Trời là ngai của Ta, và đất là bệ dưới chân Ta. Các ngươi sẽ xây cho Ta nhà nào, và nơi nào sẽ là chốn Ta nghỉ ngơi? Tất cả những vật ấy, chính tay Ta đã làm. Tất cả những vật ấy đều là của Ta – sấm ngôn của Ðức Chúa. Kẻ được Ta đoái nhìn: đó là người nghèo khổ, người có tâm hồn tan nát, người nghe lời Ta mà run sợ.” (Is 66:1-2).
Tôi đã từng nghe Billy Graham chia sẻ trong nhiều sự kiện rằng ông dâng cho Chúa tất cả những vinh quang từ những gì mà sứ vụ tông đồ của ông gặt hái được. Ông còn nhấn mạnh rằng một khi ông giữ những vinh quang đó cho riêng mình thì coi như ông đánh mất tất cả.
Vì vậy tính tự kiêu dẫn đưa các nhà lãnh đạo đến hồi kết thúc. Đối với Thiên Chúa thì điều đó sẽ phá huỷ hiệu quả công việc của họ vì nó sẽ phát tán hai căn bệnh hiểm nghèo vào tâm hồn. Một là sự dốt nát. Tính tự kiêu khiến cho con người trở nên tự mãn và không thể học hỏi thêm gì được nữa. Nó khiến cho họ không thể nhận ra nhu cầu của mình nữa. Nó khiến cho họ bỏ ngoài tai những lời khuyên, tư vấn tốt lành của người khác.
Qua Kinh Thánh Thiên Chúa hướng chúng ta đến những giá trị lớn lao của những lời khuyên. “Thiếu bàn bạc, chương trình đổ vỡ, nhiều cố vấn, ắt sẽ thành công” (Cn 15:22).
Vì vậy những lời khuyên thiêng liêng chính là sự quan tâm của Thiên Chúa nhắn nhủ đến con tim chúng ta. Những lời khuyên đó là những gì tốt đẹp nhất cho vương quốc của Thiên Chúa. Nhiều người chỉ tìm kiếm những lời khuyên từ những ai đồng thuận với họ; có những người khác thì không quan tâm đến lời khuyên vì họ không thể tìm ra những lời khuyên nào mà không thiêng vị. Thậm chí những lời khuyên từ những người rất yêu mến bạn và hết mực vì lợi ích của bạn vẫn có thể dẫn bạn đến những kết cục không tốt.
Tôi còn nhớ có lần tôi trao đổi với G. Christian Weiss, một nhà truyền giáo được nhiều người kính trọng. Ông ấy bảo tôi là nếu ông ấy nghe lời khuyên của bạn bè và họ hàng thì có lẽ ông ấy đã không đến được vùng truyền giáo. Họ cảm thấy việc ông đi truyền giáo chẳng khác nào là ông từ bỏ cuộc sống của mình. Họ yêu mến ông và quan tâm đến lợi ích của ông đấy chứ.
Các nhà lãnh đạo cần phải chuẩn bị trước những điều này khi họ cho hay nhận lời khuyên. Họ phải là người dễ học hỏi chứ không phải dễ tin. Họ phải suy xét lời khuyên dưới ánh sáng Kinh Thánh và lợi ích của vương quốc của Chúa. Họ phải giữ tấm lòng rộng mở và sẵn lòng hướng dẫn người khác. “Thiếu lãnh đạo, dân tộc bị sụp đổ, nhiều cố vấn, đất nước được an ninh” (Cn 11:14).
Căn bệnh thứ hai do tính tự kiêu gây ra là sự bất an. Các nhà lãnh đạo mà chỉ qui chiếu về bản thân thì lo lắng một cách thái quá về việc họ trông ra sao trong mắt người khác. Họ thường xuyên dùng thành tích của người khác là thước đo cho mình. Lời Chúa chỉ rõ đó là cách làm ngu xuẩn, thiếu khôn ngoan. “Thật ra, chúng tôi đâu dám cho mình ngang hàng hay so sánh mình với những kẻ tự cao tự đại kia. Nhưng khi họ lấy mình làm tiêu chuẩn để tự đánh giá và so sánh, thì họ không được khôn” (2 Cr 10:12).
Thay vì cậy dựa vào sự hiểu biết đã được Thiên Chúa ban cho là “Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn” (1 Cr 12:18), những nhà lãnh đạo với sự bất an luôn lo lắng xem người khác nghĩ gì về họ. Điều này khiến cho họ kém hiệu quả hơn trong công việc vì mắt họ không còn nhìn đến những mục tiêu nữa. Những đồng nghiệp của họ trở thành mối đe doạ hơn là sự trợ giúp.
Hai thái cực có thể xảy đến. Hoặc là sẽ cố gây ấn tượng với người khác bằng những kế hoạch hay chương trình đầy tham vọng nhằm “chứng tỏ cho người khác thấy điều họ có thể làm,” hoặc là họ rút lui, chẳng làm gì cả. Nếu họ triển khai một chương trình lớn, thì dường như họ thực hiện với một nhiệt huyết cao độ, nhưng rồi cuối cùng lại thất bại. Tôi nhớ đã từng quan sát một người làm như vậy với một kết quả thảm hại. Chẳng kháo nào đang quan sát một nhà máy khổng lồ đang chạy hết công suất. Bụi bay mịt mù, máy mọc chạy ầm ầm, công nhân thì bận rộn, nhưng dây chuyền lắp ráp chẳng cho ra một sản phẩm nào. Sự bất an của các nhà lãnh đạo khiến họ chỉ tập trung vào quản bá sự náo động của những hoạt động, nhưng thiếu ơn lành của Chúa.
Tất nhiên thái cực kia là nỗi lo sợ thất bại đến nỗi khiến cho mọi sự án binh bất động. Thay vì thừa nhận điểm yếu của mình và bước đi trong niềm tin thì họ lại chẳng làm gì cả. Thánh Phaolô Tông Đồ nhận ra yếu điểm của mình, nhưng với thái độ đúng đắn thì ngài lại nhận thấy đó lại là một tài sản quý giá cho sứ vụ của Đức Kitô: “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ở mãi trong tôi.” (2 Cr 12:8-9). Một tinh thần khiêm nhường trong đời sống của nhà lãnh đạo chính là nguồn lực quyền năng trong tay Thiên CHúa Toàn Năng.
Làm thế nào để nhà lãnh đạo duy trì được tinh thần khiêm nhường trước mặt Chúa? Tất nhiên, có nhiều yếu tố, nhưng có một yếu tố nỗi trội nhất. Để có thể bước đi trong khiêm cung trước mặt Chúa, nhà lãnh đạo cần phải sống một đời sống của sự tôn vinh đích thật. Trên thiêng quốc các Con Vật quanh ngai Thiên Chúa ngày đêm không ngừng hô lên “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Ðức Chúa, Thiên Chúa toàn năng” (Kh 4:8). Nếu các nhà lãnh đạo sống trong tinh thần tôn vinh đó, thì họ sẽ được nhắc nhở về những yếu đuối và tội lỗi của mình. Nhưng sự nhắc nhở đó không xuất phát từ đời sống nội tâm không tốt lành, mà đến từ con tim tràn đầy sự tôn vinh dành cho Thiên Chúa vì sự thánh thiện và quyền năng của Ngài. Đáp lại Thiên Chúa có thể sử dụng điều đó để dẫn họ đi trong đức tin và niềm phó thác vào lời hứa, “Với Ðấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết.” (Pl 4:13)