Kinh nghiệm mà mỗi người kitô hữu cần có là kinh nghiệm cảm nhận được Chúa kề bên ngay trong những đau thương mất mát; con đường của người có niềm tin phải luôn là con đường của hy
Trong đau khổ lại chứa mầm hy vọng
Lửa mới
Đau khổ là một thực tại khó có thể diễn tả hết bằng lời. Phần lớn chúng ta khi đối diện với đau khổ đều chỉ cảm thấy nỗi đau và nước mắt. Ấy vậy mà, đối với Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, mỗi chặng đường gian khổ lại là mỗi chặng đường hân hoan. Ngang qua những gian nan mà ngài phải nếm trải nhất là trong gian đoạn ở tù, chúng ta lại nhận ra rằng ngài là một anh hùng về niềm tin và hy vọng. Chúng ta sẽ không nhắc lại nhiều về đời sống của Hồng Y Thuận ở đây, nhưng với ước mong khi nhìn lại những kinh nghiệm gian khổ đầy phi thường của ngài lại có thể chiếu rọi một tia sáng nào đó vào bóng tối vô vọng nơi cuộc sống chúng ta hôm nay.
Trước hết, một phương châm sống của Đức cha Thuận (lúc này ngài đang là Giám mục) không thể không nói đến đó là “sống tích cực trong giây phút hiện tại”. Quả là khó khi áp dụng điều này trong đời thường thế mà Đức cha Thuận lại muốn sống phương châm này ngay trong cảnh ‘vào tù ra khám’. Vào thời gian đó, quả thật ngài không thể giúp gì cho Giáo Hội, nhưng ngài lại rất muốn sống cuộc sống ngài một cách tích cực bao nhiêu có thể. Ngài luôn kết hợp với Chúa và muốn thể hiện lòng mến Chúa ngay trong những khả năng hạn hẹp của mình. Ngài không chỉ chu toàn cách tốt nhất những bổn phận của mình mà còn giúp đỡ cho những bạn tù khác nữa. Ngài cảm hóa và dần dần biến đổi đời sống họ. Ngay cả người cai tù cũng phải nể và ‘chịu thua’ về thái độ sống, lòng tốt và cách thể hiện tình yêu thương của ngài. Ngài luôn tin rằng tình yêu thương có thể chinh phục được mọi sự ngay cả những gì cứng cỏi nhất. Bên cạnh đó, ngài còn cố gắng bí mật viết ra những suy nghĩ, những kinh nghiệm nơi nội tâm sâu xa của mình trên những tờ giấy lịch tường để gửi tới an ủi cộng đoàn dân Chúa. Về sau, những bài viết này được thu thập lại thành một tập sách khá nổi tiếng có tên là “Đường Hy Vọng”. Dường như giây phút hiện tại lại quyết định tất cả và đó phải là giây phút đẹp nhất! Cuộc sống được hình thành từ những giây phút hiện tại cũng như việc chấm những chấm nhỏ để tạo nên đường thẳng. Mỗi chấm của hiện tại nếu được cẩn thận trau chuốt bởi những việc tốt sẽ tạo nên đường thẳng của lối sống đẹp và đường đó phải là ‘Đường Hy Vọng’.
