“… tôi nhớ tuổi thơ của mình, đồng thời nhớ …., nhớ bao nhiêu chuyện, kỷ niệm êm đềm.
Cái gì đẹp đẽ đã trôi qua, mất hết rồi, tôi không dám nhớ tới tuổi thơ nữa, vì nó đã không còn. … tôi mới ghi lại những kỷ niệm, ký ức của mình; để những cái đã mất trong cuộc đời được tái hiện, sống lại trong trang sách. Đó là cách tôi níu kéo tuổi thơ của mình.”
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tái hiện lại tuổi thơ trong những trang sách, vì đối với ông “khi người ta lớn lên, niềm vui và nỗi buồn cũng lớn lên theo”.
Thật vậy, trở về với tuổi thơ theo thời gian và không gian là điều không tưởng đối với người lớn. Tuy nhiên, mỗi Ki-tô hữu đều biết rằng, Đức Giê-su luôn mời gọi mỗi người hãy “nên như trẻ thơ” (Mt 18,3). Đó không chỉ là lời mời gọi hoán cải, biến đổi tâm hồn nên trong sáng, hồn nhiên và hiền lành mà còn là lời nhắc nhở rằng việc trở nên trẻ thơ là luôn ý thức mình đang sống trong tương quan. Trẻ nhỏ không thể sống một mình, chúng cần đến Cha Mẹ. Tương quan với người Cha người Mẹ ở đây chính là mối tương quan với Thiên Chúa. Trong mối tương quan ấy, Ki-tô hữu luôn lấy Thiên Chúa là cùng đích để hướng về, là chỗ nương tựa vững bền và duy nhất như trẻ thơ vẫn luôn cậy dựa vào bố mẹ.
Đang khi đến ngày Tết Trung Thu, trông những chiếc bánh xinh xinh “nhìn thì đẹp, ăn thì ngon”, ngắm nghía cái lồng đèn, con lân nhiều màu nhiều sắc, ngước mắt nhìn lên ánh trăng ngà tìm xem chị Hằng chú Cuội đang làm gì thì không ít người lớn đang cảm thấy lòng mình nao nao. Vâng, không nhiều thì ít, mỗi người vẫn có những hoài niệm về tuổi thơ, nhưng hơn hết, một “hoài niệm” mà mỗi Ki-tô hữu luôn được mời gọi là “hãy nên như trẻ thơ” chứ không “níu kéo tuổi thơ”.
Minh Thiện, S.J.