Không những thế, kinh nghiệm nơi những ngày tháng gian khổ cũng mang lại cho Đức cha Thuận những bài học quý giá. Chúng ta không thể tưởng tượng nổi những khó khăn mà ngài phải chịu. Những vất vả nơi chốn lao tù đã thử thách ngài hết sức nghiệt ngã. Mười ba năm ở tù trong đó hết chín năm bị biệt giam quả thật không đơn giản chút nào. Cảnh tượng nơi các xà lim thật hãi hùng: nóng bức, tối tăm, tù túng, ngột ngạt, không chút tương lai, cùng đường hy vọng… Nhiều lần, ngài cảm thấy hoàn toàn thất vọng và như bị bỏ rơi, ngay cả đối với Thiên Chúa. Ngài quá đuối sức đến nổi không thể đọc hết một Kinh Kính Mừng… Trải nghiệm về những đau đớn như thế đã tôi luyện ngài rất nhiều. Điều kỳ lạ là ngài lại muốn được chịu đau khổ hơn nữa, không phải bởi vì ngài thích điều đó nhưng chính qua những đau khổ như thế làm tăng thêm cho ngài khả năng thấu cảm và giúp đỡ nhiều hơn cho những yếu đuối của người khác. Qua chia sẻ của ngài, người ta nghe được một câu nói đầy an ủi rằng: “Đau khổ quả là gánh nặng nếu chúng ta sợ nó và cố gắng để tránh né. Nhưng, đau khổ sẽ là một kinh nghiệm ngọt ngào nếu ta chấp nhận nó với lòng can đảm.” Nghĩ thế, ngài cảm thấy tự do và bình tâm hơn vào thời gian đó. Ngài không muốn bám víu lấy quá khứ, cũng không muốn phàn nàn và than vãn hiện tại nhưng luôn hướng nhìn đến tương lại cách tích cực.
Hơn nữa, kinh nghiệm đáng chú ý nhất của Đức cha Thuận chính là kinh nghiệm về niềm tin và hy vọng. Sống trong cảnh tù túng, ngài đôi lúc cảm thấy lo âu và buồn phiền vì sự vô dụng của mình. Thế nhưng, hình ảnh của Chúa Giêsu trên Thánh giá đã giúp ngài phân biệt ‘đâu là việc của Chúa và đâu là việc của ngài làm cho Chúa’. Từ đó, ngài phó thác hoàn toàn trong tay Chúa. Ngài chia sẻ rằng mặc dù ta luôn cảm thấy chỉ sống trong đau khổ và thất vọng nhưng thật ra Thiên Chúa luôn ở với ta. Những lúc như vậy, sự buồn phiền, thất vọng sẽ tan biến và phải nhường chỗ cho niềm vui và hy vọng. Chính những kinh nghiệm có vẻ là đau khổ như thế lại trở nên những lò nung tôi luyện đức tin ngài nên sắc bén và vững chắc. Về sau, sau khi ‘rời khỏi’ Việt Nam, ngài dường như mất hết tất cả: mất bạn bè, xa cách những người thân, bỏ lại Giáo phận mà ngài hết sức yêu mến… Ít ai ngờ rằng, nhờ qua những chia ly, mất mát tạm thời như thế về sau ngài lại trở nên người của Giáo hội toàn cầu, trở nên một sứ giả của công lý và hòa bình, một chứng nhân của niềm tin và hy vọng cho tất cả mọi người trên toàn thế giới. Càng phải nói thêm rằng căn bệnh ung thư vào cuối đời ngài cũng không thể dập tắt đi niềm vui và óc hài hước của ngài. Khi nằm trên giường bệnh, có lần ngài nói một cách dí dỏm “công việc cuối cùng của đời ngài là đón nhận căn bệnh này bằng một nụ cười!”
Nhìn lại cuộc đời của Đức Hồng Y Thuận quả thật không khỏi làm chúng ta ngạc nhiên và sửng sốt về những việc Chúa làm. Những nghèo nàn nơi những khó khăn và gian khổ mà Đức cha Thuận trải qua lại làm cho ngài trở nên một người giàu có: giàu về đời sống nội tâm, giàu về những trải nghiệm của kiếp người, và nhất là ngài giàu “Chúa”, giàu kinh nghiệm về Chúa. ‘Cửa chính có thể bị đóng lại để vô vàn các cửa sổ được mở ra!’. Bởi thế, kinh nghiệm mà mỗi người kitô hữu cần có là kinh nghiệm cảm nhận được Chúa kề bên ngay trong những đau thương mất mát; con đường của người có niềm tin phải luôn là con đường của hy vọng, vui tươi ngay trong nghịch cảnh. Đau khổ lớn nhất là đau khổ không có Chúa, đau khổ không có hy vọng. Thiên Chúa sẽ chẳng bao giờ để ta thất vọng khi ta đặt hết niềm tín thác vào sự quan phòng và nhân hậu của ngài.
“Phúc cho ai than khóc, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an… Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ”. (Mt 5: 4,10).